GS. TS Phạm Thị Thùy: Dấn thân vào khoa học, phụ nữ phải chấp nhận thiệt thòi
PV: Cho đến lúc này, sau hơn 30 năm cống hiến trong ngành bảo vệ thực vật, "đứa con tinh thần” nào khiến bà phải trăn trở nhất?
GS.TS Phạm Thị Thùy:Đó là hai chế phẩm nấm Beauveria và Metarhizium trừ sâu hại "thân thiện” với môi trường. Đây là hai đề tài "tiêu tốn” của tôi khá nhiều công sức. Để làm được hai chế phẩm này phải có chủng giống tốt, chủng giống mỗi địa phương lại có cái khác nhau, vì thế nếu muốn diệt sâu róm ở Hà Tĩnh thì phải về Hà Tĩnh lấy nguồn từ con sâu róm, muốn diệt trừ sâu róm thông ở Sơn La thì lại phải lên Sơn La. Cứ như thế, chúng tôi đi khắp nơi, tổ chức triển khai sản xuất và hướng dẫn cho bà con sử dụng 2 chế phẩm nói trên vào phòng trừ dịch sâu hại cây trồng và cây rừng. Tất cả đều đạt kết quả tốt, góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thiểu ô nhiễm môi truờng.
Nhưng tại sao những chế phẩm sinh học như vậy vẫn chưa ra được với cuộc sống, trong khi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hóa học độc hại vẫn tràn lan trên khắp các cánh đồng?
- Đúng vậy. Đó là vì thuốc hóa học nhan nhản trên thị trường. Sản phẩm của tôi vẫn chưa có doanh nghiệp nào "dám” nhận để đầu tư sản xuất. Tôi đã từng gõ cửa 3 doanh nghiệp, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu với lý do họ cần thu hồi vốn nhanh, nên cần phải "bắt tay” với những loại thuốc bảo vệ thực vật có hóa học. Bởi vậy, người nông dân mình biết là thuốc bảo vệ thực vật họ đang dùng là độc hại đấy, nhưng vì "miếng cơm manh áo” họ không có sự lựa chọn vẫn phải phun để rau xanh, vẫn phải dùng thuốc kích thích để giúp cây tăng trưởng nhanh, bán được hàng. Cho nên tôi khẳng định rằng, hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa thể có được một sản phẩm rau sạch, rau an toàn theo đúng nghĩa của nó. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà hiện tượng làm bừa, làm ẩu đang ngày càng nhiều. Và điều tôi luôn trăn trở nhất chính là sản phẩm rau an toàn nhưng sức mình thì nhỏ bé làm sao "gánh” nổi vấn đề của cả xã hội.
GS.Phạm Thị Thùy nhận Huân chương lao động Hạng Ba
Hiện tượng "làm bừa, làm ẩu” đang ngày càng nhiều. Vậy trong nghiên cứu khoa học điều này có xảy ra?
- Khi tôi tham gia chấm những đề tài khoa học nói là bảo vệ môi trường nhưng kiểu gì cũng sử dụng chất hóa học trong đó. Bởi vậy, tôi luôn nhắc nhở học trò của mình, người làm khoa học cần phải có cái tâm, phải có sự chân thành thì mới làm ra được một sản phẩm khoa học chân thực. Hay như hai loại nấm của tôi, dù đã chứng minh được tính ứng dụng cao trong cuộc sống nhưng ở một vài nơi, người ta vẫn dành những nguồn đầu tư mới để chi cho việc làm lại những đề tài này. Tại sao họ không dùng tiền ấy để chi cho việc xây nhà máy, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra cuộc sống. Tiền cho nghiên cứu khoa học không phải là không có nhưng vấn đề chi như thế nào, cho những đề tài nào, có tính ứng dụng hay không? điều này hẳn là các nhà quản lý cần phải xem xét lại một cách thấu đáo.
Vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa tham gia công tác giảng dạy, lại phải lo thu vén việc gia đình, làm thế nào để bà "chia " tất cả những việc này trong một ngày?
- Nếu nam giới họ mất 8 tiếng để làm việc thì phụ nữ phải là 12 tiếng cho việc cơ quan, việc chồng con, nhà cửa nhưng phụ nữ làm khoa học còn phải mất nhiều thời gian hơn nữa. Chính vì thế nếu không có niềm say mê thì không thể làm được. Nhưng say mê thôi chưa đủ, mà còn phải say mê một cách nghiêm túc để có thể vượt qua được thử thách, nhiều trở ngại...Đã dấn thân vào nghiên cứu khoa học, phụ nữ phải chấp nhận nhiều thiệt thòi.
Ở cái tuổi mà nhiều người tự cho phép mình được nghỉ ngơi, nhưng dường như bà còn rất nhiều dự định?
Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, mình còn sức khỏe ngày nào thì mình còn "sống” với khoa học ngày đó. Sau khi nghỉ hưu tại Viện Bảo vệ thực vật, tôi may mắn được lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất để tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy. Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho tôi được làm đề tài về nấm bột để phòng trừ các loại sâu hại trên rau, đậu. Dự định đến năm 2015 có thể sản xuất thành công chế phẩm này.
Bây giờ, điều tôi vui sướng hơn cả những giải thưởng, những chiếc cúp từng được nhận trong đời chính là những củ khoai lang, những quả bưởi mà người nông dân gửi cho tôi để thay lời cảm ơn cho một mùa vụ tốt tươi, không bị sâu hại.
Xin cảm ơn bà!
Với những hiệu quả tích cực trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, GS.TS Phạm Thị Thùy đã được tặng nhiều giải thưởng và bằng khen, trong đó có giải thưởng Kovalepxkaia vào năm 2008.Huân chương Lao Động Hạng năm 2013. Hiện bà là giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ sinh học, vi sinh, Khoa Sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Kovalepxkaia tại Hà Nội.