Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/08/2009 21:24 (GMT+7)

"Giáo sư HIV đầu tiên tại Việt Nam"

Từ chuyện “cóc chết 3 năm quay đầu về núi”...

Năm ông Chung còn bé lắm, ông đã được ông nội dạy nhập tâm cổ học phương Đông. Ví dụ câu ca của dân gian: “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”, lúc đầu học, ông chỉ thuộc mà không hiểu nghĩa. Dần dần lớn lên ông mới hiểu: Sau khi con người chết được 3 năm phải cải táng, đầu phải đặt theo hướng quay về núi. Đó là một nội dung trong thuật phong thủy.

Tính từ ngày ấy đến bây giờ, đã 70 năm và cái sự học của ông Chung vẫn như suối nguồn không ngừng nghỉ.

...Tới tuổi vào đại học, ông nộp đơn xin thi vào đại học Tổng hợp - Khoa Sinh, khóa 1. Tốt nghiệp, ông được bố trí dạy học; Sau được điều động về Bộ Giáo dục làm việc. Rồi ông được làm trợ lý cho Bộ trưởng Tạ Quang Bửu về những vấn đề sinh học và may mắn được Bộ trưởng dạy thêm di truyền Menđen-Moocgan, thiên văn Lịch pháp và cổ học phương Đông.

Sự đa tài nhiều lĩnh vực khoa học chuyên sâu của cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu (dù Bộ trưởng không có một bằng đại học nào, không có học hàm, học vị nào) đã ảnh hưởng tới ông rất nhiều trên con đường nghiên cứu sau này!

Giáo trình phòng chống HIV tự chọn

Cũng trong thời gian này, Nguyễn Văn Chung là người đầu tiên nghĩ ra phương pháp ứng dụng toán học vào các đề thi sinh học (trong tuyển sinh đại học và cao đẳng). Đến nay, các trường đại học và các đề thi sinh học hiện hành của Bộ GD&ĐT đều đi theo hướng mà ông đã đề xuất cách đây gần 40 năm.

Nhưng có lẽ, sự ”khác người” của ông thể hiện rõ nhất ở một lĩnh vực hoàn toàn không phải chuyên môn.

Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi số người nhiễm HIV ở Việt Nam đếm chưa đủ ngón tay, ông là người đầu tiên giảng dạy môn phòng chống HIV/AIDS tại một số trường ở TPHCM và Nha Trang.

Nhân một buổi nghe Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Hoàng Thủy Nguyên báo cáo về một nạn dịch mới - HIV, ông đã nghĩ đến việc soạn giáo án “môn học” lạ lùng này.

Lúc đó, trong nước mới chỉ manh nha tuyên truyền về căn bệnh lạ trên phương tiện truyền thông đại chúng, chưa có một quyển sách nào xuất bản trình bày một cách đầy đủ cho nhân dân biết.

Cũng dịp đó, ông chuyển công tác vào TPHCM và đã thuyết phục được ông Hiệu trưởng trường Dự bị đại học TPHCM đưa môn phòng chống HIV/AIDS vào giảng dạy tại trường. Hiệu trưởng đồng ý và ông đã tìm các nguồn tài liệu trên thế giới, trực tiếp soạn chương trình, soạn giáo trình và lên lớp giảng dạy.

Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hoà có lớp cao học đào tạo các thày, các cô dạy trung học phổ thông lên trình độ thạc sĩ. Giám đốc của Sở đã mời ông về Nha Trang giảng dạy môn phòng chống HIV/AIDS.

Giảng dạy được 3 năm, ông bị tai biến mạch máu não (năm 1994), nên phải ngừng giảng dạy. Tuy nhiên, ông cũng đã kịp “truyền nghề” cho một bác sĩ, thay ông giảng dạy môn học nói trên. Sau này gặp lại, bạn bè ông nhắc lại chuyện này, vui đùa giục ông đăng ký Sách Kỷ lục Việt Namvới kỷ lục “Giáo sư HIV đầu tiên của Việt Nam ”.

Ông lão “khinh người” và người phiên dịch bị câm bất đắc dĩ

Năm 1994, sau khi bị tai biến, ông bị rơi vào thế giới không âm thanh: Tắc mạch máu nuôi tai trong, đi đứng loạng choạng, hai tai không còn nghe được nữa.

Những ngày nằm trên giường bệnh, ông chán nản, đã có ý định chấm dứt sự sống vì nghĩ mình tàn tật, không còn cống hiến cho xã hội, cho khoa học và trở thành gánh nặng cho cộng đồng, cho gia đình.

Nhưng nghĩ tới lúc cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu thôi giữ chức bộ trưởng, có người hỏi Bộ trưởng cần gì, ông Bửu nói: Chỉ cần bút chì và giấy nháp (nghĩa là dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng không được đầu hàng), ông Chung lại gắng gỏi gượng dậy.

