GS Tạ Quang Bửu – Nhà nghiên cứu khoa học có tầm và có tâm
Giáo sư Tạ Quang Bửu được sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bố ông đỗ cử nhân rồi đi dạy học ở phủ Nam Kỳ (Quảng Nam). Mẹ là một phụ nữ thôn quê, nhưng giỏi chữ Hán và đôi khi có làm thơ in trên báo với bút danh Sầm Phố.
Năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế và đỗ thứ 11, học chung lớp với Phan Thanh, Lê Dũng, Khương Hữu Dụng… Bốn năm sau, ông thi Thành chung đỗ hạng thứ hai. Sau đó ông ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng sang Pháp học.
Tại Pháp, năm 1929 ông đăng ký học lớp toán đặc biệt của trường Louis Le Grand và tự vạch cho mình chương trình 5 năm chủ yếu về Toán học và Vật lý lý thuyết. Năm 1930, ông đăng ký học cử nhân Toán ở Viện Henri Poincaré. Ở Viện này có hai giảng đường lớn: Hermite dành cho cử nhân và Darboux dành cho những người học trên Đại học. Tại đây, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà toán học trẻ của nước Pháp, bí mật tham gia nhóm Nicolas Bourbaki. Đó là cơ sở để năm 1961, ông cho ra đời tác phẩm “Về cấu trúc của Bourbaki”.
Ông thi đỗ vào trường Centrale Paris năm 1930, theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các Đại học Paris, Đại học Bordeaux (Pháp) từ 1930 đến 1934 và được trường Bordeaux trao đổi sang Đại học Oxford (Anh) trong một thời gian ngắn. Tại đây ông học thêm vật lý lượng tử.
Năm 1934, ông tự cho rằng những gì mình cần học ở trường như thế là tạm đủ nên xuống Bordeaux tìm thầy Trousset để học về cơ học. Tại đây, lần đầu tiên ông được thầy giới thiệu cho tác phẩm Cơ học của Rauth, ông tự học và mày mò làm được gần hết các bài toán đã ra trong đó. Chính nhờ những hiểu biết thu nhặt được như thế mà sau này ông trở thành người sáng lập Hội Cơ học Việt Nam
Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy Toán và tiếng Anh tại cáctrường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và Toán, Lý, Hóa ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường. Các môn này (động vật, thực vật, khoáng vật) ông tự nghiên cứu trong sách chuyên ngành cao hơn nhiều so với chương trình trung học rồi lên lớp với những mẫu hiện vật tự sưu tầm.
Từ 1942 đến 1945, ông đi làm công cho hãng Điện - Nước SIPEA, được cử phụ trách nghiên cứu, nhờ vậy ông thu thập thêm những hiểu biết về công nghiệp. Tạ Quang Bửu đã thiết kế nhiều bộ phận phụ tùng cho các nhà máy điện, đặt các bộ phận đó cho các nhà máy cơ khí ở Hải Phòng, Sài Gòn, tái sinh dầu nhờn cho Quy Nhơn... Ông đã khước từ Huân chương Bắc đẩu bội tinh do chính quyền Pháp trao vì đã thiết kế đường dây điện cao thế cho nhà máy vôi Long Thọ. Ngoài ra ông vẫn tranh thủ học thêm và nghiên cứu cơ học lượng tử và phương trình vi phân đạo hàm riêng.
Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Từ tháng 9/1945 đến 1/1946, ông đã đảm nhận chức vụ Tham Nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 1946 ông tham gia đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, rồi Hội nghị Fontainebleau (Pháp) đàm phán với Pháp và nhân đó sang Zurich dự lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Hội các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên Thụy Sĩ vào tháng 7 năm đó.
Tháng 7 năm 1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8 năm 1947, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, sau đó một năm trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn dành thời gian tranh thủ viết “Nguyên tử hạt nhân vũ trụ tuyến”, “Sóng”, “Vật lý cương yếu”, “Thống kê thường thức” nhằm phổ biến kiến thức và thành quả mới nhất của khoa học.
Tháng 8 năm 1948 ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa được thành lập, sau đó còn làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương.
Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Ngay trong những ngày Cách mạng mới thành công, ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ vừa giảng dạy môn Vật lý tại Đại học Hà Nội.
Năm 1954, ông tham gia đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Genève về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kí văn bản Hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào, thường được biết đến dưới cái tên Hiệp định Genève về Việt Nam.
Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu- đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháptại Hội nghị Genève ngày 21/7/1954, .
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961) đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1958-1965). Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông trực tiếp làm Trưởng ban Sinh vật - Địa học. Các bài giảng của ông về sinh học hiện đại có các Giáo sư đầu ngành đến dự. Ông cũng tham gia sáng lập Hội Vật lý Việt Nam vào năm 1966.
Ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ 1965 đến 1976 để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy những điều “cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”. Theo sự chỉ đạo của Giáo sư, hệ thống các ban thư kí các bộ môn và các ngành đào tạo được thành lập để cải tiến chương trình đào tạo đồng thời các cán bộ có trình độ cao và kinh nghiệm giảng dạy cũng được tập hợp để biên soạn các giáo trình.
Ngoài công tác giáo dục, ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thả thuỷ lôi trên sông biển và phong toả cảng Hải Phòng. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1) (G là Giao thông, K là Bách khoa) để chống lại thủy lôi chiến lược MK 52 của Mỹ, khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.
Cuối cùng tổ GK1 đã có thể thiết lập hồ sơ chức năng của vũ khí địch, tìm ra dạng tín hiệu tác động và nổ để thiết kế và chế tạo khí tài phá nổ, rồi khí tài gây nhiễu. Ít lâu sau, hàng loạt khí tài phá thủy lôi mang nhãn hiệu GK 72-2, GK 72-3, GK 72-4… được chế tạo cung cấp cho các đội tàu Lê Mã Lương, Quyết Thắng quét mìn…
Với nhiều đóng góp quan trọng đó, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.
Gia đình Giáo sư Tạ Quang Bửu đầu năm 1954 ở chiến khu Việt Bắc.
Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học công nghệ với tập hợp các công trình “Giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà”. Các công trình của ông được đánh giá là đã định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản; chỉ đạo kỹ thuật việc rà phá bom mìn phong toả Vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng và chỉ đạo những nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng khác trong cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng GS Tạ Quang Bửu đến thăm Viện Toán học ViệtNam, 1986
Đêm 14 tháng 8 năm 1986, ông đột ngột ngưng làm việc do rối loạn tuần hoàn não và một tuần sau, trưa ngày 21-8 ông qua đời. Trong sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó bằng tấm lòng trong sáng, tận tâm, thuỷ chung và bằng tài năng, sức lực của một nhà khoa học có tầm và có tâm. Chúng ta nhớ lại câu tuyên ngôn mà ông đã viết trong cuốn sách “Sống” - xuất bản trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc (1948):
Điều cốt yếu không phải là: Sống là gì?
Điều cốt yếu: Làm gì trong lúc sống”.
Và ông đã sống đúng như điều mà mình tâm niệm.