Giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm giàu
Từ mô hình VACB…
Cái tên Nguyễn Hoàng Nam, nông dân sản xuất giỏi ở khu vực Lợi Dũ B, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân một số tỉnh ĐBSCL. Vượt khỏi mảnh vườn, ao cá nhà mình, anh Nam còn là một trong những trợ giảng đắc lực của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Cùng các cán bộ giảng dạy của Khoa, anh đã hướng dẫn thực hành cho hàng chục lớp tập huấn xây dựng mô hình VACB (Vườn – Ao – Chuồng - Biogas).
Trước đây, với 4,5 công đất, gia đình anh Nam vừa trồng nhãn, nuôi heo, thả cá nhưng thu nhập chỉ 10-15 triệu đồng/năm, nhà không khá lên nổi. Từ khi biết ứng dụng những tiến bộ KHKTvào sản xuất, đặc biệt là mô hình VACB, gia đình anh Nam thực sự đổi đời với thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm. Anh Nam đã mạnh dạn đốn bỏ hàng chục gốc nhãn để trồng bưởi, sầu riêng; không sử dụng các loại thuốc hóa học để bảo vệ môi trường nuôi cá, nuôi heo. Trong mô hình VACB của anh, thành công nhất là nuôi cá sặt rằn. Anh cung cấp cá giống, cá thịt, cá bố mẹ cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu trong và ngoài khu vực ĐBSCL. Nhắc đến con cá sặt rằn, anh Nam không quên nhắc đến “người ơn” của gia đình - cô Lê Tuyết Minh, Phó Trưởng Bộ môn Môi trường và Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường ĐHCT.
Lần đầu tiên nuôi cá sặt rằn, anh Nam thất bại trắng tay khi cá chết hết. Vụ thứ 2, nuôi được chừng một tháng thì cá nổi lờ đờ trên ao, một số bị chết. Nhờ cô Minh can thiệp kịp thời, giúp xử lý môi trường ao nuôi, ao cá của anh dần hồi phục. Với sự hướng dẫn của cô Minh và các cán bộ kỹ thuật Trường ĐHCT, anh Nam đã biết áp dụng tiến bộ KHKT để nuôi cá hiệu quả, đồng thời hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân các nơi tìm đến. Từ kinh nghiệm của mình, anh phụ cô Minh hướng dẫn thực hành lắp túi biogas, cải tạo ao, ương ép cá... Anh Nam khẳng định: “Nếu bà con làm đúng qui trình kỹ thuật của mô hình VACB thì chắc chắn sẽ thoát nghèo bền vững”.
VACB là mô hình liên hoàn, chia sẻ rủi ro trong sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường và giúp nông dân tăng thu nhập. Đây là đề tài nghiên cứu do thạc sĩ Lê Tuyết Minh làm chủ nhiệm, triển khai thực hiện từ năm 1996. Chất thải từ nuôi heo được tận dụng làm khí đốt thông qua túi ủ biogas; chất thải từ túi biogas lại là nguồn thức ăn để nuôi cá sặt rằn; nước từ ao nuôi cá dùng để tưới cho cây trái, rau màu. Cô Minh cho biết: “Từ mô hình VAC, chúng tôi nghiên cứu bổ sung lắp đặt túi biogas để tận dụng tất cả tài nguyên của nông hộ. Đây là mô hình dễ làm và hiệu quả cao vì kỹ thuật không phức tạp, chỉ cần trên dưới 10 triệu đồng là làm được, thích hợp với điều kiện của nhiều đối tượng”.
