Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 26/09/2006 23:52 (GMT+7)

GS.TS Phạm Tất Dong - Nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học xuất sắc

Nhiều người đánh giá rằng GS.TS Phạm Tất Dong đã hội tụ được các mặt đó. Mặc dù rất bận rộn với công tác quản lý, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Viết là một công việc không đơn giản so với đọc và nói, nhưng với ông lại có thế mạnh, bởi ông viết nhiều bài từ rất trẻ, khi làm nhiệm vụ phóng viên phục vụ công tác trao trả tù binh năm 1954. Hơn 50 năm công tác, tham gia quản lý liên quan đến ngành giáo dục, ông đã có rất nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành. Năm nay kỷ niệm 15 thành lập Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (1991 - 2006), chúng tôi không thể không nhắc tới công lao to lớn của ông. GS.TS Phạm Tất Dong - Chủ nhiệm khoa kiêm nhiệm đầu tiên, trong 10 năm, từ năm 1991 - 2001. Khoa chúng tôi rất tự hào vì Giáo sư - Chủ nhiệm khoa vừa là nhà chính trị, quản lý giỏi vừa là nhà khoa học nổi tiếng. Biết GS. Phạm Tất Dong đang là Phó trưởng Ban Khoa Giáo Trung ương, rất bận rộn công việc, nhưng Ban giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn tha thiết mời ông về làm Chủ nhiệm khoa kiêm nhiệm. Việc mời thầy về làm công tác quản lý Khoa Xã hội học chứng tỏ rằng nhà trường đánh giá cao và coi trọng khoa học này. Cùng trong Ban chủ nhiệm khoa thời kỳ đó có 3 thầy cô Phó chủ nhiệm như PGS.TS Nguyễn An Lịch, TS. Trần Thị Minh Đức, ThS. Đoàn Ngọc Ấn là những cộng sự đắc lực của ông.


Ngày 10.12.1997 Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký thành lập Khoa Xã hội học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay) đã bắt đầu khoảng 30 năm trở lại đây. Từ một tổ Bộ môn Xã hội học thuộc Khoa Triết học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1991 Khoa Xã hội học - Tâm lý học được hình thành trên cơ sở kết hợp Bộ môn Xã hội học với Bộ môn Tâm lý học và Bộ môn Giáo dục học.


Những năm đầu của thập kỷ 90, kinh tế thị trường phát triển, nhiều hiện tượng xã hội nảy sinh, đòi hỏi có những nghiên cứu, điều tra xã hội học. Xã hội học thâm nhập vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu như kinh tế, văn hóa, giáo dục, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, quy hoạch đô thị… Dưới sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm khoa và đặc biệt vai trò của GS.Phạm Tất Dong, tập thể cán bộ Khoa Xã hội học - Tâm lý học vừa xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy để thực sự hoạt động với tư cách là một khoa, song lại chuẩn bị để sao cho trong một thời gian không dài, tâm lý học sẽ tách ra thành một khoa độc lập. Sau hơn 5 năm phấn đấu tích cực, lực lượng cán bộ giảng dạy đã đủ điều kiện để tổ chức lại thành một khoa. Việc phân đôi Khoa Xã hội học - Tâm lý học trở thành một sự kiện lớn: lần đầu tiên, xã hội học trở thành một khoa độc lập. Từ năm 1997 - 2001, GS. Phạm Tất Dong làm Chủ nhiệm khoa, PGS.TS Nguyễn An Lịch, TS. Vũ Hào Quang làm Phó chủ nhiệm. Năm 2000 - 2001, PGS.TS Nguyễn An Lịch nghỉ hưu và bổ sung ThS. Trịnh Ngọc Thạch làm Phó chủ nhiệm.


Năm 2001, GS. Phạm Tất Dong nghỉ quản lý. Ban chủ nhiệm Khoa Xã hội học mới được thành lập do PGS.TS Vũ Hào Quang làm Chủ nhiệm, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm quý báu để xây dựng và phát triển khoa. Tuy vậy, hiện nay ông vẫn tham gia Hội đồng Khoa học của khoa và là Trưởng ban xây dựng chương trình sau đại học ngành công tác xã hội thuộc Khoa Xã hội học.


Kể từ ngày thành lập Khoa Xã hội học - Tâm lý học đến nay, trong gần 15 hoạt động, việc đào tạo được tiến hành với quy mô ngày càng mở rộng, với đầy đủ các hệ: chính quy, tại chức, văn bằng thứ hai, cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều cán bộ do Khoa đào tạo đã được tuyển dụng làm cán bộ giảng dạy tại Khoa và các trường cao đẳng hoặc đại học có giảng dạy môn Xã hội học. Một số đã làm việc ở viện nghiên cứu, đài phát thanh và truyền hình, một số cơ quan văn hoá lao động. Một số khác đã làm việc ở toà soạn của các tạp chí, các nhật báo hoặc ở văn phòng của các tổ chức đoàn thể xã hội. Nhưng dù ở đâu và làm nghề gì các học viên, sinh viên của Khoa cũng không thể quên được những năm tháng học ở Trường, tình cảm thầy cô và bè bạn... Mặc dù bận rất nhiều công việc, GS. Phạm Tất Dong vẫn dành thời gian, tâm huyết, đến dự các hoạt động đoàn thể của sinh viên như đại hội liên chi đoàn, liên chi hội, các cuộc cắm trại, liên hoan văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3) và các ngày lễ lớn… Hầu hết các đoàn thực tập, thực tế tại địa phương đều được GS. Phạm Tất Dong đến tận nơi để thăm hỏi, động viên. Đi thực tập, thực tế ở các địa phương, công việc điều tra, phỏng vấn các hộ gia đình vất vả và khá mệt mỏi, nhưng mỗi khi được tin GS. Phạm Tất Dong đến thăm đoàn, thầy trò chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào, niềm say mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm với công việc như được nhân lên.


