GS. Dương Hữu Thời - Người thầy, nhà khoa học, người kỹ sư mang bí danh "Phương Thanh"
Tôi nhớ lại ở lễ tang GS. Hoàng Xuân Nhị, các học trò của ông không dám đính danh hiệu Nhà giáo ưu túcủa ông dưới ảnh chân dung nơi bàn thờ ông. Lý do danh hiệu ấy chưa xứng tầm với ông. Cũng vậy, tôi cũng còn nhớ lời phát biểu của GS. Ngụy Như Kontum trong buổi ông nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dânrằng ông không vui vì có những người khác trước đó phải xứng đáng với danh hiệu này nhưng đã không được. Chuyện cũ. Tôi biết Tạ Quang Bửu không có các học vị cao, nhưng ông quả là nhà bác học, thầy của nhiều thế hệ các thầy, các nhà khoa học, nhiều viện sĩ, bác học khác của nước ta, người ta cũng chỉ gọi ông là GS. Tạ Quang Bửu.
Dương Hữu Thời cũng là trường hợp tương tự. Khi tôi viết Lời giới thiệucho cuốn sách " Cơ sở sinh thái học" của người thầy đã khuất của chúng tôi với dòng đầu tiên: " GS. Dương Hữu Thời..." thì có người nhắc tôi là thầy Thời chưa phải là giáo sư... Tôi biết thế nhưng tôi vẫn viết trang trọng " GS. Dương Hữu Thời sinh ngày 10.5.1912 tại xã Tân Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre...". Có sao đâu vì trong lòng chúng tôi, những học trò của ông, chúng tôi kính phong ông là giáo sư đấy - giáo sư của chúng tôi. Vì "đó là... nhà sinh học bậc thầy của hầu hết tất cả chúng tôi - những giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ Sinh học đang sống và làm việc trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc".
Thật vậy, một số lượng lớn các học trò của thầy đã giữ nhiều cương vị chủ chốt trong các ngành sinh học, nông lâm nghiệp và nhiều ngành khác ở các trường đại học, viện nghiên cứu hay các cơ quan quản lý trong khắp cả nước. Tuy thế, có lẽ cũng không có nhiều người hiểu rõ về thầy, vì lẽ thầy khiêm tốn, ít khi nói về mình.
*
Sài Gòn, đất Nam Kỳ tự trị dưới thời thực dân Pháp, người ta những tưởng ở mảnh đất này tự do hơn các miền Trung Kỳ hay Bắc Kỳ. Nhưng anh thanh niên Nam Bộ, Dương Hữu Thời quê ở Bến Tre, lại cảm thấy bức xúc về tự do trên mảnh đất quê hương mình. Anh nhận thấy bao nhiêu người trước anh, học hành kiếm được mảnh bằng nào đó rồi chung quy cũng chỉ kiếm sống trong một công sở nào đấy, an tâm làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp mà thôi. Sống như thế chán lắm. Nhưng tự do như thế nào với người thanh niên đầy nhiệt huyết ấy, có lẽ người thanh niên ấy cũng chưa đến độ hiểu tự do của mình phải trong tự do của cả dân tộc. Người ta kể rằng anh thích cuộc sống được tự do "bay nhảy" thoả thích.
Năm 1930, anh muốn sang Pháp du học nhưng không đủ điều kiện. Tuy gia đình khá giả nhưng cũng không đủ chu cấp cho anh du học nước ngoài. Do vậy anh cùng mấy người bạn lớn tuổi hơn mượn danh nghĩa "đi du lịch" để xuất ngoại học tập. Sang đến Pháp anh đã phải cố gắng rất nhiều. Tự thân, phải lao động để kiếm sống nơi đất khách quê người và với sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã vượt qua được để theo kịp các bạn.
