GS Trần Thanh Vân làm được điều tưởng như không thể
Ngày 12/8 tới, tại Quy Nhơn sẽ diễn ra cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 và khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành với sự có mặt của 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Đây là thành quả lớn sau hơn 20 năm nỗ lực của Giáo sư Trần Thanh Vân cùng những người bạn làm khoa học của ông, nhằm mục đích mà ông đau đáu nhất là "nâng cao hình ảnh của Việt Nam".
Có một sự trùng hợp kỳ lạ từ hơn 40 năm trước khi ngôi nhà của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân nằm sát vách với căn nhà đàm phán bí mật tại Gif-sur-Yvette giữa Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ với đại diện phía Mỹ Henry Kissinger. Khi ấy, hai vợ chồng ông còn trẻ nhưng đã có những nỗ lực hướng về Việt Nam. Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở bên này, trong căn nhà bên cạnh, các thành viên Hội “Giúp đỡ trẻ em Việt Nam” do vợ ông là bà Kim Ngọc làm chủ tịch, say sưa làm những tấm thiệp Giáng sinh để bán lấy tiền gửi về ủng hộ cho các em nhỏ nhà nghèo hiếu học.
Từ nhiều năm qua, Giáo sư Trần Thanh Vân nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Giáo sư người Pháp Odon Vallet, trao tặng hàng nghìn học bổng cho các học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tờ Thế giới (Le Monde) của Pháp số ra ngày 27/5 có bài viết về vợ chồng ông, bắt đầu bằng một câu rất có ý nghĩa "Tháng 8 tới, vợ chồng ông bà Kim và Jean Trần Thanh Vân sẽ thêm một dòng mới vào sơ yếu lý lịch đã rất hoàn chỉnh của họ. Đó là họ sẽ khánh thành ở đất nước quê hương họ, Việt Nam, một trung tâm hội nghị quốc tế".
Tờ Thế giới nhận xét vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân là những nhà khoa học có "tầm nhìn xa" và lao động cần mẫn. Nếu như đa số các nhà khoa học tập trung vào những nghiên cứu của cá nhân, thì Giáo sư Trần Thanh Vân được giới chuyên môn đánh giá cao ở khả năng tập hợp con người và tầm nhìn giúp mở đường cho các nhà khoa học trẻ tuổi.
Từ năm 1966, khi mới 26 tuổi, ông đã sáng tạo ra một loại hình hội thảo khoa học mới là cuộc "Gặp gỡ Moriond". Đầu tiên chỉ là cuộc gặp vài ngày giữa những nhà khoa học - những người bạn của ông, cùng nghỉ ngơi, trao đổi, đào sâu suy nghĩ những vấn đề trong lĩnh vực vật lý. Đến năm 1989, ông tổ chức cuộc "Gặp gỡ Blois" tập trung chuyên sâu hơn, mời những nhà khoa học uy tín lớn hơn.
Đến nay, "Gặp gỡ Moriond" vẫn họp vào tháng 3 mỗi năm tại vùng Savoie ở nước Pháp, thu hút gần 400 diễn giả và nhà khoa học, còn "Gặp gỡ Blois" được tổ chức trọng thể vào tháng 5 mỗi năm, tại Lâu đài chính của thành phố Blois. Cuộc gặp gỡ này là một trong những hội thảo vật lý quốc tế uy tín nhất. Đặc biệt là Giáo sư Trần Thanh Vân đã tạo ra những cuộc gặp gỡ này để mở đường cho những nhà khoa học trẻ.
"Những người trẻ là những người của tương lai. Tổ chức hội nghị không phải để chỉ có những người có danh tiếng đến, vì những người danh tiếng đã là của quá khứ, mà chúng ta cần cho tương lai. Đấy là lý do vì sao hội nghị Moriond nổi tiếng, vì giờ đây rất nhiều nhà khoa học đã nổi danh cho biết rằng lần đầu tiên họ trình bày ở một hội nghị quốc tế chính là tại Moriond. Điều đó khiến chúng tôi hãnh diện nhất", Giáo sư Trần Thanh Vân lý giải.
Trước đó, Giáo sư Trần Thanh Vân mời nhà vật lý trẻ Đàm Thanh Sơn tham dự gặp gỡ từ khi mới là sinh viên, chứ không đợi đến khi trở thành giáo sư danh tiếng. Với những sáng kiến lớn này, Giáo sư Trần Thanh Vân đã trở thành người châu Á thứ 3 được Viện Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương cao quý TATE dành cho các nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành.
Giáo sư Klima Boaz, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Fermilab của Mỹ - người sát cánh cùng Giáo sư Trần Thanh Vân trong tổ chức các cuộc “Gặp gỡ Blois” hàng năm, cho rằng: “Giáo sư Trần Thanh Vân là người làm được những điều tưởng như không thể. Có nhiều điều mà chúng tôi nhìn vào và bảo thôi quên đi, nhưng Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn cố gắng và cuối cùng ông làm được. Lúc ông nói về Trung tâm dự định xây ở Việt Nam chẳng hạn, mọi người đều nhìn ông ấy lắc đầu. Nhưng ông ấy thực sự là một người có tầm nhìn xa, dám mơ ước và dám làm.
Ông đã hiện thực hóa tầm nhìn và mơ ước của mình bằng các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và bằng Trung tâm sắp khánh thành ở Việt Nam. Giáo sư có mạng lưới bạn bè rộng lớn; những cái tên mà ông nêu ra có đến 8 người từng nhận giải Nobel và sẽ đến Việt Nam là những nhân vật được mơ ước ở những hội thảo quốc tế khác, nhưng với Giáo sư Trần Thanh Vân, họ đã hồ hởi nhận lời sang dự cuộc gặp gỡ ở Việt Nam".
Được mạng lưới đồng nghiệp bạn bè uy tín và tình nghĩa ủng hộ, Giáo sư Trần Thanh Vân đã thực hiện được mong muốn đưa hình ảnh của Việt Nam, chứng minh với thế giới là Việt Nam hoàn toàn có thể đón những nhà khoa học danh tiếng trên thế giới về tham dự các hội thảo lớn. Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành sắp được khánh thành ở Quy Nhơn sẽ hiện thực hóa hơn nữa điều mong muốn đó.