Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/09/2007 16:10 (GMT+7)

Hà Văn Tấn và hành trình theo dấu văn hoá

Ở những giai đoạn nhiều biến đổi của đất nước thường có những trí tuệ chín sớm. Hơn nữa, trong học hành thi cử, Việt Nam có truyền thống thần đồng. Được học với và sau đó là làm việc cùng những người thầy như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Cao Xuân Huy… là một cái may của Hà Văn Tấn. Nhưng không may là sau đó ít lâu các vị này đều phải đi khỏi trường. Thế là thế hệ sử học đầu tiên của chế độ mới, Lâm Lê Tấn Vượng, bị/được làm những trụ cột. Cái không may bắt đầu lại trở thành cái may. Bị đẩy xuống nước, các ông buộc phải bơi. Và đã bơi được. Thậm chí còn bơi đẹp. Thế là từ đây, Hà Văn Tấn bắt đầu một hành trình không mệt mỏi là học - dạy - học - dạy đan xen nhau.

Từ vốn tri thức được học 9+2 (như Hà Văn Tấn vẫn thường tự trào mình và, có lẽ, qua đó để tiếu người) đến một nhà bác học quảng vấn, chỉ có một con đường là tự học (Thực ra, có ai không tự học mà trở thành học giả dẫu rằng có vô số người chỉ đi học thôi cũng đã thành học giả?). Người thầy trực tiếp của Hà Văn Tấn, bởi ngay cả sau khi ở lại trường ông lại may mắn được về tổ cổ sử của thầy, học giả Đào Duy Anh, là một tấm gương đại của tự học. Tự học, trước hết phải có nhu cầu làm động lực. Có nhu cầu vô hình như lòng ham hiểu biết, yêu tri thức, nhưng cũng có nhu cầu cụ thể hơn, sát sườn hơn: học để dạy. Người Việt mình, tôi nghĩ, thiên về những lý do thực tế sau. Hà Văn Tấn không chỉ ham học mà còn biết học. Mà tự học, quan trọng hơn cả, là đọc sách. Tuy nhiên, để đọc được sách (và có sách để đọc) phải giỏi về ngôn ngữ. Nắm được tiếng Việt đã đành, còn phải biết ngoại ngữ nữa (điều mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, thời là Viện trưởng Viện Mỹ thuật, gọi là có chữ!).

Hà Văn Tấn đã bắt đầu từ chỗ bắt đầu ấy. Ông học tiếng Việt, đọc các sách viết về ngữ âm, ngữ pháp và đặc biệt tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tiếng Việt. Với ông, tiếng Việt không chỉ là công cụ tư duy, phương tiện biểu đạt, mà còn là một nguồn sử liệu dưới dạng trầm tích. Mặc dù giỏi ngôn ngữ đến mức trở thành hội viên Hội Ngôn ngữ Việt Nam và, quan trọng hơn, được Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học tài ba, rủ cùng làm ngôn ngữ học, Hà Văn Tấn trước sau vẫn chỉ coi ngôn ngữ là chiếc chìa khóa giúp ông mở vào toà lâu đài sử học. Ông tiếp tục học chữ Hán, thứ chữ "gia học" ấy, và tiếng Anh, tiếng Pháp vốn chỉ được học qua thời trung học. Ông học thêm tiếng Nga, tiếng Đức (để đọc sách phe XHCN lấy quan điểm lập trường như phần đông các nhà nghiên cứu bấy giờ?). Rồi tiếng Nhật. Về sau, theo lời Đào Duy Anh bảo muốn hiểu văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, Hà Văn Tấn lại lao vào học tiếng Phạn, một thứ tử ngữ rất hóc. Thời ấy, học ngoại ngữ cực kỳ khó khăn, đến giáo trình cũng khan hiếm, phải qua các ngữ trung gian. Ví như, học tiếng Nga qua tiếng Pháp, tiếng Đức và Nhật qua tiếng Nga, tiếng Phạn qua tiếng Đức…, nên người học phải biết vượt qua những "khúc xạ" do sự trung chuyển (như người Nga cho tiếng Nhật cũng có "cách" như tiếng mình!). Thuật học của Hà Văn Tấn là đọc trực tiếp các tác phẩm nguyên ngữ sau khi đã có một vốn nhất định. Hơn nữa, cũng phải nói rằng, ngoài việc bấy giờ Hà Văn Tấn "còn rất trẻ nên rất tham lam, muốn học rất nhiều", thì trời cũng còn phú cho ông một năng khiếu ngoại ngữ biểu hiện ở cái tư duy đặc trưng của nó và một trí nhớ tuyệt luân.

