Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 04/10/2006 14:03 (GMT+7)

GS. Phan Hữu Dật, trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và phát triển ngành Dân tộc học

Là nhà giáo - nhà khoa học, ông đã trải qua cuộc đời hoạt động thật sôi nổi, từ cuộc cách mạng mùa thu 1945 cho đến hiện nay trên con đường lớn của dân tộc.

Tiếp thu truyền thống gia đình và quê hương, năm 17 tuổi, ông đã tham gia phong trào cách mạng với sự kiện tham dự cuộc mít tinh trước Ngọ Môn và tuần hành thị uy trên đường phố Huế ngày 23.8.1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm việc tại Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Quảng Trị, sau đó học Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng và Trường Trung cấp Sư phạm Khu IV. Năm học 1951 - 1952, ông là giáo viên trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu ở vùng căn cứ du kích, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, sau đó được điều động làm Hiệu trưởng Trường cấp II vùng căn cứ du kích tại xã Phong Phú, huyện Phong Điền. Từ năm 1953 đến năm 1955, ông là cán bộ Sở Giáo dục Liên khu IV, phụ trách giáo dục địch hậu Bình Trị Thiên và cán bộ Ty Giáo dục Hà Tĩnh. Đó là những năm tháng đầy hào hùng ở chiến khu Ba Lòng vùng Bình Trị Thiên khói lửa với không ít hiểm nguy mà ông cùng các đồng nghiệp đã vượt qua vì sự nghiệp phát triển giáo dục

Năm 1954, ông được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu, ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài: " Các dân tộc nói tiếng Môn - Khơme ở miền Bắc Việt Nam ’’. Luận án đã được bảo vệ năm 1963 tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Đây là luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học đầu tiên của một nghiên cứu sinh Việt Nam được bảo vệ ở nước ngoài dưới chế độ dân chủ cộng hoà (Xem: Năm tháng và niềm tin(Ký ức về GS.NGƯT Phan Hữu Dật). NXB Văn hoá Dân tộc, HN, 1998).

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô, từ năm 1964, ông trở về công tác tại Bộ môn Dân tộc học (nay là Bộ môn Nhân học) thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 đến năm 1975, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; Bí thư liên chi uỷ Khoa; Đảng uỷ viên, Phó bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 2 năm (1975 - 1977), trước yêu cầu của tình hình mới, khi đất nước giải phóng, ông được cử tham gia công tác tiếp quản ngành Đại học Sài Gòn, được cử làm Trưởng Ban Quân quản Đại học Văn khoa, Phó Ban Quân quản (sau đó là Phó ban phụ trách) Viện Đại học Sài Gòn.

Năm 1977, ông được điều động trở lại công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được cử làm Phó hiệu trưởng (1977 - 1981), Quyền Hiệu trưởng (1981 - 1985); và sau đó là Hiệu trưởng (1985 - 1988), kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986 - 1988), Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học. Ông vinh dự được cử làm Đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).

Từ năm 1988 đến năm 1993, sau khi nghỉ công tác quản lý tại trường, ông chuyển về công tác tại Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương và làm giảng viên Bộ môn Dân tộc học, rồi tiếp tục được cử giữ những trọng trách như: Uỷ viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam khoá II. Cho đến hiện nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được mời làm giảng viên kiêm nhiệm tại Bộ môn Nhân học - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời tham gia giảng dạy các bậc học từ hệ đào tạo cử nhân đến tiến sĩ.

Ấn tượng về các tộc người ở Việt Nam đến với ông từ rất sớm. Ông kể: Hồi học ở lớp 3 trường làng Thanh Lương, có một lần thầy giáo hỏi cả lớp: "Ai có ít?"- Ông trả lời: "Mọi có ít"( Mọilà từ chỉ các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên theo cách gọi lúc bấy giờ). Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trở thành sinh viên Trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Chính GS. Trần Văn Giàu đã khuyên ông theo học nghề Dân tộc học, Dân tộc học đã trở thành nghiệp đời của ông từ đó.

