GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân: Vinh quang người thầy thuốc nhân dân
Nguyễn Văn Nhân sinh ngày 12/8/1924 tại ngõ Hội Vũ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông là cha đẻ của Ngân hàng xương đầu tiên ở Việt Nam; tác giả của Bộ dụng cụ Kết xương ở những năm 1960, một bác sĩ tận tâm với người bệnh, một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ bác sĩ… Vài nét phác họa chân dung về GS Nguyễn Văn Nhân đủ để hiểu vì sao, trong buổi khai mạc trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” về 3 giáo sư trong ngành y, trong đó có GS Nguyễn Văn Nhân và bà Bùi Thị Bích Liên, người vợ thứ hai của ông (người vợ đầu đã mất từ lâu) đã xúc động không thể nói lên lời về người chồng quá cố, chỉ có những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hằn dấu thời gian của một bà lão đã ở tuổi 84. Không chỉ là một thầy thuốc nhân dân tài hoa và giàu lòng nhân ái, GS Nguyễn Văn Nhân còn là một hiện tượng hiếm thấy ở Việt Nam bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở tuổi 67…
Dù biết sẽ phải mệt nhọc…
"Kính gửi ông! Cháu là Diễm, là bệnh nhân của ông ở Hồng Ngự - Đồng Tháp đây. Ông còn nhớ cháu không ?..." - "Cô bé ! Nếu cô có ý định ra Hà Nội điều trị thì tôi hướng dẫn theo khả năng của cô… Về kinh tế, tôi có thể giúp đỡ cô phương tiện, dụng cụ mổ, về công sức, thời gian mổ, chăm sóc cho cô…".Đọc những dòng trao đổi thân tình giữa hai con người này, có ai ngờ đó lại là những dòng trao đổi thư từ giữa một bệnh nhân nghèo và một người từng ở cương vị đứng đầu một bệnh viện lớn - Viện Quân y 109. Nhưng đó lại là một trong số nhiều câu chuyện bình dị mà cảm động mà GS Nguyễn Văn Nhân đã "viết lên" trong cuộc đời chữa bệnh cứu người đầy vinh quang của mình.
Một bệnh nhân đặc biệt của GS Nguyễn Văn Nhân nữa là ông Lê Hoành Tân (Thanh Hóa, 71 tuổi). Bệnh nhân Tân quê ở thôn Đồng Bào, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Năm 1964, không may bị tai nạn, ông Tân đã được gia đình đưa đi điều trị ở các tuyến bệnh viện huyện Thiệu Hóa, bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, được chẩn đoán bị hỏng xương khớp háng. Ông đã tiếp tục được điều trị ở các bệnh viện lớn của Trung ương nhưng kết quả chưa được khả quan. Tưởng đã không còn hi vọng có thể đi lại bình thường, nhưng bệnh nhân Tân đã may mắn gặp được bác sĩ Nhân. Bằng tài năng và tâm huyết với người bệnh, bác sĩ Nhân đã chữa khỏi cho bệnh nhân tưởng đã rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn này. Bệnh nhân dần dần có thể đi lại được bình thường và thực hiện những dự định, ước mơ của mình - trở thành sinh viên khoa Toán, trường Đại học Vinh.
Điều đặc biệt hơn, khi ca mổ ghép xương cho ông Tân đã tạm thời thành công, bác sĩ Nhân còn kiên trì và tận tâm theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân Tân trong suốt hơn 40 năm, kể từ năm 1962 đến 2006. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học mà còn cho thấy tấm lòng tận tụy vì người bệnh hiếm thấy của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân.
Cũng bởi noi gương ông mà một học trò của GS Nhân – bác sĩ Đỗ Phước Hùng đã dành nửa năm trời để tìm lại một bệnh nhân để theo dõi tình hình sức khỏe. Người học trò này đã viết trong lá thư gửi cho người thầy đáng kính của mình : "Em đã bỏ ra nửa năm để đi tìm lại bệnh nhân. Em nhớ có lần thầy bảo với học trò của thày ngoài đó phải đi cơ sở kiểm tra và đi khám lại bệnh nhân nếu bệnh nhân ở trong vòng bán kính 100km. Em cố gắng theo lời dạy đó dù biết sẽ phải mệt nhọc".
