Giáo sư Nguyễn Xiển - Một trí thức tiêu biểu
Nguyễn Xiển tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1926, bị đuổi học, không được thi tú tài bản xứ, ông tự học để làm thí sinh tự do thi “tú tài Tây” với con Tây ở trường An-be Xa-rô và ông đã đậu thủ khoa.
Năm 1927, Nguyễn Xiển được du học ở Pháp nhờ vào học bổng của Hội Như Tây du học (Như có nghĩa là ở) - một tổ chức do các quan lại lập ra nhằm đào tạo người tiếp tục quan trường.
Sang Pháp, không đủ tiền học ở Pa-ri, Nguyễn Xiển phải về học cơ điện ở Tu-lu-dơ. Lúc bấy giờ, ông đã viết một bài báo tiếng Việt về học thuyết Tay-lo do Lê-nin nêu. Bài báo gửi về nước, được cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng ngay trên báo “Tiếng dân”. Năm 1930, Nguyễn Xiển vào Học viện Thủy điện, và chỉ một năm sau đậu ba bằng cử nhân về phép toán vi phân và tích phân, toán đại cương và cơ học thuần lý, sau đó thêm bằng cử nhân (hạng tối ưu) về vật lý. Ông Den-tơi Rô-be, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tu-lu-dơ, coi kết quả học tập của ông là hiếm có. Sau đó, Nguyễn Xiển lên Pa-ri học ở Xoóc-bon sáu tháng, tại trung tâm toán học số một của nước Pháp, để làm luận án về xác suất. Năm 1932, Nguyễn Xiển phải về nước vì sự cố xảy đến với người thân ở quê nhà. Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, anh trai ông bị bắt được trả lại tự do ít lâu thì bị bệnh não rồi chết, cha ông cũng bị ốm nặng.
Về nước, ông không nhận làm quan ở Huế mà ra Hà Nội dạy học tư, bắt đầu là các trường Gia Long, Thăng Long, Hồng Bàng. Năm 1935, Nguyễn Xiển được tuyển vào dạy ban tú tài bản xứ trường Bưởi. Năm 1936, ông được giới thiệu sang đài thiên văn Phủ Liễn, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng).
Năm 1941, Nguyễn Xiển thay người Pháp giữ cương vị giám đốc đài thiên văn Phủ Liễn lớn nhất Đông Nam Á. Và ngay sau đó, ông nhận huấn luyện về quan sát khí tượng cho 5 kỹ sư nông học, trong đó có các ông: Cù Huy Cận, Đào Thiện Thi, Hoàng Văn Đức...
Trong hai năm 1940-1941, Nguyễn Xiển còn làm Hội trưởng truyền bá quốc ngữ tỉnh Kiến An. Cùng với một số nhà trí thức có tiếng thời ấy như Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thụ, ông sáng lập ra báo “Khoa học”, một tờ báo phổ biến khoa học bằng tiếng Việt. Báo ra số đầu ngày 1-1-1942, đã được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ Bắc chí Nam.
Trong không khí sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945, ngày 21-8-1945, tại khu Việt Nam học xá (Hà Nội) Nguyễn Xiển đã cùng ba nhà trí thức là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường ký bức điện gửi vào Huế kêu gọi vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho cách mạng.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước, Hồ Chủ tịch trao cho Nguyễn Xiển phụ trách Bộ Giao thông công chính. Nguyễn Xiển từ chối và tiến cử các kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông.
Ngày 30-8-1945, Hồ Chủ tịch cử ông làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng Bắc bộ kiêm Giám đốc đầu tiên Nha khí tượng Việt Nam. Nguyễn Xiển đã cùng các cộng sự góp phần to lớn trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử năm ất Dậu (1945), tổ chức có hiệu quả việc hàn đê vỡ, chống lụt ở 12 tỉnh Bắc Bộ, kịp thời giúp dân sản xuất vụ mùa mới. Do những thành tích xuất sắc đó, ông đã nhận được tấm bằng khen đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Huỳnh Thúc Kháng ký.
Năm 1946, theo lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Xiển cùng một số trí thức đứng ra thành lập Đảng Xã hội Việt Nam - một thành viên trong Mặt trận Việt Minh - thu hút các trí thức, văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến. Ông trở thành Tổng thư ký và giữ cương vị đó trên 40 năm cho đến ngày đảng này hoàn thành sứ mệnh lịch sử và tự giải thể.
Năm 1947, trong hoàn cảnh thiếu thốn về tư liệu và phương tiện, giáo sư Nguyễn Xiển vẫn hoàn thành việc soạn thảo hai giáo trình “Toán học đạicương” và “Cơ học thuần lý”. Đây là hai giáo trình bậc đại học đầu tiên bằng tiếng Việt ở nước ta.
Từ năm 1951 đến 1954, giáo sư Nguyễn Xiển tham gia giảng dạy tại hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp, hai trường đại học đầu tiênđược thành lập sau Cách mạng Tháng tám 1945. Từ hai mái trường này, nhiều người đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, những chuyên gia đầu ngành về khoa học và kỹ thuật.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, trở về thủ đô Hà Nội, ông được giao nhiệm vụ xây dựng lại ngành khí tượng.
Giáo sư Nguyễn Xiển đã nghiên cứu việc cải cách lịch, viết tài liệu “Vì sao nên dùng dương lịch”, chủ biên các cuốn sách “Đặc điểm khí hậumiền Bắc Việt Nam” (1962) và “Nhà bác học Ba Lan vĩ đại Nicolas Copernic” (1972). Giáo sư cũng là tác giả của nhiều bài báo về chính trị, xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Năm 1959, giáo sưNguyễn Xiển cùng với một số nhà trí thức có tâm huyết tổ chức ra Ban vận động thành lập Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam do ông làm trưởng ban.
Tháng 5-1963, Đại hội lần thứ nhất của Hội đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Bác Hồ đã đến dự và nói chuyện với Đại hội. Giáo sư NguyễnXiển được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội. Tờ báo của Hội là tờ “Khoa học thường thức” (nay là báo Khoa học và Đời sống) do ông làm chủ nhiệm đã có thời là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhấttrong cả nước.
Giáo sư Nguyễn Xiển là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, trong đó từ khóa I đến khóa VIII, ông được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch.Nhiều phiên họp Quốc hội, ông được giao điều khiển, trong đó có phiên họp đặc biệt bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ (1957) sau sai lầm cải cách ruộng đất, đã thể hiện rất rõ tài năng và bản lĩnh của ông,tất cả vì lợi ích quốc gia.
Giáo sư Nguyễn Xiển còn được bầu làm phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô và tham gia nhiều tổ chức xã hội khác.
Giáo sư Nguyễn Xiển là hình mẫu của một nhà trí thức được “Đảng tin, dân mến, bạn bè nể trọng”.
Với những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực, sinh thời giáo sư Nguyễn Xiển đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý,trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xiển
* Báo Nhân Dân số ra ngày 27-8-1993. Còn theo báo Công an TP Hồ Chí Minh số 1173, ngày 2-9-2003, thì Nguyễn Xiển sinh ngày 27-7-1907
Nguồn: Thế giới trong ta số 214