GS Bùi Huy Đáp: Lời mẹ dặn theo suốt cuộc đời
Học từ thực tiễn
GS Bùi Huy Đáp sinh năm 1919 ở Vụ Bản (Nam Định) trong một gia đình nông dân nghèo nhưng từ nhỏ ông đã được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp kỹ sư Nông nghiệp trường Đại học Nông lâm Đông Dương, làm việc ở sở nông lâm Trung Kỳ rồi làm Tổng thư ký Bộ Canh nông khi cách mạng thành công. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Đại học Nông lâm, Viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Suốt đời GS Bùi Huy Đáp vẫn nhớ như in lời người mẹ tảo tần một nắng hai sương nuôi ông ăn học căn dặn hôm ông đỗ kỹ sư: “Thế là cái nghề làm ruộng tầm thường của mẹ con mất 3 năm mới học được. Nhưng cày bừa, cấy hái con có biết gì đâu. Vì vậy con phải năng đi nông thôn, gặp gỡ nông dân, chớ ngồi lỳ ở phòng giấy thì chỉ có mà thành kỹ sư canh nông... đường nhựa”. GS Bùi Huy Đáp coi lời mẹ dặn trở thành phương châm làm việc của ông trên suốt con đường 55 năm hoạt động khoa học. Từ chỗ là một thư sinh ăn trắng mặc trơn, ông lao vào học từ cái nhỏ nhất như cày ruộng, cấy lúa. Nhớ hồi mới tốt nghiệp đại học, sang nhà ông Xướng xin học cày, ông lão mở to mắt nhìn cậu Đáp rồi cười khà khà: “Cậu đỗ kỹ sư canh nông rồi thì việc quái gì phải học cày...”.
Sau này, dù công tác ở Bộ Nông nghiệp hay Viện nghiên cứu GS Đáp vẫn miệt mài đi cơ sở, lặn lộn với những cánh đồng quê, bất kể ngày hay đêm. Nhờ vậy mà ông luôn thành công trong công việc, có nhiều đề xuất đưa ra trái với nhiều người, thậm chí gây xôn xao dư luận nhưng sau đó lại được thực tiễn kiểm nghiệm hoàn toàn đúng đắn. Thí dụ như chuyện người ta “bắt chước” Trung Quốc cấy lúa thật dày sẽ cho nhiều thóc, trường Đại học Nông nghiệp và Viện Khảo cứu nông lâm đề nghị cấy thử những ruộng “siêu dày”, bón hàng chục tấn phân, lúa dồn như “nêm cối”. Chỉ riêng GS Đáp khôgn tán thành, ông viết bài “Cấy dày vừa phải” trên báo Nhân dân. Nhiều người trách: “Ông Đáp dội gáo nước lạnh vào phong trào chung”. Ông Hoàng Tùng (Tổng biên tập báo Nhân dân lúc bấy giờ) tỏ ý chia sẻ với ông. Ông bảo: “Anh cứ yên trí, vài tháng nữa lúa trổ, những ruộng cấy dồn sẽ có tỷ lệ lép rất cao”. Sự việc về sau quả đúng như vậy. Những ngày vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, rất thiếu phân bón lúa. Ngày ấy, chưa có đạm như bây giờ, GS Đáp lấy số liệu của trường Trung học Canh nông Tuyên Quang thời Pháp, mỗi người hằng năm thải ra khoảng 60 kg phân, tính ra số phân người của cả liên khu 4 được giá trị tiền gần bằng... ngân sách của liên khu. Ông viết bài trên báo phát động phong trào hố xí hai ngăn, tích trữ phân bắc để cấy trồng và viết cuốn sách “phân bắc và nước giải” tái bản tới 4 lần. Nhờ đó, phong trào làm phân bắc, phân xanh phát triển mạnh ở liên khu 4. Một vài nơi, có người còn làm hố xí và viết họ tên ông vào biển “hố xí Bùi Huy Đáp” treo ở cửa. Song ông không “tự ái” mà cho rằng đó là một vinh dự.
