GS Nguyễn Huy Phan - Người đi tiên phong trong phẫu thuật tạo hình
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chỉ mới học năm thứ nhất, Nguyễn Huy Phan đã đi kháng chiến với tư cách là tự vệ chiến đấu kiêm cứu thương. Trong một lần đến kiểm tra đơn vị, thanh tra quân y – bác si Trần Hữu Nghiệp – phát hiện ra “chàng cứu thương” còn quá trẻ, làm việc say mê, lại có những hiểu biết về ngoại khoa. Ông khuyên Nguyễn Huy Phan nên đi học kẻo phí... Năm 1947, Phan được đi học trường Y của kháng chiến tại Tuyên Quang, cứ 6 tháng học lại đi phục vụ chiến dịch vài ba tháng. Trong một chiến dịch, anh bắt gặp một cô dân công bị thường ở mặt đến độ méo mó, dị dạng. Anh đã đem hết những hiểu biết của mình và với những dụng cụ y khoa có được tại chỗ, điều trị cho cô. Cô dân công được cứu sống, song khuôn mặt xinh đẹp không còn nữa... Hình ảnh này luôn ám ảnh anh trên khắp các nẻo đường chiến dịch, càng nung nấu nơi anh quyết tâm cháy bỏng: trở thành bác sĩ ngoại khoa chuyên phẫu thuật tạo hình để đem lại hạnh phúc cho những ai bất hạnh... Năm 1951, học xong năm thứ tư, kháng chiến chưa đủ điều kiện để tổ chức thi bác sĩ, anh tạm nhận chức danh y sĩ cao cấp để ngay sau đó đi phục vụ các mặt trận ở phía Bắc, từ chiến dịch Trung du đến Điện Biên Phủ... Tháng 1-1955, tại Đại học Y khoa Hà Nội. Nguyễn Huy Phan thi đỗ bác sĩ rồi được giữ lại giảng dạy bộ môn giải phẫu. Mùa thu 1955, bác sĩ Nguyễn Huy Phan được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô với đề tài mà từ lâu anh vẫn ấp ủ: Phẫu thuật tạo hình vùng cổ mặt. Tại đây, trong suốt 4 năm nghiên cứu học tập, anh đã trực tiếp tham gia giải phẫu ở hai viện Chấn thương - Chỉnh hình và Phẫu thuật thẩm mỹ trung ương Matxcơva. Tháng 9-1959, Nguyễn Huy Phan bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (PTS) y học với đề tài: Điều trị phẫu thuật các khối u máu vùng hàm mặtvà trở thành PTS y học đầu tiên ở nước ta.
Qua mấy cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, trực tiếp tham gia với tư cách người lính quân y. GS. Nguyễn Huy Phan đã chứng kiến khá nhiều vết thương huỷ hoại nghiêm trọng cơ thể con người: chấn thương làm biến dạng vùng hàm mặt, gây thiếu hụt các bộ phận cơ thể, đặc biệt là bộ phận tạo nên nòi giống, đảm bảo hạnh phúc lứa đôi... Ông tâm sự: “Trong những ca tôi xử lý bước đầu khi chiến sĩ ta bị mảnh bom, tên lửa... tiện cụt dương vật, ca làm tôi đau đớn nhất là một chiến sĩ sau khi bị thương đã loạn tâm thần đến độ không chữa lành được nữa!...”.
40 năm liên tục làm phẫu thuật tạo hình với sự nhạy bén tiếp thu và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến của nền ngoại khoa thế giới; với đỉnh cao khoa học đạt được năm 1983: bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa với đề tài Tạo hình phức hợp trong điều trị các dị chứng vết thương hoả khí lớn vùng hàm mặt;với lòng mong muốn tột độ của suốt cuộc đời là làm phẫu thuật tạo hình để đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, GS.TS Nguyễn Huy Phan đã đi từ thành công này đến thành công khác mà rực rỡ nhất là công trình Giải phẫu tạo hình dương vật.
