Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 11/08/2010 07:00 (GMT+7)

Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hà Học Trạc - vị Chủ tịch tài năng, đức độ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Người thầy giáo tận tụy, mẫu mực

GS.TS.NGND Hà Học Trạc sinh ngày 12/10/1930 trong một gia đình nhà nho hiếu học và yêu nước tại xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở thiếu thời, ông đã nổi tiếng là một trong những học trò xuất sắc, nhiều năm liền được xếp đầu khóa và được nhận học bổng.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại khoa Điện, trường đại học Triết Giang, Trung Quốc (1953-1957), ông về nhận công tác tại trường đại học Bách khoa Hà Nội từ tháng 3/1957. Ông thuộc thế hệ cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường và là một trong những người sáng lập bộ môn Điện, tiền thân của khoa Điện, trường đại học Bách khoa Hà Nội ngày nay.

Năm 1961, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường đại học Năng lượng Matxcơva, Liên xô (cũ) cho đến năm 1965 khi ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Trở về nước, ông tiếp tục công tác tại trường đại học Bách khoa Hà Nội, được cử làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm khoa Điện và được bầu làm Bí thư Liên Chi bộ Đảng của Khoa từ năm 1965-1977.

Tiếp theo đó, ông tham gia công tác lãnh đạo trường đại học Bách khoa Hà Nội, lúc đầu là Phó Hiệu trưởng và Thường vụ Đảng ủy (1977-1980), rồi về sau là Hiệu trưởng của nhà trường trong thời gian gần 10 năm (1980-1989). Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư và năm 2000 được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Gần nửa thế kỷ làm công tác đào tạo ở bậc đại học, GS.TS.NGND Hà Học Trạc luôn luôn nêu cao tấm gương của một nhà giáo mẫu mực, tận tụy, đầy trách nhiệm và giàu tâm huyết với “sự nghiệp trồng người”. Ở những cương vị khác nhau, ông đã tích cực góp phần đào tạo lớp lớp kỹ sư, giảng viên, tiến sỹ, trong đó nhiều người trở thành những chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý đầu ngành với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện của nước nhà.

Với cương vị và trách nhiệm của người đứng đầu trường đại học Bách khoa Hà Nội trong thời kỳ đầy khó khăn, thử thách đó, GS.TS.NGND Hiệu trưởng Hà Học Trạc đã kiên định cùng tập thể Ban lãnh đạo nhà trường vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để tìm lối ra, hướng đi lên bằng cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và lao động sản xuất, mở rộng quan hệ quốc tế. Với những giải pháp có tính đột phá đó, nhà trường đã mở rộng được quy mô đào tạo, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học-công nghệ, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, sinh viên, đồng thời tạo tiền đề cho nhà trường bước vào thời kỳ đổi mới.

Là một nhà khoa học đầu ngành, GS.TS Hà Học Trạc đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cùng với các tập thể chuyên gia, GS.TS Hà Học Trạc cũng góp công, góp sức thực hiện tư vấn, phản biện nhiều luận chứng dự án đầu tư, đặc biệt là trong thời gian ông làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam).

Vị Chủ tịch đức độ, tài năng

Ngày 26-3-1983, tại khách sạn Bờ Hồ, Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Đại hội lần thứ Nhất Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam). Trong số những người tham gia Đại hội thành lập Liên hiệp hội Việt Nam, người ta nhận ra một nhà khoa học tầm thước ở độ tuổi trung niên. Đó là GS.TS. Hà Học Trạc, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay từ khi tham gia hoạt động của Uỷ ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (1965 – 1983) ông đã luôn luôn phấn đấu cho sự kiện trọng đại này. Và tại Đại hội đầu tiên, GS.TS. Hà Học Trạc đã được các đại biểu nhất trí tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam và được phân công làm Trưởng ban Kiến thức và Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Trong những năm đầu “vạn sự khởi đầu nan”, Liên hiệp hội Việt Nam tập trung vào công tác củng cố và phát triển tổ chức; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, theo tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”. Sau nhiều năm trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), rồi Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tháng 8-1984, Báo Khoa học thường thức được chuyển về trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam và đổi tên thành Báo Khoa học và Đời sống. Với cương vị của mình, GS.TS. Hà Học Trạc đã tích cực góp phần thuyên chuyển, củng cố và phát triển Báo Khoa học và Đời sống trở thành cơ quan của Liên hiệp hội Việt Nam, người bạn thân thiết của các bạn đọc yêu chuộng khoa học và công nghệ gần xa. Hoạt động của GS.TS. Hà Học Trạc góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống báo chí hiện nay của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên với hơn 150 ấn phẩm định kỳ, chiếm khoảng 1/3 tổng số báo chí khoa học và công nghệ trong cả nước. Trong số đó có Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội Việt Nam.