Có thể nói, ngoại ngữ đã giúp Hà Văn Tấn rất nhiều trên hành trình khoa học của ông. Tác phẩm đầu tiên mà thầy Đào giao cho Hà Văn Tấn làm là hiệu đính Dư địa chí của Nguyễn Trãi do cụ cử Phan Duy Tiếp dịch. Để làm được điều đó, Hà Văn Tấn đã phải tham khảo rất nhiều sách chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc, làm quen với địa lý học lịch sử. Sự hăng hái thái quá đôi khi khiến ông cãi lại thầy để được mắng là "ngựa non háu đá". Hẳn vì thế mà khi được in ra, cuốn sách đã để lại ấn tượng kinh ngạc của nhiều thế hệ bạn đọc. "Ngày ấy… chưa biết ông Tấn, cho nên tôi (nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc-ĐLT) cứ ngỡ đây là (sách của một - ĐLT) vị túc nho, một cụ cử cụ tú già, thông kim bác cổ. Ai ngờ đó lại là một chàng trai khi soạn Chú dẫn chỉ mới 21 tuổi! Phải nói hơi kỹ về Chú dẫn mà tôi rất khâm phục này: tiếng là chú thích, dẫn giải nhưng dài gấp bốn lần chính văn (115/38 trang - ĐLT). Thực ra, 115 trang này đích thị là một cuốn địa lý lịch sử khảo về duyên cách, núi sông… Việt Nam từ cổ đại đến thế kỷ XV, công phu và uyên bác. Để làm công việc này, một công việc mà trước đó chưa ai làm, tác giả đã dẫn dụng tới 30 bộ sách của các tác giả Trung Quốc và 16 bộ sách Việt Nam! Tất cả dĩ nhiên đọc trực tiếp từ nguyên văn chữ Hán".

Sau khi Đào Duy Anh đi khỏi trường, Hà Văn Tấn được giao dạy sử Việt Nam từ cổ điển đến hết Hồ. Và, do vậy, được phân cùng Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam và tập 1 Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Qua việc viết hai tập sách này, Hà Văn Tấn thấy hứng thú với các vấn đề tiền sử Việt Nam và các vấn đề giai đoạn từ đầu tự chủ đến cuối Trần. Có thể nói, định hướng của toàn bộ cuộc đời khoa học của ông đã được xác định. Sự sớm định hướng này, tôi nghĩ, cũng là một bản lĩnh của Hà Văn Tấn. Không như phần đông các nhà nghiên cứu hoặc khi tìm được định hướng khoa học thì quỹ thời gian đã cạn, hoặc cứ để cho con thuyền khoa học của mình trôi dạt từ bờ này sang bến khác để đến cuối đời vẫn chưa tìm được chỗ thả neo.

Năm 1960, Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội mời GS, TS P.I.Boriskovsky ở Đại học Leningrad sang giúp Việt Nam xây dựng ngành khảo cổ học. Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng được đi theo "Cụ Bô" trong các chuyến điều tra khảo cổ học để học hỏi. Các ông không chỉ làm quen với các di tích người Pháp đã phát hiện của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn, mà còn tự mình có những phát hiện mới. Như việc khai quật di chỉ Thiệu Dương mà Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng tìm thấy mấy năm trước khi các ông lang thang theo dọc triền sông Mã. Việc phát hiện xưởng chế tác Đông Khối và địa điểm Núi Đọ được coi là sơ kỳ đá cũ. Là một chuyên gia về đá cũ, cụ bô Boriskovsky hẳn đã có ảnh hưởng nhiều đến Hà Văn Tấn về đá cũ cũng như về kỹ thuật chế tác đá, kể cả việc xác định niên đại di chỉ Núi Đọ. Hơn thế, dưới sự chỉ đạo của ông, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đã viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam (in năm 1961). Cuốn sách, ngoài những tri thức chung, còn kết hợp trình bày những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam về thời đại đá. Cần phải nói thêm là về sau cả Tấn lẫn Vượng đều trở thành những nhà khảo cổ học nổi tiếng. Cũng may là hai con hổ nhốt chung chuồng này đều tìm được đường đi riêng của mình ngay từ địa bàn xuất phát là khảo cổ học. Trần Quốc Vượng luôn nhìn khảo cổ học bằng con mắt văn hóa, sát hơn địa - văn hóa. Còn Hà Văn Tấn thì nhìn nó bằng con mắt của chính nó, nên đi rất sâu vào nó, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật chế tác.

Khảo cổ học đòi hỏi một hiểu biết rộng và những tri thức liên ngành. Bởi vậy, ngành đầu tiên mà Hà Văn Tấn phải lấn sang là nhân học hình thể (anthropologie physique), đặc biệt là nghiên cứu về sọ. Ông đã đọc sách và tìm gặp GS Đỗ Xuân Hợp (chuyên gia số 1, người ngay từ trước 1945 đã cùng với Houart viết nhiều sách về nhân học hình thể người Việt). Rồi toán học thống kê cũng vậy. Khi các tài liệu cổ học và nhân học nước ngoài thường gặp những công thức thống kê khó hiểu, cáu tiết Hà Văn Tấn bỏ thời giờ học lại lý thuyết xác suất và thống kê, tham khảo các sách viết về phương pháp thống kê áp dụng trong sinh học, y học và sử học. Cũng như vậy với khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử. Bởi, muốn nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, không thể không hiểu biết khảo cổ học vùng Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Hà Văn Tấn phải đọc rất nhiều sách, tạp chí tiếng Anh, tiếng Pháp để cập nhật được tình hình sôi động của khảo cổ học khu vực này. Rồi những dịp sang Pháp, ông đều ngồi lỳ trong các thư viện, nhất là thư viện Bảo tàng Con người ở Paris để thu thập tài liệu về văn hóa và nhân chủng Đông Nam Á. Còn về tình hình khảo cổ học nam Trung Quốc, thì phần lớn Hà Văn Tấn phải đọc tư liệu của Hồng Kông, Đài Loan, bởi tài liệu của lục địa thì do thời tiết chính trị nên lúc có lúc không. Cuối cùng, về những vấn đề phương pháp và lý thuyết khảo cổ. Hà Văn Tấn thấy rằng trên thế giới có nhiều trường phái khảo cổ học, nên ông muốn tìm hiểu các nhà nghiên cứu thuộc các trường phái đó đã xây dựng lý thuyết của mình dựa trên những điểm xuất phát nào. Dĩ nhiên, có khác nhau mà cũng có giống nhau, nhưng quan trọng hơn là ông nhận thức được rằng trong khoa học không phải vấn đề nào cũng có thể quy về ý thức hệ.

Có một điều đáng lưu ý là, mỗi khi khám phá và chinh phục được mảnh đất mới nào là Hà Văn Tấn để lại dấu ấn của mình trên mảnh đất ấy. Về nhân học hình thể, ông viết Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam được các nhà nhân chủng học nổi tiếng thời đó của Liên Xô là M.G.Lêvin và N.N. Cheboksarov đánh giá cao. Về toán học thống kê, có ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học, thậm chí còn có khóa trình giảng dạy toán thống kê trong khảo cổ học cho sinh viên. Ở nhiều lĩnh vực khác cũng thế, Hà Văn Tấn không bao giờ học để học, mà học để ra sản phẩm dưới dạng này hoặc dạng khác. Từ đó, ông rút ra hai kinh nghiệm quý giá cho các nhà khoa học sau ông là "muốn học có kết quả môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu giảng dạy" và "say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!".

Ngoài khảo cổ học, niềm say mê thứ hai của Hà Văn Tấn là Việt Nam từ thế kỷ X đến XIV. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (viết chung với Phạm Thị Tâm) là một cuốn sách hấp dẫn không chỉ bởi nhiều tư liệu nước ngoài quý hiếm, mà còn ở cách viết với nhiều phân tích sáng sủa, chặt chẽ, tái hiện được không khí lịch sử. Tuy không bằng được Lý Thường Kiệt, một cuốn sách mà Hà Văn Tấn chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là cách viết, của Hoàng Xuân Hãn, nhưng cùng với nó và cùng với Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê, Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông của Hà Văn Tấn đã từng làm say mê tuổi thơ tôi.