Phải biết “biến ý kiến thành sự thật”
Chuyện xảy ra vào những năm 60, sau nhiều năm gắn bó với cây lúa, GS Bùi Huy Đáp rút ra kết luận rằng: Do ảnh hưởng của thời tiết, càng cấy muộn thì năng suất lúa chiêm càng giảm đúng như câu thành ngữ “lúa trỗ lập hạ, buồn bã cả thôn”, còn “lúa trỗ thanh minh, quang vinh cả xã”. Ông đề xuất phương án trồng lúa ngắn ngày, lúa xuân thử nghiệm để khắc phục tình trạng này. Ban đầu, Hà Tây là nơi chấp nhận đề xuất của ông cấy thí điểm 100 mẫu ruộng lúa xuân sớm ở xã Phú Trạch, huyện ứng Hòa. Ngay vụ đầu đã thắng lợi “rực rỡ”, thu hơn 100 tấn thóc. Nhưng sự đời không xuôi chèo mát mái. Thân phận cây lúa xuân ban đầu rất “long đong”. Nhiều nơi khác cũng làm nhưng không được may mắn như Hà Tây, tuy chỉ dăm bảy sào hay vài mẫu thất bại rải rác nhưng đã nảy sinh tư tưởng phản đối lúa xuân. “Có người còn chê trách ý tưởng cấy lúa xuân của tôi là “điên khùng”. May sao, lãnh đạo Hà Tây lúc đó rất ủng hộ”. Để chứng minh cho ý tưởng của mình là đúng, ông còn xuống Nam Định, vận động Hải Hậu cấy 30% diện tích lúa xuân, riêng xã Hồng Thắng cấy 100% diện tích lúa xuân. Năm đó, Hải Hậu thắng lớn, Hồng Thắng lúa có năng suất cao nhất tỉnh. Năm sau, Thái Bình cấy 50% diện tích lúa xuân cũng “đại thắng”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Thái Bình đã kết luận: Lúa chiêm đã hoàn thành nhiệm vụ, nên cho nó... “nghỉ hưu” và cấy lúa xuân thay thế. Lúa xuân từ “cấy thêm, cấy thử” đã trở thành vụ lúa chính có năng suất cao nhất so với các vụ lúa khác, góp phần làm tăng nhanh năng suất trồng lúa ở nước ta, thường xuyên đạt trên 32 triệu tấn/năm từ năm 2000 tới nay. Năm 1996, đánh giá sự đóng góp của ông vào nghiên cứu khoa học và phát triển lúa xuân Nhà nước đã tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).
Sau khi bị tai biến mạch máu não năm 1985 ông về nghỉ hưu. Bị liệt nửa người nhưng GS Bùi Huy Đáp vẫn đam mê nghiên cứu và viết những bài báo khoa học nông nghiệp. Ông đã viết hơn 100 cuốn sách và hơn 1000 bài báo phổ biến kỹ thuật nông nghiệp. Ông chỉ tiếc rằng mình không còn đi lại được, không thể lặn lội đến những dòng sông, những cánh đồng hay vườn ao... để nghiên cứu hiệu quả hơn. Những con người nối tiếp ông, những nhà “khoa học nông dân”, những “kỹ sư chân đất” tuy chưa được đào tạo cơ bản nhưng đã có nhiều sáng kiến, phát minh rất có giá trị như: máy gặt lúa, máy hút bùn, máy bẻ đầu cá cơm... đã làm ông vui lòng.
GS Bùi Huy Đáp đột ngột ra đi vào giữa mùa hè oi ả năm 2004. Dù với ông, nhiều dự định còn dang dở nhưng tấm gương cuộc đời nghiên cứu sáng tạo không ngừng của ông chắc chắn sẽ cổ vũ, khích lệ thế hệ trẻ vươn lên học tập, phát triển một nền khoa học nông nghiệp vì sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Nguồn: Minh Hiếu (Tuổi trẻ Thủ đô, số 48 từ 12-19/11/2004)