Sau 8 năm sống vất vả, miệt mài học tập, cuối cùng, năm 1938, anh đã tốt nghiệp Đại học Khoa học với 5 chứng chỉ Thực vật học, Động vật học, Sinh lý học, Hoá học đại cương và Địa chất học trong khi chỉ cần 3 chứng chỉ là đủ để được làm một chân phụ tá ở Trường Đại học Marseille. Ban đầu anh chỉ là điều chế viên ở Bộ môn Sinh lý học của trường đại học, sau đó được bổ nhiệm làm trợ lý giáo sư phụ trách thực tập của nhà trường.
Làm việc và học tập, Dương Hữu Thời chuẩn bị thi nhận bằng thạc sĩ, nhưng rồi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1939) việc học hành trở nên dở dang. Anh phải đợi đến năm 1942, nhưng kỳ thi không được mở lại. Chiến tranh, Chính phủ Pétain hạ lệnh không cho dân thuộc địa được làm công chức ở Pháp. Anh xin về Đông Dương để giảng dạy ở Trường Cao đẳng Hà Nội. Không may, anh lại mắc kẹt ở châu Phi và trong một thời gian dài, tại đây anh đã có được một số công trình nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Pháp ở Tây Phi với chức danh Giám đốc. Thời gian đó, có người Pháp muốn rủ anh vào một tổ chức chính trị nhưng anh đã từ chối và chỉ mải miết nghiên cứu chuyên môn vì anh còn lạ gì cái chính trị của những kẻ thống trị mình!
Năm 1946, anh trở về nước trong niềm hào hứng sau bao năm xa cách. Sài Gòn! Trở về Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, một Sài Gòn hoa lệ nhưng vẫn là một Sài Gòn thuộc Pháp, một Sài Gòn bị tạm chiếm. Một sự thực oái oăm, đau lòng đối với anh - người thanh niên rất hăm hở khi trở về quê hương. Đó là việc gặp lại "mấy thằng bạn" người Pháp cùng học với mình ngày nào, học kém hơn mình mà giờ đây nhảy lên đầu lên cổ mình, làm chủ mình!
Tự do! Cả nước đang đứng lên đấu tranh để giành tự do cho dân tộc. Tiếng gọi của cuộc kháng chiến cứu nước đã thúc giục người trí thức Dương Hữu Thời đến với cách mạng. Năm 1947 Dương Hữu Thời sau một thời gian ở Sài Gòn về quê anh Bến Tre theo kháng chiến trong ngành quân giới và tại đây anh giữ các chức vụ như Vụ trưởng Vụ quân giới Khu VIII, Quản đốc liên xưởng quân giới khu VII, khu VIII và khu IX, Trưởng ban chuyên môn Phòng quân giới miền Tây Nam Bộ. Cho mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại, năm 1954 anh tập kết ra Bắc trở lại với nghề nghiệp chuyên môn của mình.
Tháng 11.1954, thầy Thời về dạy các môn học về Thực vật học tại Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Điều làm cho các sinh viên thời đó ngạc nhiên là đã nhiều lần giờ giảng của thầy phải dừng lại để thầy tiếp các anh bộ đội bên Bộ Quốc phòng đến làm việc với thầy. Các anh bộ đội gọi thầy là kỹ sư Phương Thanh và nói chuyện, trao đổi và xin ý kiến thầy toàn những chuyện súng đạn, bom mìn. GS. Nguyễn Lân Dũng là một trong số những học trò đầu tiên của thầy khi đó có kể lại rằng: Khi nhóm sinh viên tò mò hỏi thăm các anh bộ đội về thầy thì đến lượt các anh lại ngạc nhiên tại sao Phương Thanh, kỹ sư quân giới nổi tiếng sáng tạo vũ khí ở miền Tây Nam Bộ lại dạy Sinh học ở trường đại học? GS. Nguyễn Lân Dũng kể: Hoá ra hồi đó khi lên chiến khu, đi kháng chiến thầy Thời đã kể lại quá trình học tập và nghiên cứu của mình tưởng mong được đem những kiến thức đã học tập được có thể giúp ích được gì trực tiếp cho đất nước. Nhưng những người nghe đều hờ hững đón nhận vì người ta không biết sử dụng được gì về những chuyên môn Sinh học của thầy trong hoàn cảnh lửa bỏng nước sôi này? Thế là rõ! Thầy quyết định dùng vốn ngoại ngữ của mình để nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Đó là súng đạn và bom mìn. Và noi gương Trần Đại Nghĩa, Dương Hữu Thời đã trở thành một Trần Đại Nghĩa của miền Tây Nam Bộ với bí danh Kỹ sư Phương Thanh.
