Giáo sư Trần Đại Nghĩa: ba cách tiếp cận đặc sắc
GS Trần Đại Nghĩa là một nhân vật lịch sử. Một vị tướng được phong trong 10 thiếu tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Một nhà khoa học với những công trình nghiên cứu và chế tạo vũ khí để đương đầu với những cường quốc khoa học và quân sự. Một con người đã từ bỏ sự nghiệp khoa học và cuộc sống đủ đầy ở phương Tây để trở về đóng góp cho cuộc kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ 20.
Giáo sư Trần đại Nghĩa – người đeo kính đứng giữahàng đầu tại lớp sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936.
Tuy nhiên, còn có ba khía cạnh khác trong các đóng góp lớn lao của Giáo sư Trần Đại Nghĩa mà chúng ta ngày hôm nay cũng nên nhắc tới.
Chiến tranh nhân dân trong điều kiện vũ khí công nghệ hiện đại: quan điểm vì dân
“Không có đất nước nào trên thế giới này phải chống trả 14 cuộc xâm lăng như đất nước mình. Nhiều lúc tôi nghĩ vui, giá như Việt Nam là một đảo quốc tách khỏi đất liền, xung quanh biên giới là biển thì hay hơn”. Đó là nhận xét của nhà khoa học, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa về lịch sử dân tộc ta.
Trên chuyến tàu vượt biển về nước cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, Chủ tịch có hỏi suy nghĩ của Giáo sư về cuộc kháng chiến sắp tới và những vũ khí cần phải có. Giáo sư cho biết rằng qua nghiên cứu kỹ lưỡng thống kê của các cuộc chiến tranh gần đây, Giáo sư nhận thấy dân thường bị chết rất nhiều do không có vũ khí nên đối phương được thể làm càn. Giáo sư đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần trang bị vũ khí cho toàn dân, dù thô sơ cũng được vì có vũ khí sẽ làm chùng sự ngông cuồng của đối phương, giảm bớt sự lạm sát của kẻ thù.
Chiến tranh nhân dân, lấy yếu đánh mạnh vốn là truyền thống dân tộc. Định hướng nhân dân đã được tướng Võ Nguyên Giáp xác định ngay lúc khởi đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng kẻ địch khi bị thua đau thường trút tức giận trả thù lên đầu những người dân không có tấc sắt trong tay, nhất là khi chúng lại có vũ khí hiện đại. Quan điểm trang bị vũ khí cho toàn dân là một luận điểm mới mẻ, có căn cứ khoa học giúp cho người dân đỡ bị tổn thất trong điều kiện chiến tranh hiện đại, khi lực lượng địch áp đảo chúng ta quá nhiều trên mọi phương diện. Đây thực sự là một giải pháp căn bản trong chiến tranh nhân dân hiện đại, khi chúng ta phải nhờ tới người dân để đương đầu với giặc trong đa số trường hợp.
Thấy được sự thiệt hại của dân thường qua vô vàn số liệu thống kê là cái tài của người làm khoa học. Còn đưa ra được giải pháp để bảo vệ người dân là cái tâm của người làm tướng. Mượn lời người xưa thì Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã góp một cao kiến trong lần đầu diện kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh: quan điểm vì dân trong chiến tranh.
Khoa học và công nghệ phục vụ đời sống
Khoa học nước ta nói riêng và khoa học phương Đông truyền thống nói chung, tính kinh viện lớn, tính thực tiễn không cao. Ngày xưa các cụ học để làm quan còn nay học để làm giáo sư hay tiến sỹ. Còn làm tiến sỹ hay giáo sư để làm gì thì ít người quan tâm đến, có lẽ vẫn để làm quan.
Trong khi đó, Giáo sư Trần đại Nghĩa luôn có định hướng lớn vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể của khoa học và công nghệ. Khi còn theo học, Giáo sư đã thi vào trường quốc gia cầu cống (một trong vài trường lớn của Pháp, đặc biệt về kỹ thuật và công nghệ) và bí mật thu thập tài liệu về chế tạo vũ khí qua 7 trường. Ngay từ lúc mới tốt nghiệp ra trường, Giáo sư đã định hướng làm việc trong các nhà máy, như tại một nhà máy chế tạo máy bay của Đức, nước có kỹ thuật hàng không tốt nhất châu Âu lúc đó. Các nghiên cứu sau đó của Giáo sư cũng là những nghiên cứu có tính ứng dụng rất cao như chế tạo Bazooka hay SKZ… cùng những chỉ đạo khác rất đậm tính ứng dụng của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước lúc Giáo sư làm Chủ nhiệm.
Định hướng này còn được thể hiện rõ qua việc xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với những nhiệm vụ lớn giải quyết các bài toán thực tế (tên gọi Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ mãi sau này mới có). Triển khai khoa học và công nghệ trong đời sống sản xuất là một việc vô cùng khó vì không chỉ là lý thuyết, mà đây còn là công tác tổ chức sản xuất với sự phối hợp của nhiều người, trình độ khác nhau và hoàn cảnh khác nhau và phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của kinh tế và xã hội. Tổ chức đưa khoa học và công nghệ vào cuộc sống trong điều kiện chiến tranh, nền kinh tế bao cấp là một mảng còn ít được nhắc tới trong cuộc đời Giáo sư Trần Đại Nghĩa.
Vấn đề khoa học và công nghệ để làm gì và làm như thế nào vẫn đang là câu chuyện cấp bách ngày hôm nay khi Việt Nam đã có nhiều chục nghìn tiến sỹ nhưng phát minh sáng chế và ứng dụng vào cuộc sống vẫn chưa nhiều.
Vui với cuộc sống bình lặng khi đã xong các công việc cần làm trong đời một kẻ sĩ
Sau khi xong các nghĩa vụ với đất nước, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã về sống một cuộc đời bình lặng ở TP HCM: không ồn ào, không bon chen… Khi được hỏi cuộc sống hưu trí của Viện sỹ có thoải mái không, ông vui vẻ trả lời:” Viện sỹ hàn lâm thì không được về hưu. Còn cuộc sống tất nhiên là chật vật, không thể nào sung sướng hơn kẻ tham nhũng (cười)”.
Giáo sư vẫn làm việc chuyên môn của mình, công việc mà ông yếu mến. Ông tận hưởng cuộc sống hòa bình của một người bình thường, cuộc sống mà Giáo sư đã bỏ cả cuộc đời của mình để xây dựng và bảo vệ.
Có lẽ, ít ai ngộ được về giá trị của một cuộc sống bình thường hơn ông!
Lời kết
Giáo sư Trần Đại Nghĩa là một “Người Lớn” trong lịch sử dân tộc. Ông sinh ra để làm sáng tỏ thêm một lần nữa một chân lý mà Nguyễn Trãi đã khẳng định về đất nước ta:
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
(Bình Ngô Đại cáo)
Tài liệu tham khảo
-Phan Hoàng. Phỏng vấn các tướng lĩnh Việt Nam, NXB Trẻ, Tp HCM, 1997.
-Võ Nguyên Giáp. Chiến đấu trong vòng vây, NXBQĐND, Hà Nội 1995.