Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/01/2009 23:13 (GMT+7)

GS. TSKH. Lê Doãn Diên - Nhà khoa học thầm lặng

Thuộc thế hệ trí thức trưởng thành sau cách mạng tháng Tám, Lê Doãn Diên ở tuổi mười lăm đã xung phong thi vào trường Thiếu sinh quân Khu Bốn. Năm 1950 trường từ Nông Cống – Thanh Hóa chuyển vào Hương Sơn – Hà Tĩnh. Chiến tranh ác liệt, nhà trường quyết định những em lớn tuổi được nhập ngũ, còn những em nhỏ tuổi thì được tiếp tục theo học Lê Doãn Diên được nhận về học tiếp ở trường Huỳnh Thúc Kháng, được cử làm Tổng đội trưởng của học sinh nhà trường. Cuối lớp 9 anh là một trong 5 học sinh của Trường được cử sang Trung Quốc học Trường Sư phạm Cao cấp. Từ Đô Lương đi bộ đến Lạng Sơn hơn một tháng rưỡi, trên trời là máy bay, dưới đất là rừng rậm đầy muỗi anopheles. Bị sốt rét, uống thuốc khỏi lại đi, mang theo ba lô lại còn phải thay nhau cáng người bạn ốm. Đến biên giới Việt Trung, lần đầu tiên nhìn thấy điện, thấy ô tô tải. “Đời lên tiên rồi!” - Cả đoàn reo lên. Họ được phát quần áo mới và lên ô tô đi từ Lạng Sơn sang Bằng Tường, tới khu học xá Trung ương đóng tại Nam Ninh. Học tập tại đây hơn một năm thì chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lớn, hòa bình lập lại, các anh được lệnh về tiếp quản trường Đại học Khoa học Hà Nội, cùng với anh chị em sinh viên nội thành ở lại, tiếp tục học tập. Đây là khóa Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các anh vừa trên ô tô bước xuống, các anh chị em sinh viên nội thành thấy họ bận quần áo màu xanh, cứ tưởng họ là công nhân ở chiến khu về. Một tuần sau gặp lại nhau ở Trường Đại học họ mới biết các anh là sinh viên. Sinh viên Hà Thành rất khâm phục sinh viên kháng chiến học giỏi, có tác phong rất nề nếp. Tháng 7/1956 tốt nghiệp khóa học đầu tiên này, Lê Doãn Diên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên trao tặng giải thưởng đáng nhớ, đó là cây bút máy, ngòi bút bằng bạch kim, có khắc tên người sinh viên ưu tú. Cây bút ấy anh đã giữ làm kỉ niệm suốt 10 năm, nó theo anh đi khắp mọi nẻo đường học tập; ngay khi làm luận văn phó tiến sĩ từ năm 1962 –1965 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, anh đã dùng cây bút ấy để viết luận án. Đề tài luận án phó tiến sĩ của anh là “Nghiên cứu protein và thành phần acid amin của protein trong các giống lúa Việt Nam ”do GS.TSKH. A.B.Silaev hướng dẫn. Luận án được bảo vệ xuất sắc, thầy Silaev có đề nghị gặp Đại sứ quán Việt Nam cho Lê Doãn Diên ở lại làm thẳng tiến sĩ khoa học, vì thầy cho rằng đây là một hướng nghiên cứu khoa học rất quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên thời gian đó chiến tranh chống Mỹ đang trở nên khốc liệt, Lê Doãn Diên đã cảm ơn thầy Silaev về sự ưu ái đó và tình nguyện xin trở về Việt Nam phục vụ Tổ quốc góp phần nhỏ của mình trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Về nước anh vẫn kiên trì đi theo hướng nghiên cứu chất lượng lúa gạo và nông sản nói chung, mặc dù thời ấy còn đói kém, thiếu lương thực, nhiều người kể cả một số nhà khoa học đã coi hướng nghiên cứu này là mang tính hàn lâm, không thực tế. Lê Doãn Diên vẫn âm thầm tiến hành các nghiên cứu trong nước. Năm 1969 được tin bác Hồ kính yêu qua đời, GS Silaev lại viết thư gửi Bộ Nông nghiệp xin cho Lê Doãn Diên tiếp tục sang Liên Xô làm luận án Tiến sĩ Khoa học. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt và bận rộn trong công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên, cho nên nguyện vọng vô cùng tha thiết của GS Silaev vẫn không thực hiện được. Cho tới năm 1984 anh lại được cử sang Bungari làm luận án tiến sĩ khoa học với tiêu đề “ Nghiên cứu chất lượng protein của lúa gạo tùy thuộc kiểu gen và điều kiện gieo trồng ”. Anh nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm khoa Hóa sinh Đại học Sofia có sự hợp tác với phòng Hóa học Sinh hữu cơ của Đại học Lômônôxốp. Luận án tiến sĩ khoa học của anh được đánh giá xuất sắc. Có thể nói Lê Doãn Diên là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về chất lượng nông sản Việt Nam, đặc biệt là chất lượng lúa gạo mà hiện nay đã trở thành một hướng nghiên cứu quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Một cống hiến không kém phần xuất sắc của GS.TSKH Lê Doãn Diên là ngay từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, anh đã triển khai hướng nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch trong ngành nông nghiệp mặc dầu hồi đó khái niệm về công nghệ sau thu hoach còn rất xa lạ đối với xã hội và ngay đối với một số nhà khoa học. Khi được Bộ Nông nghiệp cử làm Viện trưởng Viện Lương thực, anh đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm đổi tên Viện Lương thực thành Viện Công nghệ sau thu hoạch mặc dầu có nhiều nhà khoa học phản đối. Việc thành lập Viện Công nghệ sau thu hoạch là một dấu ấn lịch sử mang tính chiến lược trong ngành nông nghiệp Việt Nam . Lê Doãn Diên nhớ rất rõ có một lần anh nhận được điện thoại của đồng chí Hà Nghiệp, thư kí của Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh, cho biết Bộ Chính Trị rất tâm đắc với ý tưởng về Công nghệ Sau thu hoạch và đã đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng khóa VI. Trong bài diễn văn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hồi ấy đại ý có nói: “Cần chống hiện tượng mất mùa trong nhà bằng việc phát triển công nghệ sau thu hoạch”. Ngày nay công nghệ sau thu hoạch đã được chú trọng phát triển và ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020 nhằm làm căn cứ để cụ thể chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong các trường Đại học Nông nghiệp trên cả nước đều đã hình thành các Khoa công nghệ sau thu hoạch.

Hiện nay GS.TSKH Lê Doãn Diên là Chủ tịch Hội Hóa Sinh Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng, Phó chủ tịch Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam. Anh đã được tặng giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2000 và nhiều giải thưởng khoa học khác. Anh được thế hệ khoa học trẻ tôn vinh là một người thầy mẫu mực.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.