Kỷ lục thứ hai xuất hiện khi ông bắt đầu tập luyện khí công, bắt chước các nhà sư của chùa Thiếu Lâm luyện Dịch Cân Kinh. Sau một năm dưỡng bệnh và tập luyện, ông đã vượt qua cái chết, chỉ có điều, không còn khỏe mạnh như ngày trước nữa, ông không đạp nổi xe đạp. Ra đường, ông bị người đời bảo là “khinh người” vì không trả lời các câu hỏi của mọi người, tức là “không thèm” nghe ai.

Một trong những kỷ lục thú vị nhất là việc ông tạo ra rất nhiều “người phiên dịch câm”. Học trò đi theo “phiên dịch” cho ông, mọi người chỉ thấy ông nói, còn người phiên dịch thì chỉ viết, nhiều người đã hỏi ông: Tội nghiệp cô ấy (hay cậu ấy) còn trẻ thế mà bị câm à? Mọi người nói gì, ông chỉ nhìn miệng mà đoán: Lúc đoán đúng, lúc đoán sai (nên thường xuyên trả lời không ăn nhập vào đâu).

Thời gian đầu ra đường ông xấu hổ, tránh nói đến từ điếc, chỉ nói là “tôi không nghe được”. Một năm sau, ông nghĩ rằng, mình bị điếc thì cứ nói thẳng ra, việc gì phải xấu hổ. Vượt qua mặc cảm này, ông bắt đầu dấn thân vào một hành trình gian khổ khác.

Người tàn tật lang thang hàng chục ngàn cây số

Đọc sách, ông thấy sách Việt Nam và Trung Quốc đều viết: giờ Tí từ 23 giờ đến 1 giờ, giờSửu từ 1 giờ đến 3 giờ... giờ Hợi từ 21 giờ đến 23 giờ. Vậy, đúng 23 giờ là giờ Tí hay giờ Hợi, đúng 1 giờ là giờ Tí hay giờ Sửu...? Và ý nghĩ phải đi đo giờ để tìm câu trả lời, đã thôi thúc ông lên đường.

Ngày nay dùng các máy của ngành đo đạc bản đồ, địa chất thì việc đo giờ chính xác và đơn giản hơn nhiều, nhưng ngày ấy, không có kinh phí để mua các máy móc nên ông đã tạo ra dụng cụ thí nghiệm bằng mấy bảng điện nhựa, êke, dán lại bằng keo dính.

Dụng cụ đó kèm theo một địa bàn, một bản đồ địa hình đã theo ông đi nhiều tỉnh, huyện, xã có kinh tuyến khác nhau về phía Tây và về phía Đông kinh tuyến trung tâm của Việt Nam là 105oĐ. Đó là các tỉnh Quảng Ninh (Hòn Gai, Bãi Cháy), Hải Phòng, Kiến An (đài thiên văn Phủ Liễn), Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Việt Trì, Lào Cai... Ông đi ô tô, tầu hoả, đến các tỉnh, huyện, rồi đi xe ôm về xã, tiếp tục đi bộ đến đúng địa phương trên bản đồ để đo đạc, tổng cộng ông đã đi hàng chục ngàn cây số. Với người thường thì không sao, nhưng với một ông già tàn tật, đi đứng loạng choạng, phải chống gậy giữa mưa nắng thì quả là gian truân. Vì thế, nó cũng xứng đáng là kỷ lục: “Người tàn tật đi nhiều nhất”.

Tìm ra “chân lý của Mặt trời”

Với chiếc máy vi tính cũ ông đánh máy, chế bản cuốn sách của mình
Với chiếc máy vi tính cũ ông đánh máy, chế bản cuốn sách của mình
Tại các nơi đó, ông đã đến nhiều lần đủ bốn mùa, qua các thời điểm Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân và Đông Chí. Trước, đúng và sau 12 giờ trưa theo giờ của tivi, ông làm thí nghiệm. Theo sách vởthì đúng 12 giờ trưa, mặt trời phải đứng bóng (tròn bóng), giờ cổ truyền là chính Ngọ. Ông nhận thấy có 3 trường hợp:

- Các địa phương về phía Tây kinh tuyến trung tâm 105oĐ, Mặt trời đã đứng bóng trước 12 giờ trưa.

- Địa phương xấp xỉ với kinh tuyến 105oĐ thì 12 giờ trưa (sai số vài giây đồng hồ), Mặt trời đứng bóng.

- Các địa phương phía Đông kinh tuyến 105oĐ, phải sau 12 giờ trưa, Mặt trời mới đứng bóng.

