Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 18/10/2013 21:19 (GMT+7)

GS Trần Đức Thảo – danh nhân tuổi Tỵ

Một hiện tượng hiếm lạ

Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 (Đinh Tỵ) tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phụ thân ông là một viên chức nhỏ. Thời trẻ, Trần Đức Thảo theo học Trường Albert Sarraut, đỗ "tú tài Tây" về triết loại loại xuất sắc, vào học Trường đại học Luật tại Hà Nội một thời gian, rồi sang Pháp ôn luyện để thi vào École normale supérieure d’Ulm (Đại học Sư phạm phố Ulm). Đây là một trong mấy grandes écoles (trường lớn) của nước Pháp, nơi từng đào tạo nên nhiều nhà tư tưởng, nhà khoa học lừng danh.

Trường tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao. Nhiều chính khách lỗi lạc, nhiều nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel vẫn lấy làm hãnh diện nếu thời trẻ mình từng là normalien - "học trò sư phạm". Một vài trí thức nước ta đầu thế kỷ 20 ưa dùng từ Hán-Việt thường gọi trường này là "tối cao học phủ" của nước "Pháp Lan Tây" (phiên âm đầy đủ từ France)! Trước kia, chỉ một số rất ít người Việt Nam ta như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân(1)... trúng tuyển vào bậc đại học, cao học hay bậc nghiên cứu sinh của trường này. Gần đây, một số nhà toán học trẻ Việt Nam xuất sắc như Ngô Bảo Châu(2), Phan Dương Hiệu(3)... cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đây.

Năm 1939, Trần Đức Thảo đỗ rất cao vào Đại học Sư phạm phố Ulm. Năm 1942, ông tốt nghiệp cao học (diplôme d’études approfondies - DEA) với bản luận văn Phương pháp hiện tượng học của Husserl.Năm sau, ông đỗ thạc sĩ triết học hạng nhất, ở tuổi 26. Cần lưu ý điều này: Kỳ thi để nhận học vị agrégé, mà hồi đầu thế kỷ 20 các cụ nhà ta vẫn dịch là thạc sĩ, là một kỳ thi tuyển rất khó, số người đỗ rất ít, không giống với việc thi cao học (master) mà giờ đây ta cũng dịch là thạc sĩ. Tuy vẫn là tấm bằng mà tiếng Việt gọi là thạc sĩ, nhưng tính chất khác nhau nhiều lắm!

Lúc bấy giờ, một số tờ báo ở Pháp và ở Đông Dương đã coi việc một người Việt Nam đỗ đầu kỳ thi thạc sĩ tại Đại học Sư phạm phố Ulm là một hiện tượng hiếm lạ, biểu hiện của một tài năng xuất chúng. Ngay sau đó, vị thạc sĩ trẻ đăng ký viết luận án tiến sĩ triết học về đề tài hiện tượng học của Husserl.

Lúc bấy giờ, Pháp và nhiều nước châu Âu đang nằm dưới ách thống trị phát-xít Hitler. Giới triết học phương Tây hy vọng có thể khôi phục tinh thần của văn minh nhân loại qua việc nghiên cứu Hegel và Husserl.

Edmund Husserl là một nhà triết học Đức nổi tiếng, bị bọn Hitler cấm giảng dạy tại các trường đại học ở Tây Âu. Người hướng dẫn Trần Đức Thảo viết luận án tiến sĩ là Giáo sư Jean Cavaillès rời bỏ Paris ra "bưng biền" tham gia kháng chiến chống phát-xít. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc "nhận đường" của nhà triết học Việt Nam trẻ tuổi.

Nguyện vọng trở về tham gia cách mạng

Năm 1944, Paris giải phóng. Thạc sĩ Trần Đức Thảo được cử làm báo cáo viên chính trị tại Đại hội kiều dân Đông Dương họp trong toà thị chính Avignon, nơi mà ông thị trưởng là một đảng viên cộng sản. Trước Đại hội, Trần Đức Thảo trình bày bản dự thảo cương lĩnh đòi thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở Việt Nam càng khích lệ ông hăng say hoạt động xã hội. Ông viết tài liệu tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp báo để ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong một buổi họp báo, một nhà báo Pháp hỏi: "Người Việt Nam sẽ đón tiếp ra sao khi quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ?". Thạc sĩ Trần Đức Thảo trả lời ngắn gọn mà đanh thép: "Nổ súng!"

Tháng 10/1945, ông và 50 kiều bào ta bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam về cái "tội" gọi là "vi phạm an ninh nhà nước". Báo L’Humanité (Nhân đạo) và báo Les Temps modernes (Thời hiện đại) đăng bài phản đối hành động đàn áp đó.

Ba tháng bị đoạ đày trong xà - lim kín mít khiến cho ông thấm thía nhiều điều. Ra tù, ông liên tiếp viết bài cho nhiều tờ báo Pháp, bác bỏ những luận điệu vu khống Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1946, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ông bày tỏ với Chủ tịch nguyện vọng sẽ trở về nước tham gia cách mạng ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ.

