Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 27/03/2006 14:53 (GMT+7)

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga: Tôi từ chân đất đi lên

Đã đọc và nghe nói nhiều về Giáo sư – Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng, một người con ưu tú của quê hương Bình Định, nhưng khi trực tiếp tiếp xúc, tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi phong cách giản dị và lối nói đậm chất Bình Định trong ông.

Mở đầu câu chuyện với tôi ở phòng làm việc riêng của ông tại Đại học Đà Nẵng, GS-TSKH Bùi Văn Ga nói ngay: “Tôi tuổi Đinh Dậu, sinh năm 1957, tên thật là Bùi Văn Gà. Bàu Lác, Phú Tài (thuộc phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) đó là nơi tôi sinh ra, lớn lên…”.

*  Xin chúc mừng giáo sư vừa được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Hàn lâm hạng Nhì. Hình như đây là lần thứ 2 giáo sư có vinh dự được nhận Huân chương này? Giáo sư có thể nói rõ một chút về Huân chương vừa được nhận?

 + Cảm ơn anh đã chúc mừng. Đây đúng là lần thứ hai tôi nhận Huân chương Hàn Lâm của Chính Phủ Cộng Hòa Pháp. Lần đầu vào năm 2001, tôi được tặng thưởng Huân chương Hàn lâm hạng Ba. Huân chương này được Hoàng Đế Napoléon của Nước Pháp đặt ra để trao tặng cho những người có đóng góp cho khoa học.

* Từ một anh học trò nghèo, rồi sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, rồi trở thành GS-TSKH và nay là hiệu trưởng của chính ngôi trường mà giáo sư đã từng học tập. Đó quả là một hành trình dài với không ít khó khăn, thưa giáo sư? 

- Đúng là một hành trình dài và gian lao. Nhà tôi nghèo lắm. Cha mẹ tôi chỉ làm nông nhưng ông bà đã quyết tâm nuôi tôi ăn học. Từ 1968 đến 1975, tôi học tại trường Trung học Cường Đễ (nay là Trường Quốc học Quy Nhơn - PV). Tôi là lớp học sinh đỗ tú tài đầu tiên sau giải phóng và cũng là lớp sinh viên khóa một của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Những năm tháng sinh viên sống xa nhà thiếu thốn trăm bề. Những ai sống đời sinh viên thời kỳ đó đều tin rằng cuộc đời mình sau này sẽ khá hơn. Năm 1980, tôi tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư cơ khí và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1985, tôi trúng tuyển nghiên cứu sinh Tiến sĩ Kỹ thuật  tại Đại học Trung tâm Lyon, Pháp. Năm 1989 thì về nước, làm phó phòng rồi trưởng phòng Quản lý khoa học của trường. Năm 1991 tôi lại sang Pháp để làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa học, ngành động cơ nhiệt. Đến 1994 thì hoàn thành và trở về nước. Tính ra thì hành trình đó, từ một sinh viên trở thành một cán bộ nghiên cứu khoa học như anh nói, cũng vừa chẵn 20 năm.

* Xin lỗi, tôi hơi tò mò một chút. Cơ duyên nào khiến giáo sư ở lại Đà Nẵng và trở thành “người Đà Nẵng” như bây giờ?

- Những năm đó, sinh viên ra trường được tổ chức phân công nhiệm sở, không tự tìm việc như bây giờ. Tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy nhờ quá trình học tập và phấn đấu tốt.

Tại lễ trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm hạng Nhì diễn ra cuối tháng 2-2006 tại Đại học Đà Nẵng, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Jean Francois Blarel, đã nhấn mạnh: “Huân chương này được trao tặng cho giáo sư Bùi Văn Ga để ghi nhận ở ông đồng thời là nhà khoa học xuất sắc, người bạn của nước Pháp và của khối Pháp ngữ, người thúc đẩy nhiệt thành và không mệt mỏi việc phát triển hợp tác đại học và khoa học giữa hai nước chúng ta… Tôi xin được tuyên dương giáo sư là nhà nghiên cứu về tính nhân văn có trong ông, luôn quan tâm với sự an lành của những người xung quanh. Chính nhờ vào thành quả nghiên cứu của ông mà hiện nay những chiếc “xe gắn máy sạch” đầu tiên chạy bằng khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquified Petroleum Gas -LPG) đang được chạy thử nghiệm tại Đà Nẵng. Việc sử dụng hệ thống này trên xe gắn máy sẽ cho phép giảm đáng kể mức độ phát thải ô nhiễm.”

* Thưa, đến nay thì công trình “xe gắn máy sạch” của giáo sư đã thực hiện đến đâu?