Trên hành trình Dân tộc học, dấu chân của ông đã có mặt trên nhiều vùng đất của Tổ quốc, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến Xóm Mũi (Cà Mau). Là học trò của ông cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được nghe ông kể không ít kỷ niệm điền dã về nhiều tộc người với nhiều hương vị không thể nào quên, từ món thắng cố, mèn mén của Người H"mông ở cao nguyên Đồng Văn đến âm vang trống đồng của người Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú, từ hương vị măng chua nấu với nhái, đặc sản xứ Mường vùng Tây Bắc đến đến món cơm pồi của người Rục vùng Trường Sơn, về nồi cháo gà thơm ở bản Chòm Lòm vùng miền tây Quảng Bình vẫn còn nguyên bộ lòng chưa kịp làm… Ông kể về lần gặp Bác Hồ và câu hỏi của Người về Xá Lá Vàng là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên bước đường nghiên cứu.

Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Phan Hữu Dật đã trở thành một trong những giáo sư đầu ngành về Dân tộc học - Sử học. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung vào những nội dung như: Các vấn đề lý luận về tộc người, về cộng đồng quốc gia dân tộc và lý thuyết Dân tộc học; Văn hoá các dân tộc ở Việt Nam, Văn hoá và phát triển; Quá trình tộc người và mối quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và trên thế giới; Dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử hôn nhân gia đình.

Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của GS. Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học, từ các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu trong Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề Dân tộc học trên thế giới; từ văn hoá và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hoá; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội - nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng... " Các công trình nghiên cứu củaông , dù trong lĩnh vực nào, cũng đảm bảo sâu sắc về mặt lý luận, tính nguyên tắc về mặt tư tưởng, ý nghĩa thực tiễn về mặt áp dụng"(Lê Sĩ Giáo: Nhà giáo - nhà khoa học, GS. Phan Hữu Dật. In trong: Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam .NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998) .

Với tư cách là một trong những nhà dân tộc học đầu ngành, những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam . Ông là người Việt Nam đầu tiên biên soạn giáo trình " Cơ sở Dân tộc học"(1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân họctrên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình khoa học của GS. Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại (Xem Phan Hữu Dật chủ biên: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến vấn đề dân tộc trên thế giới. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. NXB CTQG,HN, 2000). Từ rất sớm, ông đã đề nghị bổ sung nguyên tắc giúp nhau cùng phát triển trong các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc và nguyên tắc này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam . Xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của ông là vấn đề xem xét mối quan hệ dân tộc, từ lý luận đến thực tiễn. Ông đã dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đồng thời đưa ra những đề xuất có tính thuyết phục nhằm tằng cường hơn nữa mối quan hệ dân tộc hiện nay. Những thành quả nghiên cứu này đã có dịp được ông trình bày tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (với tư cách là Uỷ viên Ban soạn thảo Luật Dân tộc) và Hội đồng Tư vấn Dân tộc của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (với tư cách Phó chủ nhiệm Hội đồng).

Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS. Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam , văn hoá và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này. Có thể coi công trình " Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX"là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao. GS. Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ nhất những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng đã cùng giới nghiên cứu tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam . Những tiêu chí đó đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã góp sức cùng với các nhà sử học và các khoa học xã hội nghiên cứu về thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông dưới góc độ Dân tộc học đã góp phần soi sáng về tính chất và thiết chế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ cũng như vai trò của văn hoá Lạc Việt trong nền văn hoá Đông Nam Á.

Trong các công trình nghiên cứu của GS. Phan Hữu Dật, lịch sử và văn hoá của nhiều tộc người, từ các tộc người thuộc ngôn ngữ Thái đến các cư dân Môn - Khơme, từ các tộc người nói ngôn ngữ H"mông - Dao, đến các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng, từ các cư dân Việt - Mường đến các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo... đã được thể hiện khá sinh động và có tính thuyết phục. Khi xem xét văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông đã có những phân tích khá thuyết phục khi đặt văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong mối liên hệ văn hoá trong khu vực và thế giới. Những kết quả nghiên cứu này đã được trình bày tại nhiều trường đại học và các hội thảo quốc tế.

Ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc ở nước ta trong mối liên hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại. Khi xem xét văn hoá truyền thống các dân tộc, ông đã phân tích sâu sắc và chỉ ra các yếu tố văn hoá không gây trở ngại, cũng như những giá trị cũ đã lỗi thời, có thể gây trở ngại cho sự phát triển cần cải biến. Đồng thời ông cũng chỉ ra những giá trị văn hoá của các tộc người có tính vĩnh cửu hay tương đối vĩnh cửu cần được bảo tồn để làm giàu cho văn hoá dân tộc và nhân loại.