Tháng 8/1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng dày 368 trang, luận án tiến sĩ của Trần Đức Thảo, được Nhà xuất bản Minh Tâm in ở Paris.

Tác phẩm triết học kinh điển

Mấy tháng sau, thực hiện lời hứa của mình trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rời nước Pháp trở về Tổ quốc qua đường London - Prague - Moskva - Bắc Kinh - Tân Trào. Ông trở thành một vị giáo sư đại học giữa rừng già chiến khu và, năm 1953, làm việc tại Văn phòng Tổng Bí thư, dịch tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợicủa đồng chí Trường Chinh ra tiếng Pháp.

Ông còn được cử làm Uỷ viên Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Phó Giám đốc Trường đại học Sư phạm văn khoa, rồi chủ nhiệm Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong những năm 1958-1965, mặc dù phải chịu đựng nhiều nỗi đau buồn, ông vẫn tập trung nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Marx, Engels và Lenin, rồi trở thành chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật - Chính trị quốc gia.

Có thể nói, công trình triết học đầu tiên của Trần Đức Thảo gây tiếng vang lớn trong giới học thuật phương Tây là cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Theo Bernard và Dorothée Rousset viết trong cuốn Dictionnaire des philosophes (Từ điển các nhà triết học) do Nhà xuất bản Đại học ở Paris in năm 1984, thì cuốn sách ấy của nhà triết học Việt Nam là "một tác phẩm gây sửng sốt" mà tính táo bạo trong cách nhìn và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là "kinh điển"... Cuốn sách "đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ"...

Từ điển các nhà triết học là một công trình hàn lâm đồ sộ, dày 2.725 trang, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của các nhà triết học trên thế giới từ thời cổ đại cho đến thời nay. Có những tên tuổi chỉ được dành cho 2-3 dòng ngắn ngủi. Nhưng Trần Đức Thảo được trang trọng giới thiệu tới 3 trang khổ lớn.

Để lại dấu ấn trong cả một thế hệ trí thức Pháp

Năm 1973, Nhà xuất bản Xã hội ở Paris in cuốn sách chuyên khảo Nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, dày 344 trang. Lời giới thiệu của nhà xuất bản cho biết: Nhà triết học Việt Nam đã để lại dấu ấn "trong cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông tại Đại học Sư phạm phố Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951" (tức cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng).

Nhiều tiểu luận triết học của ông được in đều đặn trên tạp chí La Pensée (Tư duy) ở Paris.

Năm 1978, Nhà xuất bản Goldolat ở Budapest (Hungary), dịch từ bản tiếng Pháp và in cuốn Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, rồi đề nghị ông viết một cuốn sách khác cũng về triết học. Một nhà xuất bản ở Mỹ, ngay sau đó, dịch (cũng từ bản tiếng Pháp) và in cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo. Một số tác phẩm của ông được in lại tại Anh, Đức, hoặc được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha...

Giới triết học Đức mời Giáo sư Trần Đức Thảo sang Berlin để trao đổi ý kiến về vấn đề con người.

Cuối năm 1988, cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa "lý luận không có con người" (Le Problème de l’homme et l’antihumanisme théorique) viết bằng tiếng Việt và được chính tác giả dịch sang tiếng Pháp, đề cập nhiều vấn đề triết học hiện đại theo quan điểm mác-xít, được in tại TP Hồ Chí Minh.

Khoả lấp nỗi buồn bằng nghiên cứu khoa học

Đến với triết học duy vật biện chứng từ những năm trẻ trung sôi nổi nhất, và rồi, trong những năm đau buồn cay đắng về sau, ông vẫn không vì thế mà quay ra "đốt cháy" những gì mình từng "tôn thờ" thời trẻ. Nhân cách ấy, sự nghiệp ấy rất đáng để cho ta suy ngẫm.

Còn về đời tư, thì có thể nói vắn tắt, ông là người kín đáo, trầm tư, đãng trí, sống giản dị, thanh bạch. Dù có lúc do sự hiểu lầm mà bị đối xử bất công, ông vẫn không hề tỏ ra hằn học, oán thù, luôn lấy lòng đam mê nghiên cứu để khoả lấp nỗi buồn riêng...

Trong một đợt đi công tác ngắn hạn tại Pháp, lưu trú ở nhà khách Đại sứ quán Việt Nam, không may lâm bệnh, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đột ngột qua đời hồi 8 giờ 10 phút ngày 24/4/1993, tại Bệnh viện Broussais, Paris, thọ 76 tuổi.

Tháng 2/2000, ông được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức. Dù gặp nhiều trắc trở nhưng, cuối cùng, giá trị khoa học đích thực của công trình nghiên cứu mà ông là tác giả cũng được xã hội ta thừa nhận.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.