- Dự án xe máy chạy bằng gas đang được triển khai đại trà ở Đà Nẵng. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang muốn chuyển giao công nghệ này như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Khánh Hòa… Ngoài nước thì có Italia, Philippines, Ấn Độ… cũng rất quan tâm đến việc sử dụng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) thay cho xăng vì nhiên liệu này rất thân thiện với môi trường. Hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị xuất khẩu sang Campuchia các phụ kiện để chuyển xe gắn máy chạy từ bằng xăng sang chạy bằng LPG. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng trên xe buýt loại nhỏ và sắp tới đây sẽ thử nghiệm trên tàu thuyền, chủ yếu là thuyền du lịch sinh thái. Xe gắn máy và xe buýt nhỏ chạy bằng nhiên liệu LPG tiết kiệm được 20-40% chi phí so với dùng xăng và giảm đến 80% mức độ phát thải ô nhiễm. Như anh đã biết, nguồn xăng dầu thế giới ngày càng cạn kiệt và giá dầu vì vậy sẽ tăng liên tục. Giải pháp kỹ thuật của chúng tôi cho phép động cơ có thể sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu khí nào: khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí thiên nhiên (NGV), hydrogen, biogas... vì vậy nó sẽ rất thiết thực đối với chiến lược năng lượng tương lai của nhân loại.

* Nghe nói hồi mới thực hiện dự án này, giáo sư đã phải đèo thêm chiếc bình gas trên xe gắn máy để thử nghiệm. Hiện nay thì chiếc xe đó có còn không, thưa giáo sư?

- Vẫn còn giữ để làm kỷ niệm. Hệ thống chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng bây giờ gọn hơn nhiều, không còn cồng kềnh như ngày xưa. Hồi đó, nhiều người ở Đà Nẵng báo tôi hâm, thậm chí có người còn tưởng ông giáo sư này nghèo quá, phải tranh thủ... bán hột vịt lộn để kiếm thêm thu nhập! Có người không dám đến gần vì sợ xe... phát nổ.

GS-TSKH Bùi Văn Ga kể lại một kỷ niệm: Năm ông học lớp 4, cha ông có mua một chiếc máy Yanmar để bơm nước từ Bàu Lác vào ruộng. Hết dầu, máy tắt nhưng khi đổ đầy dầu trở lại, máy vẫn không thể nào khởi động lại được. Cha ông đã cầu cứu tới thợ cơ khí nhưng chiếc máy vẫn không chịu nhúc nhích (không ai biết là do đường cấp dầu có chứa không khí!). Sự kiện đó khiến ông ấm ức, giá như mình biết rành về động cơ thì cha đâu có cực. Và sự ấm ức đó đã đeo đẳng ông cho đến khi trưởng thành, ông quyết tâm theo đuổi ngành cơ khí động lực. Ông nói vui: “Nếu không có chiếc máy Yanmar dở chứng đó, thì có lẽ tôi đã không theo học ngành cơ khí động lực này rồi.” Bao tháng năm học tập ở trường ông mới nghiệm ra rằng, cái cơ bản nhất trong động cơ là quá trình cháy và từ đó, ngọn lửa trở thành nỗi đam mê của ông. GS-TSKH Bùi Văn Ga bộc bạch: “Thời thơ ấu, Mẹ tôi dạy tôi làm thế nào nấu cơm ít tốn củi nhất. Động cơ cũng vậy, mình cần nghĩ cách làm thế nào để thu được nhiều năng lượng mà ít tốn nhiên liệu nhất. Đến nay, tất cả các loại động cơ đốt trong đều rất hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, vì vậy chỉ có thể nâng cao hiệu suất của nó khi nâng cao chất lượng quá trình cháy. Và đương nhiên khi hiệu suất cháy cao thì mức độ phát thải ô nhiễm cũng giảm”.

* Cùng với việc nghiên cứu khoa học, giáo sư đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên xuất sắc cả ở trong và ngoài nước, trong số đó có sinh viên nào là người Bình Định không, thưa giáo sư?

- Tôi đã hướng dẫn 13 nghiên cứu sinh trong đó 8 người đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kỹ thuật. Trong số những người đã hoàn thành luận án có anh Trần Thanh Hải Tùng, nhà ở Quy Nhơn. Hiện giờ anh Tùng là Tiến sĩ, trưởng Khoa Cơ khí giao thông của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, một đồng nghiệp của tôi.

* Nay giáo sư làm công tác quản lý một đại học vùng lớn nhất miền Trung chắc ít nhiều ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học?

- Dĩ nhiên quản lý một đại học lớn với hơn 1.500 cán bộ và gần 60.000 sinh viên là một nhiệm vụ hết sức năng nề. Tôi phải ưu tiên dành thời gian cho việc điều hành nhà trường, tập trung suy nghĩ tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ, công chức... Thời gian dành cho nghiên cứu khoa học tất nhiên sẽ giảm so với trước đây. Nhưng điều này không có nghĩa làm niềm đam mê khoa học cũng giảm theo. Với tôi, nghiên cứu khoa học, tìm tòi khám phá theo mục tiêu đã xác định là một niềm vui, một cách giải trí. Vì vậy những lúc rảnh việc, những ngày nghỉ cũng cho tôi một quĩ thời gian nhất định để đeo đuổi những ước mơ nghiên cứu khoa học của mình.

