Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 18/03/2008 23:33 (GMT+7)

GS. Hoàng Châu Ký, nguyên Chủ tịch Hội KH Lịch sử TP Đà Nẵng: Tình yêu tuồng mãi sôi nổi trong tim

Giáo sư Hoàng Châu Ký luôn để cho người đối diện những ấn tượng mạnh mẽ đặc trưng về người xứ Quảng thẳng thắn, bộc trực và rất hóm hỉnh. Những năm cuối đời, ông vẫn đau đáu cho tương lai của tuồng. Với ông, thời gian qua, nghệ thuật tuồng có quá nhiều dấu hiệu sa sút, chưa biết làm sao phục hồi, giữ gìn loại văn hóa phi vật thể này.

Và con người uyên bác vào bậc nhất về nghệ thuật tuồng của Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với các diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cách đây vài năm, có một lời khuyên lấy từ kinh nghiệm của bản thân. Lời ông nói ngày đó, tôi còn nhớ như in: “Tôi thấy các bạn trẻ ít chịu học. Tôi bây giờ đã 81 tuổi mà hằng ngày vẫn tiếp tục học những lãnh vực mình thấy cần. Điều quan trọng nhất đối với tuổi trẻ là học hành, trau dồi kiến thức”. Giáo sư Hoàng Châu Ký là nhà sư phạm lớn với những kiến thức uyên thâm, đồng thời lại có biệt tài trong lĩnh vực quảng bá nghệ thuật tuồng. Hơn 50 năm ông chủ trì tham gia soạn thảo nhiều chương trình, giáo trình và trực tiếp giảng dạy về nghệ thuật tuồng trong các trường đào tạo diễn viên sân khấu từ bậc trung học đến đại học, các viện nghiên cứu nghệ thuật và các lớp đào tạo trên đại học, qua đó truyền thụ cho nhiều thế hệ học sinh những hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật sân khấu nói chung và tuồng nói riêng.

Chính vì vậy ông là một trong số rất ít các chuyên gia công tác tại Bộ VHTT vinh dự được Nhà nước phong tặng hàm giáo sư đợt đầu tiên. Hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng của nhiều trường đại học, cao đẳng, ông luôn là người thầy mẫu mực, đáng kính. Hôm ngồi nghe ông giảng tuồng cho học trò nhỏ trung học phổ thông những hiểu biết cơ bản về tuồng cổ, chúng tôi vô cùng cảm phục khi thấy ông vẫn giữ nguyên phong cách trình bày diễn cảm và sôi động, cuốn hút đến thu phục, làm cho các trò nhỏ phần lớn chưa bao giờ tiếp xúc với tuồng cổ có thể ngồi nghe cả buổi và sau đó xem biểu diễn tuồng thật hào hứng. Thật cảm động vì biết rằng trước đó không lâu ông phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với nhiều căn bệnh của người đã trên tám mươi tuổi. Dưỡng bệnh ít lâu, ông nhận lời ngay với Sở GD-ĐT trực tiếp giảng dạy mấy chục buổi về nghệ thuật tuồng cho hàng nghìn lượt học sinh trong chương trình đưa nghệ thuật tuồng vào trường học năm 2002. Ngoài việc giảng dạy, truyền đạt cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng, ông còn tiếp tục lao vào nghiên cứu. Chỉ có thể lý giải, tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật tuồng của ông đã chiếm toàn bộ những giọt máu trong trái tim già nua và bắt nó đập một nhịp với những ngày còn tuổi trẻ.

Ngày trước ở miền Trung không ai không mê tuồng. Nhưng đến với tuồng, đi với tuồng đến cuối đời như Hoàng Châu Ký là một sự tình cờ... may mắn. Cuối năm 1950, ông được Khu ủy V giao trách nhiệm xây dựng Đoàn Tuồng Liên khu V. Từ đó, Hoàng Châu Ký gắn bó với tuồng. Khi tập kết ra Bắc, Đoàn Tuồng Liên khu V này thành hạt nhân trong cuộc chấn hưng phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống, với những tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai, Phó Sơn... Và Hoàng Châu Ký trở thành chuyên gia có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc này, với những công trình nghiên cứu có giá trị và là một nhà “tuồng học” đáng tin cậy nhất Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Cuốn Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng của Hoàng Châu Ký là công trình khoa học đầu tiên về tuồng ở Việt Nam , có một chỗ đứng riêng trong văn học sử. Lần lượt sau đó ông có những công trình nghiên cứu chuyên sâu như Nghệ thuật biên kịch tuồng, Nghệ thuật biểu diễn tuồng được giới nghiên cứu sân khấu đánh giá là những công trình đặc sắc, phát hiện, đúc kết những nguyên tắc cơ bản nhất trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật tuồng.

Ngoài ra, các chuyên khảo như Nghệ thuật tuồng cung đình, Giá trị của các vở tuồng Nghêu sò ốc hến, hoặc Từ điển tuồng và gần đây nhất là chuyên khảo Tuồng Quảng Nam được đánh giá rất cao. Cùng với nhiều nhà đạo diễn, diễn viên có tâm huyết và tài năng, ông cũng được coi là người có công phát hiện và trả lại cho nghệ thuật tuồng những giá trị đích thực, khẳng định bản sắc dân tộc của tuồng, phản bác những quan điểm lệch lạc cho rằng tuồng là nghệ thuật của phong kiến cung đình và là bản sao của kịch nghệ Trung Hoa. Ngoài ra, Hoàng Châu Ký còn là một đạo diễn tài năng. Ông đã dàn dựng hàng chục kịch bản sân khấu cho nhiều đoàn nghệ thuật . Trong quá trình đó, ông cũng đã dày công chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ có giá trị đặc trưng, trở thành kịch bản mẫu mực như Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn hậu. Và chính ông là tác giả của hàng chục vở tuồng: Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu La Na, Trần Quý Cáp... đã giúp cho sân khấu nhiều nhà hát tuồng sáng đèn đêm đêm.

Những năm cuối đời, ông vẫn hăng say với công việc giảng dạy, tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa và đảm nhiệm công việc Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng.Trong câu chuyện mới đây ông rất tin tưởng: “Đất tuồng còn rộng, còn nhiều chỗ màu mỡ vẫn bị bỏ hoang, việc khai thác phải làm dài lâu, tôi vẫn cần có mặt để đóng góp, và tin tưởng sẽ có một mùa hoa lợi tương lai, cho dù lúc ấy mình không còn nữa”.

Tấm lòng ấy, nhiệt tình ấy đã mãi mãi theo ông về cõi vĩnh hằng. Nhưng có điều chắc chắn những gì ông đã truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò sẽ là những đốm lửa chờ ngày bùng phát. Và sân khấu tuồng vẫn rực sáng đêm đêm.

Giáo sư - nhà văn hóa Hoàng Châu Ký, sinh ngày 16-5-1921, tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam .

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1942; nguyên Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức (Quảng Nam); nguyên Bí thư Đảng Đoàn Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu - Bộ Văn hóa; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng...

Do tuổi cao, sức yếu, giáo sư đã qua đời lúc 13 giờ ngày 31-1-2008 tại tư gia ở TP Đà Nẵng.

Nguồn: Người lao động 31/1/2008

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.