Qua 3 trường hợp đó, ông kết luận:

- Đồng hồ chỉ 12 giờ trưa, Mặt trời đứng bóng, là giờ thực địa phương của kinh tuyến trung tâm 105oĐ.

- Địa phương ở phía Tây kinh tuyến trung tâm, Mặt trời đã đứng bóng, xảy ra trước 12 giờ trưa của đồng hồ. Lúc đó, giờ cổ truyền thực địa phương là chính Ngọ. Giờ thực địa phương là 12 giờ trưa. Trong khi đó, đồng hồ chưa tới 12 giờ trưa.

- Địa phương ở phía Đông kinh tuyến trung tâm, Mặt trời đứng bóng xảy ra sau 12 giờ trưa của đồng hồ. Lúc đó, giờ cổ truyền thực địa phương là chính Ngọ. Giờ thực địa phương là 12 giờ trưa. Trong khi đó đồng hồ chỉ đã qua 12 giờ trưa.

Như vậy theo nguyên tắc: Mặt trời đứng bóng ở đâu là 12 giờ trưa ở đó, đấy cũng là giờ thực chính Ngọ của địa phương. 12 giờ trưa của địa phương khác với 12 giờ trưa của đồng hồ. Sự khác nhau này có một sai số chênh lệch, gọi là thời sai.

Miệt mài đọc sách và tính toán, ông chỉ tìm được trị số trung bình của thời sai. Trị số trung bình này khác với thời sai của từng ngày tới vài phút. Cổ học phương Đông không cho phép sai lệch tới 1 phút đồng hồ. Sai 1 phút có thể chuyển từ năm âm lịch này sang năm âm lịch khác, từ tháng âm lịch này sang tháng âm lịch khác, từ ngày âm lịch này sang ngày âm lịch khác.

Lại một quá trình tìm kiếm quên ăn, quên ngủ. Nhiều đêm ông chỉ ngủ 3 tiếng, nhiều nhất là 5 tiếng đồng hồ. Sau đợt làm thí nghiệm, gần như suốt ngày đêm trên chiếc máy tính cũ (dùng đã 7 năm) ông tính được thời sai của từng ngày, từ đó tính được đầu giờ cổ truyền của từng ngày trong suốt 540 năm (vì lúc đầu ông định viết một quyển Lịch Vạn niên từ năm 1864 đến hết năm 2403).

Cuốn Lịch Vạn niên dày 4.000 trang, trải dài suốt 540 năm này (một kỷ lục nữa), được đánh giá cao, vì nó giúp cho những người nghiên cứu cổ học phương Đông và các thày thuốc y học cổ truyền (châm cứu và bấm huyệt) hành nghề đúng với khoa học; giúp người dù không biết nhiều kiến thức về cổ học phương Đông và lịch pháp, nhưng khi mở cuốn lịch ra đều biết được kinh tuyến và giờ cổ truyền chính xác của mọi địa phương trên dải đất hình chữ S thân yêu này.

Tuy nhiên, để hoàn thành nó, ông già gần 80 tuổi lại tiếp tục trải qua những hành trình gian khó ghê gớm nữa.

Việt Nam dùng lịch Trung Quốc sẽ không chính xác

Ông Nguyễn Mậu Tùng - nguyên Trưởng ban Lịch Nhà nước, người Việt Namduy nhất là thành viên của Hiệp hội Lịch thế giới (IAU) cho biết: “Hiện tại, những cuốn lịch Trung Quốc được dùng tràn lan ở Việt Nam mà không rõ xuất xứ và tác giả sẽ gây ra nhiều điều đáng tiếc. Bởi giờ pháp định của Việt Nam là múi giờ thứ 7, còn giờ pháp định của Trung Quốc là múi giờ thứ 8. Do đó, dùng lịch Trung Quốc ở Việt Namlà không chính xác, bởi một số ngày, tháng của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau. Có những ngày theo lịch Trung Quốc là ngày tốt, ngày khai trương, xuất hành... nhưng sang lịch Việt Nam lại là ngày xấu, không nên làm những việc lớn. Dùng lịch Trung Quốc ở vùng địa lý Việt Nam có múi giờ thứ 7 sẽ dẫn đến nhiều sai lầm về thiên văn, lịch pháp, tập quán sinh hoạt cũng như ứng dụng trongy học cổ truyền và nghiên cứu cổ học phương Đông. Tìm ngày lành, tháng tốt, có khi lại nhầm thành ngày dữ, tháng xấu, đáng lẽ châm cứu bấm huyệt vào đúng giờ quy định của người xưa thì lại châm cứu, bấm huyệt vào thời điểm mà sách của người xưa cấm”. Chính vì thế Tết cổ truyền năm 2007, âm lịch Việt Nam và Trung Quốc lệch nhau 1 ngày.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.