Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 13/07/2005 21:08 (GMT+7)

Giáo sư họ đang sống và làm việc ra sao?

Hơn 82% số Giáo sư có tuổi đời ngoài 60


Việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư ở nước ta đã được tiến hành kể từ năm 1980 đến nay. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ghi nhận công lao và vai trò của các nhà trí thức tiêu biểu, tiềm năng chất xám của họ đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính từ 1980 đến 2004, cả nước ta có tới 5.479 người đã được công nhận là GS, PGS (trong đó có 1131 GS và 4348 PGS). Hiện nay, chỉ còn hơn 3000 người đang làm việc tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan khác.


Theo khảo sát của Ban thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước thì các GS đang làm việc có tuổi đời từ 55 đến 71 tuổi, còn PGS thì từ 45 đến 71 tuổi, đại đa số GS đã có tuổi ngoài 60 (khoảng 82,8%). Các GS, PGS làm việc chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo GS, TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước thì dự kiến, đến năm 2010 nước ta mới có khoảng 2800 GS, PGS đang còn làm việc trong các trường đại học, học viện. Thế nhưng, để đáp ứng được các mục tiêu đặt ra trong ngành giáo dục từ nay đến năm 2010 (phải đạt chỉ tiêu 1GV/20sinh viên; đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thạc sĩ, tiến sĩ…) thì chúng ta cần phải có tới 5.500 GS, PGS. Như vậy, điều này cho thấy, số lượng GS, PGS ở nước ta hiện nay là quá ít, phân bố không đều và không đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài theo công việc.


Điều kiện làm việc và thu nhập: thiếu thốn!


Có thể nói, GS, PGS vừa là lực lượng trí thức tiêu biểu nhưng đồng thời cũng là đội ngũ chủ chốt, quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao của đất nước. Phải khẳng định rằng, sự đóng góp trí tuệ và sức lao động của họ trong suốt thời gian qua là rất lớn lao. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của đội ngũ này như thế nào, điều kiện làm việc ra sao lại là những vấn đề bất cập ít ai biết rõ.

Qua tìm hiểu về đời sống của đội ngũ trí thức nói chung và các GS, PGS nói riêng, GS, TSKH Nguyễn Tài Lương cho biết, tiền lương của các GS, PGS ở nước ta thấp với khoảng cách ngày càng xa so với thế giới, lại chia ra nhiều thang bậc. Nếu muốn đạt được bậc cuối cùng của bảng lương theo tính toán của một số GS thì có lẽ các GS phải công tác đến 71 năm! Lương tột đỉnh của GS Việt Nam ở hệ số 7,10 (2.059.000đồng), tương đương với 133USD. Nhưng số người được hưởng mức lương cao nhất này không nhiều. Kết quả khảo sát điều tra từ 360 GS và 1.100 PGS trong toàn quốc của PGS, TS Phạm Kim Đỉnh (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho thấy hiện nay, có khoảng 11,7% GS nước ta có thu nhập rất thấp (500.000 đồng/tháng), 48,1% số GS có mức lương bình quân dưới 1 triệu đồng. Số GS có bình quân thu nhập lương từ 1 đến 2 triệu đồng chiếm khoảng 46,6% và chỉ có 5,3% số GS có thu nhập bình quân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Qua đó cho thấy, thu nhập bình quân từ lương của các GS, PGS ở nước ta hiện nay là rất thấp so với yêu cầu cuộc sống, nghĩa vụ nuôi con đang tuổi đi học, chăm lo bố mẹ già. Trong khi đó chi phí ngày càng cao về nhà ở, điện nước, giá cả thực phẩm… chưa nói đến chi phí giải trí, nghỉ ngơi, du lịch… Chính vì lương không đủ tiêu dùng trong gia đình nên lâu nay, các GS, PGS và các cán bộ công chức nói chung phải tìm kế làm thêm để có thu nhập ngoài lương mới đảm bảo được cuộc sống gia đình.


