GIÁO SƯ NGUYỄN XIỂN: QUỐC GIA HỮU SỰ, SĨ PHU HỮU TRÁCH
Số phận của riêng tôi thì có thể nó đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước muôn vàn yêu thương”.
Nguyễn Xiển
Vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước
Cuối năm 1995, chuẩn bị bước sang tuổi 90, một người trí thức lớn của dân tộc, một chính khách trong Chính phủ Việt Nam, đã viết những dòng cuối cùng đày tâm huyết để gấp lại cuốn Hồi ký của mình như sau:
“... nhìn lại đời mình, tôi tự khẳng định và cũng đã được thừa nhận là một trí thức yêu ước, yêu dân chủ và tiến bộ. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi có một vai trò và vị trí nhất định về chính trị và chuyên môn từ sau Cách mạng tháng Tám. Nhưng xét cho kỹ, tôi chỉ là một trí thức tự do, sống theo cảm tính, bản năng tự nhiên hơn là bằng lý luận, hoạt động chủ yếu theo con tim và tâm trí của mình nên cũng chưa đi chuyên sâu cả về chính trị và khoa học, ngay về chuyên môn cũng là một nhà hoạt động thực tiễn hơn là một nhà nghiên cứu. Do vậy sự cống hiến còn hạn chế.
Được cái là bản năng hướng thiện, tương đối có suy nghĩ độc lập và một số kinh nghiệm sống, nên đã đi theo con đường đúng, con đường lớn của Cách mạng, mà không đến nỗi quá giáo điều, rơi vào tin tưởng mù quáng. Dù có lúc cũng muốn chống lại một số hiện tượng ấu trĩ, dốt nát hoặc không thích bị điều khiển, áp đặt trong công việc được giao phó nhưng thực tế chưa thể hiện được mình bao nhiêu.
Lời tự đánh giá này là thành thực, còn xác đáng đến đâu xin nhường quyền phán xét cho phía khách quan. Tôi không thể viết trái lại tính cách cá nhân của mình. Và tôi dừng bút khép lại tập hồi ký này với sự thanh thản trong lòng; sức mình, điều kiện của mình đến đâu, mình đã làm tới đó. Nếu còn có âu lo thì đó là sự âu lo cho tương lai của đất nước, liệu có tìm được con đường ngắn nhất, tranh thủ được khả năng tốt nhất vươn lên trong một thế giới đầy biến động, bất trắc, phức tạp như thế giới ngày nay?
Số phận của riêng tôi thì có thể nó đã an bài, vấn đề là số phận của nhân dân, của đất nước muôn vàn yêu thương”. (*)
Đó là Giáo sư Nguyễn Xiển!
Ông sinh ngày 27 tháng 7 năm 1907 tại thành phố Vinh trong một gia đình Nho học lâu đời.
Dòng họ Nguyễn ở làng Trung Mỹ, xã Yên Trường, nay là phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, là một dòng họ lớn, nhiều người đỗ đạt. Ông nội của Giáo sư Nguyễn Xiển là cụ Nguyễn Văn đỗ Cử nhân triều vua Tự Đức, làm quan đến chức Án sát tỉnh Khánh Hòa. Cha của Giáo sư Nguyễn Xiển là cụ Nguyễn Cự Điển, đỗ Cử nhân năm Thành Thái thứ 15 (1903), làm Tri huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) rồi cáo quan về sống cuộc đời thanh bạch.
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, cụ cử Nguyễn Văn đã từ chức Án sát Khánh Hoà, về làng dạy học. Trông thấy cháu nội mặt mày lem luốc bò trên sân đất, cụ gọi yêu là “thằng đốt than”, nhưng khi đặt tên tự cho cháu thì cụ lại dùng một chữ Hán có nghĩa là sáng sủa: Nguyễn Xiển.
Thuở nhỏ, Nguyễn Xiển học Tiểu học, Trung học ở Vinh. Hồi còn học ở trường Quốc học Vinh (Nghệ An) ông đã là học sinh xuất sắc, đậu bằng Thành chung rồi ra Hà Nội họctrường Bưởi .
Năm 1926 , do tham gia cuộc bãi khoá để tang Phan Chu Trinh cho nên ông đã bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ, nhưng ông cùng một số bạn bãi khoá quyết chí tự học, đỗ đầu tú tài Tây ở Hà Nội và năm 1928, Nguyễn Xiển cùng Nguyễn Văn Định, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Tỷ đoạt học bổng Hội Như Tây du học Trung Kỳ do Thượng thư bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, một người công giáo đạo gốc, đứng ra quyên góp tiền của quan lại, hào lý xứ Trung Kỳ làm quỹ cấp học bổng cho thanh niên miền Trung được tuyển sang Pháp học ở Trường Đại học Toulouse (Pháp). Cần phải nói thêm, trừ Hoàng Xuân Hãn là học sinh trường Trung học Albert Sarraut đã được học bổng của Chính phủ Đông Dương, ba người còn lại là học sinh bãi khoá cũ của trường Bưởi. Nhờ sự can thiệp của Tổng đốc Nghệ An Phạm Liệu và Án sát Nguyễn Khắc Niêm, hai nhà đại khoa vốn quý các học trò giỏi, đã trực tiếp kêu nài Công sứ Marty (sau này làm Chánh mật thám Đông Dương) để ba người học trò bãi khoá này cũng được hưởng học bổng. Cuối cùng Marty cũng phải chấp nhận.
