GS Nobel Vật lý Duncan: Nghiên cứu của tôi từng bị đánh giá là “vớ vẩn”
Nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý 2016 - GS. Duncan Haldane chia sẻ, kết quả nghiên cứu của ông đã từng bị một số giáo sư kinh nghiệm đánh giá: “Thật sự là vớ vẩn!”. Nhưng ông đã kiên trì theo đuổi vì tin vào chính mình.
GS. Duncan Haldane là nhà khoa học xuất sắc đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016. Ông được biết đến với nhiều đóng góp cơ bản cho vật lý, vật chất cô đặc bao gồm lý thuyết về chất lỏng Luttinger, lý thuyết về chuỗi spin một chiều, lý thuyết về hiệu ứng hội trường lượng tử phân đoạn.
Chiều ngày 19/07/2022, GS. Duncan đã có bài giảng đại chúng tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) với chủ đề "Topological quantum matter, entanglement, and the second quantum revolution" (tạm dịch Tôpô lượng tử, sự vướng mắc và cách mạng lượng tử lần thứ 2).
GS đã có những chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học của ông, cũng như lời khuyên đối với các nhà khoa học trẻ.
Ranh giới giữa một kẻ ngốc và tài năng xuất chúng đôi khi do may mắn
GS. Duncan Haldane chia sẻ, công trình của ông được bắt đầu vào những năm 80. Tuy nhiên, ông đã gặp rất nhiều khó khăn để xuất bản những bài báo công bố nghiên cứu đầu tiên. Thậm chí, kết quả nghiên cứu của ông bị người ta cho rằng là sai, ngu ngốc.
"Tôi còn nhớ một lần dự hội nghị khi chia sẻ kết quả có một số giáo sư giàu kinh nghiệm bảo điều đó thật sự là vớ vẩn", GS Haldane nhớ lại.
Theo GS. Duncan Haldane, thực ra khoa học nhiều khi có cả sự đối lập, mâu thuẫn. Vì vậy khi ông mô tả một cách hiểu mới, một cách giải quyết mới cho một vấn đề cũ thì gặp rất nhiều khó khăn. Và việc không được người khác chấp nhận cũng rất bình thường.
Tuy nhiên, khoa học không phải là đúng hay sai, không phải là tin hay không tin. Mà là ở các kết quả thử nghiệm. Và khi kết quả chứng minh đúng thì có nghĩa là là đúng.
Sau một thời gian nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm đã dần dần chứng tỏ là ông đã đúng. Những người cho rằng lý thuyết và dự đoán của ông là hoàn toàn sai trước đó cũng bắt đầu chấp nhận và dần dần ủng hộ ý kiến của ông. Tuy nhiên, ông cho rằng, thành công đó của ông là có yếu tố “may mắn”.
“Tôi cho rằng, ranh giới giữa tôi là một tài năng xuất chúng và một kẻ ngốc trong khoa học nhiều khi cũng phụ thuộc vào may mắn. Trong trường hợp này, tôi là người may mắn bởi tôi thấy được những kết quả thực nghiệm đến rất sớm”, GS. Duncan Haldane chia sẻ.
Từ trải nghiệm của mình, GS. Duncan Haldane muốn chia sẻ tới các nhà khoa học trẻ rằng, cần phải có niềm tin vào những nghiên cứu, kết quả của mình. Nếu các bạn thấy rằng đó là một kết quả có ý nghĩa, đúng thì các bạn cần bảo vệ nó. Đặc biệt là trước những GS có kinh nghiệm giảng dạy.
Bởi tuổi trẻ thường muốn tìm kiếm một điều gì đó mang tính đột phá. Tuy nhiên, những GS nhiều tuổi lại thường có niềm tin rất chắc chắn vào những điều đã được dạy, được học nên thường rất khó chấp nhận những cái khác, cái mới.
Khi các nhà khoa học có kinh nghiệm giảng dạy các sinh viên, đôi khi rất khó để họ chấp nhận các bạn trẻ, sinh viên có sự đột phá, khác với điều mà các họ đang giảng dạy. Đó cũng chính là vấn đề mà ông muốn lưu ý tới các nhà khoa học trẻ - cần có niềm tin vào chính mình.
Ông nhớ lại, có một lần ông đọc một nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu khác. Trong khoảng 10 phút, ông bắt đầu nghi ngờ vào bản thân mình, rằng liệu những nghiên cứu của ông có thật sự đúng hay không? Nhưng rất nhanh ngay sau đó, ông đã có một niềm tin chắc chắn vào công trình của mình là đã đi đúng hướng.
Theo ông, ranh giới đôi khi rất mong manh. Nhưng khi nhà khoa học có niềm tin vào công việc của mình, thì có thể bảo vệ nó. “Tuy nhiên, cũng nên chuẩn bị cả tinh thần có thể rằng sẽ sai”, ông chia sẻ.