Với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Từ đây không những quy mô và loại hình sản xuất được mở rộng, lực lượng sản xuất được phát triển, mà một luồng gió mới cũng được thổi vào đời sống xã hội, tạo những điều kiện thuận lợi mới cho sự phát triển của các tổ chức nhân dân, trong đó có Liên hiệp hội Việt Nam và các hội khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, ngày 12-5-1988, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Liên hiệp hội Việt Nam đã khai mạc tại Nhà hát Lớn (Thủ đô Hà Nội). Với sự nhất trí cao, các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu GS.TS. Hà Học Trạc vào Hội đồng Trung ương, cơ quan lãnh đạo mới của Liên hiệp hội Việt Nam giữa hai kỳ đại hội. Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng Trung ương, GS.TS. Hà Học Trạc được bầu vào vị trí Chủ tịch.

Nhiệm kỳ II (1988 – 1993), dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Hà Học Trạc và Đoàn Chủ tịch, hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam hướng vào một số nội dung mới. Đó là việc bắt đầu tổ chức hai năm một lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được khởi động và thực hiện những bước đi đầu tiên. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, GS.TS. Hà Học Trạc đã góp phần cùng với Đoàn Chủ tịch khắc phục được các biểu hiện ly khai, phân liệt trong một số hội thành viên, củng cố khối đoàn kết, thống nhất của 34 hội thành viên trong đại gia đình Liên hiệp hội Việt Nam. Ngày 20-2-1993, lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 436-NS/TW thành lập Đảng đoàn Liên hiệp hội Việt Nam và cử GS.TS. Hà Học Trạc làm Bí thư đầu tiên của Đảng đoàn. Với cương vị này, đồng chí đã dành nhiều công sức xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa Đảng đoàn với Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương và Đảng uỷ Cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam, đặt cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ, nhịp nhàng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên. Với những hoạt động nổi bật của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời kỳ này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 52-TB/TW ngày 31-8-1993, trong đó lần đầu tiên xác nhận: “Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam”.

Với một khí thế mới, trong hai ngày 27 và 28-3-1993, Liên hiệp hội Việt Nam bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III họp tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội. Tại đây, GS.TS. Hà Học Trạc được tái đắc cử làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam.

Nhiệm kỳ III (1993 – 1999) chứng kiến một bước mở rộng mới hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam. Sau khi trở thành đầu mối kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1994) và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1997), Liên hiệp hội Việt Nam có thêm những điều kiện thuận lợi cho các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án phát triển công nghệ, các hoạt động điều tra cơ bản về môi trường. Nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam thành lập các tổ chức theo Nghị định 35-HĐBT ngày 27-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác quản lý khoa học và công nghệ (gọi tắt là các đơn vị 35). Trong các hoạt động này có công sức quan trọng của GS.TS. Hà Học Trạc từ xác định chủ trương, hình thành tổ chức đến chỉ định nhân sự.

Kể từ khi bắt đầu tham gia công tác tại Liên hiệp hội Việt Nam, GS.TS Hà Học Trạc đã luôn luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của ông, Liên hiệp hội Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều hội khoa học và kỹ thuật quốc gia và quốc tế. Trong các ngày 11-18/10/1995, lần đầu tiên, đoàn đại biểu của Liên hiệp hội Việt Nam do GS.TS Hà Học Trạc dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ 13 Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (CAFEO-13) họp tại Băng Dung – Indonexia và được kết nạp làm thành viên thứ 7 của tổ chức này.

Những đóng góp ngày càng có hiệu quả đã đặt cơ sở vững chắc cho vị trí, vai trò của Liên hiệp hội Việt Nam và thu hút được sự quan tâm, chú ý của các cơ quan Đảng, Chính phủ và toàn xã hội. Ngày 24-12-1996, lần đầu tiên, Liên hiệp hội Việt Nam được ghi nhận trong một nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 (khoá VIII) về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000. Tiếp theo đó, ngày 11-11-1998, lần đầu tiên, Bộ Chính trị (khoá VIII) ra Chỉ thị số 45-CT/TW riêng về Liên hiệp hội Việt Nam, trong đó khẳng định: “Liên hiệp hội là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Là người đứng đầu hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, GS.TS. Hà Học Trạc đã dày công kiên trì đóng góp tích cực cho sự ra đời của Chỉ thị quan trọng này, một văn kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam hơn chục năm qua.

