Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/12/2008 15:23 (GMT+7)

Gốm Cây Mai

Cắc cớ thợ Lò Rèn,

Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa,

Lạ lùng xóm Lò Gốm

Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời.

Đây là hai cứ liệu cổ xưa nhất nói về xóm Lò Gốm, xác định sự hiện hữu của nghề làm gốm ở xứ Gia Định xưa.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tình hình sản xuất gốm ở Nam kỳ được một số tác giả người Pháp đề cập đến trong các tạp chí nghiên cứu và trong các địa phương chí các tỉnh ở Nam kỳ. Đặc biệt tường tận là bài khảo cứu về kỹ nghệ làm đồ đất nung ở Nam kỳ của đại uý công binh Derbès.

Về đồ gồm mỹ thuật (đất nung và sành) gọi chung là gốm Cây Mai, Derbès cho những thông tin sau:

Ở Cây Mai có một lò gốm sản xuất đồ sành (céramique) mà trình độ chế tác cao, sản phẩm được gia công kỹ lưỡng. Lò này toạ lạc ở phía bắc đồn Cây Mai, đường vào đồng Mả Ngụy (đồn Cây Mai nay ở góc đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5, TP.HCM; đồng Mả Ngụy là nơi chôn tập thể những người có dính líu đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1835, bị nhà Nguyễn xử tử - bao gồm vùng đất từ cư xá Đô Thành, quận 3 đến trường đua Phú Thọ, quận 11).

Sản phẩm của lò gốm Cây Mai bao gồm cả loại đồ gốm thông dụng nhưng có kích cỡ lớn, loại sản phẩm có hình dáng trang trí mỹ thuật, các loại ống dẫn nước và tượng. Có hai loại sản phẩm: đồ đất nung (“biscuit” tức để trần không “nhúng da”) và loại có phủ men để chống thấm nước hay dầu mỡ, thường có tô men màu.

Bảng màu men của đồ gốm Cây Mai không phong phú, các màu chính là lam, xanh lục, vàng, đen, nâu và trắng; màu lam và xanh lục (xanh chai) là hỗn hợp bột đồng thau và bột phenspat (feldspath), màu vàng được chế tạo từ thổ hoàng (ocre jaune), màu đen từ oxyt chì, màu đỏ từ hépatit.

Các sản phẩm được nung trong lò nung dài 25,5m, chụm củi, mỗi lò nung được 2.000 sản phẩm cỡ vừa hay 700 sản phẩm cỡ lớn. Thời gian nung: 48 tiếng, chờ lò nguội: 8 – 10 tiếng mới lấy sản phẩm ra.

Theo Derbès, đồ sành Cây Mai sử dụng nguyên liệu đất có chứa nhiều nước, việc tô men màu không kỹ lưỡng, không có lò nung riêng cho loại sản phẩm đặc biệt, sản phẩm nung không có hộp, nhưng đây là “một khám phá cách sử dụng thông minh đất Thủ Đức và Biên Hoà - Những tài nguyên quí báu nó đã lợi dụng được”.

13 năm sau Derbès, M. Péralle đã tường thuật chuyến tham quan lò gốm Cây Mai trên tạp chí của Hội nghiên cứu Đông Dương, bài tường thuật của Péralle cho biết thêm một số chi tiết cụ thể về lò gốm Cây Mai.

- Lò gốm Cây Mai nằm gần đồn Cây Mai: “đến đồn Cây Mai qua con đường hơi xấu, đi vòng quanh đồn, dẫn đến một cái cổng không lấy gì đồ sộ cho lắm”. Lò nằm bên một con rạch, đây là đường thuỷ để ghe thuyền vào chở sản phẩm đi bán khắp nơi.

- Lò Cây Mai sản xuất đôn, rồng, lân, các con vật hoang đường khác và đủ loại lu, hũ, bình, lọ…

- Cơ sở sản xuất rất rộng: nhà xưởng 100m x 20m và các dãy nhà cho công nhân lưu trú. Tổng số thợ là 90 người.

- Lò Cây Mai được khen thưởng một huy chương bạc ở cuộc triển lãm năm 1880 tại Nam kỳ, gốm Cây Mai nổi tiếng ở Nam kỳ và nước ngoài.

