Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 07/02/2007 00:38 (GMT+7)

Góp ý về một số cách viết sai và khái niệm sai

Lấy thí dụ dấu phết (") chỉ đơn vị phút góc. Như nhiều người đã biết, bất cứ học sinh trung học phổ thông nào cũng đều được nhiều thầy cô giáo chỉ bảo rất rõ ràng là không được sử dụng ký hiệu chỉ phút, giây của góc để làm ký hiệu cho phút, giây thời gian. Đối với góc, phút chẳng hạn, đơn vị này có ký hiệu là một "dấu phết" ("); còn đối với thời gian, ký hiệu của phút không phải là như vậy mà là "ph" hay "mn" (còn gặp ở một số người viết đã quen sử dụng ký hiệu trong tiếng Pháp).

Tôi còn nhớ trong Lệnh của Chủ tịch nước về cuộc điều tra dân số gần đây, thật đáng tiếc là đã có sơ suất nói trên khi chỉ thời điểm bắt đầu cuộc điều tra (theo tờ báo tôi đã đọc).

Sự sai lầm về cái dấu phết nhỏ nhoi nói trên có ý nghĩa gì sâu xa hay không ? Theo tôi, mong được bạn đọc góp ý, có thể là có một trong hai lý do sau đây.

Thứ nhất là về giáo dục và đào tạo. Các thầy cô giáo của chúng ta, một số không ít, đã thiếu sự quan tâm xem xét kỹ lưỡng bài vở của học sinh, uốn nắn chúng về mọi sai sót dù là nhỏ nhất. Học sinh mắc sai lầm, thí dụ như về ký hiệu phút chỉ thời gian, do không được thầy cô giáo sửa chữa, cứ yên tâm là mình đúng và mang theo cái không đúng đó suốt đời. Hồi trước, khi tôi từ một "trường quê" vào học ChuVăn An, khi làm bài tập toán, tôi đã có cái sai lầm như vậy. Nhưng thầy Quỹ dạy toán (ông đã đoạt giải nhất trong một kỳ thi vô địch (concours général) toán toàn Đông Dương) đã trừ điểm bài tập của tôi, đáng lẽ 18, chỉ còn 10. Tôi còn nhớ rất rõ nét bút chì của thầy khoanh tròn cái dấu phết lầm lẫn của tôi, kéo ra ngoài biên và ghi: trừ 8. Theo tôi biết, ở nước ngoài, dù là những sách báo nhảm nhí nhất, không hề thấy cái cách viết sai như vậy. Thiên hạ người ta quả đã được dạy dỗ tử tế chứ không như nhiều người ở ta.

Thứ hai là về cái thói quen thích giản tiện của nhiều người Việt Nam chúng ta. Do muốn giản tiện, người ta đã bất chấp các quy định và tiêu chuẩn. Khi nói, đã nói thiếu chính xác. Đến lúc viết, lại viết theo cách nói đó. Xét đến cùng, đây chính là người mình, một số, thiếu sự suy nghĩ chặt chẽ, lôgic, thiếu tư duy khoa học.

Một cách viết sai khác rất phổ biến là về dấu chấm (.) dùng để chỉ chữ viết tắt. Vì là để chỉ chữ viết tắt nên cứ mỗi chữ viết tắt phải có một dấu chấm, thí dụ W. H. O. là viết tắt của World Health Organisation (Tổ chức Y tế Thế giới). Nhưng ở ta, thí dụ như Thành phố, người ta viết T.P, hay Phóng viên, viết P.V, không có dấu chấm sau chữ P và chữ V. Người ta đã hiểu dấu chấm chỉ chữ viết tắt là dấu ngăn cách giữa các chữ viết tắt ! Theo đúng cách hiểu về dấu chấm để chỉ chữ viết tắt, nếu bạn viết P.V, tôi phải đọc là "phóng vờ" vì V ở đây không viết tắt, hay G.S sẽ đọc là "giáo sờ" vì S ở đây không phải chữ viết tắt.

Một lần đi qua phố Trần Hưng Đạo, tình cờ tôi thấy cái biển mới treo cửa Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới. Tôi ngạc nhiên thấy chữ viết tắt của cơ quan này trên tấm biển là W. H. O, sau chữ O không có dấu chấm. Tôi nghĩ rằng sai lầm này là ở người kẻ biển chứ không phải là người phụ trách Văn phòng của W. H. O. ở Hà Nội, mà không hiểu ông này có để ý đến điều này hay không. Nhưng sau đó không lâu, lại có dịp đi qua cơ quan đó, tôi đã thấy có dấu chấm cần thiết sau chữ O: sự nghiêm chỉnh cần thiết đã được người phụ trách Văn phòng của W. H. O. không bỏ qua. (Thực ra trong nhiều trường hợp ta có thể viết tắt không cần phải dùng đến dấu chấm: PV, TP, GS, ĐCSVN, WTO, APEC,...).