Tái tạo mùa xuân cho những lứa đôi
Năm 1969, một sáng nọ, chàng lính trẻ Trần Ngọc B, người Thanh Hoá mới 23 tuổi nhập viện trong tình trạng dương vật đã bị mảnh tên lửa tiện cụt. Anh khoẻ mạnh, đẹp trai, lại chưa có người yêu. Giáo sư Phan đã quyết định: phải tái tạo lại cho được bộ phận đã mất. Vậy là ca phẫu thuật tạo hình dương vật đầu tiên ở Việt nam được ông tiến hành với 6 lần mổ kéo dài trong 7 tháng điều trị tại chỗ. Một chuyện tình hi hữu xảy ra. Cô y tá được giao nhiệm vụ chăm sóc chàng thương binh nọ trong suốt quá trình điều trị đã yêu chàng... Kết cục thật đẹp: chàng xuất viện trở về xứ Thanh, đem theo cả nàng y tá. Họ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc với nhau, liên tiếp cho chào đời 3 đứa con khoẻ mạnh... Sự thành công của ca phẫu thuật đầu tiên làm nức lòng GS. Nguyễn Huy Phan và cộng sự - những học trò của ông. Đến năm 1979 thì thầy trò ông đã tiến hành thành công 25 ca phẫu thuật tạo hình dương vật. Quy trình của 6 thì mổ, mỗi thì cách nhau khoảng một tháng có thể tóm tắt nhau sau: tạo hình niệu đạo từ da lên trên thành bụng; dùng da mỡ bụng cuốn niệu đạo mới làm vào giữa tạo dương vật hình trụ: nhấc “dương vật” lên rồi vá da vùng này; chuyển một đầu “dương vật” vào bàn tay; cắt đầu kia của “dương vật” rồi đem xuống “trồng” ở mua rồi nối niệu đạo mới làm vào niệu đạo còn lại ở mỏm cụt, “trồng” dương vật vào mủm cụt; cắt sụm từ xương sườn nhồi vào giữa “dương vật” rồi cắt rời nó khỏi bàn tay; cúng cùng là nối sụn vào mủm cụt các thể hang. Như vậy, dương vật mới tạo luôn được gắn vào cơ thể người trong suốt cả quá trình mổ và sau khoảng một năm có sự bù trừ của não bộ, với sự phát triển của các mạch máu liti, sự truyền những cảm giác hứng dục vẫn có từ mỏm cụt dần dần qua bộ phận mới tạo khiến nó trở thành một cơ quan có chức năng. Với người đã có vợ, cảm giác hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng hầu như không bị ảnh hưởng gì; những người chưa vợ nếu tinh hoàn, tuyến tiền liệt... vẫn còn đầy đủ chức năng thì có thể lấy vợ, sinh con bình thường.
Mùa đông 1979, GS. Phan được Hội phẫu thuật tạo hình Pháp mời sang tham gia một số cơ sở tạo hình ở Paris, Lyon, Marseille và dự Hội nghị phẫu thuật tạo hình lần thứ 24 của Pháp với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước. Tuy không có trong chương trình nghị sự, ông đã được dành 15 phút để trình bày những kinh nghiệm của mình trong việc tạo hình dương vật và hội nghị đã sôi nổi thảo luận đến 25 phút về bản báo cáo này - một ngoại lệ hiếm có trong các hội nghị khoa học quốc tế. Một nữ giáo sư chất vấn: “Giáo sư có theo dõi, điều tra kết quả việc làm của mình ở phía người vợ không? Họ trả lời thế nào?”. GS. Nguyễn Huy Phan vui vẻ: “Thưa bà, tôi tái tạo cơ quan sinh dục không những chỉ chođàn ông mà còn cho cả những người bạn đời của họ, vì vậy nguyên tắc của tôi là theo dõi phản ứng nơi họ. Một lần tôi hỏi cảm tưởng, sự so sánh ở một người vợ đã từng sống với chồng vài năm trước khi chàng vào bộ đội... Câu trả lời của chị ấy là: “... Có khác chứ, khác ở chỗ chậm xuất tinh hơn nhưng có lẽ... như thế lại hơn!”. Cả hội trường đã đấm bàn rầm rầm hưởng ứng. Từ đó cho đến năm 1986, GS.TS. Nguyễn Huy Phan cùng các cộng sự của mình, cũng bằng kỹ thuật ngoại khoa quy ước tuy có vài thay đổi tiểu tiết trong thứ tự tiến hành, đã phẫu thuật thành công thêm 29 ca tạo hình dương vật nữa.