Từ những tư liệu trên cùng với kết quả khảo sát thực tế ở Đồng Nai cho thấy loại gốm sành Cây Mai đã được sản xuất ở Biên Hoà vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các nghệ nhân gốm, sành – men Cây Mai là những thầy giáo dạy về gốm đầu tiên của trường Mỹ thuật Biên Hoà (lập năm 1903) và gốm Cây Mai là một trong các nhân tố góp phần tạo nên loại gốm sành xốp men màu đặc trưng của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hoà nổi tiếng (1925 về sau).

Những dấu tích còn tồn tại

Rồng – Sưu tập Hoàng Văn Cường
Rồng – Sưu tập Hoàng Văn Cường
Trương Vĩnh Ký trong lời chú giải bài phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh cho biết: “Xóm Lò Gốm ở làng Phú Lâm, rạch thông ra ngã tư, thông về cầu Khâm Sai (theo chú giải của Trương Vĩnh Ký, cầuKhâm Sai tại Chợ Lớn, bây giờ là Gò Công, Tiền Giang). Chỗ người ta làm đồ gốm, xây vò, chậu, lu, mái làm việc như ông Bàn Cổ xây trời”. Còn trong bản đồ Gia Định – Sài Gòn của Nguyễn Văn Học, xóm lòGốm nằm ở phía ngoài bến Bình Đông, vùng đất hai bên kênh Ruột Ngựa gồm cả làng Hoà Lục (quận 8, TP.HCM) và Phú Định (quận 6, TP.HCM) ngày nay. Nói cách khác, xóm Lò Gốm trải dài theo rạch Lò Gốm -bến Lò Gốm đến tận Phú Lâm, gồm cả khu vực đồn Cây Mai - bến xe Chợ Lớn – Cây Gõ. Dấu vết lịch sử của xóm Lò Gốm còn tồn tại là tên rạch Lò Gốm và bến Lò Gốm, đường Lò Siêu và có thể cả đường xóm Đất(quận 11, TP.HCM).

Kết quả điều tra thực tế cho biết lò gốm Cây Mai nằm ở sau đồn Cây Mai, khai thác đất tốt nhất là ở quanh “ngã ba Ông Tiều” (nay là ngã năm giao lộ Nguyễn Trãi – Hùng Vương và Nguyễn Thị Nhỏ). Ngày xưa từ đồn Cây Mai có con rạch nhỏ, nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ chảy thông qua đường Lê Quang Sung, đổ ra cầu Cây Gõ và chảy vào rạch Lò Gốm, rạch này nay bị lấp.

Lò gốm Cây Mai còn hoạt động từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1910, 1920 và niên đại thành lập lò không xác định được.

Gốm Cây Mai - đặc điểm và thể loại

Cùng với các loại lu, hũ, tiểu, vại… thông dụng bằng đất nung có bôi men chống thấm, gốm Cây Mai cũng đã sản xuất các loại sản phẩm sành men cao cấp hơn như choé, lư hương, chân đèn, chậu trồng hoa, kiểng, đôn, đế (để kê tô, lọ, lư hương) bài vị.

Chậu kiểng Cây Mai (có hai loại: tròn và lục giác) là một mặt hàng được giới chơi kiểng sành điệu rất ưa chuộng. Nó không thô sơ như chậu gốm và cũng không quá bóng loáng, thậm chí quá màu mè như các loại chậu men Biên Hoà thời sau này. Chậu kiểng Cây Mai có vẻ đẹp giản dị mà cổ kính với những mảng trang trí mặn mòi hàm súc ý nghĩa. Chậu kiểng Cây Mai được trang trí bằng cả hoa văn, tô men màu, đắp nổi nhiều đề tài cả cảnh vật lẫn điển tích và thư pháp. Chính vì vậy, chậu kiểng Cây Mai hiện là đối tượng sưu tầm của nhiều người chơi hoa kiểng sành điệu và những người chơi đồ cổ.

Sản phẩm gốm Cây Mai đắc dụng nhất là các loại tượng lưỡng long tranh châu, kỳ lân, cá hoá long hay cặp tượng ông Nhật, bà Nguyệt… ở các đình chùa, đền miếu, kế đó là quần thể tiểu tượng gắn la liệt trên bờ nóc, bờ mái đền miếu, nhất là chùa Ông, chùa Bà của người Hoa. Tuy nhiên, một bộ phận hết sức quan trọng nhưng ít ỏi về số lượng đáng được chú ý là tượng thờ gốm Cây Mai.

