Giáo sư Vũ Khiêu: “Phải biết loại bỏ đồ rởm!”
Phóng viên (PV):Thưa giáo sư, những nghệ sĩ trẻ ngày nay luôn thích sáng tạo. Nhưng trong quá trình tìm cái mới để khẳng định mình, họ làm ra những thứ kỳ quái, không phù hợp với văn hóa người Việt và gọi đó là nghệ thuật đương đại. Như vậy có phải là sáng tạo nghệ thuật không ạ?
Giáo sư Vũ Khiêu (VK):Nghệ thuật luôn luôn vận động và đổi mới. Tôi hoan nghênh lớp trẻ tìm tòi cái mới, không những phát triển và biến đổi nghệ thuật trong đời sống thẩm mỹ của xã hội, mà còn phù hợp với đời sống văn minh hiện đại, với nhu cầu thẩm mỹ của thời đại chúng ta.
Tôi 92 tuổi, ngược lại 92 là 29. Thuở tôi 29 tuổi tôi đã viết rất nhiều bài chống lại tư tưởng của tầng lớp nhiều tuổi hơn tôi có đầu óc bảo thủ. Tôi hô hào thanh niên ăn mặc cho thật đẹp, đổi mới tư duy thưởng thức nghệ thuật. Ngày đó, tôi nói về đặc trưng của nghệ thuật, thế nào là cái đẹp trong cuộc sống, cái đẹp trong con người. Bởi vậy, bao giờ tôi cũng đứng về phía lớp trẻ, đứng về phía thay đổi để nghệ thuật Việt Nam ngày càng được nâng cao, phù hợp với phẩm chất của con người Việt Nam, tâm hồn của con người Việt Nam.
Thanh niên bây giờ có sự tìm tòi, tôi rất hoan nghênh. Nhưng mà phải giúp cho thanh niên nhận thức được cái nào là đúng, cái nào là sai.
PV: Theo giáo sư, nghệ thuật hiện đại phát triển thế nào là đúng và phù hợp với tâm hồn Việt?
VK:Nếu theo quan điểm bình thường, nghệ thuật phải phản ánh hiện thực. Thế nào là hiện thực? Hiện thực không phải chỉ là hiện tượng chúng ta gặp hàng ngày như việc chụp ảnh ra cái ảnh. Hiện thực bây giờ phải đi sâu hơn vào tâm tư và tâm hồn con người.
Hiện giờ chúng ta sống trong thời đại của thông tin, của tri thức. Nó không giống thời đại của chiến tranh, chỉ có cầm súng và nhằm thẳng quân thù mà bắn. Công chúng mà chúng ta phục vụ có thị hiếu khác. Vậy nên, nghệ sĩ cần thay đổi suy nghĩ, xúc cảm của mình để xúc cảm của mình phù hợp với xúc cảm tiên tiến của xã hội. Thị hiếu của tác giả phải phù hợp với thị hiệu lành mạnh nhất, tiến bộ nhất của xã hội thì mới thành công được.
Và cũng cần cái gạch nối giữa nghệ thuật thời xưa với nghệ thuật bây giờ.
PV: Có nghĩa là dù sáng tạo nghệ thuật đến đâu đi nữa, dù đổi mới đến đâu đi nữa những người nghệ sĩ cũng không được quên cái gốc, và phải sáng tạo dựa trên cơ sở văn hóa, truyền thống của mình?
VK: Đúng, Cho nên nghệ thuật cần có tính liên tục của nó, từ cái cũ sang cái mới phải có tính liên tục. Nếu cứ liên tục nâng cao, cao đến một mức nào đó, cái mới sẽ thay thế cho cái cũ. Cho nên sự phát triển của mọi sự vật trên thế giới này vừa có tính liên tục, vừa có tính đứt đoạn. Sự đứt đoạn đó là sự bàn giao giữa cái cũ và cái mới.
PV:Như hiện nay, các nghệ sĩ đương đại đang làm ra thứ nghệ thuật hoàn toàn khác lạ với xã hội. Họ lập ra những hình thù quái dị trông rất sợ, sáng tác ra những loại nhạc không theo thang âm nào cả. Điều đó có nên làm không ạ?
VK: Có thời kỳ thanh niên sống đi ngược lại với xã hội. Như phong trào hippy những năm 1960-1970. Khi đó, xã hội suy thoái, thanh niên trên khắp thế giới trở nên bất mãn, họ phản ứng bằng cách phá phách, làm những việc đi ngược với xã hội, chống lại xã hội. Nhưng đó là thời kỳ xã hội thế giới khủng hoảng.
Còn hiện giờ, sau một thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội Việt Nam đã đổi mới, đi vào con đường lành mạnh. Chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã hội nhập đầy đủ với thế giới. Việt Nam đang nổi bật lên trên bản đồ thế giới. Chính phủ chúng ta đi đúng đường với quy luật thế giới, phù hợp với mong mỏi của nhân dân. Nên bây giờ thanh niên trong đó có những nghệ sĩ trẻ phải phát huy trí tuệ của mình đưa xã hội tiến lên phía trước. Nếu bây giờ họ có hành động nào đi ngược lại với xã hội, cái đó không thể tồn tại lâu dài.