Ngày bốn người học trò giỏi xứ Nghệ lên đường, hai vị quan đầu tỉnh Phạm Liệu và Nguyễn Khắc Niêm đã tặng cho họ câu đối viết trên giấy hồng điều để khuyến khích những người học trò giỏi ra sức học tập. Nguyên văn theo âm Hán Việt là:
“Hồng Lam chung dục tự cổ đa tài, diễm đạo tân khoa quy cựu phiệt
Âu Á văn minh chí kim đồng hoá, tương giao xích xí dẫn thanh niên”.
Dịch nghĩa: Hồng Lam muôn thuở đúc anh tài, đường đẹp nền xưa treo bảng mới.
Âu Á văn minh mùa hợp quý, khiến gương cờ đỏ dẫn đầu xanh.
Đỉnh cao của khoa học Việt Nam
Sau bốn năm đi học ở Pháp về, với tấm bằng cử nhân khoa học của Pháp, Nguyễn Xiển không nhận ra làm quan ở Huế mà ra Hà Nội dạy học, bắt đầu ở trường Thăng Long là trường tư thục do người Pháp lập ra, ngày nay được coi là kế tục truyền thống Đông Kinh nghĩa thục.
Năm 1935 ông vào dạy toán ở ban tú tài trường Bưởi. Cùng dạy với ông là những nhà trí thức hàng đầu thời đó cả Hán học lẫn Tây học. Hán học có cụ Bùi Kỷ, cụ Dương Quảng Hàm. Tây học có Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Ngụy Như Kontum... Năm 1937, do trực tiếp tố cáo chế độ thuộc địa trả lương rẻ mạt các giáo sư người bản xứ với Brachet lúc đó là Tổng Thanh tra học chính Đông Dương, ông được chuyển sang làm kỹ sư khí tượng. Lúc đó Đông Dương đang cần tuyển người Việt Nam có trình độ đại học để thay thế những kỹ sư Pháp về nước làm nghĩa vụ quân sự. Nguyễn Xiển là người Việt Nam đầu tiên được tuyển vào ngạch khí tượng Đông Dương với lương gấp ba giáo sư cử nhân ngạch bản xứ. Bốn năm sau, ông được cử làm trưởng đài thiên văn Đông Dương ở Phủ Liễn (Kiến An – Hải Phòng) – đài thiên văn hiện đại nhất Đông Nam Á lúc đó.
Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách, ngày 22 tháng Tám, bốn nhà trí thức Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường đã cùng nhau đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập Chính phủ.
Sau khi Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Giáo sư Nguyễn Xiển được chính quyền mới mời ra nhận công tác. Cụ Nguyễn Văn Tố - một nhà trí thức lớn có uy tín từng làm Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ - nay làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế, khuyên ông nên nhận một bộ trong Chính phủ.
Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Anh Giáp gặp ông đã nói ngay, đại ý: Chúng tôi biết anh là một trí thức tự do (um intelleetuel libéral) có lòng yêu nước, nay nước nhà đã giành được độc lập, chúng tôi muốn mời anh tham gia Chính phủ; anh đã học Cao đẳng Công chính, xin anh nhận Bộ Giao thông – Công chính trong Chính phủ lâm thời.
Giáo sư Nguyễn Xiển từ chối không nhận chức Bộ trưởng mà ông tiến cử Kỹ sư Đào Trọng Kim – một nhà trí thức có uy tín và có trình độ chuyên môn cao làm Bộ trưởng Bộ Giao thông – Công chính.
Hôm sau, Giáo sư Nguyễn Xiển được mời lên gặp Hồ Chủ tịch. Mãi tới lúc bấy giờ ông mới biết Hồ Chủ tịch đích thực là cụ Nguyễn Ái Quốc – nhân vật huyền thoại mà trước kia trong quê ông chỉ nghe tiếng tăm đồn đại. Chưa bao giờ được nhìn thấy ảnh Nguyễn Ái Quốc cho dù hồi học ở trường Bưởi ông đã đọc sách báo của Nguyễn Ái Quốc bằng tiếng Pháp được chuyền tay nhau bí mật trong ký túc xá. Ông kể: Lần đầu tiên gặp Bác - Nguyễn Ái Quốc – nay là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nói rất ngắn gọn, đại ý là:
- Lúc này đã là trí thức yêu nước thì phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, tôi không nhận làm Bộ trưởng thì phải nhận Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ.