Sau 8 - 9 năm du học bên trời Tây, 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ ấy đã tôi luyện người thanh niên Nam Bộ Dương Hữu Thời thành một đảng viên cộng sản. Trong những năm tháng đầu xây dựng ngành Sinh học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì công đầu thuộc về thầy và thầy Đào Văn Tiến (giáo sư chuyên ngành Động vật học). Đồng thời thầy cũng đã đảm đương những công việc chung khác như Phó chủ nhiệm Khoa Hoá - Sinh học (GS. Nguyễn Hoán là Chủ nhiệm), Phó chủ nhiệm Khoa Khoa học Tự nhiên (GS. Lê Văn Thiêm là Chủ nhiệm), Chủ nhiệm Khoa Sinh học và là Phó hiệu trưởng nhà trường (GS. Ngụy Như Kontum là Hiệu trưởng). Thời bình cũng như thời chiến, thầy Thời là người luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi công việc.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bến Tre, nhưng cả cuộc đời thầy Dương Hữu Thời là những ngày phấn đấu đầy gian khổ - gian khổ trong những năm tháng học tập trên đất Pháp, trong công việc ở châu Phi, gian khổ với những năm kháng chiến với nghiên cứu chế tạo A.T, bazôka, bom mìn... Ngày hoà bình lập lại, thầy vẫn kiên trì phấn đấu trong công việc hàng ngày dù đó là giảng dạy, nghiên cứu khoa học hay công việc quản lý. Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ khá phức tạp, ấy thế mà tôi không hiểu thầy học bao giờ mà mới từ chiến khu về, tập kết ra Bắc, trở lại trường đại học chưa lâu thầy đã dùng sách tiếng Nga làm tài liệu giảng dạy cho chúng tôi. Điều đó chứng tỏ ngoài năng khiếu ra thì còn phải là một sự lao động tự học kiên trì mới có được. Thời kỳ đầu của các trường đại học nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết là thiếu chuyên gia. Vì vậy, công việc của thầy lại càng nặng nhọc hơn. Tiếp cận với cái mới, thầy đã hướng cho nhiều sinh viên đi sâu vào các hướng khác nhau trong học tập và nghiên cứu thực vật. Điều đó đã được thực tế ngày nay chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Ý thức khoa học phục vụ thực tiễn đời sống, sản xuất và chiến đấu luôn luôn thường trực trong con người thầy. Thầy đã hướng các học trò của thầy theo phương châm đó. Niềm đam mê của thầy là nghiên cứu tài nguyên sinh học nước nhà. Bận rộn với công việc giảng dạy, công việc của khoa, của trường nhưng thầy vẫn bố trí giờ cho các chuyến du khảo thực địa. Ai biết được rằng Vườn Quốc gia Cúc Phương ngày nay đã được phát hiện hơn 45 năm trước đây cũng là có sự đóng góp của thầy Dương Hữu Thời. Tôi nhớ, Cúc Phương hồi đó hoang vu lắm. Chúng tôi theo thầy phải lội bộ tới 20 cây số mới vào đến cửa rừng. Vào rừng thì nguy cơ đụng đầu với gấu ngựa, gấu chó làm cho bọn trẻ chúng tôi sợ hãi và chính thầy là tấm gương đem lại lòng can đảm cho chúng tôi.
