GS. TSKH. NHÀ GIÁO NGUYỄN VĂN CUNG: “CẨM NANG” CỦA NỀN KHOA HỌC THỦY LỢI VIỆT NAM
Ông sinh năm 1931, tại một làng nhỏ bên dòng sông La thơ mộng thuộc xã Đức Bùi, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, cha và anh trai ông đều là những Đảng viên năm 1930, chàng thiếu niên của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ấy được giác ngộ cách mạng, có chí tiến thủ từ sớm. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chàng trai Nguyễn Văn Cung tham gia đội Thiếu niên tiền phong, vừa đi học vừa hăng hái tham gia công tác thông tin tuyên truyền, dạy bình dân học vụ. Nhờ có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Cung đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và cũng từ đây, đường đến với khoa học đã rộng mở trước mắt của chàng trai xứ Nghệ giàu ước mơ và nghị lực. Mùa thu năm 1951, ông được Nhà nước cho sang Trung Quốc học Khoa học cơ bản tại Khu học xá Trung ương ( Nam Ninh – TQ) đến tháng 2/1953, và sau đó ông tiếp tục học đại học tại Học viện Thuỷ lợi Vũ Hán ( Trung Quốc ), tốt nghiệp năm 1956 với tấm bằng loại ưu. Để có được tấm bằng loại ưu, và hơn hết là tích luỹ được nhiều kiến thức, chàng sinh viên Nguyễn Văn Cung đã phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ nơi xứ người. Năm 1956 – 1958, ông đã dồn hết tâm lực của mình để nghiên cứu đề tài ngành thuỷ công : ảnh hưởng của lực thấm thuỷ động đến sự ổn định của công trình thủy côngtại Học viện Thuỷ lợi Vũ Hán và Viện nghiên cứu Khoa học Thuỷ lợi – Thuỷ điện Bắc Kinh.
Sau những năm miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, Nguyễn Văn Cung hăm hở trở về nước làm công tác giảng dạy và tiếp tục hoạt động khoa học. Bến đỗ đầu đời làm nhà giáo của ông là Trường Đại học Bách khoa, tại đây, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Cung với cương vị là Tổ trưởng Bộ môn Thủy lợi, đã giảng dạy môn Thuỷ cung cho sinh viên khóa đầu tiên của ngành thuỷ lợi, ngành địa chất. Không ai khác, ông là người đầu tiên trong nước dạy các môn công trình thuỷ lợi cho nhiều ngành khác nhau ở Đại học Bách khoa và Đại học Thuỷ lợi. Ngoài môn chính là thuỷ công, ông cũng đã tham gia giảng dạy các môn học khác như: Cơ sở khí động học, cơ sở công trình thuỷ lợi.v.v. Nhiều thế hệ sinh viên “đại thụ” đã từng học qua thày vẫn còn nhớ những bài giảng, dễ hiểu và nhớ rất lời của thày Cung.
Ông cũng là người “đặt nền móng” xây dựng Phòng Nghiên cứu thuỷ công - Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi và bộ môn thuỷ công Trường Đại học Thuỷ lợi.
Năm 1962, một lần nữa Nguyễn Văn Cung được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Lần này, ông được sang Liên Xô, nghiên cứu đề tài : “Một số vấnđề thuỷ lực vùng ảnh hưởng của thuỷ triều” tại Học viện Timiriadep, do GS. Agơ-rôt-skin hướng dẫn. Đây là một đề tài phức tạp, mới mẻ, có tính thực tiễn cao mà sau này ông đã vận dụng thành công trong nghiên cứu phục vụ sản xuất. Trong những năm 1967-1969, với cương vị Phó phòng Đào tạo trường Đại học Thủy lợi, ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng mục tiêu chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo của nhà trường. Sau này, khi đã trở thành Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng nhà trường, GS. Nguyễn Văn Cung càng trăn trở với việc nghiên cứu cải tiến mục tiêu ngành nghề, chương trình và kế hoạch đào tạo; đặc biệt ông có nhiều đóng góp quan trọng trong phương hướng bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Nói đến GS. Nguyễn Văn Cung, những người đồng nghiệp, bạn bè thân thiết một thời của ông luôn nhớ đến những hoạt động khoa học gắn liền với công tác đào tạo, phục vụ sản xuất, gắn với tên tuổi “Nguyễn Văn Cung”. Có thể nói, ông là người đầu tiên trong nước đi sâu nghiên cứu “Dòng không ổn định” ngay từ năm 1960. Kết quả nghiên cứu vấn đề quan trọng này đã được công bố thành sách chuyên đề:” Dòng không ổn định trong kênh hở” (xuất bản năm 1972). Ngoài công tác giảng dạy, ông cũng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học như: Nước nhảy dạng sóng, quan hệ lưu lượng-mực nước tại một con sông chịu ảnh hưởng triều, vấn đề dòng chảy biến lượng, đập tràn ngưỡng rộng… đã được báo cáo tại các hội nghị trong nước.
Say sưa với hoạt động khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ năm 1960 ông đã là thành viên Ban khoa học kỹ thuật của UBKHNN. Liên tục từ đó đến cuối đời ông luôn tham gia và giữ cương vị chủ chốt trong Hội đồng khoa học liên ngành Thuỷ lợi – Giao thông vận tải – Xây dựng, Hội đồng khoa học kỹ thuật-Bộ Thuỷ lợi, Hội đồng khoa học của Trường Đại học Thuỷ lợi. Để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Nguyễn Văn Cung rất say mê, tích cực tham gia viết giáo trình và sách về khoa học thuỷ lợi. Cuốn giáo trình thuỷ công (công trình thuỷ lợi) đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa, dày khoảng 400 trang in năm 1960 do ông biên soạn được truyền tay qua nhiều thế hệ sinh viên, hiện vẫn còn được lưu giữ tại trường ghi nhận sự đóng góp quý báu của nhà giáo Nguyễn Văn Cung ngay từ khi mới bước chân vào nghề. Ngoài các giáo trình thuỷ công, thuỷ lực, cơ sở công trình thuỷ lợi, ông còn tham gia viết nhiều tài liệu khoa học kỹ thuật về: Dòng không ổn định trong kênh hở, công trình tháo lũ được Nhà xuất bản nông thôn, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật phát hành là những tài liệu quý cho việc thiết kế, thi công các công trình thuỷ lợi. Đặc biệt, cuốn “ Sổ tay kỹ thuật thuỷ lợi” là một công trình tập thể, do ông chủ biên như một ”cẩm nang” của những người làm công tác thuỷ lợi suốt nhiều thập kỷ qua Để có được những thành quả lớn lao trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Là một nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết và tài năng, từ năm 1978 đến trước khi mất, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi, uỷ viên Ban cán sự Đảng Bộ Thuỷ lợi; Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi. Ông luôn được Đảng tin, dân mến, liên tục được bầu vào Đại biểu Quốc hội khoá 5 và khoá 6; được Nhà nước phong học vị Giáo sư (1980) và tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 2, Huân chương Lao động hạng Nhất. Và, từ trong sâu thẳm trái tim của bè bạn, đồng nghiệp và những người thân yêu nhất, hình ảnh nhà giáo Nguyễn Văn Cung đức độ và khiêm nhường, say mê và bình tĩnh, vững vàng trong cuộc sống vẫn còn mãi với thời gian.