GS Hoàng Tụy, người đồng hương của tôi!
Tôi là kẻ tới sau lại đến hơi muộn. Đây là lần họp cuối cùng. Phòng họp có mặt rất đông các nhà giáo, các trí thức có tiếng tăm, tôi không nhớ hết: Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Văn Đạo, Phạm Huy Điển, Nguyễn Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Duy Hiển, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Trí, Ngô Việt Trung, Lê Ngọc Trà … Có cả sự tham dự của các quan chức : Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, các Thứ trưởng Trần văn Nhung, Bành Tiến Long…
Trong phòng họp, tôi chú ý đến một người tuổi đã cao, tóc trắng như tuyết, nét mặt đăm chiêu như chất chứa cả một trời suy tư, giọng nói vẫn còn mạnh mẽ, trẻ trung rất hợp với một nội dung đầy tâm huyết và khí phách! Tôi đoán ngay đó là GS Hoàng Tụy.
Hôm ấy GS Hoàng Tụy là người nói cuối cùng và bản văn quan trọng: “ Kiến nghị cuả Hội thảo về Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hoá Giáo dục” đã được gửi đến Chính phủ sau đó một thời gian ngắn, có chữ ký của 7 đồng nghiệp Việt kiều trong đó có tôi : (Lê Văn Cường, Nguyễn Đăng Hưng, Bùi Trọng Liễu, Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Trần Văn Thọ, Lê Dũng Tráng, Trương Nguyên Trân).
Qua việc này, tôi phát hiện Giáo sư Hoàng Tụy là người có khả năng kết hợp trí thức trong và ngoài nước trong công cuộc cải cách và hiện đại hóa giáo dục. GS đúng là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa, một nhà hoạt động xã hội có uy tín lớn cả ở trong nước và ngoài nước vậy.
Những lần gặp trước đây, tôi chỉ gặp GS Hoàng Tụy qua sách vở. Chuyên môn của tôi là tính toán cấu trúc phức tạp liên quan đến ngành xây dựng công trình. Trong lĩnh vực này, tối ưu hóa là một phương tiện toán học cần thiết. Nhất là bài toán xác định giới hạn sức chịu đựng của cấu trúc khi tải trọng tăng cao khiến vật thể chuyển từ trạng thái đàn hồi qua trạng thái chảy dẻo. Bài toán càng trở nên phức tạp khi vật liệu có khả năng mềm đi. Lúc đó tính lồi của hàm năng lượng không còn nữa và những thuật toán đặc biệt là cần thiết nếu ta muốn có giải đáp xấp xỉ của bài toán. Đây chính là vùng hoạt động của phép tính tối ưu toàn cục.
Mùa thu năm 1986 tôi sang thăm Giáo sư Panagiotopoulos, Trưởng khoa xây dựng, Aristotle University of Thessaloniki, một trường Đại học lớn vào bậc nhất của nước Hy lạp để bàn với ông về một dự án do Cộng đồng Châu Âu tài trợ, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực này. Nếu tôi có kinh nghiệm nhiều năm về những phương pháp tính xấp xỉ bằng cách rời rạc hóa không gian, thì Giáo sư Panagiotopoulos là người đã có sách xuất bản về việc áp dụng những thành quả của tối ứu hóa trong các lĩnh vực cơ học. Việc cộng tác nghiên cứu ngay từ đầu của chúng tôi sẽ nâng cao tính khả thi của những kết quả cụ thể đang chờ đợi. Chính qua những lần trao đổi với GS Panagiotopoulos mà tôi bắt đầu làm quen với "thuật toán kiểu Tuỵ" (Tuy-type algorithm), “lát cắt Tuỵ” (Tuy"s cut) và trường phái Hà Nội về tối ưu toàn cục mà GS Hoàng Tụy là người sáng lập. Hai năm sau, được sự ủng hộ của các công ty công nghệ hàng đầu Châu Âu, được sự tham gia của đông đảo đồng nghiệp ở Đức, Pháp, Hy Lạp và Bỉ, dự án đã được tài trợ với một kinh phí lên đến gần 1 triệu rưỡi euro trong năm năm. Nhắc đến những chi tiết chuyên môn này tôi muốn nói đến tính thực tiễn của cống hiến khoa học của GS Hoàng Tụy, ít ra trong lĩnh vực chuyên môn công nghệ của tôi.