- Tôi thưa tôi không có kinh nghiệm.
Bác nói tôi đã làm công chức cao cấp trong bộ máy chuyên môn của Pháp nên có kinh nghiệm nhiều hơn anh em cách mạng. Vả lại tôi không làm việc một mình, sẽ có một số cán bộ chính trị và chuyên môn giúp đỡ.
Trước những lý lẽ giản dị và sáng suốt ấy, trước thái độ tin cậy ấy, tôi không còn lý do gì để từ chối nữa.
Hôm sau, ngày 28 tháng Tám 1945, Chính phủ ký quyết định thành lập Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ do Nguyễn Xiển là Chủ tịch, phụ trách chung. Ngày sau nữa, Chính phủ ký nghị định cử ông kiêm nhiệm Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam với một trong những nhiệm vụ đột xuất là chỉ đạo, tổ chức hàn đê, chống lụt lớn năm Ất Dậu trên 13 tỉnh ở miền Bắc để dân kịp sản xuất, chống đói trong điều kiện Cách mạng vừa thành công, thù trong giặc ngoài, ngân khố kiệt quệ.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhớ về người thầy của mình đã viết: “Đức tính hàng đầu của tầng lớp này là sự trung thực, “tri chi vi tri chi”, không nói thì thôi, đã nói là nói thẳng, nói thật. Tính cách nổi bật của họ là lòng tự trọng, đôi khi đến mức chấp nê. Nhược điểm của họ là dễ định kiến, khó thay đổi quyết định hay lựa chọn, kể cả khi nhầm lẫn. Đối với người khác thì không “thính kỳ ngôn nhi tín kỳ hành” (nghe họi nói mà tin điều họ làm) mà là “thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành” (nghe họ nói mà xem việc họ làm). Chọn bạn rất kỹ, đối với người tri kỷ thì rất mực thủy chung”.
Thủy chung, Giáo sư Nguyễn Xiển đi theo Cách mạng, lần lượt ông đã trải qua các chức vụ: Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, Bộ trưởng Bộ Cứu tế (nay là Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam từ năm 1956 đến khi Đảng Xã hội hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và tuyên bố tự giải tán vào năm 1988...
Thủy chung đi theo cách mạng nhưng người trí thức thế hệ ông vẫn không tránh được những sự cản trở trong việc đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. PGS.TS Nguyễn Toán – con trai trưởng của Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại, chính là những biểu hiện thành kiến hẹp hòi, suy chụp thô bạo, cơ hội “tả khuynh” của một số cán bộ làm trái với tư tưởng yêu nước trọng dân, đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ.
Vượt qua tất cả hiểu lầm, định kiến của một thời, trong Hồi ký của mình, Giáo sư Nguyễn Xiển thanh thản: “Tóm lại, thế hệ trí thức cũ nước ta đã tham gia cách mạng đông đảo và trưởng thành cùng với cách mạng, đã đi với nhân dân và lớn lên cùng với nhân dân, từ Cánh mạng tháng Tám đến nay đã đóng góp vẻ vang vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc và của giai cấp công nhân. Ngày nay phần lớn đã cao tuổi, đến tuổi được nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn có ảnh hưởng tích cực đến các thế hệ trí thức trẻ do họ góp phần đào tạo. Được như vậy là do những điều kiện lịch sử của đất nước, của thời đại tác động, tạo ra những nhân tố khách quan và chủ quan quyết định”.
Sĩ phu Nguyễn Xiển
Trong một lần gặp gỡ và trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Toán, tôi hỏi ông – một câu hỏi “xưa như trái đất” mà mọi phóng viên vẫn hay sử dụng khi tiếp xúc với con cái các gia đình trí thức lớn: “Bác đã chịu ảnh hưởng từ người cha của mình – cố Giáo sư Nguyễn Xiển – như thế nào?”.
PGS.TS Nguyễn Toán không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, ông kể cho tôi nghe một số câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất, khi thấy con trai theo nghề Thể dục Thể thao, Giáo sư Nguyễn Xiển lại động viên: Làm nghề gì cũng được nhưng phải dấn thân, trung thực, có chí tiến thủ, chuyên môn để có lợi cho xã hội. Cũng như trong khoa học, ông khuyến khích đi tìm những vùng đất mới, con đường mới , không theo đường mòn, mặc dù tạm thời lúc đầu nào đó có thể chưa được coi trọng, thậm chí bị coi thường, thiệt thòi.