Do phải gánh vác nhiều trọng trách mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, GS.TS Hà Học Trạc không còn đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm lâu năm đa tích lũy và nghĩa tình sâu nặng với công việc và đồng nghiệp, GS.TS Hà Học Trạc tiếp tục tham gia Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam hai khóa nữa.

Nhà khoa học uyên thâm và tâm huyết

Trong số các hoạt động phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng trở thành hoạt động chủ yếu của Liên hiệp hội Việt Nam. Hoạt động đó được nêu lên lần đầu tiên tại Chỉ thị 35-CT/TW ngày 11-4-1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và trong thời gian tiếp theo được đề cập liên tục, nhất quán trong nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng và Nhà nước cho đến hiện nay. Nó thể hiện đường lối đổi mới và chủ trương của Đảng và Nhà nước huy động trí tuệ và công sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đó cũng là hoạt động tập hợp và phát huy tiềm năng dồi dào của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện tâm nguyện của mình là cống hiến tâm trí và sức lực, góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước Việt Nam.

Ngay từ khi tham gia chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, dưới sự chỉ đạo của GS.VS. Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đương nhiệm, GS.TS. Hà Học Trạc đã kịp thời cùng các uỷ viên khác trong Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương đưa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vào Điều lệ, như là một trong những nhiệm vụ chính thức của Liên hiệp hội Việt Nam.

Bước vào nhiệm kỳ II, với cương vị là Chủ tịch, GS.TS. Hà Học Trạc đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc tập hợp ý kiến của các nhà khoa học và công nghệ, của các hội thành viên đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, dự thảo Hiến pháp năm 1992… Trước tình hình cực kỳ phức tạp diễn ra trên thế giới và trong nước, vào các ngày 22 và 24/9/1991, GS.TS. Hà Học Trạc đã góp phần tổ chức thành công các buổi làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng với đông đảo đại biểu của trí thức khoa học và công nghệ nước nhà. Tại cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng đó, các nhà khoa học và công nghệ đã bày tỏ ý kiến nhất trí đánh giá những thành tựu bước đầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa gắn liền với độc lập dân tộc.

Trải qua quá trình hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy về hệ thống điện, GS.TS. Hà Học Trạc đã tích luỹ được vốn kiến thức uyên bác và những kinh nghiệm quý báu trên lĩnh vực khoa học – công nghệ quan trọng này, tạo điều kiện cho ông có cái nhìn nhạy bén và sâu sắc trong các vấn đề có liên quan đến các công trình năng lượng trọng yếu của đất nước. Theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thời gian 6 tháng cuối năm 1992, GS.TS. Hà Học Trạc đã chủ trì việc phản biện luận chứng kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Yaly trên sông Sê san (Gia Lai). Tham gia hoạt động này có 26 nhà khoa học và công nghệ thay mặt cho 6 hội thành viên và cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam. Ý kiến phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam đã được Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án đầu tư chấp nhận. Đặc biệt quan trọng là những đóng góp về các vấn đề tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc ít người, giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hoá ở các tỉnh Tây Nguyên… cho thấy tiềm năng đa dạng và tính liên ngành của Liên hiệp hội Việt Nam.

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La trên sông Đà, GS.TS. Hà Học Trạc đã chủ trì suốt 10 năm (1993 – 2003) công tác tư vấn và phản biện đối với 6 bộ hồ sơ dự án. Trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, để có cơ sở vững chắc cho các ý kiến tư vấn và phản biện, cuối năm 1994, GS.TS. Hà Học Trạc cử một đoàn cán bộ của Liên hiệp hội Việt Nam đi nghiên cứu thực địa tại những địa điểm có khả năng được lựa chọn làm tuyến công trình, những nơi được dự kiến làm địa điểm tái định cư, những mặt bằng có thể đặt các cơ sở sản xuất… Trên cơ sở đó, Liên hiệp hội Việt Nam đã đưa ra những ý kiến phân tích và so sánh về nhiều mặt giữa các phương án được nghiên cứu và đề xuất cho công trình thế kỷ này. Sang giai đoạn nghiên cứu khả thi, mùa hè năm 1996, GS.TS. Hà Học Trạc đích thân dẫn đầu một đoàn cán bộ lên Tây Bắc khảo sát nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Hà Học Trạc, Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp được ý kiến của hàng chục chuyên gia thuộc 7 hội thành viên đóng góp toàn diện cho các bộ hồ sơ dự án. Đặc biệt là Liên hiệp hội Việt Nam đã cùng với một số cơ quan khác kiên trì phát biểu ý kiến về việc đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La với quy mô thấp có mực nước dâng bình thường là 215m so với mặt nước biển. Với những đóng góp tích cực và có hiệu quả đó, đầu năm 2004, Liên hiệp hội Việt Nam được Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La khen thưởng tại Quyết định số 04/QĐ-HĐTĐSL ngày 5-2-2004.

