Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 18/09/2008 23:52 (GMT+7)

Giáo sư Hoàng Tích Trý trọn đời vì sức khỏe nhân dân

Hồi đó ở nước ta, nhất là ở nông thôn, miền núi, các bệnh truyền nhiễm trong đó có sốt rét hoành hành, nhân dân ta vừa bị đói lại thiếu kiến thức phòng bệnh nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm rất cao. Tình trạng “hữu sinh vô dưỡng”với hình ảnh những đứa trẻ bụng ỏng, đít beo phổ biến ở khắp nơi. Để giúp cho nhân dân hiểu biết, chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bác sĩ Trý đã miệt mài ngày đêm làm việc trong các phòng thí nghiệm của Viện Pasteur Hà Nội (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương). Ông dành tâm huyết để nghiên cứu các bệnh sốt rét cơn, thương hàn, lỵ, giang mai, dại do chó cắn… là các bệnh phổ biến ở nước ta lúc bấy giờ. 

Là Trưởng phòng thí nghiệm rồi Chủ nhiệm khoa tại Viện Pasteur những năm 1935- 1945, Ông còn là Hội viên Hội những nhà Vi trùng học Paris và là Phó hội trưởng Hiệp hội các bác sĩ và dược sĩ Đông dương. Từ những tình cảm yêu quý nhân dân, năng lực chuyên môn, uy tín trong và ngoài nước, nên khi thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam năm 1945, Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng Giám đốc các Viện Vi trùng học Việt Nam (hệ thống các viện Pasteur cũ). Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6/1/1946, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ông là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên và được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế cho đến khi Ông mất năm 1958. 

Vào những năm đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cùng bao nhân sĩ trí thức yêu nước khác, Ông đã một mực kiên trung đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đó là con đường độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Ông được cử vào Uỷ ban Kiến thiết Quốc gia cùng Chính phủ bắt tay xây dựng Nhà nước độc lập non trẻ, đồng thời phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Ông đã tham gia nhiều phái bộ của Chỉnh phủ đàm phán với Pháp như: Hiệp định sơ bộ 6/3, Hiệp định 14/9, Hội nghị Phôngtenơbơlô. Song dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của Pháp đã lộ nguyên hình và ngày càng xảo quyệt. Bàn tay hoà bình của Bác Hồ đã không bịt nổi họng đại bác của quân thù. Nhân dân cả nước đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Vào thời điểm đó, Bác sĩ Trý cũng chuẩn bị rời Hà Nội lên chiến khu Việt bắc cùng Chính phủ và Bác Hồ, Ông được cử giữ thêm trọng trách là Uỷ viên Quân sự trong Uỷ ban kháng chiến toàn quốc. Viện Vi trùng học Việt Nam được chia thành hai bộ phận. Một bộ phận cùng Ông lên chiến khu Việt Bắc. Một bộ phận về khu 3, khu 4 thành lập Viện Vi trùng Bắc bộ. Đến cuối năm 1952, hai Viện tái sát nhập lại thành Viện Vi trùng học Việt Nam để chuẩn bị phục vụ quân dân ta bước vào tổng phản công.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Ông đã cùng Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng mạng lưới y tế nhân dân, một mặt phối hợp với Quân y cấp cứu chiến thương, phòng dịch bệnh ngoài tiền tuyến, một mặt tổ chức hệ thống y tế nhân dân kiểu mới, thành lập Nha y tế Nông thôn, củng cố và thành lập Ty y tế tại các tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Hoàng Tích Trý luôn quan tâm công tác đào tạo đội ngũ y, bác sĩ phục vụ kháng chiến tại các trường y sĩ ở khu 3, khu 10... và đã đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ thầy thuốc. Để chủ động phòng chống các bệnh dịch trong điều kiện kháng chiến gian khổ, Ông đã trực tiếp chỉ đạo Viện Vi trùng học nghiên cứu và chế tạo thành công vắc xin phòng các bệnh thương hàn, tả, đậu mùa, dại.  

Với tác phong sâu sát và chỉ đạo trực tiếp, năm 1949- 1950, Ông đã vượt phòng tuyến của địch ở đường số 6 (đoạn qua tỉnh Hoà Bình) đi khảo sát tình hình y tế và sức khoẻ của đồng bào ta ở các tỉnh thuộc khu 3 và khu 4 cũ, đồng thời xây dựng củng cố mạng lưới y tế ở các vùng này. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ và ác liệt, Ông vừa chỉ đạo việc bảo toàn và phát triển lực lượng y tế trong cả nước, vừa liên tục di chuyển tránh sự truy lùng của quân địch. Tấm gương hy sinh tận tuỵ và lòng trung thành với cách mạng của Ông là nguồn động viên to lớn và đã góp phần giữ lại cho cách mạng nhiều trí thức lúc bấy giờ.  

Cuối năm 1952, để phòng ngừa địch có thể sử dụng chiến tranh vi trùng trong cơn cùng quẫn, Bác Hồ đã cử Ông cùng một số chuyên gia đi khảo sát chiến tranh vi trùng mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên. Ngành y tế Việt nam đã khẩn trương chuẩn bị đối phó với tình huống này. Đặc biệt khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, một số bác sỹ được giao phó trọng trách này, trong đó có cả việc dùng dung dịch nấm Pê-ni-xi-lin để chữa các vết thương nhiễm trùng cho thương binh.  

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã mang lại hoà bình cho một nửa đất nước. Để khắc phục hậu quả của chiến tranh và của chế độ cũ để lại còn rất nặng nề, Ông đã đề nghị các bạn đồng nghiệp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác giúp đỡ ngăn chặn các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm như Sốt rét, mắt hột... Nâng cấp các phòng thí nghiệm, cập nhật các thành tựu ngoại khoa để chữa chạy và phục hồi chức năng cho thương binh nghề nghiệp và y tế học đường, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng, cung cấp nước . Phát triển y học bệnh sạch, xử lý phân nước rác và vệ sinh môi trường. Hoà bình lập lại, công tác đào tạo cán bộ y tế từ sơ cấp đến đại học đã được chú trọng, đã lựa chọn các bác sĩ trẻ ưu tú gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Thế hệ bác sĩ khoá đầu tiên ấy đã trưởng thành và là trụ cột cho ngành y tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong thời kỳ xây dựng ngành y tế tiến lên chính quy hiện đại ngày nay.  

Ông đã ra đi đột ngột vì bệnh tim vào hồi 11h05 ngày 21/11/1958. Sau khi Ông mất chưa đầy một giờ, Hồ Chủ Tịch đã đến bên giường bệnh ở nhà riêng để vĩnh biệt Ông. Bác đã ân cần an ủi, động viên bà quả phụ và dặn dò các cháu chưa đến tuổi trưởng thành. Bác viết và ký trong bảng ghi công truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Ông: ” Một nhà trí thức yêu nước đã tham gia Chính phủ từ ngày mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, đã có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, nêu cao tinh thần tận tuỵ hy sinh một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc".

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta tưởng nhớ tới Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý kính yêu, một tấm gương đạo đức trong sáng, một tấm lòng yêu nước nồng nàn, một nhân sĩ trí thức đã trọn đời hy sinh phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói riêng.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.