PV:Vậy một nghệ sĩ tự dưng đóng khố, vẽ mặt lem nhem, chạy rông trên phố, rồi gọi đó là nghệ thuật trình diễn và cho rằng những ai phản đối nghệ thuật đó là không biết gì về nghệ thuật thì sao ạ?
VK: Đóng khố chạy ra đường phố, cho rằng những người không hiểu cái đó là không hiểu nghệ thuật. Đó là ý nghĩ sai lầm.
Trong thị hiếu của người ta ở bất cứ thời kỳ nào, cái đẹp phải chiếm ưu thế, phải giữ vị trí trung tâm của xã hội. Giống như thanh niên bây giờ, họ ăn mặc đẹp là để làm đẹp cho bản thân mình và cũng làm đẹp thêm cho xã hội. Mỗi người tìm tòi những bộ quần áo phù hợp với mình, phù hợp với sự mong đợi, sự tán thành của xã hội. Chứ không phải chọn bộ quần áo ngược lại để cho xã hội lên án, xã hội chán ghét. Hành động tự tách mình ra khỏi cuộc sống xã hội của những nghệ sĩ đó nên lên án.
Những nghệ sĩ đó trở nên lạc lõng giữa cả chiều hướng đang phát triển của xã hội. Nếu xã hội không lành mạnh, đang xuống dốc thì làm ngược lại nó lại hay. Nhưng bây giờ xã hội đang phát triển, đang mở ra những điều tốt đẹp. Bởi vậy cần phải loại bỏ ngay những hành động như vậy.
Cái cổ vũ cho các nghệ sĩ chính là sự niềm tin vào sự phát triển của xã hội. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là phải góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, mọi suy nghĩ của con người trong xã hội tốt đẹp. Tôi nghĩ đó cũng là sức mạnh, nhu cầu thẩm mỹ rất tốt đẹp của người nghệ sĩ.
PV: Nhưng có thực tế là công chúng hiện nay chưa phân biệt được cái hay, cái dở và họ đã đổ xô xem những buổi biển diễn đó vì tò mò, hiếu kỳ. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực tới cảm quan nghệ thuật của công chúng? Các cơ quan chức năng phải làm gì trước những hành động như vậy?
VK: Luật pháp nước ta có điều quy định xử phạt những hành động vi phạm cuộc sống lành mạnh của xã hội. Cởi trần ra ngoài phố là không được, là phạm tội.
Mình phải tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người khác, nên phải sống thế nào để hòa nhập với xã hội. Lớp trẻ thích cái mới lạ, có những cái mới lành mạnh, là nhu cầu phát triển của xã hội đi lên, có những cái không phù hợp. Muốn khắc phục thì phải giáo dục, mà trước hết là giáo dục từ trong các trường nghệ thuật. Chúng ta phải chống cái cổ lỗ sĩ nhưng cũng phải chống cái đi ngoài lề, chống những cái đi chệch hướng xã hội thì mới bảo vệ được những cái ưu tú của xã hội.
Cái gì vi phạm, trở thành cái đi ngược với xã hội, phải đưa vào hình luật. Lành mạnh là phát triển phù hợp với sự phát triển của con người. Con người phát triển từ thấp lên cao. Con người không bao giờ trở lại là con vật. Nên con người từ cái ăn, cái mặc, đi đứng rồi cả nghệ thuật cũng phải ngày một cao lên. Chứ không nói năng bừa bãi, hò hét ngoài phố, đó là sự phá phách không thể chấp nhận được.
PV: Các nghệ sĩ đó biện minh là họ học hỏi cái đó từ phương Tây, và phương Tây đã đi trước chúng ta rất lâu rồi?
VK: Cả phương Đông, phương Tây đều có chỗ hay, có chỗ không hay. Nên không phải cái gì của phương Tây cũng là hay cả. Không phải bất cứ cái gì của phương Tây lạ là chúng ta phải đi theo và nếu chúng ta không đi theo, thì chúng ta tự coi mình là lạc hậu. Chúng ta phải chấm dứt cái đó. Chúng ta phải tự hào suy nghĩ rằng dân tộc Việt Nam này là dân tộc từ trước đến giờ, rất cao, rất đẹp. Một dân tộc có văn hóa.
Chúng ta cùng thế giới vươn tới đỉnh cao của nhân loại, nhưng phải có đầu óc lựa chọn. Không chỉ vấn đề văn hóa mà kinh tế cũng thế. Không phải chọn mô hình này của Trung Quốc, mô hình kia của Nga, của Mỹ. Tất cả cái đó khi vào vào Việt Nam phải biến thành Việt Nam qua sự suy nghĩ của Việt Nam.