Trong công tác đào tạo cán bộ, GS. Phạm Tất Dong đã động viên, khích lệ toàn thể cán bộ trong Khoa tích cực đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ. Trên con đường công danh, sự nghiệp của mình, nhiều cán bộ của Khoa đã khắc ghi công ơn của ông.


Trong công tác nghiên cứu khoa học, GS.TS. Phạm Tất Dong là một cán bộ khoa học có tên tuổi trong đội ngũ cán bộ khoa học xã hội - nhân văn của nước ta, đã chủ trì và hoàn thành xuất sắc nhiều công trình khoa học có giá trị với tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, nắm vững và vận dụng hết sức chủ động và sáng tạo quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Ông đã chủ trì rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tạo cơ hội cho nhiều cán bộ trong Khoa Xã hội học tham gia nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và trình độ chuyên môn. Các cuộc khảo sát thực nghiệm, các chuyến công tác điền dã đã giúp cho cán bộ trong khoa vận dụng các lý thuyết để lý giải các vấn đề thực tế xảy ra.Chính vì vậy, cán bộ của Khoa đã có dịp tham gia khá nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ. Nhờ có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm, triển khai nghiên cứu các đề tài cụ thể mà chúng tôi đã thành thạo hơn trong nghề nghiệp.


Hiện nay GS. Phạm Tất Dong đang làm chủ nhiệm đề tài KX.09.11 về đặc điểm nhân cách người Thăng Long - Hà Nội. Đây là đề tài được đánh giá là khó, nhưng rất hay và có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời GS. Phạm Tất Dong đang chỉ đạo tiến hành đánh giá thực trạng học tập của học sinh tiểu học và xây dựng danh mục nghề cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, ông còn chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước là tác giả của 5 cuốn sách và đồng tác giả của 35 cuốn sách khác. Ông cũng đã hướng dẫn 18 nghiên cứu sinh, 10 học viên cao học. Hầu hết, các học viên cao học, nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn hay đọc nhận xét đều tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và những ý tưởng khoa học, sáng tạo. Tôi là một trong số những người rất may mắn được GS.TS Phạm Tất Dong hướng dẫn luận án tiến sĩ. Từ bản thảo đầu tiên và các phần viết sau này được ông đọc đến nay tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, vừa để ghi nhớ những lỗi mỗi khi viết báo cáo khoa học.


Tất cả những ai đã từng tiếp xúc, làm việc, công tác với GS. Phạm Tất Dong đều có những nhận xét về ông với tấm lòng khâm phục và kính trọng. Ông giải quyết các công việc đều bằng trí tuệ và tấm lòng nhân hậu, luôn động viên, khuyến khích chúng tôi học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Ông luôn nhìn nhận những điểm yếu của người khác với tấm lòng bao dung, độ lượng.


Trong những điều kiện rất eo hẹp về thời gian, GS. Phạm Tất Dong vẫn không quên nhiệm vụ của một Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương và Uỷ viên kiêm Trưởng tiểu ban giáo dục phổ thông của Hội đồng Quốc gia Giáo dục. Do làm công tác lý luận, Trung ương Đảng đã cử GS. Phạm Tất Dong vào Ban văn kiện của đại hội Đảng các khoá VII, VIII và IX. Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, dù đã nghỉ hưu, GS. Phạm Tất Dong vẫn tham gia tổng kết 20 năm đổi mới đất nước.


GS. Phạm Tất Dong hiện là Tổng biên tập tạp chí Thế giới trong ta. Ông đã viết giới thiệu về tạp chí này như sau: " Cái tâm trong sáng là yếu tố không thể thiếu của đời sống con người, thế giới nội tâm của con người càng lớn lao, trí tuệ của con người càng được nâng cao, sức khoẻ thể chất và tinh thần càng dồi dào, càng vững chắc. Đó là mục tiêu tối thượng mà mọi chính sách kinh tế - xã hội hướng tới. Thế giới trong ta coi việc xây dựng cái Tâm như mục tiêu định hướng của mình". Chính vì đề cao chữ Tâm,GS. Phạm Tất Dong đã lập ra Tổ chức Hỗ trợ và Giáo dục trẻ thiệt thòi Việt Nam (OSEOC), trực tiếp làm Giám đốc, mở ra các trung tâm trực thuộc ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Tây, Việt Trì, Quảng Ninh, Hà Nội… Gần đây, ông đã được cử làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em. Trung tâm đang triển khai nhiều hoạt động mang lại nhiều kết quả tốt. Đề cập đến các phong trào khuyến học, khuyến tài, nhiều cán bộ làm việc ở các tỉnh thành đều nói đến sự đóng góp của ông. Đặc biệt là việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam , chỉ đạo việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường và phong trào xây dựng các gia đình hiếu học. Đây là hoạt động có hiệu quả, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.


Được cử làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Triều, GS. Phạm Tất Dong đã hết sức cố gắng để công tác đối ngoại nhân dân do Trung ương Đảng giao cho được thực hiện tốt đẹp.


Mặc dù luôn bận rộn với những công việc của Hội Khuyến học, những đề tài nghiên cứu khoa học, những luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, nhưng GS. Phạm Tất Dong vẫn luôn khoẻ mạnh, thanh thản, yêu đời, và có lẽ, đó là bởi cái Tâmcủa ông luôn trong sáng.


Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.