Ứng dụng vi phẫu thuật mạch mấu - thần kinh
Từ những năm của thập kỷ 1930, y học thế giới đã sử dụng kính hiển vi vào phẫu thuật, bắt đầu từ việc mổ tai giữa: nói cách khác là từ đó đã có vi phẫu thuật. Bước sang thập kỷ 1960, kỹ thuật hiện đại đã sáng chế được nhiều công cụ y học tiên tiến, đặc biệt là bộ kim chỉ khâu cực mảnh với trôn kim là ống rỗng được đục bởi kỹ thuật laser - từ đây kỹ thuật vi phẫu thuật mạch máu, các bó sợi thần kinh mà đường kính ngoài khoảng 1mm bởi từ 4 đến 8 mũi khâu mà vẫn đảm bảo mạch thông suốt và các bó sợi thần kinh được ráp nối chuẩn xác. Những bộ phận của cơ thể bị cắt rời – trong vòng 5 giờ hoặc hơn một chút - sẽ được nối lại dễ dàng bởi kỹ thuật vi phẫu MM-TK. Trên thế giới, những năm của thập lỷ 1970 là thời kỳ nở rộ của kỹ thuật vi phẫu MM-TK tạo nên sự “bùng nổ” trong kỹ thuật ngoại khoa.
Năm 1975, đất nước thống nhất, nguồn thông tin khoa học kỹ thuật thế giới vào nước ta đã thông suốt và GS. Nguyễn Huy Phan đã theo dõi được những tiến bộ khoa học của nền y học thế giới, đặc biệt là kỹ thuật ngoại khoa. Năm 1977, phát hiện tại Tổng y viện Cộng hoà Sài Gòn có một chiếc kính hiển vi để mổ mà không dùng, GS. Phan đã xin điều về Quân y viện 108 Hà Nội. Ông đã lập một phòng thí nghiệm với kính mổ và sưu tầm đây đó những kim chỉ khâu cực mảnh, đèn đốt lưỡng cực..., tự sáng tạo thêm những dụng cụ cần thiết khác từ các dụng cụ vẫn dùng để mổ mắt... Từ phòng thí nghiệm này, ông đã thí nghiệm thành công việc mổ nối các động mạch tĩnh chủ bụng, chậu chung, đùi chuột cống trắng rồi ứng dụng vào kỹ thuật vi phẫu tạo hình trong lâm sàng. Tiếp đó là việc nghiên cứu để cải tiến phẫu thuật tạo hình áp dụng kỹ thuật vi phẫu MM-TK. Ông nghĩ: với kỹ thuật cổ điển, bệnh nhân phải chịu 6 lần mổ trong 6, 7 tháng nằm viện trong điều kiện thần kinh luôn căng thẳng, tốn kém cả sức lực lẫn của cải, phần mới tạo chỉ sống kiếp tầm gửi nhờ phần còn lại nên sự phục hồi phải kéo dài, năm đầu tiên vật này lại chẳng có cảm giác với nóng, lạnh, sự sờ mó.
Năm 1991, sau khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, trong bị tốt những kiến thức y học hiện đại, những kinh nghiệm phẫu thuật tạo hình băng kỹ thuật vi phẫu MM-TK, với bàn tay phẫu thuật đã được rèn luyện hơn bốn chục năm qua. GS.TS Nguyễn Huy Phan đã mổ thành công ca tạo hình dương vật đầu tiên ở Việt Nam bằng kỹ thuật vi phẫu MM-TK. Với kỹ thuật này, chỉ phải tiến hành một thì mổ kéo dài trong khoảng 9-10 giờ được thực hiện bởi hai kíp mổ phối hợp thật nhịp nhàng. Mạch máu dương vật mới được nối vào mạch máu cơ thể và lập tức sức sống mãnh liệt của cơ thể được truyền ngay vào dương vật, rồi thần kinh cảm giác xúc giác, thần kinh hứng dục... tất cả đã tạo cho dương vật mới gắn thành một thể thống nhất với cơ thể, thành một cơ quan chức năng hoàn thiện sau một thời gian.