Tượng thờ gốm Cây Mai dễ bị hư hỏng do làm bằng đất nung nên giờ đây còn lại rất hiếm. Loại tượng gốm đất nung Cây Mai rất phong phú, hầu như có đủ các loại: tượng Phật, Thần, La Hán, Bồ Tát, Minh Vương, Phán Quan, Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu,… được thể hiện bằng nhiều dáng, kích cỡ và kỹ thuật tạo hình khác nhau. Nhìn chung, trừ một số trường hợp được gia công kỹ lưỡng, còn đa số loại tượng gốm đất nung Cây Mai có vẻ chân chất, dân dã và không đạt được ít nhiều chất cổ điển như tượng sành men màu.

Có một chặng chuyển tiếp từ phong cách dân dã đến phong cách chân phương, từ tượng gốm đất nung đến tượng sành men màu. Chúng đều có tướng diện ngây ngô, thiếu sinh động và đặc biệt chiếc cổ áo dạng “quày chuối” là đặc điểm tương đồng hiển nhiên của hai loại này.

Tượng sành Cây Mai còn một khối lượng khá lớn đó là các tượng ông Nhật – bà Nguyệt, Thiên Lý Nhãn - Thuận Phong Nhĩ, Phúc - Lộc - Thọ, Bát tiên, lưỡng long tranh châu, tứ linh: long – lân – quy - phụng, lý ngư phúng thuỷ, long mã, cá hoá long,… sự phong phú về số lượng và kiểu dáng của loại tượng này thật đáng kinh ngạc. Chỉ riêng tượng ông Nhật – bà Nguyệt đã có thể tìm thấy trên dưới 20 kiểu khác nhau và thảng hoặc mới có thể tìm thấy một hai bộ tượng có những đặc điểm giống nhau về cơ bản.

Tập hợp những sản phẩm gốm trang trí kiến trúc là một tập đại thành của gốm Cây Mai. Ở đó, tất cả các chủng loại từ bình, lọ, phù điêu cao cấp, tượng trong và các dạng hỗn hợp các thể loại… đều được huy động cho những quần thể hoành tráng ấy. Rõ ràng là ở loại sản phẩm này, chúng dược gia công kỹ lưỡng và do đó, đa phần chúng đều đạt trình độ nghệ thuật hoàn mỹ.

Trong hơn 200 năm tồn tại, các lò gốm ở vùng Phú Lâm, Chợ lớn đã tạo tác được một danh mục sản phẩm gốm phong phú. Gốm sành men màu Cây Mai đã xuất hiện trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam kỳ như những kẻ tiên phong.

Các nghệ nhân gốm Cây Mai, kể cả các chủ lò đã chuyển vùng về Biên Hoà từ sau 1925 là kết quả tổng hợp của việc kế thừa truyền thống Cây Mai và việc tiếp thu những thành tựu của gốm Limoge (do bà Balik tốt nghiệp trường gốm Limoge giảng dạy và thể nghiệm). Kết quả của sự giao lưu này đã sản sinh ra loại gốm sành xốp men màu Biên Hoà với vẻ đẹp đặc trưng trầm mặc và cổ kính đã một thời nổi tiếng trên thế giới. Rồi khi gốm Biên Hoà đã thành danh thì gốm Cây Mai vẫn còn duy trì bẳn sắc của mình với các sản phẩm truyền thống mà tiêu biểu là quần thể tiểu tượng trên nóc đình Tân Lân ở thành phố Biên Hoà (1935), và cho đến những năm 1950, trong sản phẩm gốm của trường Mỹ thuật Biên Hoà vẫn còn một số di duệ mang đậm huyết thống của gốm Cây Mai.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.
Tạp chí Việt Nam Hội nhập mở chuyên mục tuyên truyền về ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
VNHN Ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và cụ thể hóa từ Nghị quyết của Cấp ủy Viện chủ quản và Tạp chí Việt Nam Hội nhập – Ban Biên tập tạp chí Việt Nam Hội nhập đã chính thức xây dựng chuyên mục Tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.