Mặt khác, thời đại ngày nay, không ai làm khoa học một mình cả mà phải làm theo nhóm, có tập thể nghiên cứu. Gần mười nghiên cứu sinh do tôi hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hay đang tiếp tục làm luận án là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu say sưa với đề tài. Họ luôn là những người bạn đồng hành cùng với tôi tiếp tục thực hiện những mục tiêu nghiên cứu đã vạch ra.

Cuối cùng công tác tổ chức có ý nghĩa quan trọng đối với nhà khoa học làm công tác quản lý. Muốn làm tốt đồng thời nhiệm vụ quản lý và nhiệm vụ nghiên cứu thì công tác tổ chức cần được đặt lên hàng đầu. Tổ chức tốt các nhóm nghiên cứu khoa học và tổ chức tối ưu bộ máy cơ quan để cho mọi người phát huy hết tài năng và sáng tạo theo sự chỉ đạo chung là chìa khóa cho sự thành công. Khi đã làm tốt công tác này, nghiên cứu khoa học và quản lý sẽ hỗ trợ cho nhau để nâng cao hiệu quả của công việc.

- Với tư cách là một người thầy, một nhà khoa học thành công, giáo sư có thể cho một lời khuyên đối với những bạn trẻ đang chuẩn bị vào đời bằng con đường học tập, nhất là đối với những bạn trẻ đang có ý định dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học?

-  Thời tôi đi học, khó khăn nhiều lắm. Cuộc sống khó khăn, tài liệu, phương tiện học tập, nghiên cứu thiếu thốn trăm bề. Các bạn trẻ ngày nay có đủ các điều kiện để học tập, nhất là sự bùng nổ của internet đã giúp ích rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu. Vì vậy nếu các bạn trẻ ngày nay xác định được cho mình một hướng đi thì chắc chắn sẽ đạt được thành công nhanh chóng hơn thế hệ chúng tôi nhiều. Những gì tôi đạt được ngày hôm nay cũng còn rất khiêm tốn. Trong quá trình phấn đấu gian nan của mình tôi cũng nghiệm được ra rằng, thành công về khoa học chỉ đến với những người có lòng đam mê và có ý chí quyết tâm. Cũng trên kinh nghiệm mình có được, tôi cũng xin nhắn nhủ với các bạn trẻ chẳng may có điều kiện không thuận lợi trong học tập cũng không nên bi quan, mà nên hun đúc trong mình một ý chí phấn đấu vươn lên, luôn tin tưởng, hy vọng vào tương lai sẽ thoát cảnh nghèo khó. Một bạn trẻ có năng lực, có ý chí quyết tâm và có động cơ phấn đấu trong sáng luôn luôn có những cơ hội tốt để phát triển tài năng. Đảng ta luôn quan tâm chăm sóc và bồi dưỡng nhân tài, luôn dành cho các bạn trẻ những cơ hội tốt để phấn đấu lập thân. Những cơ hội đó không thiếu, chỉ sợ các bạn không tự khẳng định mình để cơ hội tuột khỏi tầm tay.

GS-TSKH Bùi Văn Ga còn nói nhiều về sự mong muốn được góp sức mình trong xây dựng và phát triển quê hương Bình Định - nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ông và đồng nghiệp của mình đã xây dựng đề án Quy hoạch môi trường Bình Định đến năm 2015, mở rộng liên kết đào tạo giữa các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng với Đại học Quy Nhơn, với Trường Công nhân Kỹ thuật Quy Nhơn, Trung tâm đào tạo thường xuyên Bình Định…; ông cũng đề xuât với lãnh đạo tỉnh các phương án tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trình độ cao cho Bình Định, lực lượng không thể thiếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tôi nhìn đồng hồ, đã 45 phút trôi qua. GS-TSKH Bùi Văn Ga rất bận và tôi hiểu không thể chiếm nhiều thời gian của ông. Trước lúc chào ông, tôi đánh liều hỏi: “Nếu không phiền, xin giáo sư vui lòng cho biết vì sao cái tên mộc mạc, dân dã Bùi Văn Gà thuở nào nay lại biến mất dấu huyền, để trở thành Bùi Văn Ga?”. Ông cười: “Tôi tên Bùi Văn Gà, Cha tôi đặt tên này do tôi sinh năm Dậu. Hồi học đại học, các thầy bảo tên Gà ngộ quá, thôi thì cứ gọi Ga cho tiện. Sang học nước ngoài, viết tên không dấu, chặp thành quen, thế là trở thành Bùi Văn Ga luôn từ đó đến nay.”

Nguồn: thanhnien.com.vn

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.