Sai lầm trên đây cũng là sai lầm từ cách suy nghĩ, cách hiểu. Cũng từ một dấu chấm nhưng có hai cách hiểu: dùng để chỉ chữ viết tắt (vì vậy sau mỗi chữ viết tắt phải có một dấu chấm) và dùng để ngăn cách các chữ viết tắt, cách hiểu sau hoàn toàn sai. Điều đáng nói ở đây là về cách suy nghĩ, nhiều người chúng ta ít khi quan tâm tìm hiểu sâu hơn về những điều mà mình gặp, đặt ra những câu hỏi và tìm cách trả lời để có thể hiểu một cách rõ ràng về những điều ấy. Thói quen này (sự tò mò khoa học) hiện còn rất thiếu ở người Việt Nam chúng ta.

Bây giờ tôi xin nói về một số khái niệm sai lầm.

Trước hết là khái niệm "môi trường sinh thái". Trong các tài liệu về khoa học, công nghệ và quản lý môi trường trên thế giới, theo tôi biết, không hề có thuật ngữ này. Nói "môi trường" là đầy đủ và đúng đắn (cũng có thể gọi là "môi trường xung quanh" nếu chúng ta đã quen với thuật ngữ này trong các tài liệu của Liên Xô trước đây). Bạn đọc có thể thấy trong một cuốn từ điển Anh - Việt về môi trường có thuật ngữ "ecological environment". Theo tôi, có lẽ tác giả của từ điển vì nghe thấy ở ta có thuật ngữ "môi trường sinh thái" nên đã phải đặt ra cho quyển cách của mình một từ tiếng Anh tương ứng.

Bạn đọc hãy hỏi: Môi trường sinh thái là gì ? Không có câu trả lời cho câu hỏi này nếu không phải là: Không có thuật ngữ "môi trường sinh thái", hoặc: "môi trường sinh thái" mà một số người đã nói thật ra chỉ là cách nói sai về "môi trường", tính từ "sinh thái" mà họ đã thêm vào có lẽ là do đã liên tưởng đến những từ như "hệ sinh thái", "sinh thái học", "cân bằng sinh thái", "kinh tế sinh thái", v.v… mà người ta luôn luôn nghe thấy khi đề cập các vấn đề môi trường. Từ "môi trường sinh thái" tuy sai lầm nhưng đã được nhiều người, nhiều cơ quan sử dụng có lẽ vì nó đã được phát ra từ một số cơ quan quản lý cao cấp nào đó, nhất là nó lại được ghi trong các văn bản và các tài liệu giảng dạy của các cơ quan này và truyền bá đến các địa phương và giới truyền thông. Một khi "Trung ương" đã nói, đã viết như vậy thì các địa phương và các phóng viên, lẽ tự nhiên, cứ thế mà sử dụng. Tôi đã có lần trao đổi với GS Vũ Đình Cự, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này. Anh Cự cho biết, anh đã có đề nghị sửa lại khái niệm sai lầm này nhưng ít được mọi người, kể cả trong Quốc hội, chú ý vì nó đã trở thành quen thuộc.

Trong các thuật ngữ về quản lý môi trường, có thuật ngữ "ecological environmental impact assessment" được chuyển thành thuật ngữ "đánh giá tác động môi trường sinh thái" trong tiếng Việt. Từ này có nghĩa đại ý "đánh giá tác động môi trường" về mặt "sinh thái" hay đối với những "hệ sinh thái". Từ "ecological" (sinh thái) ở đây chỉ một mặt, một loại hoạt động của "đánh giá tác động môi trường"; nó gắn với cả cụm từ "đánh giá tác động môi trường" chứ không phải với từ "môi trường". Có thể đây là căn nguyên của sự hiểu lầm là có khái niệm "môi trường sinh thái".

Một khái niệm sai lầm khác là "GDP tỉnh /thành phố". Thật là khó hiểu vì sao khái niệm này lại có thể xuất hiện và trở thành phổ biến ở nước ta. Tôi đoán là nó đã ra đời ít nhiều cũng như trường hợp từ "môi trường sinh thái" mà về từ này, tôi có được chứng kiến sự ra đời của nó.

Xin nhắc lại rằng GDP là chữ viết tắt của "Gross Domestic Product" - Tổng sản phẩm trong nước. Khái niệm này chỉ giá trị đầu ra được sản xuất trong lãnh thổ của một quốc gia từ các nhân tố sản xuất (vốn, lao động,…) của người trong nước cũng như của người nước ngoài. Từ GDP, nếu cộng thêm phần sản xuất của quốc gia ở nước ngoài và trừ đi phần của người nước ngoài sản xuất trên lãnh thổ của quốc gia, ta sẽ có GNP, chữ viết tắt của "Gross National Product" - Tổng sản phẩm quốc gia. Dùng GDP hay GNP hay cả hai là tùy theo khả năng lập thống kê của từng nước. Khái niệm GDP là nội dung cơ bản của Hệ thống hạch toán quốc gia (SNA) được các nước phương Tây chấp nhận sau Thế chiến II để đo trình độ các hoạt động kinh tế của một nước. Hệ thống này ngày nay được sử dụng ở tất cả các nước trên thế giới với những thay đổi về chi tiết nhưng không ở đâu, trừ Việt Nam , có thêm "GDP tỉnh/thành phố".

Nếu ta muốn có "GDP" tỉnh/thành phố theo những yêu cầu nào đó thì đúng ra ta phải đưa ra các thuật ngữ "Tổng sản phẩm tỉnh" (Gross Province Product - GPP) và "Tổng sản phẩm thành phố" (Gross City Product - PCP). Nếu không, bản thân "GDP tỉnh/thành phố", trên phương diện ngôn ngữ, là một từ hoàn toàn vô nghĩa, kỳ quái. Hãy cho rằng ta muốn có "GPP" hay "GCP" để đo lường sự phát triển kinh tế của tỉnh/thành phố thì làm thế nào tính toán được các giá trị của hai đại lượng này ? Biên giới giữa các tỉnh và thành phố là biên giới hành chính, không phải là biên giới về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, sử dụng lực lượng lao động, chi tiêu cho quốc phòng, đầu tư cho cứu hộ cứu nạn trên biển, phân phối các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, v.v… Việc tính toán, nếu cố gắng, vẫn có thể thực hiện được nhưng sẽ rất khó khăn, nhiều khi người tính phải cố phân chia đâu là phần của địa phương và đâu là phần của Trung ương trong tỉnh/thành phố một cách miễn cưỡng, giả tạo; kết quả do đó ít có ý nghĩa. Chúng ta cần một chỉ tiêu tổng hợp thích hợp để đo sự phát triển kinh tế của tỉnh/thành phố, chỉ tiêu này có thể xây dựng được nhưng đó là một vấn đề khác ngoài phạm vi bài viết này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói rằng khái niệm "GDP" tỉnh/thành phố là cần phải được xem lại.

Liên quan với "GDP" tỉnh/thành phố là vấn đề "dịch chuyển cơ cấu tỉnh/thành phố". Nếu tỉnh nào, thành phố nào cũng đã "dịch chuyển" đến một cơ cấu kinh tế tối ưu thì liệu cơ cấu kinh tế quốc gia là "tổng" của các cơ cấu đó có đạt tối ưu hay không ? Nghiệm của bài toán tính cực trị này nếu có sẽ là một nghiệm rất đặc biệt và chỉ có ở một thời điểm rất đặc biệt nào đó trong động thái phát triển của cơ cấu kinh tế. Nhưng bài toán này không nên có. Chỉ có bài toán dịch chuyển cơ cấu trên toàn nền kinh tế quốc gia mới là vấn đề cần đặt ra cho việc xác định con đường phát triển kinh tế có hiệu quả nhất của cả nước.

Kết thúc bài này, tôi xin nói đến những cái bìa sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Văn 8, Toán 10, v.v… Bạn đọc có thể không để ý nhưng nếu được đề nghị nhận xét về những cái bìa này chắc sẽ phải thấy ngay đây là một cách viết "giản tiện, nôm na", một thói quen rất xấu mà nếu có ở học sinh thì các thầy cô giáo cần phải trừ điểm nếu không phải là cho zêrô như các thầy giáo rất nghiêm khắc hồi xưa. Có lẽ không ai không thừa nhận rằng cách viết đúng của những cái tên của các môn học các lớp như kể trên phải là "Văn Lớp Tám" và "Toán Lớp Mười". Vấn đề cần bài cãi để thống nhất là các từ "Lớp", "Tám", "Mười" có viết hoa hay không.

Thật là kỳ lạ khi Bộ GDĐT năm nào cũng viết lại sách giáo khoa mà chỉ riêng cái bìa sách, chẳng có một nhà "biên soạn" đáng kính nào của Bộ thấy được nó sai lầm như thế nào !

Nhân đây, có một vấn đề lớn theo chúng tôi cần được đề cập. Đó là chữ "vật lí" (dùng "i" ngắn) của Bộ GDĐT và chữ "vật lý" (dùng "y" dài) mà tất cả những người đang làm việc trong lĩnh vực vật lý học (trừ một số ít người chịu ảnh hưởng của Bộ GDĐT) và nhiều lĩnh vực khác đang thường xuyên sử dụng.

Câu hỏi đặt ra là: Riêng Bộ GDĐT có thể tự mình quy định việc thay "y" bằng "i" (không kể những trường hợp không thể thay được, thí dụ như "hay" không thể viết thành "hai") hay không. Vấn đề thay "y" bằng "i" đã từ lâu và hiện nay luôn luôn được bàn cãi và là một sự vất vả, lúng túng của cán bộ biên tập ở các cơ quan báo chí và xuất bản. Có thể là sự thay thế này, ở chừng mực nào đó, trong những trường hợp nào đó, là hợp lý. Nhưng sự thay thế này cần phải được sự thống nhất trên toàn quốc, một sự thống nhất có thể là tạm thời, nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp cao nhất của Nhà nước quyết định. Quốc hội đã có quyết định về quốc kỳ và quốc ca rồi. Có lẽ Quốc hội cũng cần phải quan tâm đến vấn đề quốc ngữ - chữ của dân tộc.

Xem Thêm

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.