GS Trần Trọng Giễn: ‘Vấn đề của Việt Nam là đào tạo trí thức trẻ’
Quê gốc Quảng Ninh, thuở nhỏ Trần Trọng Giễn là một học sinh giỏi, từng đoạt giải quốc gia môn vật lý dành cho học sinh trung học. Sau đó, ông đã giành được học bổng để sang Mỹ du học. Từ năm 1966 đến nay, sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, ông đã sang giảng dạy tại đại học Memorial ở Canada . Tiến sĩ Giễn đã được phong là full professor - học vị cao nhất của giáo sư tại các trường đại học theo hệ thống Anh - Mỹ.
Là một giáo sư về vật lý lý thuyết, lĩnh vực nghiên cứu chính của ông hiện nay là về lý thuyết và tính toán các va chạm nguyên tử. Những công trình khảo cứu của giáo sư Giễn đã được các nhà khoa học quốc tế chú ý và ca ngợi về các đóng góp cho sự phát triển các phương pháp lý thuyết dùng trong lĩnh vực va chạm nguyên tử. Những phương pháp này giữ một vị trí then chốt cho sự tiến bộ của nhiều lĩnh vực khác nhau như việc lập kế hoạch và sự hiểu biết cho các thí nghiệm dùng máy gia tốc, việc giải thích nhiều hiện tượng quan sát được trong vật lý thiên văn và sự thiết kế các dụng cụ khoa học mang tính chính xác cao kể cả laser và đồng hồ nguyên tử. Hiện tượng va chạm nguyên tử ông nghiên cứu cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong các kỹ thuật chụp hình rất mới dùng trong y học như Positron Emission Tomography (PET). Giáo sư Giễn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giải các phương trình cơ học lượng tử ở năng lượng tầm trung. Ông đặc biệt nổi tiếng sau khi đưa ra phương pháp Modified Glauber để giải quyết các hiện tượng va chạm nguyên tử ở tầm năng lượng trung. Nhà vật lý thực nghiệm tại Wayne State University, ông Detroit, hiện đang hoàn thành rất nhiều việc đo lường trong các hệ thống va chạm cho biết giáo sư Giễn là người đã khám phá lý thuyết này (ông Detroit thực hiện công việc nhờ kết quả nghiên cứu lý thuyết của giáo sư Giễn).
Giáo sư Trần Trọng Giễn là người tổ chức Hội nghị Vật lý nguyên tử quốc tế cùng Viện khoa học Việt Nam năm 1999 tại Hà Nội. Ông nhận xét rằng trong giới nghiên cứu vật lý quốc tế nhỏ bé này mọi người đều biết về công việc của nhau. Qua những lần về Việt Namcộng tác, ông hy vọng nhiều vào công việc các đồng nghiệp Việt Nam của ông đang thực hiện ở nước nhà. Ông nói rằng: "Hồi trước tôi thấy Việt Nam rất thiếu phương tiện khảo cứu. Nhưng gần đây, qua internet các nhà khoa học Việt Nam có thể thu thập được nhiều tư liệu khoa học quý. Các nhà khoa học Việt Nam cũng ý thức được những ngành khảo cứu còn mang tính lý thuyết, là những ngành chỉ những nước giàu mới có thể tiêu tiền vào được vì nó không có ứng dụng trực tiếp ngay. Các giáo sư Việt Nam cũng bắt đầu chuyển hướng qua những ngành ứng dụng phục vụ thiết thực cho đất nước".
Giáo sư Giễn được phong danh hiệu giáo sư nghiên cứu ưu tú của đại học Memorial. Cũng như nhiều giáo sư đầu ngành xuất sắc khác của Canada, là người có nhiều công trình khoa học, ông được Trung tâm nghiên cứu Quốc gia của Canada cung cấp ngân khoản hằng năm để nghiên cứu khoa học. Từ đó giáo sư Giễn đã dành những học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ cho các sinh viên, nhất là sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua, với mong muốn người Việt Nam tiếp thu được nhiều hơn những thành tựu mới của khoa học. Ông nói: "Về vật lý lý thuyết, do sinh viên Việt Nam có nhiều khả năng về toán nên ngành vật lý lý thuyết của mình rất khá. Thỉnh thoảng tôi có về Việt Nam , có tiếp xúc với Viện Vật lý Hà Nội và trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, từ đó đưa một số người sang làm khảo cứu viên sau tiến sĩ".
Có thời gian về nước, mối quan tâm lớn với ông vẫn là việc đào tạo đội ngũ làm khoa học ở Việt Nam như thế nào. Giáo sư Trần Trọng Giễn khẳng định: "Tiềm năng tri thức khoa học và công nghệ của Việt Nam là rất lớn. Tôi đi nhiều hội nghị khoa học của thế giới, đều thấy người Việt Nam , trong khi nhiều nước như Thái-lan, Philippinnes thì không có hoặc rất hiếm người của họ. Theo tôi, sinh viên Việt Nam cũng rất giỏi, nếu biết đào tạo sẽ là nguồn phát triển lớn. Những người làm khoa học bao giờ cũng nghĩ đến việc đào tạo thế hệ trẻ - là những người sẽ thay thế mình tiếp tục con đường đó. Nếu có chương trình đào tạo sinh viên tốt thì Việt Nam sẽ trở thành một nước có vị thế đáng nể về khoa học".
Nguồn: nhandan.com.vn 30/9/2005