Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/05/2006 14:15 (GMT+7)

Góp ý về chính sách khoa học: Cần chỉnh sửa từ gốc

Đề tài nghiên cứu do... nhà nước chọn

Có thể nói, không ở đâu có chính sách lạ kỳ như kiểu: trả lương thấp phi lý, rồi bù vào sự thiếu hụt đó, cho phép nhà KH được hưởng một phần đáng kể, thậm chí toàn bộ kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu (NC). Vì thu nhập qua đề tài có thể gấp nhiều lần tiền lương, gây ra nhiều sự lợi dụng, tiêu cực trong việc phân phối kinh phí, xét duyệt, nghiệm thu các đề tài.

Rốt cuộc không khuyến khích các tài năng trẻ mà nặng về ưu ái các “cây đa cây đề”, nói chính xác hơn là các quan chức KH (đánh số nhà trong thành phố, biên soạn lịch sử chính phủ bằng hình ảnh… đều là đề tài KH, thậm chí cấp Nhà nước!). Đó cũng là lý do giải thích tại sao từ 5 năm qua ngân sách đầu tư cho KH tăng liên tục mà kết quả NC không tăng tương xứng.

Lẽ ra phải nhìn thấy chỗ sai cơ bản đó để sửa chính sách từ gốc thì các nhà quản lý lại chỉ nhìn thấy hậu quả của nó là các hiện tượng tiêu cực trong xét duyệt, nghiệm thu các đề tài, nên chỉ tập trung đưa ra các biện pháp hạn chế các tiêu cực đó bằng cách cải tiến việc tuyển chọn các đề tài KHCN cấp nhà nước và kiểm soát chặt chẽ khâu đấu thầu các đề tài ấy nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho mọi tài năng, không phụ thuộc tuổi tác, chức tước, vị trí xã hội. Ý tưởng rất đúng nhưng khác nào không chữa bệnh từ gốc mà chỉ cho uống thuốc giảm sốt, giảm ho.

Cái gốc vấn đề đâu ở cách xét chọn, đấu thầu như thế nào để đạt được yêu cầu “chọn mặt gửi vàng” mà cần xét xem ngay cái việc chọn 95 đề tài KHCN cấp nhà nước để đưa ra đấu thầu có gì còn chưa ổn và liệu việc đưa ra đấu thầu vài chục nhiệm vụ KH cấp quốc gia theo đề án Bộ KH&CN dự định trình Chính phủ phải chăng là chính sách thích hợp để thúc đẩy KHCN phát triển trong tình hình hiện nay?

Cũng có một số ý kiến từ Bộ KH&CN khẳng định các nước tiên tiến đều làm như ta. Theo tôi, hoàn toàn không phải thế.

Ngày nay, NCKH ở cấp quốc gia, họ chỉ xác định một số hướng KH ưu tiên để tập trung đầu tư xây dựng những trung tâm NC về các hướng đó, còn trong mỗi lĩnh vực (trừ vài lĩnh vực dính đến quốc phòng, an ninh), họ để cho các chuyên gia tự chọn lấy những đề tài cụ thể cần NC.

Những đề tài nào cần được cấp kinh phí NC thì làm đề án gửi lên cơ quan quản lý quỹ hỗ trợ, ở đây họ tổ chức lấy ý kiến thẩm định của các chuyên gia cùng lĩnh vực (peers) đối với từng đề án và dựa trên kết quả thẩm định đó mà các đề tài được xét cấp kinh phí hay không.

Như vậy, nhà nước không áp đặt, không chọn thay cho chuyên gia các đề tài NC, mà chỉ kiểm tra kết quả thực hiện từng đề tài, dựa theo đó điều chỉnh sự đầu tư nhằm tác động tích cực đến hoạt động NC.

Còn tiềm ẩn yếu tố tiêu cực

Quy tắc quản lý tài chính của các đề tài ở nước ngoài rất rành mạch: chỉ có các đề tài NC do các doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu của họ mới có thể có thù lao, hay thưởng công cho người NC, còn các đề tài khác thì kinh phí thường chỉ được phép dùng để chi cho các nhu cầu về phương tiện trong quá trình thực hiện NC, chứ không có phần “trả công” để tăng thu nhập cá nhân cho người NC.

Mặt khác, cho dù việc lựa chọn các đề tài quốc gia theo kiểu quản lý tập trung là chính xác đi nữa (một khả năng có xác suất thấp), thì bản thân việc đấu thầu các đề tài KH cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực khó tránh.

Trong kinh tế, người ta có thể đấu thầu để lựa chọn phương án tốt nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. Còn NCKH là tìm cái mới, dò dẫm, tìm cái chưa biết, phát triển tri thức để giải quyết một vấn đề chưa có giải pháp sẵn, quá trình tìm tòi, sáng tạo ấy không thể bảo đảm chắc chắn 100% vì thường có những yếu tố bất ngờ, định tìm cái này lại ra cái khác, nếu buộc nhà KH phải hứa hẹn kết quả thì hoặc họ hứa vong mạng hoặc họ hứa chung chung, không ích lợi gì!

Vì đặc điểm đó, ở các nước tiên tiến, khi nhà KH xin tài trợ cho một đề tài do chính họ đề xuất, họ cũng không cần phải hứa hẹn kết quả này nọ, mà chỉ phải giải trình rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính khả thi của đề tài. Huống hồ đối với một đề tài định sẵn thì càng không thể đánh giá chất lượng hồ sơ dựa theo các kết quả hứa hẹn hay dự kiến để “chọn mặt gửi vàng”.

Cho nên, trong quản lý KH, người ta không đấu thầu để giao kinh phí thực hiện các đề tài NC định sẵn. Đối với những đề tài có tính cấp thiết quốc gia (liên quan an ninh, quốc phòng) thì phải giao việc NC cho những chuyên gia hay tổ chức mà năng lực thực tế có thể tin cậy được, hoặc treo giải thưởng cho thành tích NC xuất sắc về đề tài đó nếu có thể công khai được.

Định rõ tiêu chí đánh giá

Một vấn đề quan trọng khác là các tiêu chí đánh giá các hồ sơ dự thầu. Cách chấm các hồ sơ như đã công bố (cho điểm từng mặt theo một hệ thống tiêu chí khá chi tiết) cũng na ná như cách chấm điểm để xét chọn GS, PGS, tưởng là chặt chẽ nhưng thật ra khó tin có thể đảm bảo chính xác.

Ở các nước, khi xét các hồ sơ xin tài trợ NC, người ta căn cứ vào sự thẩm định của những chuyên gia giỏi trong cùng ngành, ở trong nước hoặc trên quốc tế (peer review), và phải dành đủ thời gian cho các chuyên gia này xem xét kỹ từng hồ sơ. Cách làm đó chưa hẳn hoàn toàn tốt, song dù sao cũng bảo đảm hơn là đưa ra xét chọn trong một hội đồng mà nhiều thành viên không phải là chuyên gia thật sự am hiểu và không loại trừ có thể có quan hệ đặc biệt với một số tác giả hồ sơ.

Đó là giả thiết việc đấu thầu diễn ra đàng hoàng, trong sạch, không có chuyện “đi cổng sau”, hay “cảm tình riêng”. Trong tình hình của ta ở giai đoạn này, lối quản lý tập trung bao hàm cơ chế xin-cho, dù ở dạng nào, cũng tiềm ẩn những yếu tố thử thách không dễ vượt qua đối với tính trung thực của nhà KH (dự thầu) lẫn cơ quan quản lý (chấm thầu). Tôi thiết nghĩ tránh sự cám dỗ vẫn an toàn hơn là đương đầu với nó.

Tóm lại, ước mong chính đáng của nhà KH là được làm việc, có điều kiện và môi trường thuận lợi để tập trung tâm trí làm KH một cách trung thực, hết lòng với KH, với đất nước theo sở trường, sở đắc của mình. Cái gương cảnh báo của nhà KH Hàn Quốc chạy theo danh vọng (chưa nói tiền tài) mà mất hết tư cách hãy còn đó.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng 3/5/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới