GS - BS Nguyễn Thị Ngọc Toản: Người xoa dịu nỗi đau da cam
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản tên thật là Tôn Nữ Ngọc Toản. Bà sinh ra trong một gia đình quý tộc (cụ tổ là Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, thân phụ là Tôn Thất Đàn - từng giữ chức Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn, chị gái là Tôn Nữ Thị Cung (phu nhân của GS Đặng Văn Ngữ), anh trai là GS Tôn Thất Lang, em trai là GS Tương Lai. Chồng của bà - Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam . Ông đã có nhiều đóng góp trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1954, ông bà đã tổ chức đám cưới tại Điện Biên Phủ, ngay trong hầm của viên tướng Pháp bại trận Christian de Castries.
“Mắc nợ” với lương tâm
Nhiều người nghĩ GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản dành thời gian, công sức nghiên cứu, đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam vì chồng bà (Trung tướng Cao Văn Khánh) và người con trai út (Cao Quý Võ) đã chết vì căn bệnh ung thư gan do di chứng của chất độc da cam. Đó quả thật là một lý do quan trọng, nhưng có lẽ ít ai biết rằng những trăn trở về một loại thương tích đã để lại những đau thương, mất mát hơn mọi vết thương, kéo dài qua nhiều thế hệ, đã được bà đặt dấu hỏi từ cách đây hơn 40 năm.
Trong căn hộ tập thể giản dị, ký ức của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản như một cuốn phim quay chậm mà mỗi hình ảnh lại gợi nỗi đau nhức nhối. Năm 1967, bà từng tham gia đợt khảo sát, nghiên cứu hiện tượng mất kinh nguyệt của hơn 1.000 nữ thanh niên xung phong ở khu vực Trường Sơn. Cuộc điều tra đã đưa ra kết luận: Sức ép tâm lý, sự cận kề cái chết, sự thiếu thốn về vật chất và tuổi đời còn ít (khai tăng tuổi để được ra chiến trường)… là nguyên nhân chính gây nên những rối loạn trong cơ thể của các nữ thanh niên xung phong (hầu hết những người này đã có kinh nguyệt trở lại sau khi chuyển vào môi trường sống tốt hơn), nhưng cũng từ khi ấy, bà đã có một dự cảm không lành. Sau đó, bà từng tham gia xét thương tật cho các đối tượng nữ, và một lần nữa chất độc da cam (kẻ thù giấu mặt) lại chưa bị lộ diện. Nhiều người phụ nữ trở về lành lặn, không có vết thương trên thân thể nhưng sau này đã vĩnh viễn mất cơ hội được làm mẹ, làm vợ, phải chịu trăm ngàn nỗi đau âm thầm…
Nhắc đến những chuyện đau lòng trong quá khứ, nước mắt lại lăn dài trên gương mặt của bà. Bà bộc bạch: Tôi đấu tranh cho các nạn nhân da cam, không chỉ vì tôi là “người trong cuộc” nên thấm thía nỗi đau của họ, mà còn vì tôi là một nhà khoa học. Đã là nhà khoa học chân chính thì phải luôn tôn trọng sự thật và mọi hoạt động phải phụng sự lợi ích của cộng đồng. Hơn nữa, tôi từng là một nhà khoa học đầu ngành với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của người phụ nữ Việt Nam , để họ sinh ra những đứa con lành lặn, mạnh khỏe… nhưng tôi thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Đó là điều khiến tôi day dứt không yên, tôi thấy mình mắc nợ với nhiều chị em. Mặc dù khi ấy ảnh hưởng của chất độc da cam vẫn còn là một ẩn số nhưng dù sao các nhà khoa học, trong đó có tôi cũng đã phần nào có lỗi vì chưa kịp thời phát hiện ra những ảnh hưởng kinh hoàng của loại chất độc này.
Cuộc chiến trong thời bình
Bà tâm sự: Cuộc chiến chống lại chất độc da cam không chỉ là việc chúng ta kiện các công ty hóa chất của Mỹ, mà quan trọng hơn là, mỗi người Việt Nam (kể cả các nhà lãnh đạo) phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự quan tâm của mình đối với những người bị nhiễm chất độc da cam. Trong thời bình, với những người chưa từng đi qua các cuộc chiến tranh thì khó có thể hiểu và thông cảm thật sự với những nỗi đau mà chiến tranh đã để lại. Đã có lúc bà cảm thấy mệt mỏi, nản chí, không phải vì sự vất vả mà vì chính những quan niệm phiến diện về chiến tranh, về nỗi đau da cam của những người đương thời. Để lấy lại ý chí, bà đã dành thời gian đi đến tất cả các nhà tù, các nghĩa trang, những vùng đất từng là những địa danh khốc liệt trong thời chiến để tự nhủ với mình “đã có biết bao nhiêu người ngã xuống, mình còn sống thì còn phải chiến đấu”. Khi trở về, bà như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn. Ngoài việc tham gia tích cực vào các công tác đoàn thể, bà dành nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền. Bà quan niệm: “Việt Nam thắng Mỹ không phải vì sức mạnh quân sự, mà vì công lý và dư luận”, do đó việc tuyên truyền để mọi người hiểu tác hại của chất độc da cam, hiểu những nỗi đau của nạn nhân da cam… là rất quan trọng. Bà đã đi nhiều nơi (cả trong và ngoài nước) để nói chuyện về vấn đề da cam ở Việt Nam và viết hàng chục bài báo đăng tải trên các báo trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến chất độc da cam. Sắp tới, bà sẽ có 2 bài báo đăng liên tiếp trên 2 số báo phát cho các sứ quán và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam về chủ đề chất độc màu da cam. Với mối quan hệ rộng của mình, bà đã kết nối được với nhiều bạn bè quốc tế để cùng đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước hoạt động tích cực trong lĩnh vực này đã lên tới hàng trăm người. Mặc dù đã ở tuổi 79, song bà vẫn khẳng định: “Tôi sẽ đấu tranh vì các nạn nhân chất độc da cam cho đến hơi thở cuối cùng”.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, 7/8/2008