Hoài bão đem khoa học phục vụ cuộc sống, thầy Dương Hữu Thời đã ghi dấu trên các đồng cỏ Ngân Sơn (Bắc Cạn), Phú Bình (Thái Nguyên) rồi Đồng Giao, Hà Trung (Thanh Hoá) để tìm cây làm thức ăn cho gia súc. Những kết quả nghiên cứu của thầy đã được trình bày ở nhiều hội nghị khoa học và in thành sách. Thầy cũng đã đề ra phương pháp tuyển chọn những cây cỏ hoang dại trồng làm thức ăn gia súc. Thầy say mê nghiên cứu và hướng các học trò vào nghiên cứu tài nguyên sinh vật của đất nước. Sinh môi và cây thuốc hoang dại là đề tài được thầy quan tâm nhiều cùng với các mơ ước quê hương đổi mới với hệ thống lớn các hệ sinh thái có năng suất cao của đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh sức sản xuất các hệ sinh thái Minh Hải, đưa nhanh ruộng đất miền Tây Nam Bộ lên làm hai, ba vụ lúa thường trực trong ý thức nhà khoa học Dương Hữu Thời.
Cuối những năm 60 của thế kỷ trước - cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở miền Nam nước ta bước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt. Quán triệt phương châm khoa học phục vụ sản xuất và chiến đấu, kỹ sư Phương Thanh - Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Dương Hữu Thời đã cử một đoàn cán bộ của Khoa cùng với các cán bộ của Uỷ ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) biệt phái sang quân đội làm nhiệm vụ tìm kiếm những cây hoang dại ăn được cho bộ đội tác chiến và thương binh, bệnh binh ở chiến trường. Chúng tôi có 6 người (1)đều là học trò của thầy cùng với các chiến sĩ bên Cục Quân nhu với ba lô, quân trang, vũ khí, mũ tai bèo với niềm tin chiến thắng đã đi bộ, hành quân vượt Trường Sơn vào các chiến trường 559, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ. Chính những thử thách của những năm tháng ở chiến trường đã góp phần tôi luyện chúng tôi, để chúng tôi có được quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng hơn.
Nhớ về một người thầy lịch lãm, tây học, với nụ cười hiền hoà, tính tình khiêm tốn, giản dị, trầm tĩnh, ít nói về mình nhưng cũng dễ cởi mở, dễ hoà nhập và tiếp nhận cái mới nhanh, luôn quan tâm đến người khác và với ý thức học hỏi, vượt khó vươn lên được các thế hệ học trò quý mến. Lắng nghe và ghi chép là đức tính ít có ở những người có lứa tuổi và chức vụ như thầy. Ghi chép để phản hồi, để góp ý kiến cho người khác là một tính cách rất quý của nhà sư phạm Dương Hữu Thời. GS. Nguyễn Lân Dũng là người hay viết thư, viết báo. Có ai biết được rằng những bài báo của Nguyễn Lân Dũng được độc giả Dương Hữu Thời đọc rồi lại viết thư cho tác giả, những lá thư dài vạch ra những điều cần bổ sung và gợi ý những hướng mới, những điều cần phát triển. Nguyễn Lân Dũng là người thường viết thư cho thầy và cho đến những ngày gần cuối đời của thầy, anh vẫn đều đặn nhận được thư, những lời khuyên dặn của thầy. Thật là một người thầy tâm huyết với học trò của mình!
Những năm tháng cuối đời, thầy Dương Hữu Thời vẫn chiến đấu với bệnh tật để tổng kết những việc còn dở dang. Cuốn "Cơ sở Sinh thái học" là công trình cuối cùng của thầy trên giường bệnh. Nhiều bản thảo khác còn bỏ dở và giờ phút lâm chung trên bàn làm việc của thầy người ta còn tìm thấy những trang viết dở dang về lịch sử ngành quân giới miền Tây Nam Bộ.