Những cái gì mới lạ của nước ngoài vào Việt Namlàm thỏa mãn nhu cầu người Việt Nam , nâng cao tình cảm lên, làm cho người ta vui thú lành mạnh, thì đáng hoan nghênh. Nhưng cái gì chỉ lạ thôi thì không được. Có thời chúng ta hay bắt chước, giờ chúng ta phải nghĩ rằng Việt Nam có đủ năng lực để may những bộ quần áo đẹp, làm nổi bật vẻ đẹp người Việt Nam, không nhất thiết phải bắt chước người nước ngoài.
PV:Vì thứ được gọi là nghệ thuật này không gần gũi với công chúng Việt Namnên các nhà hát, sân khấu của Việt Nam ít trình diễn thứ nghệ thuật này. Nhưng các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam lại hỗ trợ và tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn loại hình mới này để thu hút công chúng.
VK:Mở rộng cửa tiếp thu văn minh nước ngoài có cái hay và có cái không hay. Cái không hay chúng ta phải chủ động gạt đi, cái hay thì phải tiếp thu nhưng phải phù hợp với người Việt. Chúng ta đóng cửa là sai, nhưng tiếp thu mù quáng là một cái sai nữa.
Đồng thời, chúng ta cũng phải nâng cao nghệ thuật của chúng ta để công chúng hiểu và cũng để người nước ngoài hiểu rằng chúng tôi tiếp thu của thế giới, nhưng nghệ thuật đích thực của chúng tôi là cái này.
PV:Trước những thứ nghệ thuật “giả hiệu” như thế, theo giáo sư, chúng ta phải làm gì để giúp cho thế hệ trẻ theo ngành nghệ thuật có một cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật chân chính?
Nghệ thuật không thể tách rời tình cảm. Tình cảm đối với bản thân, với xã hội, xây dựng dựa trên tình yêu thương. Đời nào cũng thế thôi và không bao giờ thay đổi, cái đẹp luôn là trung tâm quan hệ thẩm mỹ với hiện thực. Đó là điều mà mọi người phải vươn tới.
Bây giờ có thuận lợi là đất nước đang vươn lên với sự tín nhiệm, khâm phục của nước ngoài. Điều đó tạo ra niềm tự hào trong nhân dân và từ đó dẫn đến sự tự trọng của người mình. Không nên coi mình là nước nhược tiểu, phải đi học hết nước này, bắt chước nước khác. Lớp trẻ làm nghệ thuật sẽ đầy niềm tự hào xây dựng cho đất nước mình một lối sống đẹp, một nền nghệ thuật đẹp. Trường học, gia đình phải nuôi dưỡng niềm tự hào, để khẳng định con người Việt Nam .
PV: Giáo sư hình dung thế nào về nền nghệ thuật hiện đại của Việt Nam trong tương lai?
VK: Sẽ đổi mới. Hiện thực bây giờ khác nên công chúng đòi hỏi khác. Tôi muốn nói đến công chúng tiến bộ, công chúng có suy nghĩ lành mạnh trong mình. Vì thế, tác giả cũng phải có sự xúc động như thế. Sự tìm tòi nhất định sẽ đưa nền nghệ thuật của chúng ta lên tầm cao hơn.
Ví dụ, tìm tòi về phương diện nghệ thuật không nhất thiết là bắt chước nước ngoài trăm phần trăm mà phải phát huy thế mạnh của chúng ta. Thế giới có thể làm được giao hưởng, chúng ta cũng làm được. Nhưng những bản giao hưởng đó vẫn phải mang tâm hồn Việt, sự xúc động vẫn phải là sự xúc động Việt, đáp ứng được nhu cầu của người Việt.
Tôi hình dung nghệ thuật Việt Nam sẽ như thế này. Một người nông dân giản dị, vác trên mình mấy thanh gỗ, nhưng khi cần thiết, họ dỡ mấy thanh gỗ đó xuống và họ có 1 thanh sáo trúc để thôi, rồi sắp xếp mấy thanh gỗ lại, gẩy lên âm thanh những âm thanh rung động của đàn bầu. Cái đó giá trị hơn nhiều. Nghệ thuật giá trị từ trong tâm hồn, trong sự xúc động của người ta, chứ không phải từ dụng cụ đẹp hay xấu.
PV:Là một nhà văn hóa, một nhà xã hội đã từng có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn hóa Việt Nam , giáo sư mong đợi điều gì ở những người làm nghệ thuật trẻ?
VK: Tôi tin tưởng thanh niên, tầng lớp luôn năng động, luôn luôn sáng tạo. Họ sẽ biết chọn cái đẹp, cái hay để đi theo. Trước những cái ngoại lai không phù hợp, họ phải mỉm cười, gạt đi và nói, đó là “đồ rởm”, và cái này chỉ có thể lừa bịp được những người ngây thơ, chứ không thể lừa được những người tiến bộ.