Giáo Sư Viện Sỹ Vũ Tuyên Hoàng: Nhà khoa học hết lòng vì bà con nông dân
Học nông nghiệp để phục vụ nông dân
Thân phụ ông là nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương, cả hai đều là những trí thức tiên tiến lúc sinh thời. Từ nhỏ ông đã được cha mẹ chú ý chăm sóc phát triển trí tuệ và được học hành đầy đủ. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu về nghệ thuật. Các bạn văn đã có lần bảo với nhà văn Vũ Ngọc Phan về con trai ông là “Thằng này sau này nó sẽ trở thành nhà văn”, hoạ sỹ Nguyễn Văn Tỵ bảo “Thằng này sau này nó sẽ trở thành hoạ sỹ”. Không ai ngờ rằng cậu bé Vũ Tuyên Hoàng ngày nào giờ trở thành nhà nông học nổi tiếng khắp thế giới.
VS. Vũ Tuyên Hoàng đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Chủ tịch liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, đại biểu Quốc hội và chủ tịch của nhiều hội đồng khoa học cấp nhà nước. Dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và có những đóng góp lớn trong ngành, lĩnh vực phụ trách. Song cái mà nhiều người biết đến ông, chính là những phát kiến của ông trong nông nghiệp. Những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan cùng nhiều gia đình nghệ sỹ khác sơ tán về huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Tại đây ông bà Phan vỡ đất để cày cấy, gieo trồng để đỡ lúc khó khăn. Trong bảy người con thì cậu bé Hoàng là người đặc biệt chăm chỉ và rất thích tìm hiểu về các giống cây, thích trồng cây. Năm mười tuổi ông đã biết đi cấy như một anh nông dân thực thụ và tự phụ trách một vườn rau cải. Được ở gần bà con nông dân chứng kiến cảnh hai sương một nắng, “bán mặt cho đất bán lưng cho giời” mà vẫn thiếu ăn. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé Hoàng có những suy nghĩ như người lớn. Cậu nghĩ lớn lên mình phải làm cái gì đó để giúp bà con nông dân đỡ khổ. Ước mơ của cậu là làm sao tạo ra những cánh đồng lúa chín thẳng cánh cò bay. Niềm mơ ước cứ lớn dần theo năm tháng. Đến khi học hết lớp chín là một học sinh xuất sắc Hoàng được Nhà nước cho đi học ở một viện nông học ở Trung Quốc. Mặc dù vẫn muốn con cái kế thừa sự nghiệp của mình nhưng ông bà Phan cũng không dám ngăn cản sự lựa chọn của con và họ cũng biết là Hoàng đã lựa chọn thì khó mà lay chuyển được.
Đã quyết cái gì thì làm bằng được
Sau khi học ở Trung Quốc trở về ông công tác tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, lúc ấy mới ngoài hai mươi tuổi. Trẻ tuổi và hăng hái, đôi khi còn “hơi trẻ con”. Ông có những ý nghĩ táo bạo mà nhiều người cho là mơ hồ khi chọn làm đề tài “Đưa lúa mùa vào trồng vụ Chiêm”. Rất nhiều người phản đối, dư luận bàn tán xôn xao và gây sức ép để ông từ bỏ ý định. Ngay như giáo sư Lương Đình Của, là chuyên gia về nông học nổi tiếng thế giới và là cấp trên của ông cũng phản đối. Bác Của thường nói với mọi người về cậu nhân viên trẻ tuổi của mình: “Nó vẫn trẻ con lắm”. Nói là vậy nhưng bác Của không ngăn cản mà chỉ lo là ông sẽ thất bại. Nhiều người trong cơ quan gọi ông là “thằng điên”, “thằng hâm”. Phải nói là ông cũng “liều thật”, chẳng nghĩ trước nghĩ sau gì cả. Ngay tên đề tài cũng đã thấy chướng tai, lúa mùa mà lại đi trồng vụ chiêm. Trẻ tuổi, kinh nghiệm còn thiếu nhỡ đề tài thất bại thì sao? Nhưng rồi ý nghĩ ấy cũng chỉ thoáng qua trong giây lát. Ông quyết tâm bắt tay vào làm, một tháng lội ruộng tới 29 ngày, nhiều hôm rét cắt da cắt thịt. Bà con nông dân thấy ông dưới ruộng cữ ngỡ là một anh nông dân chăm chỉ chứ không biết rằng đó là một nhà khoa học trẻ. Thế rồi đề tài ấy cũng thành công, ông đã cho ra được các giống lúa nổi tiếng lúc bấy giờ như Đông Xuân 1, Đông Xuân 2, Đông Xuân 3, những giống lúa này cho năng suất cao hơn rất nhiều so với các giống lúa khác lúc bấy giờ.
