Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nhìn vào tầm vóc và diện mạo hôm nay của Liên hiệp hội Viêt Nam, chúng ta càng thêm bồi hồi, xúc động nhớ tới những người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngôi nhà chung của trí thức khoa học và công nghệ cả nước, trong đó nổi bật lên là Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi những ý tưởng đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, bắt đầu manh nha thì cũng là lúc một làn gió mới thổi vào đời sống xã hội. Đó cũng là thời điểm chín muồi cho sự ra đời nhiều tổ chức nhân dân mới, trong đó có tổ chức của các nhà khoa học và công nghệ. Là một nhà khoa học tài đức vẹn toàn, giầu tâm huyết và uy tín, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tập hợp và đoàn kết các Hội Khoa học và Công nghệ, tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Liên hiệp hội Việt Nam. Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 26/03/1983, tại Thủ đô Hà Nội, đại diện của 14 Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc và Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Với tài năng và đức độ nổi trội, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất nhất trí bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội Việt Nam. Quyết định số 121/HĐBT ngày 29/07/1983, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ, đã khẳng định:“Cho phép thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do đồng chí Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch.” Liên hiệp hội Việt Nam ra đời là nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên. Đại hội thành lập Liên hiệp hội Việt Nam đã gây đươc tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước.
Khi nhận nhiệm vụ mới, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đứng trước những khó khăn lớn về nhiều mặt. Hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam là những cán bộ kiêm nhiệm, bận bịu nhiều công việc khác, thành thử phần lớn trọng trách đặt lên vai vị Chủ tịch. Nhân lực của cơ quan không quá mười người, trong đó có nhiều bộ đội hoặc thanh niên xung phong vừa mới xuât ngũ. Trụ sở cơ quan là ngôi nhà, nguyên là nhà dân, ở số 30A phố Bà Triệu, Hà Nội. Một chiếc xe Volga đen duy nhất của cơ quan dùng để đưa đón Chủ tịch, nhưng nhiều khi cũng được Giáo sư đồng ý cho sử dụng vào các nhiệm vụ khác, chủ yếu là cho việc đón tiếp khách quốc tế. Kinh phí hàng năm vừa đủ để chi trả khoản tiền lương khiêm tốn cho số cán bộ ít ỏi của cơ quan.
Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự góp sức của các hội thành viên cũng như sự nỗ lực của cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam đã từng bước khắc phục được các khó khăn, thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ của một tổ chức mới mẻ, chưa có tiền lệ. Trong vòng năm năm, quy mô của Liên hiệp hội Việt Nam đã được mở rộng với việc thành lập bốn hội ngành toàn quốc và bốn liên hiệp hội địa phương mới, đưa tổng số các hội thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam tăng lên gấp rưỡi, từ 15 lên con số 23. Việc điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn. Trong hoàn cảnh ấy, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nhiều lần đến gặp gỡ, tìm hiểu tình hình và kết quả hoạt động của các hội thành viên, gợi mở cách tháo gỡ khó khăn và giải quyết nhiều vấn đề mấu chốt, động viên các cán bộ, nhân viên làm công tác hội. Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, không quản đường xa, dặm thẳm, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã vào mảnh đất tận cùng của Tổ quốc để thăm và làm việc với Liên hiệp hội tỉnh Kiên Giang ngay sau khi tổ chức này vừa mới được thành lập năm 1985.
Công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức được khởi động bằng những hình thức hoạt động đa dạng. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức với những nội dung về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, thu hút sự tham gia của nhiều người quan tâm. Trong những cuộc hội nghị chuyên đề, các nhà khoa học và công nghệ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm đắc và sâu sắc vào dự thảo nhiều văn kiện quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng vả Nhà nước. Năm 1984, việc Giáo sư Trấn Đại Nghĩa quyết định tiếp nhận Báo Khoa học thường thức, nay là Báo Khoa học và Đời sống, đã mang lại cho Liên hiệp hội Việt Nam một phương tiện hữu hiệu mới trong công tác phổ biến kiến thức theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:”Các cô, các chú phải ra sức đem kiến thức khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiếu, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”.
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng sớm được Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam triển khai nhằm giới thiệu với bè bạn ở các nước về một tổ chức mới, đang từng bước định hình của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với các tổ chức quốc tế và ở nước ngoài trong công tác hội. Sau Đại hội thành lập, Liên hiệp hội Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác với Hội Kiến thức Liên Xô, Hội Phổ biến kiến thức Bungari và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Liên Xô. Các đoàn đại biểu của Liên hiệp hội Việt Nam cũng đã tham dự một số hội nghị quốc tế.
Trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả năm năm hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam, ngày 11/04/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 35-CT/TƯ “Về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.” Bản Chỉ thị khẳng định: “Đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật nước ta đã được tập hợp lại trong các Hội Khoa học và Kỹ thuật và có vai trò vô cùng quan trọng trong cách mạng khoa học và kỹ thuật... Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp trung ương... đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng... thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học-kỹ thuật của một Hội quần chúng.”
Kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất “khởi đầu nan”, ngày 12/05/1988, tại Hà Nội, Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II. Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Đảng và nhân dân ta tự hào có một đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật đông đảo hàng chục vạn người, lòng đầy nhiệt huyết, muốn cống hiến nhiều cho xã hội, đưa đất nước mau chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên con đường văn minh, hạnh phúc...Với sức mạnh tập hợp liên ngành và cách làm việc hợp tác năng động, Hội cũng có thể đảm đương được tốt chức năng phản biện và giám định xã hội.” Trong bài phát biểu tại Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Sự phát triển nhanh và lớn như vậy chứng tỏ hình thức các hội khoa học và kỹ thuật đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số cán bộ khoa học và kỹ thuật, của giới trí thức... Đó là tính ưu việt của hình thức tổ chức của Liên hiệp hội.”
Những lời biểu dương trên đây của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho Liên hiệp hội Việt Nam cũng là sự ghi nhận công lao to lớn của Giáo sư Chủ tịch Trần Đại Nghĩa suốt năm năm của nhiệm kỳ đầu tiên. Thể theo nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học và các hội thành viên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp ngày 12/05/1988 đã suy tôn Giáo sư Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch danh dự Liên hiệp hội Việt Nam. Hơn năm năm sau, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III họp trong hai ngày 27-28/09/1993 lại tiếp tục suy tôn Giáo sư Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch danh dự của Liên hiệp hội Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Chức danh cao quý này gắn liền với tên tuổi Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho tới những giây phút cuối cùng.
Trên những chặng đường phát triển, có lúc khúc khuỷu, gập ghềnh, trong những thành tựu đáng ghi nhận của Liên hiệp hội Việt Nam mãi mãi in đậm dấu ấn của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Trong ký ức của các thế hệ cán bộ, hội viên của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội khoa học và kỹ thuật thành viên, hình ảnh tận tụy, gần gũi, thân thương của Ông sẽ không bao giờ mờ phai. Giáo sư Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học tài năng, uyên bác, một vị lãnh đạo tâm huyết, mẫu mực, nhưng trước hết Ông là một con người chân chính, một tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.