Giáo sư Hoàng Phê: Người đưa hồn chữ Việt lên Internet
Cây đại thụ của làng từ điển
Đối với nhà khoa học nói chung và giới ngôn ngữ học trong nước nói riêng, GS. Hoàng Phê xứng đáng là cây đại thụ của làng từ điển. Đóng góp lớn lao nhất của ông là đã tìm ra chìa khoá để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Với một mong muốn là làm sao có thể thống nhất được tiếng Việt, đưa tiếng Việt giữa hai miền Nam Bắc sau những năm tháng đất nước bị chia cắt vì chiến tranh, ông đã lặn lội vào Nam, tìm đến những học giả nổi tiếng lúc bấy giờ của miền Nam như Lê Văn Đức, Nguyễn Hiến Lê để thực hiện mong ước ấy. Sau này, khi bắt tay vào biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt, một công trình khoa học tập thể đầu tiên của cả nước, ông đã xây dựng thành công một kho phiếu tư liệu khổng lồ với trên ba triệu phiếu trong một khoảng thời gian rất ngắn. Những vấn đề còn tranh cãi như phiên âm, ngữ nghĩa, chuẩn chính tả được ông xử lý nhuần nhuyễn. Công trình này lúc bấy giờ đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm, động viên và cũng chính đích thân cố Thủ tướng đã viết lời tựa cho cuốn sách. Đến nay, Từ điển tiếng Việtđã tái bán 11 lần với số lượng hơn 100.000 bản.
Có một lĩnh vực nữa mà nhiều người thường nhắc đến giáo sư, đó là việc ông đã mạnh dạn đưa công nghệ thông tin vào phục vụ cho công tác nghiên cứu ngôn ngữ học nói riêng và biên soạn từ điển nói chung. Một công việc có thể nói là khá gai góc và thường gây nản lòng đối với những người làm công tác khoa học xã hội. Thế nhưng, sự cố gắng và nỗ lực của ông đã khiến cho nhiều người nể phục và ủng hộ ông một cách mạnh mẽ. Trong số đó có thể kể đến một số người mà về sau này đã trở thành những người bạn vong niên của ông như GS.TS. Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; GS.TS. Ngô Thanh Nhàn, một giáo sư nổi tiếng về ngôn ngữ toán và công nghệ thông tin ở Đại học New York, Mỹ; TS. Công nghệ thông tin Ngô Trung Việt, v.v..
Đưa hồn chữ Việt lên Internet
Trong những ngày về hưu, với mong muốn trong tương lai Việt Nam cũng sẽ có được những từ điển lớn như Petit Larousse, Oxford, Longman, ông đã cho xây dựng Trung tâm Từ điển học để làm nơi nghiên cứu và biên soạn từ điển nói riêng và ngôn ngữ nói chung. Tại đây, ông đã chỉ đạo xây dựng cho Trung tâm website từ điển học tại địa chỉ http://vietlex.com.vn. Thông qua website này nhiều tổ chức ngôn ngữ và từ điển trên thế giới đã phần nào biết đến diện mạo của nền từ điển học vốn đang còn non trẻ của nước ta.
GS. Hoàng Phê còn chỉ đạo xây dựng thành công một ngân hàng ngữ liệu tiếng Việt trên máy tính được coi vào loại lớn nhất của cả nước với khoảng hơn 3 triệu câu, và hơn 60 triệu âm tiết. Hiện tại, ngân hàng dữ liệu này giúp ích rất lớn cho công tác nghiên cứu ngôn ngữ, biên soạn từ điển, và bước đầu đã phục vụ cho một số yêu cầu của công tác công nghệ thông tin. Song song với những kế hoạch trên ông cũng mạnh dạn đề xướng việc đưa công nghệ thông tin vào phục vụ công tác biên soạn và xử lý từ điển, một lĩnh vực hết sức mới mẻ đối với ngành từ điển nước ta. Nếu như trước đây mọi công việc liên quan đến từ điển được tiến hành với những phương pháp mang tính thủ công truyền thống, thì ngày nay nhờ áp dụng công nghệ thông tin mà công việc biên soạn từ điển ở Trung tâm của ông đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Với những đóng góp lớn, ông đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. Những công trình do ông đảm nhiệm đều nằm trong số các công trình được Nhà nước trao tặng Giải thưởng nhà nước trong đợt này như cụm công trình tập thể do ông chủ biên Từ điển tiếng Việt; cụm công trình cá nhân gồm Từ điển chính tả, Từ điển vần, Chính tả tiếng Việt, Lôgic-Ngôn ngữ học.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 92 (1810), ngày 18/11/2005