Giáo sư Ngụy Như Kon Tum: Người thầy tài đức vẹn toàn
Đến năm 1951 vì nhìn xa trông rộng Bác Hồ đã bàn với nước bạn lập ra Khu học xá Trung ương để đào tạo giáo viên và các nhà khoa học cho giai đoạn sau chiến tranh. Cả hai gia đình của bác và của bố mẹ tôi đều được cử sang đấy. Từ đó hai gia đình được ở gần nhau và bác cùng bố tôi đã nhiệt tình tham gia đào tạo ra biết bao thế hệ những người sau này giữ các nhiệm vụ chủ chốt trong nền giáo dục và khoa học nước nhà.
Hòa bình lập lại khi tôi bắt đầu trở thành giảng viên trẻ nhất của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì vị Hiệu trưởng đầu tiên của tôi lại chính là bác KonTum. Về công lao xây dựng nhà trường lớn lao này, cũng như xây dựng ngành Vật lý học Việt Nam đã có nhiều người nhắc đến khá đầy đủ. Tôi chỉ hình dung lại những hình ảnh của một nhà khoa học thực sự tài giỏi nhưng lại rất mẫu mực trong cuộc sống. Là một trí thức ngoài Đảng, nhưng bác KonTum biết đoàn kết mọi trí thức già và trẻ trong trường, biết hợp tác mật thiết nhưng có nguyên tắc với Đảng ủy của trường, do đó mọi công việc đều xuôi chèo mát mái . Nhờ đó trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã xứng đáng là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực đào tạo những thầy giáo và những nhà khoa học giỏi giang về các ngành khoa học cơ bản. Hiếm có ông Hiệu trưởng nào có thể hợp tác khăng khít và có hiệu quả trong suốt 26 năm với những 9 đời các Bí thư Đảng ủy khác nhau. Bác giản dị đến mức chỉ nhận căn hộ tập thể nhỏ xíu ở đường Nguyễn Huy Tự. Đây vốn là một biệt thự xinh đẹp, nhưng bác chỉ nhận một phần nhỏ, còn lại nhường cho gia đình mấy cán bộ khác. Đến nay tuy bác đã đi xa 22 năm nhưng vợ và các con bác vẫn chỉ ở trong vài căn buồng nhỏ bé ấy. Chỉ riêng một chuyện này cũng đáng đủ để cho nhiều quan chức nên suy nghĩ. Bác vẫn thường đi xe đạp cho đến khi cấp trên buộc bác phải đi ô tô của nhà trường. Điều ai cũng ghi nhớ là một nụ cười luôn nở trên môi vị Hiệu trưởng đáng kính khi gặp bất cứ đồng nghiệp già hay trẻ của mình. Thời chống Mỹ nhà trường đã hai lần sơ tán lên cách khá xa Hà Nội (Đại Từ, Hà Bắc) nhưng bác và cả gia đình vẫn vui vẻ sống trong nhà dân như mọi cán bộ khác và vẫn đi lại như con thoi giữa các cơ sở để chỉ đạo không chỉ về chuyên môn mà còn cả việc tập luyện quân sự cũng như việc tổ chức động viên thanh niên tạm rời giảng đường tòng quân vào Nam trực tiếp tham gia chiến đấu. Bác đi ra nước ngoài tham dự biết bao Hội thảo về khoa học và giáo dục nhưng chỉ sử dụng duy nhất có một chiếc đồng hồ (!) Đó là chiếc đồng hồ do Hồ Chủ tịch tặng bác (cho đến tận khi bác trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh). Tôi là bạn với Tâm, Nhung, Chí - các con của bác nên có nhiều dịp đến thăm gia đình bác . Vào buổi tối tôi thấy mấy bố con ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ với mấy chiếc đèn bàn không đủ sáng và ai nấy đều chăm chú vào những cuốn sách để nghiên cứu (với bác) và để học (với các con bác). Tôi có lẽ là người cuối cùng được gặp Bí thư Đảng ủy nhà trường Lê Hoàng Linh, khi ông đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo tại Bắc Kinh. Mặc dầu đang rất yếu nhưng ông đã dành nhiều thời gian kể cho tôi nghe về tình cảm và lòng khâm phục của ông với vị Hiệu trưởng mà ông cho là hết sức mẫu mực và đáng kính.
Bác Kontum không bao giờ lạm dụng quyền hạn của mình.Ngay cả khi Ngụy Hữu Chí, đứa con út đang học tại Khoa Lý của nhà trường xung phong nhập ngũ và tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bác không hề ngăn cản mà lại còn động viên là sau giải phóng sẽ về học tiếp có sao đâu?
Hai tiến sĩ Ngụy Hữu Tâm và Ngụy Tuyết Nhung được đào tạo tại Đức và Nga cũng là nhờ thực lực của các em chứ đâu vì vị thế Hiệu trưởng của bố. Tâm bây giờ có lẽ không chỉ là nhà Vật lý học theo nghề của bố (công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) mà còn là người dịch thuật hiện vào loại giỏi nhất về văn học Đức. Nhung là một trong những chuyên gia đầu ngành Ngọc học và là nữ phó giáo sư vẫn đang rất say mê với chuyên ngành của mình.
Nhung kể với tôi nhớ mãi đôi dép cao su rất hay tụt quai mà cha cô thường dùng đến tận khi vẹt đế và luôn có cái xâu bằng thép để xỏ mỗi lần tụt quai (!), Thật khó hình dung một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, một vị Hiệu trưởng suốt gần ba thập kỷ, một Đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp, một Nhà giáo nhân dân với hai Huân chương Kháng chiến và Huân chương Độc lập hạng Nhất... nhưng lại có cuộc sống giản dị, khiêm nhường và luôn xả thân vào công việc trọn đời như bác Kontum. Ai cũng có thể có người yêu , kẻ ghét, nhưng với bác Kontum tôi thầm nghĩ không thể có bất kỳ ai quen hoặc biết về ông mà không hết lòng yêu mến và kính trọng.
Kỷ niệm cuối cùng và đau xót nhất đối với tôi, đó là việc tôi là người đầu tiên phát hiện ra bác có triệu chứng hôn mê khi đang cùng dự họp với bác trong một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ngồi phía sau bác và bỗng thấy bác bất thường nấc lên rồi gục xuống. Tôi hét tướng lên và mọi người xúm lại quanh bác, nhưng tiếc thay tất cả đều đã quá muộn. Chỉ còn cách liên hệ với hàng không để có thể đưa bác ra Hà Nội. Bác đã hôn mê suốt một tuần lễ rồi ra đi mãi mãi về chốn vĩnh hằng. Đám tang của GS Ngụy Như Kontum có lẽ là một trong những đám tang đông người tham dự nhất mà tôi được chứng kiến (kể cả tại khu Đại giảng đường của trường đến suốt chặng đường xuống tận nghĩa trang Mai Dịch). Không chỉ có con cháu, họ hàng, các bạn già, các đồng nghiệp, biết bao thế hệ học trò của Thầy và cả những người dân chưa một lần được gặp mặt Thầy.
Ông sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc và nhất là trong lòng các thế hệ đã có dịp được học tập hay làm việc dưới sự hướng dẫn chỉ đạo tận tình của ông.