Năm 1995 tôi bắt đầu xây dựng các văn phòng Đào tạo cao học Bỉ Việt về ngành chuyên môn của tôi : “ Mô hình và mô phỏng các môi trường liên tục bằng máy tính ”, bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh (EMMC) và 3 sau năm tại Hà Nội (MCMC). Trong thâm tâm, ngay từ đầu tôi muốn thành lập một trung tâm đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ quốc tế đa ngành tại Việt Nam . Nhưng vì lực bất tòng tâm, tôi chỉ làm được có thế thôi.
Đọc bài “Nhà toán học Hoàng Tụy” trên báo Diễn Đàn – Forum của GS Bùi trọng Liễu (Paris) tôi mới biết cùng năm ấy, GS Hoàng Tụy, cũng có ý định thành lập một « Trung tâm đào tạo Toán học ứng dụng ». Theo anh Liễu, GS Hoàng Tụy muốn có tại Việt Nam “ một cơ sở tồn tại dưới một dạng có quy chế riêng, ngân quỹ riêng, độc lập trong quản lý, và được phép giảng dạy và đào tạo và được công nhận phát bằng cấp như một cơ sở đại học, tuy nó không tổ chức đào tạo các cấp bên dưới tiến sĩ, thạc sĩ”. Việc này đã không thành. Và anh Liễu có chua thêm lời bàn : “ Phải chăng đề án không thành là vì quá khả năng thực sự hiểu vấn đề giáo dục đại học của một số nhà trách nhiệm chiến lược và quản lý”. Là người trong cuộc đã lăn lộn gần 15 năm để xây dựng và duy trì các chương trình cao học Bỉ-Việt tại Việt Nam, tôi xin xác nhận lời bàn này rất là chí lý. Các chương trình EMMC hay MCMC phần nào thành công được (319 thạc sỹ tốt nghiệp trong số đó 75 người đã bảo vệ thành công hay đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sỹ tại các nước tiên tiến) là vì đây là những chương trình có 100% ngân sách được Bỉ và Liên Hiệp Châu Âu tài trợ, do một ĐH Bỉ chính thức cấp bằng và do một giáo sư người Bỉ bỏ ra 60% thời giờ của mình để thường trực quản lý học thuật, nhân sự và tài chính.
Rất tiếc là năm ấy tôi chưa có duyên được quen biết giáo sư Hoàng Tuy và giao lưu giáo sư . Ở đây tôi xin ghi lại lòng lòng cảm phục của mình trước tầm nhìn của một bậc đàn anh. Ở GS Hoàng Tụy, toán học không dừng lại ở những công trình bác học hàn lâm mà còn là cơ sở thực tiễn để phát triển đất nước vậy.
Mùa thu năm 2006 tôi chính thức lấy hưu trí tại ĐH Liège, Bỉ. Các học trò thân tích của tôi đã đồng ý cho ra đời một tuyển tập những bài báo mà họ cho là tâm đắc nhất, Đại học Quốc gia TP HCM xuất bản.
Tôi rất đỗi vui mừng khi hay tin GS Hoàng Tụy đã nhận viết lời tựa với bản dịch nguyên văn sau đây:
“… Đã hơn 45 năm rồi kể từ ngày GS Nguyễn Đăng Hưng xuất dương du học, sau đó nghiên cứu khoa học và giảng dạy trại trường Đại học Liège, Bỉ. Cũng đã hơn 15 năm ông đã hướng về Việt Nam, giành một phần quan trọng thời gian của mình cho việc mở những chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế, lớp EMMC (1995) tại trường ĐH Bách khoa TP HCM và lớp MCMC (1998) tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trong khoản thời gian dài này ông đã không mệt mỏi tham gia giúp Việt Nam mở các khoá đào tạo chuyên sâu về ngành tính toán các ngành cơ khí và xây dựng công trình.
Trong sự nghiệp nhà giáo của mình, hàng trăm học viên do ông trực tiếp hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ của mình tại Bỉ cũng như tại Việt Nam . Các học trò của ông, đến từ nhiều nước trên thế giới, mong mỏi đáp ơn người thầy mình, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để thể hiện cụ thể tấm tình này một cuốn sách tập hợp những công trình khoa học chọn lọc của họ đã ra đời.
Ngành chuyên môn của tôi “tối ưu hoá toàn cục” cũng không xa xôi gì với ngành của GS Hưng cho nên tôi rất ngưỡng mộ những cống hiến của ông cho tuổi trẻ Việt Nam về ngành “Tính toán cơ khí và xây dựng công trình”. Dưới sự điều phối của ông, hai chương trình nói trên đã cấp bằng thạc sỹ quốc tế cho hơn ba trăm học viên và bằng tiến sỹ cho nhiều học viên khác.
