GS.TS Đặng Lương Mô: Nhà khoa học với 300 công trình
Một tinh thần làm việc không mệt mỏi…
Sinh năm 1936 tại Hải Phòng, năm nay, GS. TS Đặng Lương Mô đã ở tuổi 70. Trông ông vẫn khỏe mạnh và rất tinh tường, nhất là khi ông trò chuyện, bàn luận về các vấn đề khoa học, vấn đề phát triển đất nước. GS Mô đã được nhận bằng tiến sĩ khoa học công nghệ từ năm 1968 tại Nhật.
Hiện nay, ông có rất nhiều công việc phải làm như xây dựng Trung tâm Nghiên cứu & đào tạo vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TPHCM; thu hút đầu tư về vi mạch cho Khu Công nghệ cao TPHCM và gấp rút chuẩn bị cho việc ra mắt Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều TPHCM vào cuối năm 2005.
Theo ông, tuy CLB còn ở giai đoạn vận động thành lập nhưng đã có hơn 100 trí thức Việt kiều đăng ký tham gia. Đã có đơn đặt hàng từ tỉnh Long An về việc làm trắng bột khoai mỡ xuất sang Nhật và đã có 3 nhóm Việt kiều Australia, Nhật và Pháp nhận thực hiện công trình này. Bột khoai mỡ từ Long An xuất sang Nhật hiện nay vẫn còn màu trắng ngà chứ không trắng tinh như bột xuất từ Trung Quốc nên chưa được thị trường Nhật ưa chuộng. Nếu có thể làm trắng hơn nữa thì cơ hội sản xuất, chế biến và xuất khẩu bột khoai mỡ sang Nhật sẽ gia tăng.
Ông cho biết, sau khi CLB đi vào hoạt động sẽ có nhiều trung tâm chuyển giao công nghệ với mô hình như Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo vi mạch được thành lập, tạo cơ hội chuyển giao chất xám, công nghệ cho các thế hệ trẻ của Việt Nam, nhằm mục đích đón đầu và hội nhập với trình độ khoa học công nghệ thế giới.
Trong bộn bề công việc vừa nêu trên, ông còn đang chuẩn bị cho phát hành một cuốn sách về vi mạch mang tên “Mô hình MOSFET trong SPICE.” Đây là cuốn sách được ông biên dịch từ sách giáo khoa Mỹ và sẽ là tài liệu quý báu cho việc nghiên cứu vi mạch. Trước đây, ông còn dịch thơ cổ Việt Nam sang Nhật ngữ và dịch các tác phẩm Nhật ngữ sang Việt ngữ, nhằm giới thiệu Việt Nam với độc giả Nhật Bản và Nhật Bản với độc giả Việt Nam. Năm 1998, ông đã dịch và cho xuất bản tại Nhật Bản danh tác “Bích Câu Kỳ Ngộ”.
Ở Nhật, cuốn sách của ông là cơ sở để sáng tác một vở nhạc kịch opêra tựa là Kigu (tiếng Nhật nghĩa là Kỳ Ngộ), đã được trình diễn tại Hà Nội năm 1998. Năm 2000, ông lại cho in danh tác “Bích Câu Kỳ Ngộ” dưới dạng song ngữ Việt - Nhật do Nhà Xuất bản Giáo dục TPHCM xuất bản, với phần chú giải rất kỹ nhằm phục vụ cho cả độc giả Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2004, cuốn sách “Mười hai người lập ra nước Nhật” do ông dịch từ một tác phẩm Nhật ngữ nổi tiếng đã được Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội xuất bản.
Thành tích nổi bật của nhà khoa học Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, từ năm 1968 đến năm 1971, ông là chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản. Sau đó ông về nước giảng dạy tại ĐH Khoa học Sài Gòn (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM). Cùng khoảng thời gian này, ông còn giảng dạy tại Học viện quốc gia Kỹ thuật (nay là Trường ĐH Bách khoa TPHCM) với chức danh giám đốc trường điện (tương đương chủ nhiệm khoa điện ngày nay).
Đến năm 1973, ông được đề bạt là Viện trưởng Học viện quốc gia kỹ thuật (tương đương với chức danh Hiệu trưởng ĐHBK). Năm 1976, ông trở lại nước Nhật tiếp tục công việc làm chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản. Năm 1983, ông được mời sang giảng dạy tại trường ĐH Hosei, Tokyo, Nhật Bản. Năm 2002, ông về nước với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé cho đất nước.
Ngay sau khi về nước, ông đã tham gia việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cao học tại ĐH Bách khoa TPHCM; làm Ủy viên Hội đồng Khoa học Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano, cố vấn cho giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM; Ủy viên Hội đồng Khoa học Khu Công nghệ cao TPHCM. Gần đây, ông nhận chức Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều với mong muốn làm cầu nối cho trí thức Việt kiều đóng góp chất xám phục vụ đất nước.
Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học Mỹ. Với những thành tựu đó, GS.TS Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới. Ôâng đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992. Ông còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học (IEEE, Mỹ). Tại Nhật, với các cống hiến khoa học tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba, ĐH Hosei, ông đã được 2 nơi này trao bằng khen về những đóng góp xuất sắc.
Trong những tháng năm ở nước ngoài, ông vẫn luôn hướng về đất nước và đã có những đóng góp về cả 2 mặt: đào tạo nhân tài và tư vấn khoa học công nghệ. Ngay từ năm 1989, ông đã vận động các trường ĐH, các quỹ ở Nhật tài trợ, giúp các giảng viên của Trường ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM sang Nhật tu nghiệp; thành lập và trang bị Phòng thí nghiệm mô phỏng và thiết kế vi mạch tại Khoa điện - Điện tử, ĐH Bách khoa TPHCM.
Ông còn là cầu nối cho ĐH Hosei, Nhật và ĐH Bách khoa TPHCM ký kết hợp tác có hiệu lực từ năm 1998 với nội dung: hàng năm, ĐH Hosei sẽ cung cấp chi phí cư trú, sinh hoạt cho cán bộ giảng dạy của ĐH Bách khoa sang nghiên cứu sinh ở ĐH Hosei trong một năm. Đã có 30 cán bộ giảng dạy của ĐH Bách khoa được sang Nhật trong khuôn khổ hiệp định này.
Đáng quý hơn, hàng năm, ông đều trích một phần lương hưu của mình để cấp học bổng cho sinh viên giỏi nhưng gặp khó khăn. 4 năm qua, ông đã cấp tổng cộng 8 suất học bổng như vậy, trị giá 16 triệu đồng. Từ năm học 2005 - 2006, ông đã vận động Tập đoàn Toshiba cấp cho ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, mỗi năm mỗi trường một số học bổng sau đại học trị giá 16 ngàn USD.
Sức làm việc, sự cống hiến cho khoa học cho quê hương của GS TS Đặng Lương Mô thật đáng khâm phục.
Theo Sài Gòn Giải Phóng