Bên cạnh đó, với học vấn uyên thâm, đa dạng của mình trên nhiều lĩnh vực, GS.TS. Hà Học Trạc còn chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam đối với hơn chục dự án khác. Những kết quả của các hoạt động này đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Liên hiệp hội Việt Nam, trong đó cần phải kể đến vai trò tập hợp, điều hành có hiệu quả của GS.TS. Hà Học Trạc.

Trong mọi lúc, ở mọi nơi, trên mọi cương vị công tác, GS.TS Hà Học Trạc luôn luôn là hiện thân của trí tuệ uyên bác, tính khiêm tốn, điềm đạm, chân tình, giản dị, được đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè quý mến, tin cậy. Nhờ vậy, ông luôn tập hợp và đoàn kết, quy tụ được lòng người, phát huy được sức mạnh của tập thể.

Với tài năng và đức độ đó, GS.TS Hà Học Trạc đã có uy tín lớn và được tín nhiệm rộng rãi. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết và đến Đại hội VII được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VII, IX và X. Thay mặt Liên hiệp hội Việt Nam, ông tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa III (1994 - 1999). Từ 1996 đến năm 2000, GS.TS Hà Học Trạc giữ chức vụ Chủ nhiệm chương trình quốc gia nghiên cứu về phát triển năng lượng và từ tháng 11 năm 1989 được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Do những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, GS.TS Hà Học Trạc đã được Nhà nước trao tặng:

-          Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì;

-          Huân chương Lao động hạng Nhất;

-          Huân chương Độc lập hạng Nhất;

-          Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân;

và nhiều phần thưởng cao quý khác

Thay cho lời kết

Trong một bài viết ngắn, thật không dễ kể hết, lại càng khó đánh giá nổi công lao của GS.TS. Hà Học Trạc đối với Liên hiệp hội Việt Nam, nơi ông đã gắn bó và cống hiến tài năng, sức lực suốt gần ba thập kỷ vừa qua. Cùng với Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch và Hội đồng Trung ương các khoá từ I đến V, GS.TS. Hà Học Trạc đã góp phần quan trọng đưa Liên hiệp hội Việt Nam từ một tổ chức mới sơ khai, chưa có sẵn tiền lệ, khuôn mẫu, dần dần định hình và trở thành một mái nhà chung, một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Khi GS.TS. Hà Học Trạc kết thúc nhiệm kỳ thứ II làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam (1999) thì cũng là lúc lần đầu tiên Đảng và Nhà nước trao tặng tổ chức này phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trên những chặng đường phát triển, có lúc khúc khuỷu, gập ghềnh, trong những thành tựu đáng ghi nhận của Liên hiệp hội Việt Nam mãi mãi in đậm dấu ấn của GS.TS. Hà Học Trạc. Trong ký ức của cán bộ, hội viên các hội khoa học và kỹ thuật thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam, hình ảnh tận tụy, gần gũi, thân thương của GS.TS. Hà Học Trạc sẽ không bao giờ mờ phai. Và như một chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ, GS.TS. Hà Học Trạc vừa mới chia tay người thân, đồng chí, bạn bè, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng ngày 28-7-2010.

Những dòng viết này xin được làm một nén hương trầm thắp lên trước anh linh GS.TS. Hà Học Trạc, vị Chủ tịch lâu năm nhất, nghĩa nặng, tình sâu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

                                        Than ôi !

                                        Tình đồng chí đậm đà, thân thiết

                                        Nghĩa tử sinh khôn xiết đau thương

                                        Nghẹn ngào, mờ mịt khói hương

                                        Từ đây, vĩnh biệt đôi đường, Anh ơi !

---------------------------------------

* Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.