Giáo sư Nguyễn Lân – Nhà giáo, nhà văn hóa lớn
Là một trí thức chân chính, ông đã suốt đời đem toàn bộ khối óc và con tim để học tập, nghiên cứu, biên soạn phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Trong nghề dạy học, ông là một bậc tôn sư không những uyên bác về học vấn mà càn mẫu mực về nhân cách và đạo lý làm người” ( Tạp chí Thế giới mới số 550, ngày 25/8/2003).
Nay ông đã là người thiên cổ, nhưng những gì giáo sư cống hiến cho đất nước thì mãi vẫn còn đó.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (bút danh Từ Ngọc) sinh ngày 14/6/1906; quê quán: thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm 1932, sau khi tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, giáo sư thành lập và giảng dạy tại trường tư thục Thăng Long (Hà Nội). Năm 1935, ông vào Huế dạy tại các trường Quốc học, Đồng Khánh, Bách nghệ. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông trở thành Trưởng ty Giáo dục tỉnh Thừa Thiên kiêm Giám đốc Nha học chính Trung Bộ. Sau đó, ông chuyển ra Hà Nội, dạy trường chuyên khoa Chu Văn An. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông làm Giám đốc Giáo dục Liên khu 10, rồi Liên khu Việt Bắc. Năm 1951, ông được điều động sang dạy tại trường Sư phạm cao cấp khối xã hội của ta được xây dựng trên đất Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1956, ông dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội với cương vị chủ nhiệm bộ môn Tâm lý giáo dục. Về sau, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập khoa Tâm lý giáo dục, ông là vị chủ nhiệm khoa đầu tiên và liên tục cho tới khi về hưu (1970).
Năm 1925 (đang học trường Bưởi), ông đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên ”Cậu bé nhà quê” với bút danh Từ Ngọc. Cuốn tiểu thuyết này về sau được Nha học chính Đông Dương cho dịch ra tiếng Pháp và đến năm 1934 được dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. “Cậu bé nhà quê” đã mở đầu khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại buổi đầu. Sau đó, ông tiếp tục cho ra đời các tiểu thuyết: Khói hương (1935), Ngược dòng (1936), Hai ngả (1938)và các truyện ngắn: Ai khốn nạn, Tiếng vàng, Ngoài khơi...
Giáo sư Nguyễn Lân còn viết báo, sách khảo cứu văn học, sử học, trong đó có nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ (1941), một hiện tượng rất có ý nghĩa. Với tư duy khoa học và công bằng, tác giả đã nhấn mạnh Nguyễn Trường Tộ là người vì nước vì dân, đã đưa ra những phương hướng cách tân mà nếu thực hiện được, cục diện đất nước sẽ sáng sủa hơn.
Ông còn là một nhà ngôn ngữ có tên tuổi. Ngoài bộ sách ngữ pháp Việt Nam , được dùng trong nhà trường một thời gian dài, ông còn có các sách: Muốn đúng chính tả (1949), Viết thế nào cho đúng (1965 – viết chung), Tôi yêu tiếng Việt (1995).
Giáo sư Nguyễn Lân còn là nhà biên soạn từ điển số một ở nửa sau thế kỷ 20. Trước và sau khi nghỉ hưu, ông đã xuất bản 9 cuốn từ điển ( Có tài liệu nói giáo sư Nguyễn Lân đã xuất bản 10 từ điển):
1. Từ điển chính tả phổ thông (1963)
2. Thuật ngữ tâm lý giáo dục (1967)
3. Từ điển Pháp-Việt (1981) là công trình tập thể
4. Từ điển từ và ngữ Hán-Việt (1989)
5. Từ điển Việt-Pháp (1989) cùng giáo sư Lê Khả Kế
6. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989)
7. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Pháp-Việt (1993)
8. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt-Pháp (1994)
9. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Ông một mình chấp bút khi đã 90 tuổi và được in ra vào năm 95 tuổi)
Giáo sư Nguyễn Lân đã từng bộc bạch:
Tôi vẫn hay làm thơ
Nhưng không là thi sĩ
Dù chẳng là thi sĩ
Vẫn cứ thích làm thơ
Ca ngợi chân thiện mỹ
Từ muôn thủa đến giờ
Sinh thời, ông đã có lần đến chơi nhà giáo sư Vũ Khiêu và được chủ nhà viết tặng ông bài thơ:
Tình bạn vong niên trải tháng năm
Tôi gần chín chục, bác gần trăm
Dãi dầu sương tuyết, đôi thân trúc
Vương vấn non sông một ruột tằm
Giáo dưỡng không rời gương chính khí
Tu tề chẳng thẹn khách nho lâm
Trời còn thêm tuổi ông Bành mãi
Sớm tối xin tròn một chữ tâm.
Giáo sư Nguyễn Lân đọc xong, viết tặng lại giáo sư Vũ Khiêu bài thơ như sau:
Cảm ơn tình bạn đã bao năm
Tuổi đã cùng nhau sắp một trăm!
Tình nghĩa sâu xa như biển cả,
Tinh thần đẹp đẽ tựa tơ tằm
Bao nhiêu gương sáng cùng ca ngợi,
Biết mấy cảnh buồn đã phải lâm.
Dẫu được ông Bành thêm tuổi nữa
Luôn luôn giữ trọn được thành tâm!
Năm 1994, ông đã cho ra đời tập thơ Nhớ nguồn.Và trong suốt cuộc đời của mình, ông đã cống hiến cho xã hội 42 đầu sách.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông là một sáng lập viên của Hội truyền bá quốc ngữ ở Trung Kỳ. Sau đó, ông là Hội trưởng Hội Văn hóa cứu quốc Trung Kỳ, là Uỷ viên Thường vụ Đảng Xã hội Việt Nam liên tục nhiều khóa, phụ trách báo Tổ quốccủa Đảng Xã hội, Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều khóa. Khi đã ngoài 90, ông vẫn là vị Chủ tịch đầu tiên Hội Khuyến học Việt Nam .
Giáo sư Nguyễn Lân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học...
Giáo sư mất ngày 7/8/2003, để lại một khoảng trống vắng cho ngành giáo dục nước nhà.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã đánh giá ông là “một trong những nhà giáo, nhà khoa học giáo dục tiêu biểu của nước nhà trong thế kỷ 20. Lòng yêu mến quốc văn và đạo đức người thầy suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục của giáo sư Nguyễn Lân là tấm gương sáng cho các thầy cô giáo trong sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới”.
Nguồn: Thế giới trong ta số 218