GS. TSKH Đỗ Trần Cát - nhà khoa học tài năng, một thầy giáo mẫu mực
Anh Đỗ Trần Cát về nước và được điều lên khu sơ tán của trường ĐHBK HN tại một bản hẻo lánh trên bờ sông Kỳ cùng tỉnh Lạng Sơn giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt, máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Đối với Anh, đấy là những năm tháng gian khổ nhưng cũng đáng ghi nhớ, những năm tháng đầu tiên của nghiệp làm thầy. Đôi khi tham gia quản lý khá bận rộn, song Anh vẫn dành thời gian làm nghiên cứu khoa học, và giảng dạy. Anh muốn đem những kiến thức khoa học mà mình tiếp thu được, những kinh nghiệm sống mà mình từng trải nghiệm truyền đạt cho các thế hệ đi sau, giúp họ trở thành những người có ích cho xã hội. Bài giảng của Anh sinh động, súc tích, dễ hiểu, mẫu mực và lôi cuốn được sự chú ý học viên. Anh đã tham gia đào tạo hơn ba chục khóa sinh viên, nhiều học viên cao học, và hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, là tác giả và đồng tác giả 4 cuốn sách giáo khoa, được sử dụng rộng rãi để đào tạo cán bộ khoa học ở nhiều trường đại học trong toàn quốc.
Do những thành tựu đạt được trong khoa học và giáo dục Anh đã được phong chức danh phóa giáo sư Việt Nam năm 1984, giáo sư Algerie năm 1990, giáo sư Việt Nam năm 1996, danh hiệu nhà giáo ưu tú năm 2000, và nhà giáo nhân dân năm 2008, đồng thời Anh đuợc tặng huân chương lao động hạng ba năm 2004 và huân chương lao động hạng nhì năm 2008.
Năm 1971 Anh được cử đi học nghiên cứu sinh tại Việt Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô mang tên Lebedev tại Moskva và năm 1974 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “ Khảo sát các tính chất điện tử trong mô hình hai miền các kim loại”, trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò của tương tác giữa các điện tử ở các miền khác nhau. Anh đã tìm ra cơ chế chuyển pha kim loại - điện môi mới, chuyển pha kim loại - điện môi plasmon. Nghiên cứu sự thay đổi phổ phonon khi có chuyển pha cấu trúc, Anh tìm được các điều kiện có thể làm tăng nhiệt độ chuyển pha siêu dẫn.
Tháng 12 năm 1982 Anh được cử đi thực tập cao cấp tại trường ĐKHTH Kiev và tháng 2 năm 1985 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về đề tài “ Các chuyển pha trong mô hình hai miền các kim loại”, trong đó Anh đã xây dựng lý thuyết vi mô cho chuyển pha với nhiều thông số trật tự (TSTT). Trong mô hình hai miền các kim loại việc tồn tại hai loại điện tử dẫn đến chuyển pha với nhiều TSTT, trong đó pha của các TSTT có vai trò quan trọng trong sự đồng thời tồn tại các TSTT này. Lý thuyết vi mô cho chuyển pha với nhiều TSTT có thể giải thích nhiều hiện tượng trong các chất siêu dẫn, các hệ từ, trong các chuyển pha kim loại - điện môi, chuyển pha cấu trúc.
Trên cơ sở lý thuyết vi mô cho chuyển pha với nhiều TSTT trong những năm qua Anh đã nghiên cứu và thu được các kết quả khoa học sau:
- Xây dựng thành công lý thuyết sắt từ miền cho bán kim loại trên cơ sở đồng tồn tại các TSTT điện môi đơn tuyến và tam tuyến, trong đó trạng thái sắt từ exciton tồn tại ngay cả khi không có tạp chất.
- Xây dựng thành công lý thuyết siêu dẫn cho bán kim loại khi đồng thời tồn tại các TSTT chuyển pha kim loại - điện môi và TSTT chuyển pha cấu trúc, trong đó nhiệt độ chuyển pha siêu dẫn có thể tăng đáng kể.
- Xây dựng thành công lý thuyết sắt từ cho các chất siêu dẫn không tạo nên từ các nguyên tử từ và không chứa các tạp chất từ. Giải thích được tính sắt từ trong các hợp chất siêu dẫn ZrZn2, Sc3In, UGe2;
- Nghiên cứu chuyển pha điện tử trong hệ chuẩn một chiều cho thấy chuyển pha trong hệ chuẩn một chiều có thể là chuyển pha kim loại - bán kim loại. Kết quả trên có thể giải thích trạng thái bán kim loại của các vật liệu chuẩn một chiều hữu cơ (TMTSF)2X hoặc BEDT-TTF ở nhiệt độ thấp.
- Nghiên cứu chuyển pha kim loại - điện môi trong các hệ chuẩn hai chiều có đặc trưng tạo ổ cho thấy có hiện tượng reentrant của chuyển pha kim loại - điện môi.
Các kết quả trên được công bố trong 50 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và thế giới, trong đó có thể kể đến một số bài được một số nhà khoa học quốc tế đánh giá cao và trích dẫn như các công trình: 1/ T.V. Rusinov, Do Tran Cat, Yu. V. Kopaev. Theory og Superconductivity in presence of electron - hole pairing in semimetals, Soviet Journal JETP, 1973, 65, N5, p.1984 - 1998, 2/ Do Tran Cat, Coexistence of ferromanetism and superconductivity in semimetal. Soviet Journal JETP, 1984, 86, N6, p.2134 - 2140, 3/ Do Tran Cat, Electron phase transition in quasi - onedimensional metals. Acta Physical Polonica A, 1988, A74, N4, p.465 - 472.
Anh đã chủ trì trên 10 đề tài và dự án NCKH cấp Nhà nước và cấp Bộ. Anh cùng với một giáo sư người Đức đồng chủ trì một chuỗi gồm 11 lần liên tục Hội nghị khoa học quốc tế Việt Đức về Vật lý và Công nghệ, tổ chức luân phiên hàng năm ở Việt Nam và CHLB Đức. Năm 1985 Anh được cử làm Viện phó Viện Vật lý Kỹ thuật, và từ năm 1995 Anh được cử làm Viện trưởng đến năm 2003. Sự phát triển vững mạnh của Viện này là một minh chứng cho mô hình Viện nghiên cứu và đào tạo, hoạt động tốt trong trường đại học. Mô hình Viện trong trường đã được nhân rộng ở nhiều trường Đại học lớn của Việt Nam hiện nay.
Năm 1997 GS Đỗ Trần Cát được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Làm nhiệm vụ này Anh đã cố gắng đưa công tác chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) vào nề nếp, xây dựng quy trình xét phong với các tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp với thực tế Việt Nam và từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Nhân dịp GS. TSKH Đỗ Trần Cát 70 tuổi, chúng tôi Ban biên tập Vật lý ngày nay, Bộ môn Vật lý lý thuyết ĐHQG Hà Nội, Viện Vật lý Việt Nam và Viện Vật lý kỹ thuật ĐHBK Hà Nội và những người đồng nghiệp một thời gian gũi và cũng là những bạn bè thân thiết trong toàn quốc, xin chúc GS và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc GS tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phục hưng giáo dục nước nhà.
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn, GS. TSKH Nguyễn Ái Việt, GS. TSKH Nguyễn Văn Hùng, GS. TS Nguyễn Quang Báu, GS. TS Vũ Văn Hùng, GS. TS Đặng Văn Soa, PGS. TS Nguyễn Khắc Hùng, PGS. TS Phó Thị Nguyệt Hằng.