Cũng theo PGS, TS Phạm Kim Đỉnh thì điều kiện làm việc của các GS, PGS hiện nay còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Phương tiện đi lại của họ chủ yếu là xe máy cá nhân. Có nhiều người còn đi xe đạp, xe ôm hoặc xe buýt… Số GS, PGS có phòng làm việc riêng chiếm tỷ lệ thấp, những người có phòng làm việc riêng chủ yếu là vì họ đảm nhiệm chức vụ quản lý. Trong khi đó, chất lượng, nơi làm việc dành cho GS và PGS nhìn chung còn thiếu các phương tiện thông tin, sách báo tạp chí, máy tính, Internet... Các GS, PGS thuộc khối khoa học công nghệ thì rất thiếu các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị cần thiết để nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên.

Chế độ, chính sách như thế nào là phù hợp?


GS, TSKH Đỗ Trần Cát cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các GS, PGS cần phải được quyền tự chủ, quyền tự quyết và tôn trọng quyền tác giả của họ. Về chế độ đãi ngộ, có thể có một ngạch riêng hay phụ cấp tương xứng cho các GS, PGS trong chính sách tiền lương. Bởi hiện nay, mức lương dành cho các GS, PGS chưa đánh giá được năng lực chuyên môn của họ. Tất nhiên, các GS vẫn sống được là bởi họ đi làm thêm ngoài công việc chính để có thêm thu nhập. Từ đó có thể dẫn tới tình trạng có những GS, PGS việc chính thì làm không tốt, nhưng việc phụ lại làm tốt hơn, đầu tư nhiều chất xám hơn.

Còn TS Đỗ Đức Tín, Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thì cho rằng, chế độ chính sách phải có cách nhìn toàn diện: từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tạo điều kiện làm việc, đãi ngộ với đội ngũ GS, PGS… để vừa đảm bảo sử dụng tốt nhất, có hiệu quả nhất tiềm năng chất xám của họ, nhưng lại vừa đảm bảo chiến lược xây dựng, phát triển các thế hệ tiếp nối của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ một cách bền vững lâu dài. Vì vậy, cần tiếp tục chủ trương xét công nhận chức danh; phân định rõ nhiệm vụ quyền hạn kèm với kiểm tra xử lý trong công tác chuyên môn. Đồng thời cũng cần trang bị điều kiện làm việc thiết yếu cho họ trong tình hình hiện nay như: phòng làm việc, máy tính, điện thoại, kinh phí nghiên cứu, mua tài liệu, thiết bị thí nghiệm… Có thể có xe ô tô đưa đón các GS đi họp và tham dự các hội thảo khoa học. Riêng chế độ đãi ngộ, theo TS Đỗ Đức Tín thì thực tế hiện nay chưa có thang lương riêng của 2 ngạch viên chức cao nhất giảng dạy ở đại học và sau đại học là GS, PGS mà mới chỉ xếp “ghé” ngạch GS vào cùng với thang lương của giảng viên cao cấp và ngạch PGS vào cùng với thang lương của giảng viên chính. Trong khi đó thì tiêu chuẩn để xét chức danh lại rất khắt khe. Như thế là bất hợp lý. Do đó cần có thêm thang lương riêng cho ngạch viên chức GS, giảng dạy ở đại học và sau đại học gọi là thang lương chuyên gia…

Theo GS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thì quả thật hiện nay, đội ngũ này đang gặp một số khó khăn như: hoàn cảnh sống thiếu thốn, điều kiện làm việc thiếu thốn và thiếu cơ hội và điều kiện tiếp cận đời sống và khoa học kỹ thuật hiện đại của nước ngoài. Cần có những chế độ, chính sách thích hợp như: mức lương có cơ sở khoa học vì họ đã được đào tạo có bài bản, có khoa học; hoặc có thể kéo dài thời gian, tuổi làm việc để họ cống hiến chất xám, sức lao động của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước. Nhiều đại biểu cũng đồng tình rằng, chúng ta cần thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ này. Từ đó có những quy định về nhiệm vụ quyền hạn nhất định và có chế độ đãi ngộ thích hợp để họ phát huy vai trò, trí tuệ, sức lao động của mình, góp phần đưa đất nước tiến kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Nguồn: quandoinhandan.org.vn 13/7/2005

Xem Thêm

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...