Grigori Perelman - thiên tài lập dị luôn nói “không” với giải thưởng
Từ chối giải thưởng, lui về ở ẩn
Tháng 11/2002, Perelman đăng lời giải cho giả thuyết Poincare - một trong những vấn đề khó khăn nhất và chưa có lời giải trong toán học, được nêu ra năm 1904 - lên một trang lưu trữ trực tuyến các tài liệu học thuật về khoa học. Bản thảo của ông, dù viết vội, đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Nhưng người ta đồn, Perelman không có ý định công bố chính thức.
Phát hiện của Perelman thực sự là một thành tựu quan trọng. Năm 2006, ông được trao tặng Huy chương Fields – giải thưởng cao quý nhất trong ngành toán học. Thế nhưng, không hiểu sao Perelman lại từ chối và tuyên bố: “ Tôi chẳng ham tiền tài hay danh vọng. Tôi không muốn bị trưng bày như một con vật trong sở thú. Tôi không phải là anh hùng toán học. Tôi không muốn được người người để ý. ”
Ông cho rằng, nếu lời giải của mình là chính xác, “ thì không cần sự công nhận của bất kỳ ai khác cả. ”
Grigori Perelman giảng về lời giải của mình tại New York năm 2003. Tính tới nay, ông là người đầu tiên và cũng là người duy nhất từ chối Huy chương Fields. Ảnh: Telegraph
4 năm sau đó, ông cũng từ chối nhận giải thưởng Thiên niên kỷ đầu tiên (trao bởi Viện Toán học Clay) cùng với số tiền 1 triệu USD đi kèm. Bình luận duy nhất của ông, nói vọng ra từ 1 cánh cửa đóng chặt, là: “ Tôi đã có tất cả những gì mình muốn ”.
Sau đó, ông từ chức và sống với mẹ tại một căn nhà tĩnh mịch ở St. Petersburg.
Việc Perelman rút khỏi cộng đồng chỉ càng làm mọi người thêm tò mò về ông. Dù từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn, ông vẫn là chủ đề của giới truyền thông và báo chí: ví dụ bài báo dài ngoằng trên tờ New Yorker hay cuốn sách Perfect Rigor của nhà báo gốc Nga Masha Gessen. Tất cả đều đi tìm lời giải cho câu hỏi đau đáu: Điều gì lại khiến một người đàn ông tránh xa thế giới, danh tiếng và sự công nhận của người đời – dù mình xứng đáng?
Luôn luôn lập dị
Từ thập niên 70, Perel đã nổi lên như một ngôi sao sáng trong nền toán học vốn đã đầy cạnh tranh của Nga, từng được điểm tuyệt đối và giành huy chương vàng tại Olympic năm 1982. Ông còn đỗ vào Đại học Leningrad danh tiếng, ngôi trường chỉ nhận hai ứng viên người Do Thái mỗi năm.
Perelman là một người cầu toàn, hiếm khi mắc lỗi. Khi đang chuyên tâm nghiên cứu, ông có vài hành vi dị thường như nói ầm lên và rên rỉ. Ông thể hiện xu hướng ẩn dật của mình từ hồi đại học: để móng tay dài và cong, thích ở lì trong phòng làm việc, sống qua ngày bằng bánh mì đen và sữa lên men.
Năm 1994, Perelman trở nên nổi như cồn vì giải được câu hỏi hóc búa của hình học Topo. Ông được cả Stanford và Princeton ở Mỹ mời nghiên cứu nhưng đều từ chối. Được biết, Perelman khước từ Princeton vì cảm thấy bị xúc phạm vì phải làm CV - trong khi ông nghĩ công trình của mình tự nó đã nói lên tất cả.
Quay về Nga, Perelman làm việc tại Học viện Steklov. Hiệp hội Toán học Châu Âu cân nhắc chuyện trao thưởng cho ông, nhưng ông lại đe dọa, can ngăn họ.
Cả đời dành trọn cho toán học, Perelman hoàn toàn thờ ơ với khía cạnh chính trị của học thuật, gồm các hoạt động chạy đua không ngừng nghỉ vào các vị trí và cãi nhau ầm ĩ để được ghi công. Ông lên án hầu hết các đồng nghiệp của mình, những người quá gò bó theo luật lệ.
Khi quyết định từ bỏ toán học chuyên nghiệp hoàn toàn, Perelman nói: “Ngay từ khi là kẻ vô danh, tôi đã đưa ra lựa chọn. Hoặc là làm chuyện xấu, hoặc bị đối xử như thú cưng. Giờ đây, khi trở nên nổi tiếng, tôi lại càng không thể cứ mãi làm thú cưng mà không nói gì. Đó là lý do tôi từ bỏ.”
Perelman luôn giữ nguyên quan điểm kỳ thị cộng đồng của mình. Người ta lại đồn, ông bị mắc chứng Asperger nên mới hành xử kỳ quặc như vậy. Tuy nhiên, sự thật về lý do khiến Perelman trở thành một người ẩn dật vẫn còn là điều bí ẩn. Đó là một câu hỏi chưa có lời giải, mà có lẽ cũng không thể giải nổi.