GS-TS Vũ Văn Liết: “Hạnh phúc trong nghiên cứu là làm ra sản phẩm bán được”
Chất nông nghiệp toát ra rất đậm ở GS-TS Vũ Văn Liết từ cách ăn mặc giản dị đến nụ cười rộng mở và cả giọng nói đặc sệt Hải Dương mà ông thừa nhận là không hề thay đổi từ khi cha sinh mẹ đẻ.
Ông giáo “chân quê” giỏi ngoại giao
“Nhiều người - kể cả nông dân - bảo rằng ai lại làm lãnh đạo mà không mặc đồ xịn, không chú trọng hình thức, cứ xắn quần lội ruộng như tôi. Nhưng tôi nghĩ mình làm gì, chải chuốt hay không thì mình vẫn là mình thôi” - GS Vũ Văn Liết - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam - giải thích về vẻ bề ngoài của mình.
Điều bất ngờ là con người trông rất mộc mạc, chân quê này lại có tiếng là ngoại giao rất tốt, có lẽ vì ông dễ dàng tạo được sự tin cậy ở người khác. Nhờ khả năng này, ông được giao nhiệm vụ phụ trách mảng hợp tác quốc tế của Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Vị giáo sư chia sẻ với vẻ tự hào: “Trong nhiệm kỳ lãnh đạo ở trường, tôi đã giúp 24 cán bộ đi học thạc sỹ ở nước ngoài và đào tạo 5 thạc sỹ tiếng Anh. Tôi tìm đủ mọi cách để tìm kiếm học bổng cho cán bộ đi học, bởi tôi nghĩ kiến thức chuyên môn phải luôn cập nhật với thế giới thì mới hội nhập toàn diện được, mà muốn vậy phải có ngoại ngữ”.
Giáo sư Vũ Văn Liết. Ảnh: Lê Long
Nhân nói về tầm quan trọng của ngoại ngữ, GS Liết kể chuyện chính khả năng tiếng Anh đã giúp ông hoàn thiện kiến thức và cải thiện kinh tế như thế nào: “Hồi bao cấp, tôi hay đi các địa phương để chuyển giao kỹ thuật, mỗi ngày được 5.000 đồng và một bữa ăn trưa. Kinh tế gia đình hồi đó khó khăn lắm. Hai vợ chồng nuôi lợn cả năm bán đi mới mua được một chỉ vàng. Có dịp tôi được mời đi làm cho một dự án của nước ngoài ở Quảng Ninh. Hồi đó tiếng Anh vẫn còn bập bẹ, vậy mà đi làm có hai tuần, tôi vỡ ra được nhiều kiến thức mới, còn lương thì bằng cả năm nuôi lợn”.
Và rồi, cả cái tài ngoại giao, hội nhập hay vốn liếng ngoại ngữ ấy, ông đều dùng vào việc phục vụ nghề nông. Đời nghiên cứu của GS Liết gắn với các giống lúa thuần bởi những ngày tháng gắn bó với nông dân giúp ông nhận thấy nếu tạo ra được giống thuần, người dân sau thu hoạch có thể giữ lại giống cho vụ sau mà không phải mua giống với giá cao.
“Lăn lộn với cây lúa, giống lúa rồi những vụ bão lụt, mất mùa, sâu bệnh hại, tôi thấy gắn bó và thương người nông dân hơn. Tôi tìm hiểu sâu về sản xuất và canh tác của nhiều dân tộc và chính những người nông dân cho tôi nhiều bài học. Chẳng hạn người Mông có gà Mèo, cải Mèo - những giống họ chọn tạo có khả năng thích nghi và chất lượng cực kỳ cao mà các dân tộc khác không làm được” - GS Liết nói. Trong hàng chục giống lúa quý mà ông chọn tạo, lúa hương cốm, hương Việt... được đánh giá là đầu bảng về lúa thuần chất lượng cao của Việt Nam. “Đặc biệt, giống lúa nếp cẩm DH6 cấy được cả 2 vụ. Loại gạo này có thể dùng làm thực phẩm chức năng với tác dụng chống viêm nhiễm, kháng ung thư” - GS Liết cho biết.
