Giáo sư Nguyễn Văn Đạo - Nhà khoa học tài năng và đức độ
Nguyễn Văn Đạo là một tấm gương tiêu biểu của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới mái trường Cách mạng. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Đạo đều được học qua các trường trong vùng tự do tại vùng trung du Phú Thọ. Tháng 10/1954, khi giải phóng Thủ đô, anh được vào Đại học khoá đầu tiên. Năm 1957 tốt nghiệp trường Đại học sư phạm loại giỏi, Nguyễn Văn Đạo được cử sang trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dạy môn Cơ học lý thuyết. Đây cũng là thời gian anh tự học theo chương trình của trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, Mat-xcơ - va. Đọc hiểu tiếng Nga, đạt trình độ cơ bản về toán, Nguyễn Văn Đạo thích thú nghiên cứu một số vấn đề về Cơ học lý thuyết, nhưng không tìm đâu ra người hướng dẫn. Anh mạnh dạn gửi thư hỏi ý kiến một vài nhà cơ học Liên Xô. Năm 1960, Nguyễn Văn Đạo đề xướng với các đồng nghiệp trong khoa một hướng nghiên cứu mới: Dao động phi tuyến của các hệ động lực .
Kết qủa của quá trình nghiên cứu thật xuất sắc: Năm 28 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cơ học tại Đại học Tổng hợp Lô - mô - nô - xốp. Trở về nước năm 1965, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Đạo theo trường Đại học Bách khoa vượt qua Na Sầm, Thất Khê, sơ tán lên một bản vắng của đồng bào Tày ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Giữa rừng sâu Việt Bắc, Nguyễn Văn Đạo thường xuyên làm việc 14 giờ mỗi ngày. Đầu năm 1967, anh nhận được một bức thư từ Liên Xô gửi tới. Trong thư, Viện sĩ V.O.Cô-nô-nhi-en-cô viết: “Tôi rất vui mừng khi được biết, mặc dù chiến tranh ác liệt, bạn vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Đề tài bạn chọn thật là hay về lý thuyết và thiết thực về ứng dụng…”.
Năm 1976, sang Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp, Nguyễn Văn Đạo mang theo một bản luận án tiến sĩ khoa học hoàn chỉnh, dầy 500 trang, được nghiền ngẫm kỹ càng trong những tháng năm sống giữa núi rừng Việt Bắc. Các giáo sư bạn hết sức ngạc nhiên, chỉ 3 tháng sau, Nguyễn Văn Đạo đã bảo vệ thành công luận án. Trở về nước vào dịp tết Đinh Tỵ, gia đình anh được đồng chí Trường – Chinh đến thăm trong một gian nhà cấp bốn bên dòng sông Tô Lịch.
Qua kết quả của quá trình nghiên cứu sáng tạo, Nguyễn Văn Đạo đã viết 114 bài báo khoa học (43 bài công bố trên các tạp chí Quốc tế) và 8 cuốn sách chuyên khảo. Cuốn sách viết bằng tiếng Anh – “Phương pháp tiệm cận ứng dụng trong dao động phi tuyến” của Yu.A.Mi-trô-pôn-xki và Nguyễn Văn Đạo đã mang lại cho 2 tác giả Giải thưởng Nhà nước U-crai-na.
Năm 2000, Nguyễn Văn Đạo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Anh là nhà khoa học Việt Nam được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc (1988), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ Ba (1999), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia U- crai-na (2000), và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu (2002).
Sáng lập ra ngành nghiên cứu dao động phi tuyến của các hệ động lực ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Đạo là người không những có tài năng vượt trội, mà còn có đức độ khiêm nhường và nhân cách thanh cao. Anh đã thể hiện khả năng tập hợp rộng rãi, đoàn kết tất cả các lực lượng nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy cơ học ở nước ta, nhiều khoá liền anh được bầu làm chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; Đại diện của Việt Nam trong Hiệp hội Cơ học Quốc tế. Giáo sư Nguyễn Văn Đạo nhiều năm là Tổng biên tập Tạp chí Cơ học của Việt Nam, Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Quốc tế về Cơ học và Tự động hoá. Anh say mê với việc cùng các thành viên trong Hội Cơ học Việt Nam thực hiện Dự án chế tạo chiếc máy bay loại nhỏ, với hy vọng xây dựng cả một ngành công nghiệp xuất khẩu máy bay gia đình.
