GS. NGND Trần Văn Giàu: Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
Từ nhà cách mạng chân chính
GS. Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911tại xã An Lạc Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An, nay thuộc tỉnh Long An.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Chaseloup Laubat tại Sài Gòn, khi mới 17 tuổi, GS. Trần Văn Giàu sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với một ước nguyện sẽ quay về Việt Nam với hai tấm bằng Tiến sĩ Luật khoa và Văn khoa. Thế nhưng, học tập ở nước Pháp chưa được bao lâu thì ông đã tham gia vào những hoạt động phản đối sự đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái của chính quyền Pháp ngay tại nước Pháp. Với “thành tích” này, GS. Trần Văn Giàu đã bị đuổi học và bị trục xuất về Việt Nam ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không hề làm ông nản chí. Với tinh thần yêu nước, năm 1930, ông rút vào hoạt động bí mật. Cũng trong năm đó, ông được gia nhập đội ngũ những người con ưu tú của Đảng. Tiếp đó, để tạo nguồn cán bộ cho Đảng, từ năm 1930-1933, GS. Trần Văn Giàu sang du học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva, Liên Xô.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, GS. Trần Văn Giàu đã bị thực dân Pháp bắt giam tới 7 năm, trải qua nhiều nhà tù như Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo, Tà Lài. Nhưng, ngay cả khi ở trong tù, tranh thủ từng giây từng phút, ông vẫn không thôi các hoạt động đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc hoặc tận dụng tối đa thời gian để dạy học, dạy chính trị cho anh em trong tù. Nhớ về giai đoạn này, ông bảo: “Vào tù, với 2 bàn tay không, sàn ximăng nhà tù là bảng, mấy cục gạch vụn làm phấn. Thế mà, bài giảng của tôi có đầu có đuôi, bố cục mạch lạc như trên một lớp học thực sự. Hồi đó, anh em trong tù khen tôi là “loại thầy giáo Mác- xít giỏi nhất”. Tôi không dám tin như vậy, nhưng cũng hơi tự hào”.
Nói về điều đã giúp mình vượt qua được chuỗi ngày tối tăm trong nhà tù thực dân, GS. Trần Văn Giàu khẳng định: “Ở tù, ai cũng như ai. Có chăng là có lý tưởng hay không, có nghĩa hay không… Đó chính là giá trị con người. Chính giá trị con người này sẽ giúp người tù chịu đựng được tất cả và vượt qua được tất cả… Riêng tôi, tôi nghĩ thật đơn giản: Anh em đồng chí của tôi đang từng giờ từng phút chiến đấu ở bên ngoài, vợ tôi đang bền lòng chặt dạ chờ đợi tôi… Nếu tôi không vững vàng trong tù thì không xứng đáng với anh em đồng chí và với vợ ở bên ngoài”.
Trong không khí của những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, ngày 23/9/1945, trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, vị Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát đi lời kêu gọi: “Hôm nay, Uỷ ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Sài Gòn bị Pháp chiếm phải là một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng…”. Lời kêu gọi, ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những người dân thành phố, biển Sài Gòn thành nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược.
Năm 1949, ông ra Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc nhận chức vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin Tuyên truyền (TTTT).
Nhân đây cũng xin được nói thêm là, chính GS. Trần Văn Giàu là người đã có công rất lớn trong việc thúc đẩy việc ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam (NNVBVN - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay) vào tháng 3/1950. Để rồi, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm đó, đại biểu các báo, đài Trung ương đóng ở Việt Bắc như Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Việt Nam Thông tấn xã và Đài tiếng nói Việt Nam đã họp Đại hội thành lập Hội NNVBVN, với Điều lệ nêu rõ mục đích là “góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của người viết báo, nâng cao địa vị của nghề viết báo, giúp đỡ lẫn nhau”…
Đến nhà khoa học uyên bác
Năm 1951, GS. Trần Văn Giàu xin sang ngành giáo dục, một ngành mà ông tin là “có thể làm được nếu mình ráng tự học, tự đào tạo để không ngừng nâng cao trình độ lên ngang tầm nhiệm vụ”. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời GS. Trần Văn Giàu khi ông quyết định chuyển từ một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp sang nhà nghiên cứu, giảng dạy sử học. Cho dù, với GS. Trần Văn Giàu, làm khoa học cũng là làm cách mạng và những cống hiến của ông đối với nền khoa học Việt Nam thì cũng không hề nhỏ so với những gì ông đã làm cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam .
Thật ra, không phải đến năm 1951, GS. Trần Văn Giàu mới chính thức bước vào sự nghiệp trồng người đầy vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn. Bởi vì, như trên đã đề cập, ngay từ khi còn ở trong tù, GS. Trần Văn Giàu đã dạy học, đã viết, biên soạn không ít đầu sách về triết học, về lịch sử cách mạng để giảng dạy cho anh em tù chính trị. Để rồi, qua đó, biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về sách vở cũng như các thiết bị dạy học thời đó, để có những giờ giảng “hớp hồn người”, GS. Trần Văn Giàu cũng đã phải “mỗi tuần, tôi dành 5 ngày vào thư viện tìm tư liệu rồi biên soạn giáo trình… để sang ngày thứ 6 có bài giảng cho sinh viên. Nghĩa là, phải nghiên cứu 5 ngày để lên lớp giảng 1 buổi. Tôi đã làm liên tục như thế trong suốt 1 năm trời”, như ông từng nói với báo chí.
Có thể nói, trong cuộc đời làm khoa học của mình, GS. Trần Văn Giàu đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ với rất nhiều những tác phẩm có giá trị không chỉ đối với thế hệ hôm nay mà còn nhiều thế hệ về sau như: Chống xâm lăng 1858 - 1898 (3 tập), Lịch sử Giai cấp Công nhân Việt Nam (4 tập), Lịch sử Việt Nam cận đại 1858 - 1930 (chủ biên, 4 tập), Miền Nam giữ vững thành đồng (5 tập), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến Cách mạng tháng Tám 1945 (3 tập), Địa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh (chủ biên - 4 tập), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Triết học và tư tưởng…
Ghi nhận những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giáo dục – đào tạo và khoa học của Việt Nam , Đảng và Nhà nước đã trao tặng GS. Trần Văn Giàu nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Nhà giáo Nhân dân (1992), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) về những thành tựu nghiên cứu sử học và khoa học xã hội nhân văn, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2002)…
Tới đây, để khép lại bài viết, xin được mượn lời của GS. AHLĐ Vũ Khiêu với những đánh giá vô cùng xác đáng về người đồng nghiệp đáng kính của mình - GS. Trần Văn Giàu - rằng: “Là một nhà trí thức có nhiều hiểu biết uyên thâm trên mọi lĩnh vực của khoa học và đời sống, GS. Trần Văn Giàu hơn 70 hoạt động cách mạng và khoa học, trước hết là kết hợp giữa lý luận Mác - Lênin với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lao động ở Việt Nam và trên thế giới. Chỉ nói riêng về hoạt động sáng tạo của một nhà trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, rất ít người có thể so sánh được với GS. Trần Văn Giàu.
Nguồn: T/c Toàn cảnh Sự kiện – Dư luận, số 183, 10/2005