Theo chỗ hiểu biết của tôi, đây là các chương trình đẳng cấp quốc tế duy nhất có mặt tại Việt Nam về các ngành công nghệ tiên tiến này. Học viên lại đươc cấp bằng chính thức của một trường Đại học Châu Âu sau khi đã bảo vệ thành công luận văn. Sáng kiến mới mẻ này về việc xây dựng những trung tâm du học tại chỗ cho phép giảm thiểu kinh phí rất nhiều, nhất là giới hạn tối đa nguy cơ chảy máu chất xám, điều thường xảy ra cho các nuớc trên đường phát triển như Việt Nam .
Tôi cũng chia sẻ với GS Nguyễn Đăng Hưng về sự quan tâm, tận tụy của ông đối với sự nghiệp chấn hưng và cải tổ nền giáo dục nước nhà. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông trên các cơ quan ngôn luận đại chúng Việt Nam và điều tôi thích thú là chúng tôi có nhiều tương đồng về quan điểm, về hệ giá trị cần thiết cho công cuộc đổi mới hệ thống đại học tại Việt Nam.
Tôi cũng rất vui mừng là ông đã cùng chúng tôi và 23 nhà khoa học, giáo sư đại học, trí thức trong và ngoài nuớc đồng lòng soạn thảo và ký một bản kiến nghị có tên là : “Kiến nghị về Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hoá Giáo dục” gởi chánh phủ Việt Nam. Sự kiện đáng nghi nhận này đã xảy ra gần hai năm nay, và vấn đề này vẫn còn là ưu tiên số một của chính phủ Việt Nam hiện nay.
Tôi rất tiếc được tin ông đã lấy hưu trí vì hậu quả phải chờ đợi là những chương trình đào tạo chất lượng này phải ngừng lại. Thật ra, tìm một người khác thay thế ông làm được việc này là không dễ dàng chút nào : phải là nguời vừa có kinh nghiệm học thuật và quản lý, vừa có trình độ khoa học nghiêm túc tại các nước tiên tiến, vừa có tình thần tận tụy vì mọi người như ông. Ông đã chứng tỏ khả năng này trong khoản thời gian dài đã qua. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng trong buổi về hưu, ông sẽ có thì giờ tranh thủ về Việt Nam thường xuyên hơn, tham gia cống hiến có hiệu quả hơn nữa trong công cuộc hiện đại hoá hệ thống đại học nước nhà
Trong những năm gần đây, GS Hoàng Tụy không ngừng tỏ bày quan điểm cương trực và thằng thắn của mình về giáo dục và học thuật hiện nay tại Việt Nam .
Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao với những nhận định thông thái và sáng suốt như vậy, với bề dày cống hiến trên 50 năm cho sự nghiệp giáo dục và khoa học Việt Nam, với uy tín quốc tế sâu rộng như vậy,tại sao GS Tụy vẫn tiếp tục đứng ngoài lề trong công cuộc cải cách giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam?
Là cha đẻ của lý thuyết tối ưu toàn cục, được bè bạn khoa học năm châu thừa nhận và vinh danh, GS Hoàng Tụy, theo tôi, là nhà khoa học sinh hoạt tại Việt Nam, nhà bác học Việt Nam thời hiện đại đượcthế giới ngưỡng mộ nhất!
Ta biết thế giới ngày nay đã đần dần từ bỏ lý thuyết phát triển xã hội qua luật “đấu tranh để sinh tồn”. Thuyết “thích nghi với môi trường để cùng nhau phát triển” đã trở thành bao trùm cho thế kỷ21. Thích nghi với môi trường để phát triển cũng có quy luật của nó. Phải chăng đó là qui luật tối ưu toàn cục trong môi trường thiên nhiên mà càng ngày các nhà khoa học càng nhận thấy? Tôi thầmnghĩ, tầm vóc khoa học của GS Hoàng Tụy sẽ được khẳng định cao hơn nữa trong tương lai…
Quê của Giáo sư Hoàng Tụy là làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang), quê tôi là làng Bồ Mưng (nay thuộc xã Điện Thắng) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam , cách nhau chỉ một cánh đồng. Vậy mà tôi phảimất hơn 65 năm mới nhận diện chính xác chỗ đứng đích thật của một người đồng hương, một nhà bác học tầm cỡ thế giới, một tấm lòng cao cả, qua bao dâu bể thăng trầm, đã phấn đấu không mệt mõi cho nềnhọc thuật nước nhà.