Cho đến nay, GS.TS Nguyễn Huy Phan đã tiến hành thành công 10 ca tạo hình dương vật bằng kỹ thuật vi phẫu MM-TK. Việc làm của ông đã được sự theo dõi sát sao của các hội phẫu thuật tạo hình thế giới, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Tháng 1-1995, Hội Phẫu thuật tạo hình Mỹ mời GS.TS. Nguyễn Huy Phan dự Hội nghị quốc tế phẫu thuật tạo hình tại Florida . Tại đây, ông sẽ đọc hai bản báo cáo, một về kinh nghiệm xây dựng chuyên ngành vi phẫu tạo hình tại một nước có nhiều khó khăn như Việt Nam và một về kỹ thuật tạo hình dương vật trong một thì mổ. Bản báo cáo thứ nhất sẽ dành thời gian 35 phút - một ngoại lệ (mỗi báo cáo khoa học trong hội nghị chỉ được dành 5-6 phút). Trước khi lên đường đi Mỹ, gặp chúng tôi, GS. Phan cười tin tưởng: “Bạn bè đã đến tận nơi để quan sát tôi làm, họ đã biết hết rồi, cứ để họ đánh giá một cách khách quan qua cuộc hội nghị này...”.
Trong kỹ thuật thực hành, công trình của GS.TS Nguyễn Huy Phan có những khác biệt sau với thế giới:
- Tạo quy đầu ngay trong khi mổ (có nơi không làm quy đầu, có nơi làm sau).
- Trước đây phải moi lên thành bụng để tìm mạch máu nơi nhận như vậy mất nhiều công mà mạch này lại thất thường... GS. Phan đã nối vào động mạch đùi bằng cách dùng tĩnh mạch để kéo dài rồi ghép.
- Dùng hai dải sụn thay vì một để nối vào các mỏm cụt của hai thể hang hai bên niệu đạo tạo hình.
Sắp bước vào ngưỡng của tuổi “cổ lai hy”, GS.TS Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan vẫn còn rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Nhìn tôi bằng đôi mắt sáng và long lanh một cách kỳ lạ, ông nhỏ nhẹ tâm sự: “Xin đừng xem phẫu thuật thẩm mỹ là việc làm phù phiếm. Chúng ta cần làm cho con người ngày càng đẹp hơn trong sự hài hoà của một cơ thể Việt Nam . Ước gì tôi gặp lại được cô dân công chiến dịch ngày xưa...”.
Phẫu thuật tạo hình dương vật đến độ “ngoài sự mong đợi” như hôm nay đã thực sự tái tạo mùa xuân hạnh phúc cho những lứa đôi mà cứ mỗi độ xuân về từng cặp, từng cặp cùng con cái họ, những đứa con nhờ đường dao tài hoa của GS. Phan mà có, lại đến mừng thọ ông. Tôi đưa mắt chăm chú nhìn những đường gân xanh nổi lên trên đôi bàn tay cực kỳ khéo léo tài hoa... Hiểu tôi, ông cười vui vẻ: “Ở Quân y viện 108 có 6, 7 anh em luôn theo tôi trong các ca mổ, đứng đầu là PGS.PTS đại tá Nguyễn Bắc Hùng - người đã trực tiếp tạo hình dương vật 5 trường hợp (trong số 54 trường hợp đã nêu), rồi trung tá bác sĩ Bạch Quang Tuyến... Tất cả đều đã làm chủ được kỹ thuật tạo hình dương vật bằng vi phẫu thuật MM-TK. Đội ngũ cộng sự thân thiết hôm nay đã có đủ sức, đủ tài để một ngày mai thay thế tôi trong lĩnh vực này...”.