Giáo sư Nguyễn Văn Trương - Con người và sự nghiệp
Ông là người vừa có tâm, vừa có tài, và có thể nói, đã khá thành đạt trong sự nghiệp.
Trong đời ông có ba lần "Đạt"
Lần Đạt thứ nhất, đó là thời còn trẻ đi học, con nhà nho nghèo xứ Nghệ, chí lại cứng cỏi không chịu khuất thân nên có khi làm mất lòng người có quyền chức, tuy vậy Nguyễn Văn Trương vẫn nức danh học giỏi: Từng đỗ thứ nhì Tú tài toán trường Quốc học Huế, sau lại đỗ thủ khoa Đại học Nông Lâm toàn Đông Dương.
Lần Đạt thứ hai là công trình nghiên cứu về "Cấu trúc 3 chiều rừng gỗ hỗn loại miền Bắc Việt Nam" mà ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận văn Tiến sĩ Khoa học tại Cộng hoà Dân chủ Đức vào cuối những năm 1970, nhằm "cân đong, đo đếm" trữ lượng gỗ cây rừng nhiệt đới.
Lần Đạt thứ ba đến với ông khi ở tuổi ngoại thất tuần, tuy có muộn mằn nhưng đầy hương sắc như hoa cúc vàng nở rộ vào tiết thu, đó là sự nghiệp 15 năm tạo lập và phát triển Viện Kinh tế sinh thái - viện nghiên cứu dân lập đầu tiên ở nước ta, nay trực thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và công trình xây dựng làng sinh thái trên ba hệ sinh thái kém bền vững ở Việt Nam. Từ 1993 tới nay Viện xây dựng được 12 làng sinh thái tại các vùng đồi núi trọc trơ sỏi đá, vùng bãi cát, cồn cát khô hạn ven biển và vùng đồng bằng úng ngập nước.
Với tầm nhìn sâu rộng và cách làm cụ thể, Dự án nhằm giải quyết vấn đề cân bằng sinh thái trong phát triển bền vững. GS Trương viết: "Ở các nước đang phát triển như nước ta, sự nghèo đói của người dân nông thôn là gốc rễ của nạn suy thoái môi trường. Cộng đồng quốc tế đã khuyến cáo: Nếu chỉ gia tăng kinh tế mà không bảo đảm giữ gìn cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững thì không được coi là phát triển".
Từ phương châm đó, Viện đã tập hợp và khai thác trí tuệ của một tập thể các nhà khoa học, chuyên gia đa ngành cùng xây dựng các mô hình làng sinh thái khác nhau nhằm tạo lập một hế thống các giải pháp kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - xã hội thích hợp với từng vùng sinh thái.
Đối với Làng sinh thái Ba Vì trên đồi núi gần như trơ trọc của người Dao vốn quen sống du canh du cư ở cận kề Vườn quốc gia Ba Vì, nội dung kỹ thuật là sự vận dụng sáng tạo kiến thức làm ruộng bậc thang, tạo vành đai đồng mức, có cải tiến để đỡ tốn công và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn: Bờ đất được thay bằng các bờ cây, vừa ngăn đất, giữ nước vừa cho thêm sản phẩm; các nương bậc thang chỉ làm ở nửa đồi phía dưới, nửa đồi trên trồng cây gỗ, củi, cây ăn quả có nguồn gốc bản địa như dọc, trám, tai chua, bồ kết... Đó là sự vận dụng đa dạng sinh học để giữ nước, chống xói mòn.
Trên vùng cát ven biển miền Trung, tại Làng sinh thái Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, biện pháp kỹ thuật là đào mương, vợt đất làm liếp trồng cây phi lao và các loại keo. Sau 1 năm cây đã lên cao, tỏa bóng và rụng lá tạo mùn cho đất; dưới đó trồng khoai lang, sắn. Đặc biệt, tại vùng đất cát này, có mạch nước ngầm phân bố nông, nên bà con có thể làm ao nhỏ trữ nước trồng ngô, đậu, kê, lạc, vừng...
Tại Làng sinh thái Hải Thuỷ, huyện Lệ thuỷ, tỉnh Quảng Bình các chuyên gia hướng dẫn bà con đào ao trữ nước nuôi cá, san cát làm vườn, dùng nước suối và gió biển chạy máy điện.
Tại các làng sinh thái thuộc vùng đồng bằng úng ngập chịu ảnh hưởng thuỷ triều, "chiêm khê, mùa thối" như làng Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; làng Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, các chuyên gia đã giúp bà con chuyển 1/4 diện tích để đào ao đắp lên thành liếp lấy đất làm vườn, còn lại một nửa diện tích để trồng lúa ...