Ngay trong thời kì kháng chiến chống Pháp, khi còn chưa hoàn thành khóa học đào tạo bác sĩ nhưng trong nhiều chiến dịch, người chiến sĩ quân y Nguyễn Văn Nhân luôn ở phía sau hết lòng cứu chữa và khích lệ tinh thần thương, bệnh binh. Phục vụ ở Đại đoàn 304, làm Đội trưởng đội Điều trị 4 của Đại đoàn, ông đã trực tiếp mổ hàng nghìn chiến sĩ bị thương trong mỗi chiến dịch. Trong số hàng nghìn chiến sĩ đã được ông mổ năm ấy có thương binh Trần Quốc Hanh, khi ấy là cán sự chính trị Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, bị thương trong trận đánh ở Hồng Cúm, Điện Biên Phủ. Trong buổi mừng đại thọ GS Nhân tròn 90 tuổi vào năm 2013, ông Hanh đã xúc động bày tỏ: "Tài năng và tấm lòng nhân ái của Giáo sư Nhân hết lòng cứu chữa thương binh, trong đó có tôi, tôi không bao giờ quên".
Nhà khoa học tài năng
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, năm 1955, BS Nguyễn Văn Nhân cùng các bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau được Nhà nước chọn lựa cử đi học ở Liên Xô để nâng cao tay nghề và học tập các chuyên khoa. Cũng từ thực tế của đất nước cần giải quyết các di chứng vết thương chiến tranh ở thời bình, BS Nguyễn Văn Nhân đã lựa chọn đề tài "Điều trị Không liền xương-Khớp giả-Mất đoạn xương cẳng chân bằng phương pháp phẫu thuật" mà ông được phân công thực hiện khi làm Thực tập sinh để phát triển thành luận án Phó Tiến sĩ. Sau 2 năm học tập, nghiên cứu, tháng 1/1960, BS Nguyễn Văn Nhân đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Chấn thương Chỉnh hình Trung ương Liên Xô.
Về nước, những kết quả nghiên cứu của luận án được PTS. BS Nguyễn Văn Nhân ứng dụng tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, giải quyết những di chứng vết thương về xương ở thời bình. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để ông đề xuất các ý tưởng thành lập Ngân hàng xương; Sáng tạo các dụng cụ Kết xương; Phương pháp Kết xương tạm thời...
Dụng cụ nâng xương bảo vệ phần mềm dùng trong phẫu thuật kết xương ghép xương ở cẳng chân là một trong những đóng góp thiết thực, sáng tạo của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân cho ngành y tế. Mẫu dụng cụ này được ông nghiên cứu và hoàn thiện vào năm 1958 khi đang làm Nghiên cứu sinh tại Viện Chấn thương Chỉnh hình Trung ương Liên Xô (1955-1960). Tháng 3/1960, Hội đồng xét duyệt sáng kiến-phát minh trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã công nhận Mẫu dụng cụ nâng xương là một cải tiến mới và cấp bằng sáng chế, công nhận quyền tác giả cho PTS Nguyễn Văn Nhân. Năm 1962, dụng cụ này được phép sản xuất hàng loạt, đồng thời xếp vào danh mục “Dụng cụ y tế xuất khẩu của Liên Xô”. Còn Ngân hàng xương, mặc dù chỉ tồn tại trong 6 năm (1962-1968) nhưng Ngân hàng xương do PTS Nguyễn Văn Nhân sáng lập đã đem lại niềm vui cho biết bao bệnh nhân.
BGS.TSKH Nguyễn Văn Nhân đã được nhận các danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba; Huy chương Lao động sáng tạo; Huy chương Vì thế hệ Trẻ; Huy chương Vì sự nghiệp Y tế Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ. |