Một trong những vấn đề được đề cập trong những công trình nghiên cứu của ông là tiếp cận nghiên cứu con người và văn hoá. Theo GS. Phan Hữu Dật, đứng về mặt phương pháp luận mà nói, không bao giờ có con người chung chung, trừu tượng, mà con người bao giờ cũng là con người cụ thể, sản phẩm tổng hợp của các điều kiện địa lý, môi trường kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hoá truyền thống cụ thể.

Với tư cách là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hôn nhân gia đình, từ những năm 60 thế kỷ XX, ông đã nghiên cứu về các hình thái hôn nhân của người Vân Kiều, tìm ra dấu vết liên minh ba thị tộc. Ông cũng đã đi sâu nghiên cứu dấu vết hệ thống 4 hôn đẳng ở Tây Nguyên; các quy tắc cư trú trong hôn nhân cũng như chế độ song hệ; dấu vết bào tộc ở người Êđê với những phát hiện khoa học, mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc nghiên cứu quá khứ của loài người, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện Luật Hôn nhân gia đình các dân tộc Việt Nam, xây dựng đời sống văn hoá mới, phù hợp với quy luật phát triển. Xung quanh vấn đề này, các công trình của ông về các lý thuyết nghiên cứu, về các tác giả và tác phẩm như H. Moócgan với Xã hội cổ đại, Ph. Ăngghen với " Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước"... đã đánh giá một cách khách quan những đóng góp của trường phái mác xít trong Dân tộc học, góp phần định hướng cho các nhà khoa học trẻ, anh chị em sinh viên và học viên cao học trên bước đường học tập và nghiên cứu.

Với cương vị là nhà giáo, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Sử học - Dân tộc học. Dưới sự hướng dẫn khoa học của ông, đã có 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 5 người bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội và 2 thạc sĩ. Hiện nay ông đang tiếp tục hướng dẫn 2 luận án tiến sĩ. Ông đã tham gia làm chủ tịch và phản biện 35 luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cũng như các trường đại học... đồng thời tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như: Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), Đại học Humbodlt (CHDC Đức) và nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Ông luôn luôn ước vọng xây dựng trường phái Dân tộc học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2004, ông đã trao tặng 1.500 đầu sách và tài liệu cho Bộ môn Nhân học, bổ sung vào kho tài liệu học tập cho cán bộ và sinh viên. Các học trò của ông ở Bộ môn Nhân học luôn tự hào về người thầy của mình, luôn coi ông là chỗ dựa quan trọng về học thuật và cuộc sống.

Ông đã cho công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo, đáng chú ý như: " Văn hoá lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á"(Chủ biên, 1992); " Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam"(Chủ biên, 1994); " Văn hoá Thái Việt Nam"(viết chung với Cầm Trọng, 1995); " Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử"(chủ biên, 1998); "Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam"(1998); " Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam"(2003)... Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín như: Dân tộc học Xô Viết (1961); ASEMI (1978), các kỷ yếu hội thảo quốc tế... bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga.

Ông đã được cử làm chủ nhiệm 2 đề tài khoa học cấp Nhà nước: Văn hoá Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hoá vùng và tộc người (1990 - 1995); Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc và sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Chính sách dân tộc của Đảng (1995 - 2000). Ông còn làm chủ nhiệm 4 đề tài khoa học cấp Bộ, thành viên của 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước...

Trên nửa thế kỷ qua, với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, ông đã dành toàn bộ tâm huyết với nghề. Đồng nghiệp và học trò tìm thấy ở ông không chỉ là trí tuệ mẫn tiệp và sự lao động miệt mài sáng tạo của một nhà khoa học chân chính với mà còn tìm thấy cái tâm của nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Thanh Lương - Phan Hữu Dật.

Nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng. Trên con đường cách mạng và hành trình đến chân lý, ông đã vượt qua những chặng đường gập ghềnh của khoa học, như cách nói của C. Mác mà ông viết trong phần mở đầu cuốn sách của mình.

 Để tạm kết cho bài viết này, xin mượn lời của chính ông:

" ... Mẹ ơi, sinh con ra nô lệ

Đâu nghĩ rằng con sẽ đổi đời

Thương mẹ suốt đời trong quạnh quẽ

Biết đâu con đã đến chân trời...’’.

(Chân trời, Thơ Phan Hữu Dật)

Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.