GS Lê Ngọc Lý: “Khoa học dự báo của Việt Nam cần thay đổi”
Ông cho biết, ông có ý định "phổ biến kiến thức" của bộ "Bách khoa toàn thư Các khoa học khí quyển" cho các nhà khoa học và nhân viên Việt Nam tại Trung tâm Công nghệ biển, khí quyển và môi trường mà ông vừa lập tại 266 Đội Cấn - Hà Nội.
"Đó là tâm huyết mà tôi muốn thực hiện tại Việt Nam. Và sau những đau thương do cơn bão Chanchu gây ra, mong muốn đó trong tôi càng sôi sục hơn.
Tôi sẽ lập một nhóm với đội ngũ trẻ, có kiến thức, đam mê và biết vì cộng đồng để nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và áp dụng tại Việt Nam về chính những vấn đề thiết thực như dự báo bão, các vấn đề biển, khí quyển và môi trường", ông tâm sự.
Giáo sư Lý hoàn toàn đồng ý với GS Hoàng Tụy trong bài viết "Khoa học Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới?" nói về những yếu kém này. Vì thế, KHCN Việt Nam cần phải có sự tiếp thu, cầu thị và hợp tác để thay đổi, để hoàn thiện.
Hiện tại, thế giới đã áp dụng các phương pháp xử lý số liệu, đo đạc và tiến bước dài hơn là có được hệ thống dự báo số trị, trong đó có kỹ thuật đồng hoá số liệu và phương pháp hỗ trợ thu thập số liệu.
Vậy tại sao Việt Nam không kế thừa, học tập để có con đường đi ngắn nhất, tiết kiệm nhất? Sau tác động của Chanchu, khoa học dự báo của Việt Nam cần thay đổi. Ngành KTTV Việt Nam cần bám sát những dự báo của khu vực. Đó là cách biết "đứng trên vai người khổng lồ, để với những tầm cao".
Con đường đến với NASA
Tại Mỹ, GS Lý theo đuổi chương trình sau đại học về tin học. Đây là lần thứ 2, ông "đứng trên vai người khổng lồ" tin học để phục vụ cho chuyên ngành. Tự mày mò, ông lập trình phần mềm LateX để thể hiện các công thức toán học áp dụng trong chuyên ngành.
Nhờ bước đột phá này, ông bước vào cuộc chinh phục luận án trên tiến sĩ tại Khoa Các khoa học trái đất và khí quyển. Cuộc chinh phục thành công, ông nghĩ mình có thể làm việc tại các cơ quan khoa học hàng đầu thế giới.
Trước khi đến NASA, GS Lý đã từng nộp hồ sơ tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu các khoa học khí quyển và đại dương NCAR. Trung tâm này có "đẳng cấp" cao hơn NASA nhiều. Cách tuyển người của họ khá thú vị. Họ đăng "tuyển dụng" trên báo. Ông nộp hồ sơ rồi... quên. Khi họ gọi và nói rằng các chuyên gia đã sẵn sàng phỏng vấn thì ông lại từ chối vì lúc ấy địa điểm của NCAR... quá xa". Sau này ông thấy hối tiếc vì bỏ qua cơ hội đó.
Từ chối NCAR, ông liên tục viết sách và công bố các công trình khoa học. Sau tiếng vang của những công trình này, chính NASA đã mời ông đến. Cơ quan này lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại để sau khi phỏng vấn, NASA xếp ông là nhà khoa học cao cấp bậc 2 - bậc "quý tộc trong khoa học" làm việc tại một trung tâm không gian chuyên nghiên cứu và đưa ra chiến lược.
Ông cũng nói thẳng với người tuyển dụng của NASA: "Tôi từ chối việc tiếp xúc với thông tin bí mật, tôi cũng từ chối làm việc liên quan đến bí mật, dù NASA có trả tôi cả triệu đô".
"Vì sao vậy?". "Vì tôi không cần tiền, tôi làm khoa học cho cộng đồng; Vì tự tôn dân tộc, để thấy rằng cái đầu khoa học của Việt Nam không thua kém quốc gia nào".
Sau 5 năm làm việc tại NASA, ông chuyển sang làm GS nghiên cứu tại Học viện Sau đại học của Bộ Hải quân Mỹ. Tại đây, ông có được thành công cao nhất của cuộc đời làm khoa học là được Uỷ ban Quốc tế Các nhà khoa học khí quyển và các khoa học liên quan mời viết công trình "Tương tác biển - khí quyển: sóng mặt" cho cuốn "Bách khoa toàn thư Các khoa học khí quyển".
GS.TSKH Lê Ngọc Lý
|
Nguồn: tienphongonline.com.vn