Góp ý cho Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tiếp, trực tuyến Góp ý cho Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam và bà Dương Thị Nga – Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, trong hội thảo này, mong các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 sẽ được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo
Trình bày về nội dung Chiến lược, bà Chu Thị Thanh Hương – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa sống còn để phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris; Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bình đẳng giới, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế các - bon thấp, hướng tới trung hòa các-bon và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại; Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp….
Mục tiêu Chiến lược nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho Chiến lược
Dự thảo Chiến lược cũng đặt ra các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu trước năm 2030; truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tại hội thảo, các chuyên gia góp ý về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Chiến lược; các chương trình, dự án ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2030; lựa chọn phương án giảm phát thải cho lĩnh vực năng lượng; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa cam kết COP 26; chủ trương sản xuất các hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng đủ dùng cho nhu cầu trong nước, không xuất khẩu; chủ trương hạn chế xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng; chủ trương Nhà nước mua lại tín chỉ CO2 để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải quốc gia.