Lý giải sự thắng lợi này, tôi nghĩ, không chỉ bằng lòng yêu nước một cách chung chung muôn thuở, mà phải bằng cả cách yêu nước. Đúng hơn, cái gì đã dẫn đến cách yêu nước ấy. Hà Văn Tấn, có lẽ thế, đã chú ý đến vấn đề ruộng đất và Phật giáo, cánh buồm và bánh lái của con thuyền Lý - Trần. Để có thêm tư liệu, ngoài thư tịch Trung Hoa, Sử ký chính thức, Hà Văn Tấn rất quan tâm đến các bi ký. Chính bi ký đã dẫn ông đến với lịch sử Phật giáo, đặc biệt từ khi ông nghiên cứu các cột kinh Phật ở Hoa Lư. Những cột kinh Phật này đều được khắc từ thế kỷ X và đều có các bài chú Phật đỉnh tôn thắng đà la ni. Từ đó, Hà Văn Tấn nhận thấy các dòng Thiền ở Việt Nam đã pha lẫn tín ngưỡng Phật giáo. Về sau, với minh văn và hệ tượng chùa Hoàng Kim cùng các tái hiện khác, ông đã nhận ra có một cơ tầng Tịnh Độ (tín ngưỡng A di đà và Tây phương cực lạc) trong Mật giáo Việt Nam . Ông đi đến kết luận Thiền, Tịnh, Mật là ba yếu tố cơ bản của Phật giáo Việt Nam .

Muốn hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam , Hà Văn Tấn phải đọc rộng thêm về lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Rồi từ Phật giáo Ấn Độ phải học triết học Ấn Độ cổ trung đại. Rồi từ lịch sử triết học phương Đông… Biển học vô cùng là như vậy. Hơn nữa, khi đọc triết học Ấn Độ thì không chỉ có sách của các tác giả Ấn Độ, mà còn của các nhà Ấn Độ học nước ngoài. Càng đọc nhiều thì càng thấy "đa thư loạn mục", bởi các học giả thế giới thường có những ý kiến khác nhau, đặc biệt là các khái niệm thì mỗi người hiểu mỗi cách, nên phải suy ngẫm, phải lựa chọn. Và muốn lựa chọn đúng phải có lý luận. Có lẽ, từ đó Hà Văn Tấn thích triết học và các vấn đề lý luận trừu tượng.

Bất cứ nhà nghiên cứu nào một khi đã đạt đến một tầm nhất định thì đều chuyển trọng tâm chú ý của mình sang những vấn đề phương pháp. Hà Văn Tấn, tôi nghĩ, cũng không ngoại lệ. Và với ông là phương pháp luận sử học. Để bắt tay vào viết bộ sách này, ông phải đọc nhiều bộ sách tương tự của nước ngoài. Có đọc, ông mới vỡ nhẽ rằng chẳng có quyển nào trình bày phương pháp luận sử học hoàn chỉnh. Các tác giả chỉ trình bày một số vấn đề có tính chất phương pháp luận chứ không phải trình bày phương pháp luận sử học một cách hệ thống. Đến vậy, tôi xin mở ngoặc nói thêm, trước đây anh Đỗ Đức Hiểu và tôi cũng đã cố sức tìm một cuốn lịch sử văn học được trình bày một cách có hệ thống và đã gặp thất vọng. Có lẽ, ở nước ngoài họ không cần loại sách "độc thoại" ấy, mà chỉ ở chúng ta, những người đang phải học. Bởi thế, muốn có chúng ta phải tự mình làm lấy cho mình và theo kiểu của mình. Hà Văn Tấn đã đưa ra cách trình bày của ông xuất phát từ lý thuyết hoạt động của Marx. "Dựa vào lý thuyết đó, Hà Văn Tấn tâm sự, tôi đã coi nghiên cứu khoa học như một hoạt động, có đối tượng hoạt động là đối tượng của khoa học và chủ thể hoạt động là nhà khoa học. Cho đến nay, tôi vẫn tâm đắc với cách trình bày của mình. Cách trình bày đó không những đã dựng được mô hình cấu trúc - hệ thống của phương pháp luận, mà còn định nghĩa dễ dàng các khái niệm như phương pháp, phương pháp luận".

Đáng tiếc là hiện nay cuốn sách đó chưa viết xong. Cũng như giáo trình khác mà Hà Văn Tấn muốn viết như sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học… và tập bài giảng về Khảo cổ học lý thuyết, về các trường phái khảo cổ học, hay về khảo cổ học Đông Nam Á… Còn nhiều và rất nhiều việc. Với một nhà khoa học thật thì không thiếu việc. Chỉ thiếu thời gian.

