Giáo sư Đặng Thai Mai: Người "chăm những luống xanh, cho thời đại con người"
Nhắc về ông là nhắc về một nhà trí thức yêu nước, một nhà văn, một học giả uyên thâm, một người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò Việt Nam . Nói về gia đình ông là nói về một trong những gia đình hiếm có ở Việt Nam , một gia đình lớn, với truyền thống giáo dục đặc biệt.
Những người con của ông ngày hôm nay đều là những trí thức có nhiều đóng góp cho xã hội trên nhiều lĩnh vực. Con gái đầu của ông là PGS Đặng Bích Hà - người bạn đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp đến là PGS Đặng Thị Hạnh, vợ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, PGS-TS Đặng Anh Đào là vợ của trung tướng Phạm Hồng Sơn.
Hai người con gái nữa của ông là Giáo sư văn học Đặng Thanh Lê, giảng dạy tại khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội và PGS TS Đặng Xuyến Như đang làm việc tại Viện Ứng dụng công nghệ. Ông có một người con trai duy nhất nay là Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng.
PGS-TS Đặng Anh Đào là người có khả năng làm ta xúc động mãnh liệt khi viết về những chi tiết vô cùng nhỏ trong đời sống, những kỷ niệm rất dễ trôi qua trong ký ức con người. Tôi còn nhớ bà viết rất xúc động của bà về tách cà phê trong cuộc sống của nhà văn Đặng Thai Mai, người cha thân yêu của mình. GS Đặng Thai Mai vốn là người không bao giờ rời bỏ thói quen uống cà phê mỗi ngày. Vậy mà có một thời kỳ - theo lời kể của bà: "Trong suốt ba tháng tiếp theo, ba tôi không hề uống một giọt cà phê và sau đó không bao giờ còn trở về nhà mình để uống cà phê nữa. Tới bây giờ, thỉnh thoảng có đêm chợt tỉnh dậy tôi lại nhớ đến tiếng thở dài sâu thẳm trong đêm của người mất ngủ mà vẫn không bỏ được cà phê. Để rồi tới khi thôi uống cà phê, cũng là lúc từ bỏ hết mọi thứ ở cuộc đời này".
Nói về cha mình, PGS-TS Đặng Anh Đào nhắc lại những câu chuyện giản dị. "Cha tôi là người làm việc suốt ngày. Bên ông lúc nào cũng chỉ sách là sách. Hồi đó chưa có tivi. Chị em chúng tôi ảnh hưởng từ ông thói quen đọc sách một cách hết sức tự nhiên. Gia đình chúng tôi không khi nào có nhiều tiền, nhưng luôn có nhiều sách. Tôi lớn lên thì cách mạng bùng nổ, không còn được đi học Pháp văn bài bản như các chị tôi. Nhưng tôi đã tự học tiếng Pháp bằng chính những cuốn sách của ba có ở trong nhà mình".
Nhờ những cuốn sách của cha và tinh thần tự học mà PGS-TS Đặng Anh Đào đã trở thành một dịch giả với các dịch phẩm được nhiều người biết tới như: "Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX", "Thế kỷ ánh sáng", "Pieret", "Truyện ngắn phương Tây". Tình yêu đối với văn học chính là tài sản quý giá bà được thừa hưởng từ người cha thân yêu.
GS Đặng Thai Mai sinh năm 1902, người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và giàu lòng yêu nước. Ngay từ khi còn nhỏ Đặng Thai Mai đã sớm phải chịu cảnh chia lìa.
Thân phụ ông là phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, bị thực dân pháp bắt trong phong trào Duy tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và bị đày đi Côn Đảo. Đặng Thai Mai sống cùng bà nội từ năm lên 6 tuổi và được bà nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước và dạy cho chữ Hán, chữ Quốc ngữ.
Năm 23 tuổi, chàng thanh niên Đặng Thai Mai trở thành sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Học xong ông về Huế trở thành thầy giáo của trường Quốc học Huế. Ông bị giặc Pháp bắt giam nhiều năm vì tham gia phong trào "Cứu tế đỏ".
Ra tù ông về Hà Nội, trở thành một trong những người sáng lập ra Trường tư thục Thăng Long, sau đó là Hội truyền bá chữ Quốc ngữ và bắt đầu viết một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp nêu gương những người chiến sĩ trong buổi đầu cách mạng.
GS Đặng Thai Mai trong suốt cuộc đời mình đã kinh qua nhiều vị trí: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch ủy ban Hành chính Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học... Có thể thấy GS đã gắn bó trọn đời mình với sự nghiệp văn hóa, giáo dục.
Ông viết văn, viết báo, và nghiên cứu nhiều công trình về văn học nghệ thuật quan trọng rất cần thiết cho người làm công tác văn hóa, văn nghệ, nổi tiếng nhất là cuốn "Văn học khái luận", được đánh giá như một nền móng cho công tác nghiên cứu, lý luận phê bình thời kỳ mới.
Trong đó ông đề cao tiếng Việt như một phương tiện "có đủ khả năng để phát triển, để truyền bá tư tưởng mới, tư tưởng khoa học, tư tưởng dân tộc và dân chủ".
Nguồn: vnca.cand.com.vn (04/10/07)