GS.TS. Trần Kim Qui: “Tôi muốn đi đến đích cuối cùng trong nghiên cứu khoa học”
Chuẩn bị làm doanh nhân từ 20 năm trước...
Hơn 20 năm trước đây, ý tưởng trở thành nhà doanh nghiệp đã có trong kế hoạch của nhà khoa học GS.TS. Trần Kim Qui. “Nhiều đề tài nghiên cứu của tôi cần phải có thêm thời gian và kinh phí nhằm nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện hơn về công nghệ để có thể ứng dụng có hiệu quả vào thực tế. Kinh phí từ ngân sách nhà nước thì hạn chế. Tìm nguồn kinh phí từ các công ty (nhà đầu tư ) cũng không phải dễ, vì nhà đầu tư nào cũng đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu - tiền đầu tư phải thu hồi nhanh, thu lời cao. Nhà khoa học có ý tưởng, có giải pháp công nghệ. Nhưng nếu không có vốn thì khó có thể có điều kiện để thực hiện những ý tưởng, những giải pháp công nghệ của mình đến nơi đến chốn. Do vậy ngay khi còn đi dạy ở Trường đại học khoa học tự nhiên tôi quyết định sẽ làm nhà doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu. Và gần 20 năm trước tôi đã âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch làm doanh nhân” - GS.TS. Trần Kim Qui bộc bạch.
Vào thời điểm hơn 20 năm trước, giá đất còn rẻ. GS. Trần Kim Qui đã gom góp từ bà con dòng họ được một ít tiền và chạy lên vùng sâu vùng xa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) mua đất. Kế hoạch của ông là đầu tư trồng rẫy trên mảnh đất này (trồng trà, cà phê…). Lợi nhuận thu được từ đây sẽ là nguồn vốn cho kế hoạch trở thành doanh nhân mà ông ấp ủ. Năm 2002, GS. Trần Kim Qui nghỉ hưu ở Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM và chính thức bước vào một thử thách mới: làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TP.HCM.
Nhà khoa học - doanh nhân và lòng tự cường dân tộc
GS. Trần Kim Qui cho biết có hai lý do mà ông quyết định bỏ tiền túi ra gần 4 tỷ đồng để thực hiện dự án “chế biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ (phân compost)”. Đầu tiên đó là ông muốn đi đến kết quả cuối cùng đề tài nghiên cứu của mình (dự án sản xuất chế biến rác thải được phát triển từ đề tài nghiên cứu & phát triển do ông là tác giả), lý do thứ hai đó là vì “tự ái dân tộc”. Ông cho biết, trong những lần sang tu nghiệp tại Nhật, Úc, Pháp… khi thấy ông rất quan tâm đến các giải pháp chế biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, các giáo viên hướng dẫn và đồng nghiệp nước ngoài có ý rất ngạc nhiên, vì họ nghĩ rằng người Việt Nam chủ yếu chỉ là chôn rác xuống đất, chứ hướng giải quyết rác thải bằng cách chế biến thành phân quả là chuyện lạ! “Nói thật lòng khi nghe các bạn nước ngoài nói như thế tôi giận run, cảm thấy tự ái cao độ. Từ đó tôi đã tự hứa với lòng mình là phải làm cho bằng được việc giải quyết rác thải bằng hướng chế biến thành phân hữu cơ - compost”- GS. Trần Kim Qui tâm sự.
GS. Trần Kim Qui rất tự tin vào khả năng thành công của dự án sản xuất thử nghiệm phân compost. Ông nói: “Tính khả thi của giải pháp công nghệ là rất cao, vì quy trình này đã được tôi và nhóm cộng sự nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, kể cả ở thực tế rất nhiều lần trong suốt thời gian qua; kinh phí để thực hiện dự án này cũng không là trở ngại lớn đối với nhóm nghiên cứu. Tôi đã bỏ ra gần 4 tỷ, nếu cần khả năng của tôi còn có thể đầu tư thêm vài tỷ đồng nữa”.
Cũng nhờ có “hậu phương” vững vàng từ nguồn lợi nhuận thu được ở miếng đất trên Bảo Lộc, nên kinh phí cho hoạt động của Trung tâm nghiên cứu hóa sinh ứng dụng của GS. Trần Kim Qui luôn được đảm bảo. Kinh phí hoạt động của trung tâm còn được bổ sung thêm bởi nguồn thu từ những hợp đồng chuyển giao công nghệ, những giải pháp kỹ thuật (về xử lý nước thải, rác thải…) ở quy mô vừa và nhỏ cho các công ty đơn vị trong khắp cả nước. Nhờ chủ động được kinh phí hoạt động nên hiện nay trung tâm đã triển khai nhiều dự án sản xuất thử nghiệm khác như dự án thuốc trừ sâu từ nguyên liệu thảo mộc (từ dầu và bã của cây xoan, hiện được trồng nhiều ở khu vực Ninh Thuận), dự án bảo quản trái cây phục vụ xuất khẩu… (hai dự án này đều kế thừa từ kết quả nghiên cứu & phát triển của trung tâm).
Kiến tha lâu đầy tổ
Đó là một trong những tiêu chí trong công việc của GS. Trần Kim Qui. Ông lấy làm tâm đắc cho biết, hiện nay Trung tâm nghiên cứu hóa sinh ứng dụng của ông được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Ông “bật mí”, phần lớn các trang thiết bị này được ông “tha” về qua những chuyến đi tu nghiệp, công tác nước ngoài từ nhiều năm trước đây. Có thiết bị ông bỏ tiền túi ra mua, có cái được tặng. “Những lần ra nước ngoài tu nghiệp, mấy ông thầy tại các trường đại học thấy tôi hiền lành, siêng năng, chịu khó nên thương và đã tặng tôi khá nhiều dụng cụ thí nghiệm khi tôi về nước” - GS. Trần Kim Qui “tiết lộ”.
Hướng sử dụng nhân viên của ông cũng khá đặc biệt. Trung tâm chỉ có nhóm “cán bộ khung” khoảng gần chục người. Nhân lực phục vụ cho công việc theo hướng mở, tùy thuộc vào yêu cầu chuyên môn của từng dự án. Mô hình làm việc theo nhóm mà ông đề ra đã tập hợp được khá nhiều nhà khoa học trẻ. Không ít người trong số đó đã trưởng thành thông qua các dự án, các đề tài nghiên cứu ứng dụng do trung tâm chủ trì. Ông cho biết, một số dự án mà trung tâm đầu tư triển khai nếu thành công, ông sẽ chuyển giao thành dạng công ty cổ phần.
Năm 2008 sắp tới, GS. Trần Kim Qui đã bước sang tuổi 72, nhưng ông vẫn còn rất tâm huyết với sự nghiệp dạy học, nghiên cứu khoa học của mình (hiện ông vẫn còn lên lớp giảng dạy tại Trường đại học khoa học tự nhiên và một số trường khác). Ông lạc quan cho hay “tôi vẫn còn khỏe lắm, trước kia tôi có hút thuốc lá và uống rượu, nhưng bây giờ thì bỏ hết rồi (cười). Lo giữ gìn sức khỏe để làm việc. Thời gian tới tôi sẽ đầu tư vào hướng nghiên cứu hóa dược. Tiềm năng về những cây thuốc nam của nước mình còn lớn lắm, song vẫn chưa được tận dụng, khai thác có hiệu quả…”.