Giáo sư Penicillin
Cách đây hơn 60 năm, vị khách kỳ cục Đặng Văn Ngữ khiến một cán bộ sinh nghi khi làm khách ở Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) chờ ngày về nước theo kháng chiến. “Ông khách từ khi vào phòng, đóng cửa lục đục suốt buổi. Mời đi ăn trưa cũng không mở cửa, nói vọng ra là không ăn... Gõ cửa rất lâu cửa mới mở. Cả gian phòng toàn chai lọ, dụng cụ bày lung tung. Đồng chí nhận định thế nào, là ta hay là địch” - cán bộ ấy ngay lập tức báo cáo với đại diện Chính phủ ta tại Bangkok.
Ban Cán sự Trung ương hải ngoại sau đó điện hỏa tốc về Bộ Chính trị xin ý kiến. Chỉ sau 24 giờ, điện sang có câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc”. Suốt trên chặng đường, ông Ngữ chỉ nói đến một việc - trở về để sản xuất kháng sinh Penicillin.
Tới chiến khu, bác sĩ Ngữ phải chọn rất kỹ nơi lưu trữ chủng nấm chiết xuất ra kháng sinh Penicillin mang từ Nhật Bản về này. Thế nhưng, điều ông không mong muốn vẫn xảy ra. “Về đến nhà, mở gói nấm dùng để làm Penicillin ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa”, sau này ông Ngữ viết trong hồi ký.
“Những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi. Trước khi đi tôi đã chú ý để giống nấm vào phòng sạch sẽ nhất Việt Bắc, là phòng mổ của anh Tùng (GS Tôn Thất Tùng - NV), thế mà vẫn bị tạp nấm rơi vào. Có người đã bảo ở Việt Nam nhiều tạp nấm lắm, nên không nghiên cứu về nấm được. Ngay ở Viện Pasteur có đủ phương tiện như vậy, bọn Pháp cũng không đặt vấn đề nghiên cứu nấm được huống hồ là ở Việt Bắc”.
Sự cố nấm lẫn tạp chủng lừng lững như bức tường chặn công việc mà đích thân Bác Hồ giao cho ông - sản xuất nước lọc Penicillin để cứu chữa thương binh trong kháng chiến. Những ngày sau đó với ông Ngữ chỉ còn là đêm nghĩ về nấm, ngày loay hoay với nấm. “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được”, ông Ngữ nhớ lại.
Rồi trong một lần thức giấc vào 3 giờ sáng, điều kỳ diệu đã đến khi ông lấy nấm ra xem. Ông mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc. Như thế nghĩa là nấm chưa hoàn toàn mất. Một tuần theo dõi nấm mọc hàng giờ sau đó, ông đã có lại nấm tốt như cũ.
Sau đó ông đã tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rẻ tiền là nước thân ngô. Đúng hơn, nguyên liệu đó tìm đâu cũng thấy và hoàn toàn không mất tiền mua. Phương pháp nuôi để lấy nước lọc Penicillin được thực hành ở nhiều trạm, thậm chí có bác sĩ quân y tuyên bố đã dư dùng để chữa bệnh cho thương binh. “Những thành tích xán lạn của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn khởi anh em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái góp sức xây dựng một ngành mới của y học trong khi phục vụ tiền tuyến”, BS Hồ Đắc Di, Giám đốc Trường đại học Y bấy giờ, đánh giá.
Sau này, cháu nội của GS Đặng Văn Ngữ là BS Đặng Phương Lan đã có kỷ niệm thú vị liên quan đến nghiên cứu của ông mình khi theo học tại Đại học Y khoa Budapest (Hungary). Được thầy khen về một công trình nghiên cứu trong trường, chị vui vẻ nói với thầy hướng dẫn đại ý nghiên cứu này đâu có thấm thía gì so với ông nội chị - nhà bác học đầu tiên tìm ra giống nấm nhả Penicillin ở châu Á, chỉ sau Flemming ở châu Âu ít lâu. Vị giáo sư ngạc nhiên quá đỗi vì cho tới lúc ấy phần lớn người Hung chỉ biết Việt Nam có chiến tranh, đất nước kém phát triển chứ không có thêm khái niệm gì khác. “Từ lần đó, không biết có phải do nể ông nội tôi hay không, thầy hướng dẫn tôi rất nhiệt tình, bài luận án của tôi được giải nhất trong cuộc thi sinh viên”, chị Lan nhớ lại.
“Tôi không đi theo con đường nghiên cứu của ông nội nhưng cả gần chục năm học trên trường y giúp cho tôi trân trọng, tôn kính những người làm khoa học”, chị Lan viết. “Bên cạnh đó, tôi cũng biết được rằng trong xã hội hiện nay, không phải cứ ai học nhiều đều trở thành bác học cũng như nhiều người ít học mà vẫn sống ung dung. Chỉ có điều, con người ta cần đến kiến thức để phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả trong cuộc sống. Tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp của ông nội tôi sẽ giúp tất cả những ai muốn hiểu ra điều đó. Tôi rất hãnh diện vì ông nội của mình, một người ông chưa bao giờ được gặp mặt nhưng lại luôn ở trong trái tim tôi”.
GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967) sinh trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1930, ông đỗ cả tú tài bản xứ và tú tài Pháp, nhờ vậy có học bổng khi theo học tại Đại học Y Dược. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937. Năm 1943, ông được chọn đi nghiên cứu về y khoa tại Nhật Bản. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến. Ông đã tổ chức sản xuất được “Nước lọc Penicillin” nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông xây dựng ngành ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng. Ông hy sinh khi đang nghiên cứu sốt rét ở Trường Sơn. GS Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến, truy tặng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng. Năm 1996 ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. |