Vào đầu những năm 90, khi còn làm ở tạp chí Etudes Vietnamiennes, tôi thường phải tìm bài của Hà Văn Tấn, nhiều khi khá vất vả. Bởi thế, có lần tôi nói với ông "Sao anh không tập hợp lại để in thành sách cho bạn đọc ngoài ngành như em được đọc?". Ông cười cười, "Tớ đã chết đâu mà vội làm bia!". Có thể Hà Văn Tấn chủ quan vì ông còn rất trẻ, trẻ nhất trong "Tứ trụ". Cũng có thể với nhà khoa học chân chính thì cái bóng đang đuổi bắt mới là quan trọng, còn con mồi thì đã nắm chắc trong tay rồi. Bởi thế, những người như Hà Văn Tấn rất cần đến các học trò - đầu bếp, ngoài việc tự hào về thầy ra, còn biết biến con mồi thầy đã săn lùng được thành món ăn cho bạn đọc. May thay, một bữa tiệc như thế đã trình làng: cuốn sách Theo dấu các văn hóa cổ (Nxb Khoa học Xã hội, 1997).

Nếu người ta chú ý đến cái bụi của Trần Quốc Vượng, cái nghiêm túc của Phan Huy Lê, thì ở Hà Văn Tấn người ta chú ý đến cái kiêu. Có lẽ, trong các xã hội thang bậc của chúng ta từ trước nay, thì tự kiêu là cái tính được người ta vừa yêu vừa ghét. Nhưng với Hà Văn Tấn thì hẳn người ta dễ cảm thông hơn. Trước hết vì ông giỏi và thắng thắn bộc lộ cái giỏi đó. Sau nữa, thái độ tự kiêu của ông là để đối lập, để vạch mặt cái kiểu tự kiêu giả để che dấu cái dốt thật. Cuối cùng, trong nhiều trường hợp tự kiêu trùng với tự trọng. Hiểu được giá trị của bản thân và kiên quyết gìn giữ nó cho bằng được.

Có lần, trong một bữa nhậu, mượn hơi cay, tôi nêu một thắc mắc là dù học nhiều biết rộng như vậy, mà tư duy Hà Văn Tấn hình như vẫn còn ít nhiều bị (hoặc tự?) phong bế? Trần Quốc Vượng sau một phút trầm ngâm do dự trả lời rằng Tấn, Lê thuộc dòng dõi nhà quan, quen với một tư duy hàn lâm, quy củ, Lâm thì sớm về "ẩn cư" ở Láng, cái Láng thời bấy giờ còn là một xóm ngoại ô, lánh xa cái nhóm người chuyên tìm đọc sách "tư sản nước ngoài", còn tôi, Trần Quốc Vượng, thì xuất thân thị dân bởi có bố là viên chức canh nông của Pháp, nên tư duy có phần cởi mở, phóng túng, dễ có những loé sáng hơn chăng (?).

Có thể đấy là sự thật, nhưng tôi nghĩ còn một sự thật khác, sâu xa hơn, đã tạo nên "bản sắc" của trí thức Việt Nam, kể cả những người thông minh, mẫn tiệp như Hà Văn Tấn. Đó là truyền thống giáo dục Việt Nam. Kể từ khi giành được quyền tự chủ ở thế kỷ X và nhất là từ thời đại Lê Thánh Tông, khi chúng ta tiếp thu Nho giáo Trung Hoa, hình thành nền giáo dục khoa cử thì hầu như người ta chỉ học để đi thi, chứ không phải học để học (tức học do sự ham hiểu biết, yêu tri thức). Ngày xưa, truyền thống này dẫu với bộ phận ưu tú nhất thì cũng chỉ có thể đẻ ra những nhà khảo chứng học như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Còn ngày nay, do sự tụt hậu của học thuật nước nhà, bộ phận ưu tú nhất, ngoài học để thi cử, thì phải học để dạy người khác, thế hệ sau. Hơn nữa, sự phát triển không đồng đều của các khoa học kế cận nhau đã khiến người nghiên cứu không được thừa hưởng các kết quả khoa học của nhau. Ai muốn tìm hiểu sâu một vấn đề thì đều tự mình phải học/đọc rộng ra làm hao phí nhiều thời gian và tinh lực. Bởi thế, chúng ta có thể có nhiều những nhà bác học, theo nghĩa từ nguyên của từ này, nhưng ít có những nhà tư tưởng, nhà sáng tạo. Tôi nghĩ, đã đến lúc, chúng ta phải có thêm một kiểu trí thức khác.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.