Năm 2002 trước yêu cầu vận động hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước, anh được nhà nước cử vào Ban vận động thành lập Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Anh còn là thành viên Hội đồng nhà nước xét học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhiều lần nhận được các đơn thư này nọ, anh kiên quyết đề nghị cứ xét theo các tiêu chuẩn, sau đó mới điều tra thực hư theo các đơn thư. Thực tế là anh đã làm đúng, bảo đảm sự công bằng, trong sáng trong giới khoa học.
Trong hoạt động Hội, Giáo sư Nguyễn Văn Đạo còn là thành viên Hội Cơ học Lý thuyết và ứng dụng Quốc tế (IUTAM); Hiệp hội Quốc tế về Lý thuyết và Cơ cấu máy (IFTOMM). Anh là Chủ tịch hoặc đồng Chủ tịch của 7 Hội nghị Khoa học Quốc tế về cơ học được tổ chức tại Việt Nam. Đặc biệt vào năm 1999, Hội nghị Cơ học Quốc tế: “ Dao động phi tuyến – những thành tựu mới ” được tổ chức tại Hà Nội do Giáo sư Nguyễn Văn Đạo và Giáo sư E.Krenzer (CHLB Đức) làm đồng Chủ tịch. Tham gia Hội nghị Khoa học này có nhiều nhà khoa học nổi tiếng Thế giới như: GS.W.Schithlen – Chủ tịch Hội Cơ học lý thuyết và ứng dụng Quốc tế, GS.VS.Mitropolski – Viện trưởng Viện toán học Ucraina và nhiều nhà khoa học nổi tiếng từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức tới tham dự.
GS Nguyễn Văn Đạo đã cùng các đồng nghiệp trong Hội Cơ học Việt Nam tích cực chuẩn bị Hội nghị Quốc tế về Lý thuyết vật lý và Động lực học phi tuyến , dự định tổ chức tại Hà Nội vào năm 2007.
Anh còn là tác giả nhiều cuốn sách khoa học và phổ biến khoa học, chủ biên các cuốn sách giới thiệu về gương mặt các nhà khoa học đầu ngành ở nước ta, như: GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS.Tạ Quang Bửu…
Giáo sư Nguyễn Văn Đạo ra đi đột ngột, để lại nỗi đau thương vô hạn cho các đồng nghiệp ở Hội Cơ học Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và giới trí thức khoa học - công nghệ trong và ngoài nước.
GS. Đặng Đình áng , Chủ tịch danh dự Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: “ Giáo sư Nguyễn Văn Đạo làm việc chu đáo, cẩn thận, khoa học và đặc biệt rất có tình người… hiếm thấy những nhà khoa học như ông, vừa quản lý tốt, vừa nghiên cứu xuất sắc, lại hết mực khiêm tốn, chân thành”.
Giáo sư, Z.Ô-xin-xki Đại học Công nghệ Vác-sa-va (Ba Lan), ca ngợi: “Giáo sư Nguyễn Văn Đạo không chỉ tiêu biểu cho các nhà cơ học Việt Nam, mà còn là đại diện chân chính cho đất nước ông trong cộng đồng Khoa học Quốc tế”.
GS.TSKH Nguyễn Văn Đạo Sinh ngày:10-8-1937 Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam Quê Quán:Xã Chí Tiên, Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Nơi ở hiện nay:Số 32, Ngõ 260, Đội Cấn, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Cơ quan công tác:Đại học Quốc gia Hà Nội, Số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại nhà riêng: 04.7629528 Email: dao-nv@rmit.edu.vn Được cấp bằng Tiến sĩ năm 1965, bằng TSKH năm 1976. Được công nhận chức danh Giáo sư Cơ học năm 1980. Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Ukraina, Viện Hàn lâm khoa học châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ Ba. Quá trình công tác: 1957-1977: Giảng dạy tại Trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ môn Cơ học lý thuyết, Khoa Toán Lý. Chủ nhiệm Bộ môn, Phó chủ nhiệm Khoa. 1978-1993: Phó Viện trưởng, Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam. 1994-2001: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. 2001-2004: Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam. Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu Nghiên cứu dao động phi tuyến của các hệ động lực. Cơ học lí thuyết. Một số kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học Công bố trên 100 bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Viết và chủ biên 7 cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo bậc đại học. Khen thưởng Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2000). Giải thưởng Nhà nước Ukraina về Khoa học và Công nghệ (1996). |