Con người không phải là thuỷ tinh hay pha lê. Thầy Thời cũng có tâm sự. Tôi có lỗi hay không khi viết về người đã khuất, lại là người thầy mình kính trọng? Cách đây 10 năm, tháng 9.1996 khi chúng tôi kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dương Phương Dung, con gái út (đã mất) của thầy đã viết thư cho tôi, có đoạn: "Có một đêm đầu năm 1989 tức là năm ba cháu mất, ba cháu đã ngồi nói chuyện với cháu tới 12 giờ đêm..., Ba cháu nói lại toàn bộ cuộc đời của mình, cho cháu coi cuốn sổ ghi tổng kết các công trình nghiên cứu... Sau khi kể rất nhiều, cuối cùng ba cháu nói:... Cả cuộc đời ba đi theo cách mạng, cống hiến hết sức mình cho khoa học. Ba luôn phấn đấu vượt lên chính bản thân mình, ba không một chút ân hận nào khi nghĩ lại toàn bộ cuộc đời của mình. Ba chỉ buồn và tiếc là cuộc đời ba gặp phải nhiều điều không may và...".Phải chăng điều không may đó đã là nguồn bức xúc để cho người học trò của thầy, nay đã là giáo sư, khi GS. Lân Dũng thốt lên sau khi dự đám tang của thầy và rằng trong cáo phó chỉ vẻn vẹn có học vị " Kỹ sư Phương Thanh". Có lẽ chúng ta cũng nhất trí với GS. Nguyễn Lân Dũng rằng: " Những tấm huân chương để trước linh cữu thầy chứng tỏ Đảng và Nhà nước đã ghi nhận công ơn của thầy"và "đông đảo các thế hệ học trò đưa tiễn thầy với niềm tiếc thương vô hạn là những bó hoa đẹp nhất đưa thầy tới cõi vĩnh hằng".
Và các học trò của thầy nhớ thầy, viết về thầy.
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng ta trước đây, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, kế tục truyền thống của Đại học Đông Dương đã có truyền thống 100 năm phát triển. Thầy là người tiếp thu cái mới rất nhanh, thầy sẽ hài lòng về những gì thầy để lại cho các học trò của mình xây dựng một Khoa Sinh học lớn mạnh, khang trang trong Đại học Quốc gia Hà Nội không thua kém gì ai. Khi viết những dòng này, trong số hàng ngàn, hàng vạn gương mặt của Đại học Quốc gia Hà Nội tôi không biết những ai sẽ có trong số 100 tiêu biểu, nhưng chắc chắn rằng chọn Dương Hữu Thời như là một sự đánh giá công bằng và phần nào có thể xoá đi những gì còn ưu tư của thầy trước đây.
Bây giờ, thầy có thể mỉm cười nhìn các thế hệ kế tiếp xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội vững mạnh và thầy cứ yên tâm cùng nhà văn Đoàn Giỏi để tiếp tục trò chuyện về "đất rừng phương Nam, về cá bống mú, đước Cà Mau" với anh Năm Giỏi, nhà sinh học nghiệp dư tài năng.
Thay lời kết
Cháu Phương Dung yêu quý. Trong thư viết cho chú cách đây đã 10 năm cháu đã kể " có lẽ cháu là người hiểu ba cháu hơn cả"...rằng ba cháu là người không bao giờ phàn nàn gì cho bản thân, nhưng khi nghe ba cháu nói cháu đã bị ám ảnh, áy náy, khổ tâm mãi về những điều ba cháu nói cuối cùng. Và hôm nay để cháu khỏi bận tâm thêm nữa, những gì cháu đã "lén má cháu" gửi ra cho chú, chú đã cố cho mọi người hiểu được phần nào về ba cháu. Chị Phương Xuân của cháu cũng có viết cho chú nói rằng lúc ba cháu nghỉ hưu, dưỡng bệnh, cháu thường được ba cho xem các bản thảo và "em Dung đọc và góp ý". Cháu có một người cha thật là tuyệt vời! Cháu hãy thanh thản yên nghỉ cùng người cha kính yêu, lại được tâm tình với ba về những chuyện ngày nào trên đất Bắc, về sinh môi và nguồn tài nguyên cây thuốc nước ta. Trong lòng các chú thì ba cháu mãi mãi vẫn là một giáo sư thật sự, một thầy giáo ưu tú đúng nghĩa, một nhà khoa học chân chính và trên tất cả là một cựu chiến binh, người chiến sĩ, một "anh bộ đội cụ Hồ"!
Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn