Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 03/03/2021 15:06 (GMT+7)

Góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc

Ngày 3/3, Tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Chủ nhiệm UBKHCN & MT của QH, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn; PGS.TS Phạm Quang Thao chủ trì Hội thảo.

Chủ nhiệm UBKHCN & MT của QH, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Chủ nhiệm UBKHCN & MT, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cần dựa vào nhu cầu hành khách, vận tải; xác định quy mô, mạng đường bay khai thác của hệ thống cảng hàng không, sân bay, xác định quy hoạch phát triển đối với từng cảng hàng không, sân bay, khả băng trung chuyển, đặc biệt phải tính đến hiệu quả kinh tế, tính phù hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng.

Theo quy hoạch, thời kỳ 2021 -2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 13 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa, với tổng công suất thiết kế khoảng 276,5 triệu hành khách/ năm. Tầm nhìn đến năm 2050 có 30 cảng hàng không với tổng công suất thiết kế  khoảng 645,5 triệu hành khách/ năm. 

Mặc dù chi phí đầu tư 1 cảng hàng không rất lớn, nhưng để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá, phát triển kinh tế vùng, kinh tế đất nước, bảo vệ QP-AN, việc lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay là cần thiết, tuy nhiên, phải xác định các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 2021 -2050 hay giai đoạn đến 2030 và sau 2030, các chính sách  phát triển cảng hàng không, cơ chế nào để thu hút nguồn lực thực hiện các mục tiêu này? Theo các chuyên gia, việc đặt quy hoạch cảng hàng không trong tổng thể quy hoạch phải được gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành quốc gia; cần cân đối tổng kinh phí đầu tư sân bay trong tổng thể đầu tư cơ sở hạ tầng; làm rõ huy động và phân bổ các nguồn vốn trong từng giai đoạn...

Hiện nay trên cả nước đang khai thác 22 cảng hàng không, gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa, chưa có cảng hàng không đầu mối lớn, mang tầm khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn 2010- 2019, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách tại các cảng hàng không đạt 5,9% và vận tải hàng hoá đạt 13,8% . Nhiều cảng hàng không hiện nay đang khai thác vượt so với dự báo và công suất thiết kế, tuy nhiên nhiều hạng mục tại các Cảng HK lại chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng do các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đặc biệt quản lý đất đai và xây dựng hoặc do hạn chế về nguồn vốn. Trong khi đó, dự báo thời kỳ 2020- 2030, tốc độ tăng trưởng Vận tải Hành khách đạt 7,5 - 8,5%/ năm và giai đoạn 2031-2050 là 4,2-5%/năm, theo đó công suất của các CHK cần được cân đối cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Theo ý kiến của KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Các đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nhất là Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng đến 3.344km 2với dân số từ 10 đến 12 triệu người, và là một trong các Thủ đô lớn của thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị cực lớn (siêu đô thị) với quy mô dân số từ 12 đến 14 triệu người. Các đô thị Việt Nam sẽ dần được nâng cấp lên thành đô thị loại I và được bố trí đều khắp theo 6 vùng kinh tế.

Bởi vậy ngoài hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thì đường hàng không rất quan trọng cho sự giao lưu quốc tế và trong nước trong thời đại khoa học phát triển. Việc xây dựng mới các cảng hàng không, nâng cấp các sân bay cũng phải phù hợp với yêu cầu phát triển của hệ thống đô thị và các điểm dân cư ở Việt Nam.

KTS Chính cho biết thêm, theo như bản Góp ý nội dung quy hoạch sân bay sau năm 2040 mới đưa vào quy hoạch là không phù hợp và không thấy được vị thế của Thủ đô. Sân bay thứ 2 phải được xem xét ở 3 vị trí: Ứng Hòa; Hải Dương và Phủ lý. Theo đánh giá, thì vị trí ở Hải Dương có vẻ phù hợp là địa điểm quy hoạch sân bay thứ 2 của Thủ đô.

Mặt khác, nếu không có quy hoạch thì không có cơ sở để giữ đất được (ví dụ như sân bay Long Thành) hoặc việc mở rộng phía Nam sân bay Nội Bài là rất khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng của 647 ha khi mà ở khu vực này có mật độ dân cư đông đúc (mặc dù đã được quy hoạch hàng chục năm trước đây).

Vì vậy đề nghị sân bay thứ 2 ở Thủ đô nên được nghiên cứu đưa vào quy hoạch, lựa chọn địa điểm chính xác khi đã có tiêu chí về đường bay, không gian kiểm soát, đất đai, phương án đền bù giải tỏa, tính chất cơ lý của đất đai (độ nén của đất). Nên chọn quy hoạch để được phê duyệt.

TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam

Còn theo ý kiến của TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội KH&CN Hàng không Việt Nam cho rằng, cần phải có quy hoạch 2 hệ thống con là Dân sự và Quân sự, sau đó tích hợp lại để làm rõ ràng 2 hệ thống con và việc dùng chung các cảng hàng không, sân bay. Trên cơ sở này Nhà nước thống nhất quản lý cả 2 hệ thống con và qui định chặt chẽ việc phối hợp giữa Quân sự và Dân sự trong hoạt động. Có như thế Nhà nước mới thống nhất quản lý sử dụng vùng trời và mặt đất thống nhất để đảm an toàn trong hoạt động kinh tế và an ninh quốc phòng được.

Tại hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến như các lựa chọn phương án, lựa chọn danh mục, cần có những tiêu chí thống nhất, đồng bộ. Các kịch bản cần được mô phỏng một cách đầy đủ, chi tiết. Hơn nữa, việc phân kì cũng là một nội dung quan trọng, cần được làm rõ. Chẳng hạn, mô phỏng thành lập các sân bay trong cả nước, theo từng vùng (bắc – trung – năm). Bên cạnh đó, cấp các nhóm sân bay cũng cần được mô phỏng đầy đủ. Quy mô khoảng cách 100 km; khoảng cách 150 km; GDP bình quân đầu người; dân số… Hơn nữa, việc mô phỏng phải được lập và mô phỏng với nhiều phương án khác nhau, với nhiều giả định khác nhau và với các quy mô khác nhau và các công nghệ khác nhau…

Các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến tại hội thảo

Đặc biệt vấn đề vốn đầu tư, từ khi có đầu tư tư nhân phát triển Sân bay Vân Đồn, vấn đề huy động vốn, huy động các thành phần kinh tế cần được đặt ra một cách tường minh. Việc bố trí vốn phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay không còn đơn giản chỉ dựa vào nguồn đầu tư công. Do đó, cần có những giả định, các phương án huy động khác nhau đối với các cấp độ khác nhau của các sân bay và phương án tài chính của các sân bay khác nhau… Việc huy động các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cần phải được xem là một chủ trương và giải pháp.

Quang cảnh buổi hội thảo

Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và các quy hoạch khác cũng cần được làm đầu vào cho quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Không đơn thuần là phát triển hạ tầng hàng không cộng phát triển phát triển hạ tầng đường bộ công phát triển hạ tầng đường sắt công phát triển hạ tầng đường bộ là thành tổng thể hạ tầng giao thông. Các loại hình giao thông, về cơ bản là phối hợp với nhau nhưng cũng có những giai đoạn, những địa bàn các loại hình hạ tầng giao thông tranh chấp nhau về vốn, về nguồn đất đai, về nhân lực và thứ tự ưu tiên. Vì vậy, cần có những mô phỏng phương án tổng thể từ đó ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực…

HT.

Xem Thêm

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.
Thanh Hoá: Phản biện đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Sáng ngày 15/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” (Đề án) do UBND huyện Thạch Thành phụ trách.
Thanh Hoá: Phản biện quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
Ngày 05/3/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo phản biện “Quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm 2024 - 2025” do Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa phụ trách soạn thảo.

Tin mới

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Lễ ký kết giảm phát 1 tỷ tấn carbon/năm
Ngày 9/4 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp (Trung tâm QCC - trực thuộc Vusta) và Tập đoàn Tín Thành đã tiến hành Lễ ký kết giảm phát 1 tỷ tấn carbon/năm và công bố sàn giao dịch NFT thương mại tín chỉ carbon toàn cầu.