GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – người tạo tiền đề cho Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2-12-1938, tại Hà Nội, trong một gia đình đại trí thức. Thân phụ của ông, cụ Vũ Ngọc Phan, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian. Thân mẫu của ông là nhà thơ Hằng Phương. Ông nguyên quán ở thôn Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sinh thời Viện sĩ vẫn tự nhận thuộc dòng dõi họ Vũ (Vũ Hồn) làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang.
Từ năm 1955 đến năm 1960, ông là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Các năm 1961-1968, ông làm cán bộ giảng dạy, sau đó giữ chức Trưởng Bộ môn Di truyền - chọn giống tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Năm 1969 đến năm 1973, ông làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Nông nghiệp Krasnodar ở Liên Xô, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ sinh học. Về nước từ năm 1973 đến năm 1974, ông công tác tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Các năm 1975-1977, ông làm thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học nông nghiệp.
Ông là tác giả lý thuyết hai hệ thống gen trong cây lúa và hơn 50 công trình được công nhận cấp quốc gia, bao gồm các giống lúa mới thâm canh (Xuân số 2, NN 75-6, . . .); các giống lúa chịu hạn (CH5, CHI33,. . .); các giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (Ui4, Ui7,. . .), quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như Hi2. H32, Má hồng… Ngoài ra, ông còn xây dựng nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía bắc Việt Nam, thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
GS Vũ Tuyên Hoàng (người thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cán bộ khoa học Viện Cây lương thực, cây thực phẩm tại ruộng thí nghiệm.
Cùng với hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng còn được biết tới như một nghệ sĩ đa tài với những tác phẩm văn học nghệ thuật mang bản sắc riêng. Ông có 20 tập thơ in chung; tập thơ in riêng. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh chân dung, phong cảnh đăng tải trên một số tạp chí, tham gia một số triển lãm mỹ thuật.
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng còn là một nhà quản lý có kinh nghiệm và tích cực tham gia công tác xã hội. Trong các năm 1977-1999, ông làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ năm 1989 đến năm 1993, ông làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (1989-1993). Từ năm 1999 đến năm 2008, ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ IV khóa V. Ông còn đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm các chương trình khoa học kỹ thuật quốc gia về cây lương thực (1978-1995), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (từ năm 1981), Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (từ năm 1981), Chủ nhiệm chương trình hợp tác Việt Nam-IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế) (1988- 1999), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -Nhật (từ năm 1988), Chủ tịch Trung tâm Phát triển nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (1991-1993), Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nông nghiệp Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (1999- 2001), Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Khoa học công nghệ các nước ASEAN (từ năm 2000), Uỷ viên Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia (từ năm 2003).
Với những đóng góp to lớn cho khoa học nông nghiệp ông được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô (1988-1991), Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Liên bang Nga (từ năm 1991), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (từ năm 1994).
Ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V (dự khuyết), VI, VII, VIII; Đại biểu Quốc hội khoá VIII (1987-1992), khoá XI (2002-2007), khóa XII (2007-2011).
Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Hai, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (năm 2000), Giải thưởng Lúa thế giới lần thứ nhất (năm 1998) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm 2006, theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ là lấy ngày 29/4/2005 (Ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải gặp mặt hơn 500 nhà khoa học tiêu biểu trong cả nước) làm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhưng Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã đề xuất lấy ngày 18/5 (Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Hội Phổ biến Khoa học Kỹ thuật lần lần thứ nhất - Tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay)làm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Thể theo nguyện vọng của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN),tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua với hơn 87,75% đại biểu tán thành. Đồng thời, Quốc hội cũng thống nhất quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam (Điều 7, Luật số 29/2013/QH13).
Cố GS,VS Vũ Tuyên Hoàng đã đi xa, nhưng tấm gương hết lòng vì sự nghiệp khoa học của GS,VS Vũ Tuyên Hoàng còn mãi. Nhân lần đầu tiên công bố và tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đội ngũ trí thức khoa học và Công nghệ Việt Nam xin bày tỏ lòng kính phục, biết ơn đối với Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – một người trọng đời hết lòng vì khoa học.