7 năm lãnh đạo không nhận lương
GS Vũ Văn Liết bày tỏ quan điểm: “Với tôi, hạnh phúc trong nghiên cứu là làm ra sản phẩm bán được. Bán được có nghĩa là người dân họ chấp nhận và họ cần. Những sản phẩm chưa bán được, tôi cải tiến để đáp ứng yêu cầu người dùng”. Bởi vậy, việc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng mà ông đang lãnh đạo có đến 11 trong tổng số 20 giống lúa lai được công nhận của cả nước đối với ông là một thành tựu đáng tự hào. Để có được kết quả đó, ông và các đồng nghiệp đã nắm tay nhau vượt qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, thậm chí cả nguy cơ giải thể.
“Tháng 10/2006 tôi về viện, cán bộ đã hơn 3 tháng chưa có lương. Tôi bảo mọi người là thầy chưa có tiền “nuôi” các em, nếu các em tìm được chỗ khác tốt hơn thì cứ đi; nhưng họ nhất quyết không đi và đó là động lực để tôi xây dựng chương trình nghiên cứu và yêu cầu tập trung triển khai” - GS Liết nhớ lại. Ban đầu, ông tập trung nghiên cứu lúa, cử mọi người đi khắp nước thu thập các giống lúa địa phương nhằm chọn ra giống phù hợp nhất để phát triển. Khi đã có nhiều thành công về lúa, viện nghiên cứu thêm ngô, đậu tương, rau.
Xác định rằng phải có sản phẩm thì thầy trò mới nuôi được nhau nên GS Liết khuyến khích các đồng nghiệp nghiên cứu giống mới. Hiện giống lúa lai ba dòng CT16 của viện đã được nhân rộng gần như khắp cả nước, nhiều nhất là ở Thanh Hóa, Nghệ An. Viện đã có 4 giống ngô nếp được bán bản quyền và chọn tạo được hai tổ hợp ngô lai lá đứng.
Giải thích về lý do chọn tạo 2 tổ hợp ngô này, ông cho biết, hiện năng suất ngô của Việt Nam thấp hơn mức bình quân của thế giới (4,5 tấn/ha so với 5,6 tấn/ha) nên cần có giống ưu thế lai lá đứng để có thể trồng ngô với mật độ cao do cây không chiếm nhiều diện tích. Mật độ phổ biến ở Việt Nam là 57.000 cây/ha, GS Liết đẩy lên 83.000 cây/ha, giúp năng suất ngô cao hơn.
7 năm làm lãnh đạo viện, GS Liết chưa hề nhận một đồng lương nào, bởi ông nghĩ, “khi người lãnh đạo công tâm, chịu hy sinh thì sẽ thành công”. Ở viện, nhiều đồng nghiệp 2 lần gọi ông là bố - khi vào trường nông nghiệp và khi được ông hướng dẫn làm tiến sỹ.
ThS Nguyễn Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cây trồng cạn, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng- tâm sự: “Hồi tôi mới ra trường, tuy nói là học nông nghiệp nhưng làm việc chưa đâu vào đâu. Chính thầy Liết là người cầm tay chỉ việc. Mặc dù thầy là lãnh đạo nhưng luôn sẵn sàng lội xuống ruộng, chỉ cho chúng tôi từ cách cầm cuốc, vun thế nào, chọn cây chọn dòng ra sao, lai tạo như thế nào”.
Nhắc đến học trò, có một kỷ niệm làm ông xúc động mãi: Một buổi tối đi làm về muộn của năm 2000, đến nhà mình trong khu tập thể cũ gần trường, GS Liết sợ toát mồ hôi bởi không biết xảy ra việc gì mà rất đông người tụ tập. Hóa ra là học trò khóa 45 và lớp cao học đến tổ chức sinh nhật cho thầy.
“Tôi có nhớ sinh nhật mình bao giờ đâu. Từ bé đến tuổi đó, lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật nên tôi rưng rưng nước mắt” - ông trầm giọng. Có lẽ, ngoài các giống lúa, ngô thì tình cảm của học trò chính là tài sản lớn nhất mà GS Liết tích lũy được trong cuộc đời làm khoa học của ông.
GS-TS Vũ Văn Liết sinh năm 1954 tại Hải Dương, tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 1982, bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành nông học năm 1996, là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội từ năm 2007-2012.
Ông đã chủ trì và tham gia 10 đề tài, dự án khoa học các cấp; hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sỹ và 29 nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn thạc sỹ.
GS Liết là tác giả của 45 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, 6 giáo trình về chọn giống và bảo tồn quỹ gene. Một số sách đã xuất bản do ông chủ biên: Sản xuất giống và công nghệ hạt giống; Quỹ gene và bảo tồn quỹ gene; Kỹ thuật sản xuất hạt giống rau.