Mô hình VACB đã được áp dụng thành công ở rất nhiều nơi, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo. Năm 1996, khi nông dân trồng cam ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, lao đao vì bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi, mô hình VACB là giải pháp kịp thời trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2003, lúa rớt giá, nông dân xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lâm vào cảnh khó khăn khi đây là vùng chuyên canh cây lúa. Cô Minh và các cộng sự lại đem hết tâm huyết hướng dẫn bà con thực hiện thành công mô hình VACB. Từ 3 điểm trình diễn ban đầu, đến năm 2005 đã có khoảng 200 hộ dân ứng dụng mô hình này. Hiện nay, cô Minh và các cộng sự đang xây dựng 2 mô hình VACB ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Gần 30 năm là giảng viên của Trường ĐHCT, trong đó có chục năm gắn bó với nông dân, cô Minh luôn mong muốn giúp họ thoát nghèo bằng cách áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và mô hình kinh tế hiệu quả. Cô cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thực hiện một số mô hình: lúa- cá- tôm, bò- trùn- cá, nuôi ba khía... giúp nông dân vừa phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên ven biển”.
Đến mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh
Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi luân canh tôm càng xanh trên ruộng lúa vùng Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ” do Trung tâm Giống Nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ triển khai thực hiện từ năm 2003 đến 2005. Kết quả, năng suất của qui trình mới đạt từ 650-850 kg/ha, so với qui trình trước đây, tăng từ 150-250 kg/ha. Lợi nhuận của mô hình đạt trên 23 triệu đồng/ha, cao hơn 2 lần so với làm lúa 3 vụ. Thành công của dự án là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân vùng ngập lũ. Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, cán bộ của Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ là một trong những thành viên tích cực tham gia dự án.
Với mật độ nuôi 3 con/m2 và làm đúng qui trình kỹ thuật được hướng dẫn, ông Nguyễn Hữu Huynh, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thu hoạch được 850 kg tôm/ha. Ông Huynh phấn khởi khoe: “Năm nay tôi thả tôm với diện tích 3,5 ha, mật độ 5 con/m2, năng suất đạt 1,1 tấn/ha, lời được 140 triệu đồng. Nhờ anh Trung và những cán bộ khác nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi mới có thể làm tốt như vậy”.
Công tác trong ngành thủy sản từ năm 1995, Nguyễn Quang Trung rất xông xáo đi cơ sở, tiếp xúc với bà con nông dân. Thạc sĩ Lê Ngọc Diện, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, nhận xét: “Trung giỏi về chuyên môn, năng nổ và nhiệt tình trong công tác”. Anh Trung đã hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Nuôi trông thủy sản vào năm 2004. Ngoài mảng khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, anh còn tham gia thực hiện một số dự án, đề tài nghiên cứu của Chi cục Thủy sản. Trong quá trình thực hiện mô hình trình diễn của các dự án, anh và cán bộ địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho các hộ nuôi những kỹ thuật cần thiết để hạn chế rủi ro. Khi mô hình có sự cố đột xuất, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, mưa hay nắng, anh cũng có mặt kịp thời với cán bộ địa phương để nắm tình hình và tìm biện pháp giải quyết.
Từ năm 2004 đến nay, anh Trung tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; phổ biến các văn bản pháp qui cho các đối tượng chuyên ngành thủy sản. Lúc đầu, anh chỉ làm trợ giảng, dần dần học hỏi kinh nghiệm của các thầy cô, đồng nghiệp và tự soạn giáo án, anh tập đứng lớp giảng dạy. Anh tâm sự: “Mình chỉ dám nói những gì mình biết, khi học viên hỏi những vấn đề mà mình chưa biết hoặc chưa nắm rõ, mình hẹn trả lời sau, rồi về nghiên cứu tài liệu, hỏi những thầy cô khác. Khi đã nắm vững vấn đề, mình mới trả lời cho học viên hiểu”.
Còn rất nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá nhờ sự giúp sức của những người đam mê với nghề, không ngại gian khó như cô Minh, anh Trung và nhiều nhà khoa học tâm huyết khác. Đối với họ, ý chí cầu tiến, tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất của nông dân là một động lực thúc đẩy họ luôn nhiệt tình, tận tâm trong công việc.
Nguồn: baocantho.com.vn 14/10/2006