Khoa học cơ bản trình độ cao cần cho phát triển đất nước
Trao đổi về vai trò của khoa học cơ bản trong mối quan hệ với khoa học ứng dụng, GS. Duncan Haldane chia sẻ, không chỉ những nước đang phát triển như Việt Nam mới đặt ra vấn đề nên đầu tư vào khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng, mà đó là vấn đề chung. Ở các nước, các Bộ như Bộ Tài chính hay Bộ Khoa học Công nghệ cũng muốn nhìn thấy những kết quả trực diện, ngay lập tức, nên họ cũng muốn những nghiên cứu mang tính ứng dụng.
Tuy nhiên, lấy một ví dụ trong nông nghiệp công nghệ cao - một lĩnh vực khá gần gũi với Việt Nam, thì những nghiên cứu về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lại rất cần những nghiên cứu về vấn đề chuyển đổi gen, lựa chọn giống,... Đó là câu chuyện của khoa học cơ bản.
“Như vậy, nếu các nhà chức trách, có trách nhiệm chỉ lựa chọn các dự án, đề tài mang tính định hướng ứng dụng thì sẽ ngăn cản hoặc có thể sẽ làm nghèo khoa học cơ bản. Nó sẽ ngăn cản những người đam mê tìm kiếm những hiểu biết có thể mang lại nguồn lợi rất lớn sau đó nếu các nhà khoa học có thời gian thực hiện nghiên cứu của mình. Bởi thông thường, các nghiên cứu cơ bản chưa bao giờ là nghiên cứu ngắn ngày”, GS. Duncan Haldane cho hay.
GS. Duncan Haldane cũng lưu ý, dù nghiên cứu khoa học cơ bản hay ứng dụng thì điều quan trọng là các cơ quan thực hiện tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc lựa chọn đề tài đầu tư nghiên cứu... phải là những nhà khoa học làm nghiên cứu khoa học, chứ không phải những người làm hành chính.
Theo ông, nên tránh tư duy một nước đang phát triển thì nên tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, điều đó không đúng.
Mọi nghiên cứu bắt đầu từ sự tò mò
Trao đổi về hướng đi trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các trường đại học đang giảng dạy, GS. Duncan Haldane cho hay, mọi việc thường bắt đầu từ tò mò mà không đặt nặng vấn đề nghiên cứu ứng dụng. Ở Mỹ có những chương trình quốc gia để hỗ trợ những nghiên cứu cơ bản như vậy - những nghiên cứu có thể thuần túy chỉ đáp ứng sự tò mò của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, các tổ chức của Chính phủ, Nhà nước cấp quỹ dựa trên đánh giá của giới khoa học, chuyên gia chứ không phải là giới quản lý thuần túy. Đây là điều, rất quan trọng để giúp cho việc lựa chọn và tài trợ cho các nghiên cứu nổi bật nhất.
GS. Duncan Haldane cho hay, sau thế chiến lần 2, nước Mỹ hiểu rằng có một đội ngũ tinh hoa làm nghiên cứu khoa học cơ bản trình độ cao rất cần thiết trong việc phát triển công nghệ của đất nước. Tức là có mối quan hệ rất rõ ràng giữa khoa học cơ bản và công nghệ - điều mà nước Mỹ có thể thấy từ Nhật Bản, Đức trước thế chiến.
“Do nhận thức này, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức tài trợ của Mỹ được tổ chức để hướng tới mục đích thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và tính tò mò trong học thuật. Và cũng phải mất thời gian rất lâu để có thể có được một nền khoa học như ngày hôm nay”, GS. Duncan Haldane chia sẻ.
Đánh giá về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, GS GS. Duncan Haldane cho hay, thông qua chất lượng sinh viên khi làm nghiên cứu sinh tại Mỹ thì có thể thấy Việt Nam có hệ thống đào tạo đại học, hệ thống nghiên cứu đáng tin cậy, có trình độ tốt. Việt Nam có đủ điều kiện và trình độ để phát triển hơn nữa.
Giáo sư Haldane sinh ra ở thành phố London, Anh. Ông nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Cambridge và bắt đầu làm việc tại trường Đại học Princeton từ năm 1990. Ông nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2016 cùng với hai nhà khoa học khác, David Thouless đến từ Đại học Washington và J.Michael Kosterlitz, trường Đại học Brown cho những phát hiện về sự chuyển hóa kỳ lạ của vật chất.
Bằng cách sử dụng các khái niệm hình học tô pô, một nhánh của toán học, các nhà khoa học đã nghiên cứu các trạng thái khác thường của vật chất, chẳng hạn như các chất siêu dẫn, siêu lỏng hoặc màng mỏng từ tính. Thành công của các nghiên cứu mới này cho phép đạt được những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu bí mật của vật chất và mở ra một viễn cảnh khám phá phát minh vật liệu mới trong lĩnh vực điện tử và khoa học vật liệu.