Hồi còn là nghiên cứu sinh ở Liên Xô, cũng vẫn cái tính “liều”, “không nghĩ trước nghĩa sau” ông đã làm cho bạn bè và thầy giáo phải sửng sốt, cùng một lúc làm hai đề tài nghiên cứu sinh. Đó là chuyện lạ lúc bấy giờ, vì mỗi nghiên cứu sinh chỉ làm một đề tài cũng vất vả lắm rồi. Hôm trình bày đề án về “Di truyền học chọn giống” với thầy giáo hưỡng dẫn, ông thầy người Liên Xô nhìn cậu học trò nói: “Mày bé nhỏ như thế này, sức thì mảnh mai liệu có làm được không”. “Thưa thầy làm được” - Ông trả lời dứt khoát và quả quyết. Nhưng ông thầy đâu biết rằng anh học trò mảnh mai người Việt ấy còn bí mật “thông đồng” với một ông thầy khác để làm thêm một đề tài về “phóng xạ đối với cây lúa”. Anh em người Việt bàn tán ghê lắm, nhiều người còn khích bác, cầu cho ông thất bại vì ganh tỵ. Ông Hoàng chọn cho mình một lối nghiên cứu mà trên thế giới chưa ai làm bao giờ là nghiên cứu lúa theo quan điểm sinh học phân tử. Cuối cùng cả 2 đề tài đều được chấm điểm xuất sắc và gây tiếng vang lớn trong giới khoa học Liên Xô lúc bấy giờ.
Nhà khoa học và nghệ sĩ cùng song hành
Không những là một nhà khoa học nổi tiếng, ông còn làm thơ, viết văn, vẽ... ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành công nhất định. Đã có khối người cho rằng ông cố thể hiện cho mọi người biết “Mình là người toàn tài”. Nhưng không phải, họ đã lầm. Ông bảo: “Từ nhỏ tôi đã được cha dạy viết văn, mẹ dạy làm thơ, hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ dạy vẽ. Ở phổ thông, tôi học các môn xã hội điểm cao hơn các môn tự nhiên rất nhiều. Bây giờ tôi vẽ, làm thơ viết văn là đáp ứng nhu cầu nội tâm của chính mình. Tôi là người giàu trí tưởng tượng và có tư duy nghệ thuật. Khi nào thấy trong trí tưởng tượng đầy hình ảnh, màu sắc là tôi phải vẽ ra, tâm hồn rung động, xao xuyến là phải làm thơ”. Ông bảo rằng nhiều người cho khoa học và nghệ thuật là hai lĩnh vực trái ngược nhau. Nhưng họ đã lầm và chưa hiểu thấu đáo, khoa học và nghệ thuật đan xen và bổ trợ cho nhau. Đến nay ông đã xuất bản được 7 tập thơ và nhiều cuốn tạp văn, tản văn, ký. Tranh của ông thì nhiều lắm.
Sức làm việc phi thường
Đến nay GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đã có đầy đủ bộ sưu tập giải thưởng, từ giải thưởng khoa học Nhà nước, đến giải thưởng Hồ Chí Minh rồi giải thưởng về Nông nghiệp thế giới. Ông cũng là thành viên của nhiều viện hàn lâm khoa học nổi tiếng như: Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Nga), Viện hàn lâm khoa học Các nước Thế giới thứ 3, Viện hàn lâm khoa học Đông Nam Á... Có những công trình khoa học của ông đã làm cho cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp Việt Nam và là phát kiến mới gây tiếng vang trên thế giới. Ông đạt được kết quả như vậy là do tư duy sáng tạo và sức làm việc phi thường. Ông rất ghét lối mòn trong nghiên cứu khoa học. Có một lần, anh nghiên cứu sinh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ đã hỏi ông tại sao trong sách không có cách làm như của thầy. Ông bảo ngay, bạn cứ làm theo tôi đi rồi đến khi thành công chúng ta sẽ viết thành sách, lúc ấy đương nhiên trong sách sẽ có phương pháp của tôi. Như vậy là ông đã luôn luôn đi trước mọi người.
Khi được hỏi về niềm đam mê lớn nhất, ông bảo niềm đam mê lớn nhất là tìm ra được nhiều cái mớn, phát hiện nhiều tri thức, lai tạo được nhiều cây giống giúp bà con nông dân. Bên cạnh cương vị là Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và nhiều chức vụ khác, nhưng ông vẫn chú tâm đến nghiên cứu khoa học. Hiện ông vẫn phu trách 3 đề tài khoa học, tuổi đã cao nhưng hằng đêm, ông vẫn thức đến 3h sáng làm việc. Ông bảo “Mình thấy cũng lạ, ngày nào cũng vậy cứ 2h-3h, nhiều hôm còn quên ngủ, thức đến sáng mà sức khoẻ vẫn đảm bảo. Phải chăng sự say mê, tình yêu khoa học đã làm nên sức mạnh phi thường ở ông?
Nguồn: Pháp lý, số 1-2/2006,tr 18 - 19