Nhà văn Xuân Cang về thăm nơi đây từng viết: “Tôi đã nghe tiếng chim hót trên các vòm cây keo, cây phi lao chắn cát... Đã thấy ụ sắn dây xanh mướt trên vườn và đàn cá quẫy trong các ao làng sinh thái. Đã ngắm đàn cò bay rợp một vùng đầm nước lợ thuộc xã Xuân Lâm, nơi bỏ hoang hoá nhiều năm, nay được trồng tái sinh những hàng cây đước, cây mắm, khiến cho con tôm có nơi trú ngụ và màu xanh đã rủ rê cò trắng tìm về”. Nhà văn cảm thấy: "Tiếng chim hót và đàn cò trắng ấy là tiếng nói của sự sống tìm về nơi đất chết"... và nói như ông Bu-lơ, nhà sinh thái học người Canada, thì đó quả là lời xin lỗi của con người với thiên nhiên, và thiên nhiên đã khoan dung, tha thứ!
GS Viện trưởng Nguyễn Văn Trương cho biết, khái niệm làng sinh thái nghe đã quen tai nhưng có một nội hàm khá sâu sắc và mới mẻ. Trước hết, đó là một không gian có sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người trong những điều kiện cụ thể tạo môi trường sống cho con người phát triển. Đó còn là một không gian của văn hóa làng Việt Nam, chính cái không gian xã hội này là mục tiêu gắn chặt xoắn xuýt với sự hình thành hệ cân bằng sinh thái. Làng sinh thái chính vì vậy vừa là truyền thống vừa là hiện đại, nó đem lại sự đổi mới cho xã hội nông thôn Việt Nam. Với ý tưởng này, dự án phát triển làng sinh thái của GS Nguyễn Văn Trương có sự tương đồng với dự án xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa do GS Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng chủ trì.
Cảnh quan tươi tốt ở Phú Điền ngày nay |
Người dân thường bảo GS Nguyễn Văn Trương tuy đã về hưu nhưng rất giàu, ông giàu về trí tuệ và tâm hồn, giàu nhất là có thể huy động chất xám của các nhà khoa học như mình và những quỹ tài trợ quốc tế như của Tổ Chức công giáo chống nghèo đói vì sự nghiệp phát triển (CCFD) để giúp cuộc sống đồng bào ngày một khấm khá, cảnh quan môi trường đất nước ngày một tươi đẹp hơn.
SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN Tác giả: GS.TSKH Nguyễn Văn Trương
3. Phương pháp thống kê cây đứng rừng gỗ hỗn loại miền Bắc Việt Nam - NXB Nông nghiệp - 1973 4. Ứng dụng toán học nghiên cứu cấu trúc rừng thứ sinh miền Bắc Việt Nam - NXB Nông nghiệp - 1976 5. Cấu trúc 3 chiều rừng gỗ hỗn loại miền Bắc Việt Nam - Hà Nội - 1978 6. Thâm canh rừng trồng - NXB Nông nghiệp - 1987 7. Thâm canh rừng tự nhiên - NXB Nông nghiệp - 1987 8. Rừng trong tầm nhìn của thời đại - NXB Khoa học kỹ thuật - 1987 9. An approach to the ecological economy in Vietnam - Hà Nội - 1992 11. Vấn đề Kinh tế sinh thái Việt Nam NXB Nông nghiệp - 1994 12. Tài nguyên rừng Việt Nam - NXB Nông nghiệp - 1994 13. Nông nghiệp sạch (Nông nghiệp sinh thái) - NXB Nông nghiệp 1994 14. Lâm nghiệp và môi trường ở Việt Nam - Hà Nội - 1996 15. Forestry and the Environment in Vietnam - Hà Nội - 1996 16. Le village écologique des Dzao à Ba Vi - Hà Nội - 1999 17. Rừng - lợi ích văn hoá, kinh tế, môi trường - Hà Nội - 2000 18. Làng sinh thái Phú Điền - Le village écologique de Phu Dien (song ngữ Pháp-Việt) - Hà Nội -2001 19. Hải Thuỷ, mô hình làng sinh thái trên vùng cát - Hải Thuỷ, A model of eco-village in the sandy land (Song ngữ Anh-Việt) - Hà Nội - 2001 20. Suy nghĩ và hành động Bảo vệ và Phát triển rừng - Hà Nội - 2004 21. Xây dựng làng sinh thái trên ba hệ sinh thái kém bền vững ở Việt Nam do CCFD tài trợ - Hà Nội - 2004 |