Trước khi vào câu chuyện thứ hai, PGS.TS Nguyễn Toán cho tôi xem tấm ảnh lịch sử: Giáo sư Nguyễn Xiển – Phó Chủ tịch Quốc hội ngồi chủ tọa điều khiển phiên họp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ năm 1957 sau sai lầm Cải cách Ruộng đất. Sau này, có người dù kính yêu Giáo sư Nguyễn Xiển, nhưng vẫn có ý trách ông khi ngồi chủ tọa phiên họp này.
Cha tôi tâm sự: Ông thực sự kính, thương, tin Bác Hồ cả đời hy sinh vì dân vì nước, chân thành nhận khuyết điểm về cải cách ruộng đất trước nhân dân để sửa chữa. Hơn nữa, ông thấy lúc đó chỉ có lực lượng cách mạng của Cụ Hồ (mà chưa thấy có lực lượng nào khác có thể thay thế) tuy cũng có lúc mắc sai lầm nghiêm trọng nhưng đã và đang đứng mũi chịu sào, đi đầu và làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh phức tạp, trường kỳ gian khổ và anh dũng của dân tộc để chống ngoại xâm, giải phóng và thống nhất đất nước, kể cả với nông dân. Bởi vậy gia tộc ông tuy bị oan hại nặng nề trong Cải cách Ruộng đất nhưng ông vẫn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết mà tiếp tục ủng hộ Chính phủ hoạt động, sửa sai!
Tháng 4 năm 1994, viết thư gửi một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông chân thành nói lên những suy nghĩ của mình:
“Chúng ta đặt ra 3 mục tiêu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Trong các giấy tờ, sau tên nước, chúng ta vẫn viết ba cụm từ này. Nghĩa là ba cụm từ đó là ba mục tiêu mà chúng ta quyết giành cho được. Chúng ta đã đạt được mục tiêu thứ nhất, nhờ có Đảng với chủ trương lập mặt trận Việt Minh.
Tôi còn nhớ lại, trong thời thực dân Pháp, nhân dân ta, những người trí thức Việt Nam, luôn luôn nêu khẩu hiệu đòi trước hết là tự do: Tự do báo chí, tự do lập nghiệp đoàn… Khẩu hiệu Độc lập chưa được nêu lên công khai, nhưng khẩu hiệu đấu tranh trước hết là tự do. Sau khởi nghĩa tháng Tám thành công, trong nước Việt Nam độc lập dưới chế độ Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã cho ban hành ngay các quyền tự do.
Rồi do chiến tranh, những quyền tự do bị hạn chế lại và nhân dân ta sẵn sàng tiếp nhận những sự hạn chế cần thiết đó. Cũng đồng thời khi đó, Đảng nêu triển vọng nước nhà sẽ đi vào con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân càng tin tưởng, vì “Chủ nghĩa xã hội là dân chủ gấp triệu lần chủ nghĩa tư bản”.
Thế nhưng sau thắng lợi, xem ra tự do lại càng bị thắt chặt hơn những năm đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chủ trương đổi mới, mọi người mới thấy có sự nới lỏng một phần về mặt kinh tế. Rồi Hiến pháp 1992 được thông qua. Hiến pháp ghi những quyền tự do kinh tế, và những quyền này đi vào thực hiện: quyền tư hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh… Về mặt chính trị, đã được ghi nguyên tắc pháp lý “suy diễn vô tội”: không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Và điều đáng mừng là nguyên tắc nói trên đã được thực hiện là không còn có những vụ bắt bớ, giam cầm do có lệnh của một đồng chí lãnh đạo Đảng nào đó. Cũng đã có sự phục hồi quyền lợi vật chất cho một vài người nạn nhân, trên cả bình diện vật chất lẫn tinh thần, và làm một cách công khai. Ai nấy đều biết Bác Hồ đã công khai nhận khuyết điểm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, và uy tín của Bác Hồ chỉ có tăng thêm.
Nay nói tới những tự do dân chủ khác để thể hiện điều được ghi trong Hiến pháp là bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Ở đây theo tôi có 3 quyền quan trọng nhất là: quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền tự do báo chí – ngôn luận và quyền tự do lập hội. Đọc Hiến pháp 1992, thì nhân dân được hưởng cả 3 thứ quyền đó. Nhưng thực tế thì sao? […]”.
Để khép lại bài viết này, tôi xin dẫn lại một câu của nhà báo Phan Hoàng đã viết: “Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp phong phú của Giáo sư Nguyễn Xiển , một con người kết tinh từ hai nền văn hóa Đông – Tây, là hình ảnh tiêu biểu của một bậc sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại ở thế kỷ XX”./.
Hà Nội, ngày 15-9-2013
(*): Các đoạn trích trong bài này là theo sách Giáo sư Nguyễn Xiển – Cuộc đời và sự nghiệp – Nxb Hội Nhà văn, Hn 2007.